Sunday, May 29, 2016

BẠN FACEBOOK
Xin mạn phép cụ Trần Tế Xương để nói về " Bạn" Facebook:
Kết bạn ngày nay đã khác rồi,
Một người biết mặt, chín người không.
Còn nhớ thuở học trò, mỗi lần cha mẹ đi họp phụ huynh về thế nào cũng hỏi ; " Cái cậu, cô A, B, C, D... có phải là bạn của con không"? Nghe cách hỏi và nhìn nét mặt các cụ là biết liền "Ý đồ" cha mẹ. Cái "thằng" A học dốt lại chuyên môn trốn học! Cái con bé B tí tuổi đầu đã tập tễnh học yêu.... Sức mấy ta dám hiên ngang đáp lời cha mẹ : " Nó là bạn con"! Trả lời thế khác nào lộ " bí mật" của mình lại còn khắc thêm vết hằn lên trán mẹ, cha? Lớp học tối đa 50 tên ai mà không là bạn? Ngồi cùng lớp, có khi cùng bàn. Cùng nghếch mắt nhìn lên tấm bản đồ thầy địa lý đang chỉ trên bảng! Cùng cuống cuồng sợ hãi chạy trối chết những buổi tối đi học về ngang qua nghĩa địa... Cùng… chung nhiều thứ lắm! Còn biết nhà "Nó" ở ngõ nào, có mấy anh chị em, bố mẹ nó làm gì... Biết hết! Biết kỹ thế mà chưa chắc đã " Bạn" dù " Nó" đã và vẩn là bạn cùng lớp từ lâu rồi!
Bạn hiểu theo nghĩa học trò chúng tôi là người hợp với mình về một góc nhìn nào đó! Như cả nhóm cùng chung sở thích đọc thơ ... Tình!? Có vài "Thằng" thuộc loại chậm nói nhưng "chúng" bám chặt nhau mọi nơi mọi lúc để chia sẻ đề tài mới nhất trong "Toán học tuổi trẻ" ! Cùng vò đầu, nhăn trán tìm ra nhiều cách giải cho một phương trình... Lại có những cô tụ tập nhau để hát hò hay chỉ cho nhau cách đan kiểu áo mới... Nghĩa là, đã được người khác coi là bạn thì ngoài vấn đề biết rõ về nhau còn cần phải có một vài điểm chung nhau để những khi tụ họp bàn chuyện trên trời dưới bể thấy vui, hấp dẫn đến mức độ không muốn ra về mới có thể coi nhau là bạn. Thế nên, khi cha mẹ hỏi về bạn của mình nghĩa là họ muốn tìm hiểu tính cách con của họ chứ không phải họ quan tâm đến tính cách đứa trẻ khác học cùng lớp con mình! Các bậc cha mẹ thường tin : " Gần mực thì đen"! Họ tin vậy thì ta cũng chứng tỏ : " Gần đèn thì rạng" bằng cách lôi con bé C giỏi văn nhất lớp và "Thằng" D chuẩn bị đi thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh là bạn để yên lòng cha mẹ! Mà ta có dối trá đâu! C và D học cùng lớp với ta từ cấp một đến hết cấp 3 kia mà!
Dân Facebook rất thoáng trong vấn đề "Bạn"! Không khó khăn trong việc nhận người khác là bạn như ta ngày xưa! Dĩ nhiên, phần lớn vẫn là những người đã từng quen biết với nhau ngoài cuộc sống. Đã từng chung trường chung lớp hay cùng cơ quan! Đã từng chia sẻ ngọt bùi cay đắng hoặc ít nhất chưa từng gặp nhau ngoài đời nhưng là bạn của bạn ta. Hoặc có nhiều trường hợp cảm mến nhau qua những áng thơ hay, những hình ảnh đẹp hoặc lời chia sẻ thân tình... Chưa gặp ngoài đời, chỉ biết nhau qua ảnh ( Không biết ảnh thật hay giả nữa!) nhưng ít nhất có vài điểm chung để cùng đem lại niềm vui cho nhau.
Không thể so sánh việc chọn bạn kỹ càng ngày xưa với việc coi bất cứ người thân, người lạ nào trên mạng muốn kết nối với ta làm bạn FB để biết cách nào hay hơn! Tất cả chỉ là tương đối và thích hợp với từng thời điểm nhất định! Nhưng, tôi có khắt khe không khi vẫn cứ mong muốn dù thân hay chưa quen trong quá khứ, ít nhất những người bạn trên mạng cũng cùng chung một vài sở thích nhỏ! Không gì khó thương bằng khi ta nhìn thấy bức tường màu trắng mà bạn ta khẳng định nó màu đen! Một áng thơ hay được cả nhà FB xúm vào ‘mổ xẻ” từ hay ý đẹp cũng như khiếm khuyết của nó sẽ là món quà tinh thần thanh cao không gì sánh nổi!

Thursday, May 19, 2016

Khi Chồng Không Lãng Mạn
Tôi tình cờ đọc một bài trên mạng do cô gái tuổi 32 tâm sự. Cô từ VN sang Mỹ ở lứa tuổi 20. Qua Mỹ, cô học xong đại học, có công việc làm tốt rồi lập gia đình với người chồng cũng ngừơi Việt như cô . Chồng cô là người tài giỏi có công việc tốt, kiếm tiền rất nhiều bảo đảm cho cô một cuộc sống sung túc. Biết chăm lo mọi việc và thương yêu cô. Tiền bạc giao hết cho cô quản lý, sử dụng tùy ý… Nhưng, chồng cô không Romantic như những người Mỹ bản xứ ( Thói quen bình thường của hầu hết đàn ông người Á)!
Ngày lễ, tết, sinh nhật, valentine… chồng cô chỉ biết đưa cô đi ăn, không bao giờ biết tặng cô một đóa hoa! Cô buồn nhưng không nói gì! Cô làm việc trong công ty nhỏ chừng trên dưới 100 công nhân. Ông chủ công ty đã có vợ con đàng hoàng và hơn cô 18 tuổi. Cách cư sử của ông với cô hay với bất cứ nhân viên trong hãng là đàng hoàng, lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau như bất cứ người Mỹ nào. Hôm sinh nhật cô, vừa bước chân vào phòng làm việc cô đã nhìn thấy lẵng hoa đẹp đặt trên bàn với tấm thiệp chúc cô ngày sinh nhật vui vẻ! Tấm thiệp không đề tên người gửi! Cả buổi làm, cô quẩn quanh với câu hỏi ai là chủ nhân lẵng hoa! Tan tầm, cô biết ông chủ là người tặng cô lẵng hoa này khi ông hỏi cô có thích lẵng hoa không? Về nhà, chồng dẫn đi ăn nhưng cũng chẳng biết tặng vơ một bông hoa hay một cử chỉ gì lãng mạn hơn ngày thường! Cô buồn rồi cô so sánh cách đối sử giữa chồng và ông chủ! Dần dần cô ngả vào tay ông chủ khi nào chẳng rõ! Rồi cô có thai! Những người mẹ khi mang thai thường hay mơ ước những điều tốt đẹp với hy vọng “Dạy” con mình từ thuở trứng nước! Riêng cô, cô dằn vặt, lo sợ đứa trẻ sinh ra tóc đen hay vàng? Mắt xanh hay nâu… Và tương lai cô sẽ về đâu nếu đứa trẻ không giống chồng cô?
Đọc xong bài này, rất nhiều người thương cô và trách anh chồng! Tôi lại không trách anh chồng mà tôi trách cô! Không phải người phụ nữ nào ở lứa tuổi 30 cũng có thể lấy được chồng tài giỏi lại biết yêu thương vợ ! Chồng cô không tặng hoa vì chồng cô đơn thuần như đa số những người đàn ông châu Á ít lãng mạn! Nếu chồng cô người Mỹ, ông ta có giao tiền lương cho cô quản lý, sử dụng tùy ý như ông chồng người Á không? Cô đã qua lứa tuổi 20, suy nghĩ của cô phải chin chắn khi cân nhắc mọi việc trước khi làm! Đã là vợ chồng, nếu chồng quá vô tâm, cô phải khéo léo tỏ cho chồng biết sở thích của mình! Chồng cô tin tưởng cô nhưng cô vẫn nghi ngờ! Nghi ngờ nên cô không nói thẳng cho chồng biết mình muốn gì! Đọc toàn bộ tâm sự của cô, tôi chỉ thấy cô im lặng, im lặng rồi ngả vào vòng tay người đã có gia đình mà cô biết chắc chắn: “ Không bao giờ ông ấy bỏ gia đình và những đứa con của ông ta”! Cô đã cân nhắc khi nghĩ đến điều đó nghĩa là cô đang tìm cho mình một hướng đi khác!
Có lẽ, cô không hề biết ở Mỹ, rất nhiều cặp vợ chồng phải đi làm nuôi gia đình nhưng chưa chắc đã có cuộc sống sung túc như cô! Có người phải làm tới 2 Job mới đủ chi trả cho nhu cầu sống và dành tiền lo cho con cái vào đại học! Những cặp vợ chồng đó có muốn chi tiền vào những lẵng hoa đẹp, lãng mạn nhưng chưa thiết thực để tặng nhau không? Hơn nữa, chồng cô đâu có quên lãng những ngày lễ, sinh nhật của cô: “ Những ngày đó, chồng tôi chỉ biết đưa tôi đi ăn nhà hàng”!
Tôi còn nhớ thập niên 80, khi mức lương tối thiểu trả cho công nhân 2.80/ giờ ( nhưng phần lớn các hãng xưởng trả cao hơn mức lương nhà nước qui định). Cô em tôi làm $ 4.00/giờ. Ngày Valentine, chồng cô khệ nệ vác bó hoa gồm 36 bông hồng hảo hạng hãnh diện vào thẳng phòng làm việc tặng cô giữa tiếng hò reo khích lệ của các cô bạn đồng nghiệp! Tất cả mọi người ai cũng tươi cười chúc mừng cô nhưng cô em tôi lại nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nhận bó hoa từ tay chồng mà không nói một câu gì! Mọi người, kể cả chồng cô tưởng cô cảm động đến rơi lệ! Tôi cũng nghĩ như vậy nhưng về nhà, cô bảo tôi : “ Đúng là stupid! Bó hoa ngốn hết 2 ngày lương trong khi chúng em đang dành tiền mua nhà”!
Bạn sẽ làm gì nếu chồng bạn là người không lãng mạn?

Thursday, May 5, 2016

Park & Ride * Đậu Xe Và Đi Xe
Trên đường cao tốc gắn biển chỉ đẫn lối vào Park & Ride.
Tôi nghe cụm từ này từ lâu nhưng không hiểu rõ ràng và cũng chẳng muốn tìm hiểu vì thấy nó không liên quan tới mình! Cái gì mà đậu xe rồi lại đi xe ? Những người sống ở trung tâm thành phố đầy tiện lợi với hệ thống bệnh viện, siêu thị, nhất là các trạm xe bus nhan nhản khắp từng góc đường mà mỗi chuyến xe chỉ cách nhau từ 5 tới 10 phút chờ đợi chẳng khi nào nghĩ đến “dân” ngoại ô sẽ đến trạm xe bus bằng cách nào thì cần gì bận tâm tới Park & Ride?
Thập niên 80, trừ trung tâm thủ đô đông vui nhộn nhịp thì các vùng ngoại ô như Kanata chẳng hạn chỉ mênh mông bãi ngô, đàn bò và những nông trại ở cách nhau hàng vài cây số trở lên.
Trạm xe bus ngay lối vào Park and Ride 
 Khi các hãng điện tử đua nhau mở xưởng tại khu vực này thì nông trại dần lui bước dành chỗ cho hãng xưởng đồng thời khu dân cư cũng mở rộng đáp ứng nhu cầu của những người làm việc tại đó. Dần dần, người làm việc ở trung tâm phố cũng tìm cách mua nhà nơi đây vì “ nguồn” nhà trong phố đã cạn kiệt! Tuy nhiên, nếu so mật độ dân số ở Kanata với trung tâm phố thì vẫn hết sức thưa thớt.
Xe Bus đến đón khách 
Nếu như bây giờ, đa số dân công sở ở trung tâm phố chịu khó đi xe bus vì rất khó đăng ký được chỗ đậu xe tại nơi làm! Đó là chưa kể, ngoài tiền mua xăng còn phải cộng thêm tiền mua chỗ đậu xe! Chỉ riêng tiền trả cho chỗ đậu cũng đắt hơn tiền đi xe bus rất nhiều trong khi các trạm xe bus chỉ cách nhà mình vài bước chân thì tội gì đi xe riêng cho tốn tiền?
Bãi đậu xe ken kín 
Nhưng dân ngoại ô thì sao đây? Dân cư thưa thớt nên không phải góc đường nào cũng có trạm xe bus! Muốn tới trạm xe bus cũng một vài cây số! Nếu làm ở ngoại ô khỏi cần nói, họ sẽ đi xe nhà vì đa số chỗ đậu xe hãng xưởng ngoại ô miễn phí! Nhưng dân ngoại ô làm ở trung tâm phố có muốn chi tiền đậu xe đắt hơn tiền đi xe bus không? Mà có mua nổi chỗ đậu xe đang ngày càng khan hiếm không? Còn đi xe bus thì làm cách nào đi từ nhà đến trạm xe ? Chẳng lẽ bỏ việc hay chuyển nhà từ ngoại ô vào phố cho tiện đi xe bus? … Một bài toán hết sức đau đầu cho dân ngoại ô!
Đậu xe miễn phí tại đây rồi nhảy lên xe bus
Thế mà Park & Ride đã có giải pháp hết sức tuyệt vời. Không biết ai đã nghĩ ra giải pháp này? Vừa tiết kiệm lại vừa tiện lợi mọi đằng. Ngoài ra, còn tránh được lượng xe khổng lồ đổ vào trung tâm phố trong giờ đi làm mỗi buổi sáng gây tắc xe ! Tôi ghé vào Eagleson ( East ) Park & Ride. Ngay tại cổng vào là trạm đón xe bus có cả điện thoại công cộng cạnh đó dù thời buổi này, hầu như ai cũng sử dụng Cell phone. Đi sâu vào trong là những bãi đậu xe miễn phí rộng mênh mông có máy ảnh giám sát! Gần cuối bãi đậu lại thêm một trạm đón xe bus nữa! Những người ở ngoại ô nhưng làm việc trong trung tâm phố hay ở những nơi khó kiếm chỗ đậu xe hoặc phải trả tiền đậu xe… chỉ việc lái xe đến bãi đậu xe rồi ung dung vài bước chân nhảy lên xe bus đang chờ! Vừa tiết kiệm được tiền đậu xe, tiền mua xăng, tránh tắc đường trong giờ cao điểm cũng như không cần lo lắng nếu từ nhà đến trạm xe bus xa vài cây số! Bỏ tiền ra mua những lô đất rộng mênh mông ở ngoại ô xây bãi đậu xe miễn phí cho người dân đi làm trong trung tâm phố đã tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, thì giờ cho nhà nước và người dân !Park & Ride đơn giản, tiện lợi thiết thực cho tất cả mọi người!
Có cả điện thoại công cộng cho người cần sử dụng.