Sunday, April 10, 2011

Tiệm Donut Và Người Anh Họ

Vinh


Dịp đi Calgary ăn cưới người quen làm cùng sở, tôi ghé thăm người anh con bác ruột ở dưới đó. Kể từ khi lập nghiệp tại đây, anh vẫn thỉnh thoảng gọi điện nói chuyện thăm hỏi với người anh lớn trong gia đình tôi nhưng chúng tôi chưa đi thăm nhà nhau vì xa xôi cũng có , bận rộn cũng có . Hơn nữa, nơi anh họ tôi ở cũng chẳng có gì hấp dẫn tới mức độ có thể lôi cuốn mình phải hy sinh những ngày nghỉ lễ , phép hiếm hoi ! Thiếu gì nơi gần hơn còn chưa đi thăm thú hết . Thời gian cứ vùn vụt trôi chốc lát đã hàng chục năm ai cũng mải lo toan cho cuộc sống gia đình . Cũng may tiện dịp dự đám cưới thì ghé thăm anh . Lần chót gặp nhau ở Việt nam tôi còn là cậu nhóc 13 tuổi còn anh đã có gia đình và ba con nhỏ. Trong dòng họ bên nội tôi, anh là người rất tình cảm . Tôi nhớ lần nào anh đến chơi hoặc gia đình tôi xuống nhà anh chơi , anh cũng cho tôi quà. Khi thì cái kẹo, cái bánh. khi thì vài đồng hào lẻ… Chị gái tôi học sư phạm gần nơi gia đình anh ở nói mỗi lần đạp xe về nhà chơi gặp anh ngoài phồ thế nào anh cũng lôi về nhà bắt ăn cơm rồi gói ghém quà cho chị mang về trường : “Ăn cho đỡ đói chứ ở trường ăn uống kham khổ lắm” !Chị bảo lúc chị dắt xe ra về, anh ân cần tiễn chị ra tới ngoài đường rồi lại cho chị tiền , thường là 5 đồng ( một số tiền tương đối lớn của thời gian đó). Dù mức sống của gia đình anh cũng chỉ trung bình . Bây giờ, khi đã lập gia đình và có một con, tôi mới có dịp tới thăm lại anh. Vẫn giữ nguyên trong trí nhớ hình ảnh của người anh họ đáng mến ngày xưa, tôi tới thăm anh mà không báo trước. Biết giờ này anh đang ở nơi làm việc nên tôi đi thẳng tới tiệm Donut của anh (Sau hơn mười năm làm việc cần mẫn, anh đã học được nghề cũng như tích lũy được số vốn, anh mua lại chính tiệm đó khi ông chủ cũ về hưu) . Nghề này, theo anh nói vất vả nhưng cũng kiếm ăn được. ( Nghề nào mà dính dáng đến ăn uống cũng đều vất vả nhưng công được bù lại bằng nhà cao cửa rộng, kinh tế ổn định và con cái có điều kiện theo học đến nơi đến chốn) Anh còn hỏi gia đình tôi có ai muốn mở tiệm thì anh sẽ giúp về kinh nghiệm , dạy nghề.. . Thú thực, nghe cũng thích nhưng ngại vất vả . Mình cũng có công ăn việc làm ổn định nên rồi cũng không hào hứng lắm. Rồi công việc lôi cuốn , gia đình tôi cũng chỉ thỉnh thoảng gọi phone nói chuyện vào những dịp lễ tết với anh mà việc này đều do anh trai tôi đảm nhiệm. Vào tiệm, đinh ninh sẽ gặp ông anh trong vai trò ông chủ bệ vệ điều khiển nhân viên làm việc vì bên ngoài nhìn tiệm khá lớn . Ai ngờ vào trong chỉ thấy mấy cô nhân viên da trắng tóc vàng đang bận tíu tít . Lòng đầy nghi ngờ sinh ra nghi ngại hay là vào nhầm ? Hay là… ! ? Cô nhân viên vừa tươi cười hỏi: “ May I help you” ? Tôi cũng đánh bài liều lên gân: “ Cho tôi gặp ông chủ” . Cô vui vẻ dẫn tôi ngồi xuống một cái bàn trống nói tôi đợi, cô sẽ thông báo ông chủ biết. Khi cô quay trở lại , đi theo sau cô là một ông tóc bạc gần nửa, mặc cái tạp dề trắng , đội mũ thợ nấu. Tay chân vẫn còn vương bụi bột trắng toát . Cô nhân viên lịch sự giới thiệu tôi với ông chủ mà thoạt nhìn, tôi đã nhận ra ông anh của mình . Anh chào tôi và hỏi bằng thứ tiếng Anh gượng gạo: “ Tôi có thể giúp anh điều gì” ? Máu tếu nổi lên , tôi hỏi lại cũng bằng tiếng Anh: “Ông có biết nói tiếng Hoa” ? Anh trả lời “ Yes” rồi tôi lại tiếp : “Ông có biết nói tiếng Pháp” ? Anh trả lời không và tỏ ra hơi sôt ruột ! Tôi lại thủng thẳng : “Ông biết nói tiếng Việt” ? Xem ra anh có vẻ bực mình nên câu trả lời bằng tiếng Việt của anh có vẻ nhấm nhẳng : “ Biết, mà cậu muốn gì thì nói thẳng ra, tôi đang rất bận ” ? “ Em muốn xin việc” ! Anh thẳng thắn “ Tiệm tôi hiện giờ chưa cần người” ! Biết anh vẫn chưa nhận ra, tôi ném hòn đá thăm dò : “ Em quê ở Quảng ninh , nhà ở ngã tư thị xã Uông bí . Mới đến đây chưa tìm được việc làm để nuôi gia đình nên việc gì cũng làm hết”! Anh nhìn tôi ngờ ngợ rồi bất ngờ dùng cả hai bàn tay vỗ bồm bộp lên vai tôi: “ Mày là thằng Vinh . Tao cũng nghi nghi nhưng sao bây giờ mày lém thế” ? “ Thì ngày xưa, em còn nhóc con nên làm sao được nói chuyện tay đôi với anh ” ! Rồi anh em rối rít ôn chuyện cũ trong cảm động . Anh nhờ cô nhân viên đưa “ cây nhà lá vườn” gồm Donuts và cà phê đãi tôi . Lưu luyến mãi cũng phải chia tay . Ông anh họ tôi vẫn tình cảm như xưa , tiễn tôi ra cửa, anh nhắc tôi cố gắng dành thời gian đến thăm gia đình anh. Rồi đột ngột , anh cầm tay tôi, nhét vào lòng bàn tay tờ bạc $ 100.00 dollars, anh nói: “ Bây giờ, tao biết mày không cần nhưng tao vẫn coi mày như thằng em nhỏ ngày xưa ở Việt nam”. Rất cảm động nhưng tôi vẫn tếu lại: “ Em cần chứ , anh còn nữa cho em xin”. Anh cười , đuôi mắt đã có nhiều nếp nhăn . Ánh mắt tinh anh không còn linh hoạt như xưa nhưng tình cảm của anh dành cho những đứa em vẫn nguyên vẹn không hề sứt mẻ theo thời gian

No comments:

Post a Comment