Những ghi nhận, những cảm nghĩ về nhân tình thế thái sẽ được thể hiện ở trang Viet-Ca ( Việt nam -Canada )
Sunday, January 15, 2012
Những Ngày Xưa Thân Ái
Chúc Tết
Hội Phố
Năm tôi học cấp ba , nhóm bạn chơi thân nhau gồm hơn chục đứa cả nam lẫn nữ . Chúng tôi thân nhau lắm , đi đâu cũng rủ nhau . Từ học tổ, ôn thi , đi chơi… Thường dịp tết , như một thói quen không ai hẹn ai mà hầu như cứ đến nhà tôi đợi nhau . Khi tất cả tề tựu đủ , cứ hai người một xe . Nếu thiếu xe chúng tôi sẽ “ Jin” ba ! Nghĩa là ba đứa ngồi cùng một xe đạp . Đứa cầm lái phải khỏe và cao để khi ngồi ở yên xe , nghiêng xe một chút mà một chân có thể chống xuống đất giữ xe thăng bằng cho đứa nhỏ hơn luồn vào ngồi khung xe và một đứa ngồi sau ! Jin ba phải cần xe đạp nam . Có lần , thầy hiệu trưởng đạp xe ngược chiều nhìn thấy mấy cô học sinh chở nhau như vậy, thầy nhăn mặt , không nói gì . Mấy đứa cũng sợ nhưng sau đó , không thấy thầy nhắc nhở, phê bình gì hết . Chắc thầy hiểu chúng tôi không đủ xe đi . Có điều, thầy không biết nhiều khi đủ xe, chúng tôi cũng quăng một, hai chiếc ở nhà để “ Jin ba” ! Tuổi mười lăm, mười sáu mà !
Ngày tết , cả bọn chúng tôi trước khi đi chơi thì lần lượt đi chúc tết từng gia đình cả nhóm . Bao giờ cũng vậy, khi đi ngoài đường tất cả chúng tôi nói chuyện sôi nổi lắm. Con trai cũng như con gái, gân cổ lên để tranh luận những điều chẳng có gì đáng tranh luận cả . Nhưng khi đã bước chân vào nhà một người trong nhóm rồi tự nhiên không ai bảo ai mà tất cả cùng im lặng, lễ phép, ngoan ngoãn , nhu mì một cách “ dễ sợ”! Rồi đứa nọ đẩy đứa kia lên trứoc, vào trước để chúc tết . Đùn đẩy nhau mãi để cuối cùng cũng chỉ có cô bạn lớn tuổi nhất trong cả bọn bứoc lên lễ phép nói: “ Năm mới, chúng cháu xin chúc gia đình hai bác mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn , làm ăn thịnh vượng” … Nhìn chung, ở mỗi nhà, cô cũng thay đổi chút ít nhưng đại loại cũng gần giống như vậy . Sau khi chúc xong thế nào gia chủ cũng đáp lại, chúc cả bọn học hành đỗ đạt.. rồi đon đả gọi con (cũng là một thành viên trong nhóm) : “ Con vào lấy nước , bánh mứt. kẹo… mời các anh chị”. Chỉ chờ có thế là cả bọn nhấm nháy huých khéo “khổ chủ” : “ Có nhanh tay lên không Em ? Mời nước anh chị đi chứ” . Đứa khác còn dọa dẫm: “ Không nhanh nhanh thì tát cho cái bây giờ” ! Dĩ nhiên, cái trò nhấm nháy này hết sức kín đáo mà chỉ có cả bọn biết riêng với nhau thôi . Các bậc cha mẹ sau khi xong thủ tục với con nít cũng đã bận với khách người lớn ở chiếu trên rồi nên không để ý đến đến trò khỉ của bậc con cháu ! Vả lại, có biết chắc các cụ cũng bỏ qua vì ai mà chẳng trải qua thời nghịch ngợm trước khi trở thành người lớn ? Mà chúng tôi cũng có ngồi yên đâu ! Đứa nọ thay đứa kia hạch sách khổ chủ dù biết rằng nội trong ngày mồng một tết mình cũng sẽ bị “hành” vì chương trình chúng tôi đã ngầm qui định là đi chúc tết tất cả nhà các bậc cha mẹ có thành viên trong hội bạn thân . Nhìn chung đến nhà ai thì thủ tục cũng giống nhau : chúc tết , ăn bánh, uống nước, ăn hạt dưa và món chủ đạo nhất không thể thiếu là bánh chưng . Nhà nào cũng bắt ăn . Vài nhà đầu tiên chúng tôi còn hào hứng ăn rào rào. Đến những nhà sau thì đã ngán đến tận cổ nhưng khi các cụ bảo Em đưa bánh ra mời anh chị thì đứa nào cũng xã giao : “ vâng, cháu cám ơn bác , bánh ngon quá” rồi nhìn nhau : “nghẹn họng” . Nghẹn không nuốt nổi ! Rồi sẽ có đứa hoạnh họe: “ Tên nào khen ngon thì ăn hết đi , nuốt không nổi mà còn khen ngon” ! Một câu nói chẳng có gì đáng cười mà cả bọn cũng phá lên cười như điên !
Một lần , đi từ sáng đến khoảng 3, 4 giờ chiều mới đến nhà người bạn cuối cùng . Tất cả chúng tôi đã quá no và ngán từ mứt, bánh chưng, kẹo lạc…đến mức không thể nuốt được nữa nên vừa vào ngõ . Ngõ nhà cậu bạn này sạch sẽ và rất dài . Hai bên ngõ là hai hàng mía vỏ màu tím thẫm trông ngon mắt . Cả bọn đi thong thả ngắm cảnh và dặn trước : “ Không có bánh chưng bánh chiếc gì đâu nhé ! Không thể ăn nổi rồi” ! Cậu bạn cười cười đồng tình nên khi vào trong nhà , mẹ cậu nói bóc bánh cho các anh chị ăn thì cậu vâng dạ ngon lành rồi vờ quên . Tất cả chúng tôi ngồi quây quần trên tấm phản lớn và rủ nhau xem bói. Một cậu chộp tay khổ chủ trước, cả bọn háo hức nghe lời phán . Sau vài câu đại loại: “ Năm nay học hành tấn tới nếu chịu khó học ngày học đêm ! Đường thi cử hanh thông nếu không trốn học đi chơi…” Cả bọn gật gù khen hay . Mẹ cậu ấy ngồi bàn bên cạnh tiếp khách nhưng bác cũng để ý nghe thấy bói phán . Dứt câu , “thầy” thêm : “ Nhưng có điều này mà ông giấu bọn tôi ! Đường chỉ tay ông hiện rõ mồn một mà tôi không biết có nên nói không” ? Cả bọn chúng tôi nhao nhao: “ Nói đi” ! Khổ chủ gãi đầu gãi tai: “ Nếu chuyện không nên nói thì Em xin Anh” ! Tất cả chúng tôi phản đối, ép “Thầy” phải nói ! “Thầy” đủng đỉnh: “ Đường chỉ tay ông hiện rõ là nhà ông có quả mít chín mà ông quên chưa mời bọn tôi” ! Tất cả phá lên cười khoái trá vì quả mít đó để ngay dưới gầm phản chúng tôi ngồi và hương thơm của nó tỏa khắp nhà nên không khó khăn gì mà thầy bói không nhận thấy. Mẹ cậu ấy vội vàng: “ Ừ nhỉ, mẹ quên mất , con bổ mít ra mời các anh các chị đi con” ! Cả bọn tranh nhau từ chối: “ Thôi bác ơi, chúng cháu no lắm rồi . Để lúc khác đi bác” . Ngoài miệng nói vậy nhưng mấy người ngồi kề bên đã dùng khuỷu tay huých vào mạng sườn “khổ chủ” hăm doa: “ Xuống bếp lấy dao ngay, còn chần chừ gì nữa” ! Sau chầu mít, chúng tôi còn tiếp theo một chầu mía vườn vỏ màu tím thẫm, ngọt lịm rồi mới chịu chia tay và hẹn tối gặp lại nhau ở rạp.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment