Sunday, October 30, 2011


Halloween PartyHội Phố

Từ mấy năm nay, cháu tôi hay mở Halloween Party ở nhà với những thành viên trẻ trong gia đình và bạn bè thân thiết. Thường mở vào tối thứ bảy hoặc chủ nhật trước Halloween nếu Halloween không rơi vào ngày nghỉ cuối tuần . Tôi thuộc lớp “ Cổ lai hy” nên không nằm trong danh sách được mời nhưng : “ Who cares” ? Tôi cứ xông đại vào nhà coi bọn trẻ ăn uống, nghịch ngợm ra sao ? Không lẽ chúng đuổi mình ra ? Năm nay coi bộ phần hóa trang xôm tụ . Có thể điểm ra vài nhân vật nổi bật nhất đó là một “Ông Tiên” có đủ râu tóc, mũ mãng “ Như tiên” ! Tôi liền túm lấy tiên ông đòi chụp ảnh chung . Dĩ nhiên, chụp thì cứ việc nhưng post lên mạng thời xin miễn ! Lóp trẻ ngày nay bảo mật quyền lợi riêng tư cao lắm ! Mình loạng quạng ỷ quyền cha chú có lúc vấp ngã ! Chẳng dại ! Nhân vật nổi bật thứ hai là… Thôi hãy coi hình để biết đó là ai ? Rồi công chúa, phù thủy . Rồi Cleopatra và Caesar ! Rồi mèo , rồi thú . Có cả trứng và bacon trông ngon mắt … thiên hình vạn trạng . Mà mỗi bộ trang phục có phải it` tiền đâu ! Thực ra, loại rẻ tiền từ vài đồng cũng có nhưng mặc chẳng giống ai ! Còn loại “trông như thật” thì giá từ vài chục trở lên ! Nhưng có sao, tuổi trẻ chưa cần nhiều tiền nên cứ mua sắm thoải mái . Mặc một lần rồi quăng bỏ vì không lẽ năm sau mặc lại ? Lúc nào cũng cần mốt mới theo nhu cầu ! Được cái, bọn trẻ đua nhau trổ tài làm các món ăn trông kinh dị như bánh nướng hình con nhện đủ màu sắc bò lổm ngổm . Nước uống bằng dâu tây đỏ như máu . Nhà cửa trang trí bí hiểm, rùng rợn bởi màu đen trắng loáng thoáng đỏ, cam… Ngay cả những bức ảnh treo tường cũng được thay bằng loại ảnh ẩn hiện làm cho người nhát gan, không biết phải rùng mình, sởn gáy vì nhìn góc này là một chàng trẻ tuổi đẹp trai nhưng ngó sang góc khác là một cái đầu lâu ghê gớm . Tôi cũng chỉ ghé thăm một cách qua quýt theo kiểu” cưỡi ngựa xem hoa” rồi về chứ không tham dự, ăn uống . Tuy nhiên, cũng phải đeo mặt nạ để lớp trẻ không biết cho họ được tự nhiên thi thố tài năng . Halloween năm nay trời chưa lạnh lắm và tuyết chưa rơi nên có thể sẽ đông đảo trẻ em gõ cửa để xin kẹo . Hình như , càng cho được nhiều kẹo thì càng may mắn nên hầu như nhà nào cũng để quả bí ngô cắt thành hình mặt người bên trong thắp nến sáng trưng đặt trước cửa nhà mình để dẫn đường cho trẻ em đến . Xin chúc các bạn trẻ một halloween an lành, vui vẻ.



Friday, October 21, 2011

Ottawa Mùa Thu

MÙA THU CHO EM

Thụy Anh

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc thương yêu
Em có nghe mùa thu nói
Hai chúng ta cùng chung lối
Mình yêu nhau nhé!
Em có hay mùa thu sương bay gió nhẹ
Em có hay thu về xóa dấu cô liêu
Em có hay mùa thu tới
Bao trái tim vương màu xanh mới
Tình ta ngất ngây!
Nắng úa vờn mi em
Mây xanh hay tóc rối
Đẹp môi em thơm nồng
Tình yêu vương má hồng
Anh hát bài cho em
Ru em yên giấc tối
Ngày mai mưa lưng đèo
Chờ em mùa thu tới
Em có mơ mùa thu cho ai nức nở
Em có mơ mùa mắt ướt hoen mi
Em có mơ mùa thu tới
Hai chúng ta sẽ cùng chung lối
Tình ta ngát hương!








Thursday, October 20, 2011



Lấy Lầm Chồng

Minh Thành

An An đang đứng trước gương, nghiêng nghiêng mái tóc mượt mà, ngắm nghía chiếc áo màu vàng nhạt hợp với nước da trắng mịn làm tôn vẻ đẹp dịu dàng và đôi mắt thông minh ngời sáng đầy niềm tin. Con bé đang chuẩn bị để đi dự lễ tốt nghiệp đại học của mình. Vài tiếng đồng hồ nữa, An An sẽ được đặt chân lên tấm thảm màu đỏ, bước lên khán đài nhận tấm bằng đại học mà cả gia đình chúng tôi đã mong đợi từ lâu. Sống mũi tôi tự nhiên cay cay. Tôi nhìn tấm hình mẹ An An đặt trên bàn học, hình như tôi thấy chị mỉm cưòi.Tôi thầm nghĩ: Chị ơi, em đã hoàn thành ước nguyện của chị. Con gái chị đã trưởng thành. Chị có thể thảnh thơi an nghỉ nơi chín suối." An An vẫn nghiêng mình trước gương chải tóc , trang điểm cho ngày trọng đại của mình. Nhìn con bé hồn nhiên, vui vẻ, trí óc tôi chợt lui lại một ngày cách nay chừng mười bảy, mười tám năm, khi An An còn là đứa bé con trong vòng tay mẹ.
Hôm đó, trời lạnh lắm, nhiệt độ ngoài trời xuống tới 21 độ âm. Tôi gặp mẹ con An An trong tiệm thực phẩm người Việt ở phố Tầu. Thấy chị dắt đứa con gái khoảng ba, bốn tuổi được mặc một bộ áo mùa đông nặng chinh chịch. Tay còn lại, xách hai túi đựng thực phẩm vừa mua. Cô bán hàng ái ngại nói: "Em thấy chuyến xe bus số 2 vừa chạy qua. Chị đợi khoảng vài phút hãy ra, kẻo ra sớm quá, đợi lâu, lạnh cháu bé!" Chị cám ơn, rồi đứng nhìn mông lung ra phía ngoài cửa kính, dáng chừng ngóng chờ chuyến xe kế tiếp. Thấy cháu bé còn nhỏ, sẵn lúc đó cũng rảnh, tôi ngỏ ý đưa chị về. Kể từ đó, chúng tôi trở thành những người bạn của nhau.
Chị ở một mình, cùng con gái. Chồng chị làm gì, ở đâu? Chị không hay biết. Hoặc chị cũng không muốn biết. Chị nhận hàng may tại nhà, vừa làm vừa trông con. Anh chồng chị cũng thỉnh thoảng dăm bữa nửa tháng, thậm chí nửa năm mới đảo qua nhà, quăng lên bàn một nắm tiền có khi vài trăm hoặc vài nghìn rồi vào phòng ngủ để ngủ như bị thiếu ngủ đã lâu. Họ hầu như không nói chuyện với nhau hoặc nói rất ít! Hai người sống với nhau như chia phòng trọ. Họ ở riêng phòng, không ăn cùng giờ với nhau nhưng ăn chung nồi cơm chị nấu! Một lối sống kỳ lạ? Không giống như vợ chồng hay bạn hữu? Cũng chẳng gây gổ, cãi nhau, to tiếng? Chị lủi thủi với con. Anh im lặng ra vào như cái bóng! Vài hôm ở nhà ngủ như lấy sức, anh lại đi! Không một lời chào, như hai hình nộm, cả hai cùng câm lặng, không biểu tỏ một cảm xúc gì trên mặt!
Chị ít nói, không muốn tâm sự chuyện gia đình. Nhưng tôi, một người đàn bà bình thường nên cố gặng hỏi chuyện chị mãi thì chị mơí hé lộ ra vài chi tiết như vậy. Khi kể lại chuyện, giọng chị bình thản, đều đều như kể chuyện cổ tích hoặc kể chuyện người khác. Lối sống của chị như co mình trong vỏ ốc. Chị ít giao thiệp, hầu như không có bạn bè. Lúc nào cũng ưu tư, trầm buồn.
Nhiều lúc, tôi kể chuyện vui, chị chỉ cười mỉm nhưng bộ mặt vẫn giữ nguyên nét buồn không thay đổi. Tôi khuyên chị nên sống cởi mở hơn, đừng khư khư ôm dĩ vãng mà buồn bã một mình! Khuyên chị học lái xe rồi mua một cái xe để đưa con đi chơi! Chị còn trẻ, có thể đi bước nữa nếu chị muốn vì chị có một sắc đẹp hết sức mặn mà. Còn nếu không muốn đi bước nữa thì cũng nên hòa đồng với mọi người, sống vui vẻ cho cuộc sống của chị và cả An An. Tội gì phải sống vì hình bóng của một người đàn ông chẳng ra gì... Chị lặng lẽ ngồi nghe tôi hùng biện rồi lại thở dài! Hình như thở dài là câu trả lời của chị! Chồng tôi cứ mắng tôi luôn về tội tôi hay tò mò, xía vào chuyện gia đình người ngoài! Tôi chống chế, chuyện lạ, ai mà không thắc mắc. Anh gạt đi: Để cho chị ấy yên thân.
Công việc nhà bận rộn, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau. Thăm hỏi vài câu rồi đường ai nấy đi. Chị ít nói, trầm lặng. Tôn trọng riêng tư người khác một cách tuyệt đối. Tôi lanh chanh, chuyện gì cũng muốn hỏi, muốn xía vào, muốn can thiệp. Hai cá tính khác nhau nhưng không khắc nhau mới lạ! Tôi thương chị có chồng cũng như không, lủi thủi một mình nuôi con. Chị độ lượng, thông cảm, hiền hoà, sợ làm phiền người khác, nhưng tôi biết rất rõ một điều: Chị tin tôi.
Lúc cô thư ký văn phòng luật sư gọi điện thoại khẩn cấp mời tôi tới bệnh viện thì chị đã lúc tỉnh lúc mê. Tôi lặng người khi nghe tin chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối! Chị đã giữ kín điều này một mình, không cho ai biết. Tôi nhớ lại, vài lần trước gặp nhau ở chợ, Chị than dạo này hay bị mệt, chóng mặt, người nhức mỏi ... Tôi khuyên chị đi khám bác sỹ và bồi bổ sức khỏe. Rồi cũng vô tình, tôi quên mất điều này vì nghĩ chị bị cảm cúm thông thường khi thời tiết thay đổi.
Cô Hồng, chủ shop may thấy chị nghỉ lâu không đến lấy hàng đã gọi phone hỏi. Biết chị bị ốm, Hồng mua quà đến thăm. Khi Hồng hỏi gặng vì thấy chị xanh xao,bệnh hoạn trầm trọng, chị mới tiết lộ tình trạng bi đát của mình và cho biết chị đã phải vào bệnh viện xạ trị hàng tháng. Hồng đã để ý đến chị nhiều hơn. Gọi điện thăm hỏi chị hàng ngày. Kịp lúc thấy chị quá mệt mỏi, kiệt sức vì xạ trị. Hồng tức tốc đưa chị vào bệnh viện. Trông nom An An và chạy đôn đáo tìm sự giúp đỡ của sở xã hội đối với trường hợp đặc biệt này. Cô mời luật sư tới bệnh viện để làm di chúc cho chị với một nguyện vọng duy nhất: Chồng chị không được nuôi con!
Hồng đã tìm gặp được chồng chị để yêu cầu anh ta thỏa mãn nguyện vọng này của chị. Anh ta đồng ý một cách dễ dàng với tất cả mọi điều kiện Hồng đưa ra! Trông anh ta có vẻ buồn và xem ra rất hối hận! Vả lại, theo Hồng nói, anh ta cũng không đủ khả năng chăm sóc An An vì lúc đó, anh ta không có việc làm và cũng không có cả chỗ ở nhất định! Anh ta nói với Hồng xin chị cho phép anh ta vào bệnh viện chăm sóc chị những ngày cuối cùng! Chị từ chối! Số tiền dành dụm trong ngân hàng chị uỷ thác tôi giữ giùm An An.
An An đã hơn mười tuổi, cô bé lăn lộn khóc bên giường mẹ. Phòng bệnh viện lúc đó chỉ có y tá, luật sư , cô thư ký, Hồng và tôi chứng kiến chị nằm cô đơn trong đau đớn. Người thân duy nhất của chị là An An. Ai cũng rơi nước mắt trước cảnh này! Chị nhìn An An rồi nhìn tôi, mấp máy môi, gắng gượng chỉ cái túi nhỏ trên mặt tủ. Tôi mở ra: Một cuốn nhật ký! Nước mắt chị lăn dài trên má: Giữ cho An An!
Bé An An được sở xã hội cung cấp tiền chi dùng. Tôi xin được lãnh trách nhiệm chăm sóc An An tại nhà tôi. Cô bé ngoan vô cùng và rất thông minh. Nhưng, khuôn mặt cô bé dường như cũng vương vương một nét buồn như mẹ! Ngoài giờ học, cô bé tham gia hầu hết các hoạt động từ thiện khi cô bé còn học trung học. Cô chủ shop may cũ của mẹ An An cũng rất thương cô bé. Sự quan tâm và giúp đỡ một cách tế nhị của Hồng đã nâng đỡ tinh thần An An làm cho cô bé bớt ưu tư. Nụ cười và niềm tin đang trở lại dần trong đời sống An An.
Mỗi lần chúng tôi đưa An An thăm mộ chị, Hồng và tôi đều thầm nói chị hãy yên lòng an nghỉ. Chúng tôi luôn bên cạnh An An để thay chị hướng dẫn An An thành người có ích cho xã hội.
Bây giờ, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của tôi. Tôi có thể trao cho An An cuốn nhật ký của mẹ cháu. An An đã trưởng thành. Tôi định sẽ cùng An An và Hồng tới trước mộ chị sẽ đưa cho cháu để chị chứng kiến. Đã nhiều lần tôi tò mò muốn đọc cuốn nhật ký này nhưng lại sợ chị chỉ dành cho riêng An An. Nhưng bây giờ, trước khi trao nó lại An An, một điều gì như thôi thúc tôi phải đọc nó. Phải hiểu tâm tư và ý nguyện của chị. Khi chị đã nhờ tôi giữ cho con chị, chắc chị cũng không buồn lòng nếu tôi biết được những gì đã xảy ra trong cuộc sống ngắn ngủi đầy ưu phiền của chị.
Vâng, tôi đã đọc cuốn nhật ký này trước khi trao nó cho An An.
Cuốn nhật ký của chị phần đầu cũng bình thường như những cuốn nhật ký của các cô gái vừa bước chân vào ngưõng cửa yêu đương. Cũng mơ mộng, say đắm. Cũng hò hẹn, giận hờn. Cũng nũng nịu, thơ ngây. Những hứa hẹn, thương yêu, đam mê đủ để cho chị vững tâm tin vào tình yêu và đi tới hôn nhân. Tuần trăng mật tuyệt vời qua đi, chị sống hạnh phúc bên chồng tới khi An An gần một tuổi thì chồng chị có những người bạn lạ mặt tới nhà. Họ cùng chồng chị đi chơi hay làm chuyện gì chị không được biết! Rồi chồng chị bỏ công việc đang làm, vắng nhà thường xuyên. Chị cũng la lối, gặng hỏi, khóc lóc như bất cứ người phụ nữ nào. Chồng chị đáp lại bằng sự yên lặng. Nhật ký của chị không có những đánh lộn, đổ vỡ! Không có bằng chứng vũ phu mà chỉ là sự im lặng vắng nhà biền biệt của người chồng và nước mắt tuôn tràn của chị trong những đêm đông lạnh giá. Cũng không thấy hờn ghen của người bị tình phụ ! Chị than thân trách phận được vài năm rồi chị câm nín, chịu đựng ! (Đó cũng chính là thời gian tôi gặp chị và quen chị). Phần cuối là giai đoạn chị biết mình bị ung thư rồi lặng lẽ một mình chuẩn bị những gì có thể làm được cho An An trong âm thầm, tuyệt vọng. Có nhiều dòng, chị phải đấu tranh với chính bản thân chị về những quyết đinh tuyệt vọng cho cả hai mẹ con! Rất may, chị đã đổi ý. Chị khóc rất nhiều trong nhật ký một mình! Không chia sẻ cùng ai! Chắc chị viết những dòng nhật ký này khi An An ngủ.
Tôi tưởng tượng trong màn đêm bao phủ vạn vật, tất cả mọi người đang ngon giấc. Riêng chị, không thể ngủ được vì đau đớn về bệnh tật và nhất là tinh thần. Chị nhìn An An bình yên trong giấc ngủ. Lòng đau như cắt, chị viết bằng cả trái tim rỉ máu của mình. Trong cô đơn cùng cực muốn nổ tung, chị viết như cào rách mặt giấy "Tôi đã lấy lầm chồng"!!!
Tôi có nên trao cuốn nhật ký này cho An An không?

Sunday, October 16, 2011


Những Ngày Xưa Thân ÁiNấc

Một lần, tôi bị nấc mất vài ngày . Nấc đến nỗi phải nghỉ dạy nằm nhà để… nấc ! Các bạn tôi , những giáo viên ở cùng khu tập thể xúm nhau lại chữa” bệnh” cho tôi . Khổ nỗi, tôi lại là “ thầy thuốc” chữa nấc giỏi nhất ở đây nên có bao nhiêu “ bài thuốc” hay trình làng hết mà không biết giữ lại cho mình phòng thân ! Mỗi khi bạn tôi chuẩn bị “chữa” tôi lại mỉm cưòi nói họ đừng tốn công , lừa ai thì được chứ qua mắt tôi sao nổi ! Riết rồi tất cả bực mình để tôi yên thân … nấc thoải mái cùng hy vọng một cơn gió lành sẽ đuổi bệnh cho tôi.
Rồi buổi chiều tối hôm đó, khi tôi lò dò xuống nhà ăn tập thể ăn tối thì chị Hưng bảo tôi : “ Bà cụ bán nước ở cây số 11 nhắn cậu đến gặp bà càng sớm càng tốt” ! Tôi ngạc nhiên hết mức ! Không hiểu do định kiến gì nhưng hầu hết giáo viên thời đó ít khi la cà hàng quán dọc đường vì sợ mất tư cách . Cần kíp quá thì ghé khách sạn . Bà cụ bán nước ở cây số 11 chỉ có một cái mẹt nhỏ trên đó bày lỏng chỏng vài thanh kẹo lạc và mấy cái bát bán nước chè xanh . Cụ bày ngay ngã tư bụi bặm lề đường . Thỉnh thoảng đi qua, tôi biết nhưng không bao giờ tôi mua bán gì và có lẽ, cụ không biết tôi là ai ! Vậy mà cụ nhắn tôi ? Chưa kịp hỏi lại chị Hưng thì chị Thuận vỗ trán : “ May quá , cô Hưng nhắc chứ thằng Phúc lớp trưởng lóp tôi phụ trách cũng nói tôi nhắn lại giùm từ mấy hôm trước . Hình như nó nói cô nợ cụ mấy đồng mua kẹo lạc mà lâu rồi chắc cô quên” ! Tôi hoảng hồn gần như muốn khóc ! Tôi đang ở lứa tuổi giữ mình yểu điệu thục nữ ,tề gia nội trợ đảm đang để hy vọng có người đưa tôi về “ nâng khăn, sửa… ví” . Con gái hơ hớ lại là cô giáo mà đã lê la quà vặt quán xá dọc đường đến nỗi nợ cả tiền mua kẹo ăn thì ai còn dám rước mình về ? Hơn nữa , bê tha như thế thì còn tư cách đâu để nhìn học trò nói chi đến dạy dỗ ! Trí tưởng tượng của tôi chạy nhanh đến mức tôi hình dung tất cả học sinh trong trường đã biết chuyện làm tôi nghẹn họng vì xấu hổ ! Tôi đặt bát cơm xuống bàn, nắm tay chị Hưng nói qua làn nước mắt : “ Chị đi ngay với em ra đó ! Em không bao giờ mua hàng thì sao có chuyện nợ nần” ! Chị bảo : “ Tớ cũng nghĩ như vậy nên hỏi cụ có nhầm không thì cụ tả lại cậu cho tớ nghe , cụ còn nói tóc cậu uốn ” ! Tôi oà khóc vì cả trường chỉ có mình tôi tóc uốn nên lôi tay chị Hưng bắt đi ngay ! Chị Thuận còn bồi thêm: “ Bây giờ tối, chắc cụ không còn ở đó ! Để mai đi cũng được ! Đã quên hàng tuần chưa trả thì muộn thêm một ngày có sao đâu” ! Tôi nức nở : “ Nhưng em đâu có nợ tiền bao giờ” ! Thấy tôi thương tâm quá , chị Thuận cười hỏi : “Đã hết nấc chưa” ? Tôi nổi cáu: “ Chị còn đùa được à ? Em không quan tâm đến điều đó” ! Rồi tôi lại lôi tay chị Hưng bắt đi cùng tôi ! Tất cả mọi người, kể cả chị Hưng cười ngặt nghẽo : “ Hết nấc rồi thì đi làm gì nữa” ! Tôi vẫn còn tối dạ: “ Các anh, các chị đừng trêu em ! Việc này không liên quan gì đến nấc cả” ! Chị Thuận vừa cười vừa nói : “ Liên quan chứ , nó chính là viên thuốc chữa nấc hiệu nghiệm cho cô mà” ! À , ra thế , tôi quên mất nhưng vẫn cứ thấy tức tức trong khi mọi người cười thoải mái khi nhìn bộ mặt dở khóc dở cười của tôi .

Monday, October 10, 2011


Những Ngày Xưa Thân Ái
Xe Đua

Hội Phố

Nói tới xe đua , các bạn trẻ sẽ nghĩ ngay đến những xe đua như Corvette, Farrari , Lamborghini …. của hiện tại !Hoặc chí ít cũng xe máy ? Không ! Cái xe đua tôi muốn đề cập đến là xe đạp – Chiếc xe đạp Liên xô có dáng cao lênh khênh còn cái ghi đông lại uốn cong xuống . Loại xe này chúng ta thường thấy các tay đua chạy nên nó có tên như vậy . Xe đạp thịnh hành thời đó có xe Đông Đức , thiếu nhi Liên xô , Tiệp khắc ( rất ít) , Phượng hoàng, Vĩnh cửu, Thống nhất và một số xe cũ còn lại từ thời Pháp . Sang nhất lúc đó là peugeot - loại chúa trùm đủ làm chủ nhân vác mặt lên trời là Peugeot nữ màu kem . Chỉ nhìn thôi chứ ít người được vinh hạnh làm chủ chiếc xe đó . Cái thời tôi còn trẻ, xe đạp là một tài sản quý của gia đình . Là phương tiện vận chuyển chính cho mọi công việc . Từ chuyên chở lương thực , thực phẩm đến đưa người ốm đi bệnh viện cũng như đáp ứng nhanh nhất trong việc chở sản phụ chuẩn bị sinh tới bệnh viện kịp thời… Cho nên, có thể nói , chiếc xe đạp thời đó có một tầm quan trọng nhất trong gia đình . Giá tiền mua nó so với đồng lương công nhân viên chức khi đó không nhỏ . Phải tiết kiệm chi tiêu trong vài năm mới có thể sắm được một cái cho mình nếu được mua với giá ưu tiên theo diện phân phối . Muốn có xe phân phối lại tuỳ theo thâm niên công tác… Tóm lại , nếu cứ đợi mua phân phối có lẽ phải chờ đến tết Công gô ( ?) mới đến lượt nên muốn có xe đi thì cứ tích luỹ tiền sẵn rồi tìm cách mua “ Chui” . Nghĩa là mua đi bán lại giữa những người dân với nhau và dĩ nhiên giá cả đắt hơn ít nhất hai lần trở lên .
Thế mà tôi tự nhiên mua được một cái xe theo giá phân phối khi tôi mới tập tễnh ra công tác hơn một năm mới kỳ lạ . Của hiếm như vậy mà tự nhiên nhặt được khơi khơi ! Không hiểu tin tình báo rò rỉ nào mà tôi biết thị xã UB gần cơ quan tôi làm việc sẽ bán 10 cái xe theo giá phân phối cho 10 người đến sớm nhất . Dù không là người bản xứ nhưng tôi cứ đến đại chờ vận may ! Hình như tôi là người thứ 6 trong dòng người rồng rắn xếp hàng .Làm hoá đơn , trả tiền xong xuôi, người ta dẫn vào lấy xe mới biết đó là xe đua ! Niềm vui được nhân lên gấp bội khiến tôi mừng hết nói . Chiếc xe nổi trội hẳn so với những xe đương thời. Có lẽ lúc đó , nó chỉ đứng sau peugeot nữ màu kem . Vào trong kho vác chiếc xe còn nguyên tem vượt khỏi dòng người vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ phép lạ ! Họ đưa mắt nhìn theo chiếc xe mà không thèm dấu diếm niềm mơ ước , tôi thấy mình may mắn làm sao . Mua được cái xe mới theo giá phân phối lúc đó khác gì trúng số ! Có vài người đang xếp hàng gạ tôi bán lại cho họ với giá gần gấp đôi nhưng đời nào tôi chịu! Tôi cũng đang cần xe như họ! Dáng người tôi so với dáng nữ thời đó bình thường . Nghĩa là so với cái xe thì nó cao hơn nhiều lắm nhưng tôi không quan tâm ! Tay tôi vẫn với tới ghi đông và chân cũng chạm bàn đạp . Với tôi , như vậy quá mãn nguyện .Tôi hãnh diện dạo phố trên chiếc xe đua lênh khênh với tâm trạng y hệt con dế mèn trong “ Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài . Rong ruổi trên xe vài tuần thì anh Phượng , hiệu trưởng trường Phong cốc bảo tôi : “ Anh em mình đổi xe vài ngày” . Tôi gật đầu ưng thuận không điều kiện vì chiếc xe của anh ấy là xe Peugeot nữ màu kem , loại xe mà khi nào tôi cũng thầm mong muốn . Nhưng đi xe sang cũng khổ ! Lúc nào cũng lo canh cánh xe bị “ bay hơi”!




Friday, October 7, 2011




Happy Thanksgiving

Lễ Tạ Ơn

Minh Thành

Thanksgiving ở Canada là ngày thứ hai , tuần thứ hai của tháng mười hàng năm . Lễ tạ ơn mang một ý nghĩa biểu hiện lòng biết ơn của người dân ghi nhớ về đấng thiêng liêng , là Đức chúa trời đã ban cho mưa thuận gió hòa để người dân được mùa bội thu . Người ta tổ chức lễ hội để cám ơn chúa . Bây giờ , hình như lễ tạ ơn được coi như một ngày nghỉ, ngày xum họp gia đình . Vào ngày này, món ăn chủ yếu cho bữa tối là gà tây nướng ăn kèm đó là bánh mỳ , khoai tây nghiền bơ sữa , các loại rau , quả , rượu vang … Thời điểm này ở Canada cũng có thể coi như đã cuối mùa thu . Thời tiết bắt đâu có những hôm lạnh và nhiều khi đã phải bật lò sưởi ! Một ngày lễ chuẩn bị bước vào mùa băng giá dài dằng dặc cũng như báo hiệu giáng sinh sắp tới ! Cứ đến ngày lễ tạ ơn , tôi lại cảm thấy tiếc mùa hè , mùa thu . Dịp lễ tạ ơn cũng là một dịp nghỉ để ta thăm quan công viên lá đã ngả màu vàng màu đỏ tuyệt đẹp . Trời chưa lạnh lắm và cái nóng mùa hè đã hết . Vài tiếng đi bộ trong công viên ngắm trời mây , cây cỏ trước khi tất cả chìm trong tuyết trắng quả là thú vị . Trước khi thưởng thức bữa ăn tối với gà tây nướng cho ngày lễ tạ ơn , chúng ta hãy cùng ngắm màu lá phong đang dần ngả sang màu vàng, đỏ.Mùa đông lấp ló đầu ngõ rồi






Sunday, October 2, 2011


Những Ngày Xưa Thân ÁiChú , chú … Cháu

Năm tôi học lớp 8 . Lớp tôi có chị Hà học cùng lớp lớn hơn chúng tôi tới 2, 3 tuổi gì đó! ( ở nông thôn nên chị đi học muộn ) . Lúc đó , chị đã 16  hoặc xấp xỉ 17 . Chị có một nét đẹp hơi ngồ ngộ ! Nét đẹp của chị nổi bật từ khuôn mặt thanh tú mơn mởn của cô gái tuổi dậy thì pha trộn cái hồn nhiên nhiều khi đến ngây ngô chân chất của gái quê thuần túy . Nhà chị ở vùng nông thôn xa trường tới 7 Km . Hàng ngày chị phải dậy rất sớm đạp xe đến trường . Đi học giữa một lũ bạn còn nhóc con dân phố tỉnh lẻ láu lỉnh như chúng tôi , chị nổi bật hẳn cái đẹp rạng rỡ của người thiếu nữ đương thì và dĩ nhiên , chị hay bị một số thanh niên choai choai đang cố chứng tỏ ta đây người lớn ở dọc đường phố trêu chọc . Hoặc họ huýt sáo ! Hoặc họ tán tỉnh đại loại : “ Em ơi , đi học làm gì . Ở nhà anh nuôi” ! “ Người đâu mà xinh thế , đi chơi với anh đi” …Thường thường, phản ứng của chị là đap xe thật nhanh chạy trốn hoặc khi bị túm xe lại , chị cúi gầm đầu giấu khuôn mặt ửng hồng xinh đẹp miệng ấp úng phản đối : “ Ơ , mấy anh làm cái gì thế” ? Rồi tìm cách bỏ chạy… Chúng tôi tò mò, bất mãn nhìn những hoạt cảnh đó mà lơ ngơ chẳng biết phải làm gì nhưng sau đó lại nói khích chị cho bọn họ một bài học. Chị cũng hiên ngang lắm . Chị bảo : “ Mấy thằng nhóc chỉ bằng tuổi em tao mà cứ đòi xưng anh ! Rồi có ngày biết tay tao” ! Chúng tôi hỏi chị định làm gì thì chị bảo tao còn nghĩ cách rồi hứa với chúng tôi lần tới sẽ cho họ biết tay . Vậy mà cứ lần tới chị lại khất lần tới nữa… làm chúng tôi bực mình chê chị nhát gan . Thế rồi chị làm thật , với sự trợ giúp của gần chục nhóc bảo vệ chị đi giữa . Không may chúng tôi gặp phải “ Thứ dữ” ! Hai thanh niên buông lời trêu chọc, một người còn ghì kéo xe chị . Chị lí nhí trong cổ họng : “ Ê , mấy chú này làm cái gì thế” ? Anh chàng đang níu xe chị sừng sộ : “ Láo hả ? Nói lại xem sao” ? Chúng tôi hơi run nhưng cố làm tỉnh nhìn chị như tiếp sức, chị lên gân : “ Tôi bảo mấy chú buông xe tôi ra” . Hai người đó gầm ghè : “ Ranh con mà láo , muốn ăn tát không ? Chú , chú cái gì” ? Thấy họ dữ quá, một số nhóc trong bọn tôi đã lảng đạp xe đi . Chị liếc nhìn lượng “ quân ta” hao mòn lại thêm hai người kia níu xe chị không cho đi và vặn vẹo bắt chị giải thích rõ nghĩa từ” Chú” . Chị hoảng quá lắp bắp : “ Chú , chú … Cháu” . Trời đất , cả bọn nhóc chúng tôi tròn mắt nhìn nhau nhưng không ai dám cười ! May quá, hai “ ông chú” được tôn lên bậc trưởng thượng đã rủ lòng từ bi buông tay cho chị chạy ! Cả bọn chúng tôi cũng đạp xe thật nhanh theo chi và tất cả buông xe xuống vệ đường khi đã khuất mắt hai người kia rồi cười lăn cười bò và lại chê chị nhát , làm mất mặt cả bọn ! Chị bảo : “ Tao định nói : Chú em xong thì phóng xe chạy nhưng xe đang lên dốc tao sợ không chạy kịp sẽ bị nó tóm lại , không nói thế có mà chết ! Lần sau , khi xe xuống dốc thì chúng nó biết tay tao” !