Những ghi nhận, những cảm nghĩ về nhân tình thế thái sẽ được thể hiện ở trang Viet-Ca ( Việt nam -Canada )
Thursday, May 31, 2012
Diane Tran
Tờ Gather News có một bài viết với tựa đề : Trường hợp Diane Tran đã kết thúc và họ đặt một câu hỏi nhói lòng người : “ Where the Hell are her parents” ? Những ngày trước, hầu như tất cả chúng ta đều thương cảm cho cô học trò đảm đang này mà quên đặt câu hỏi đó ! Đúng vậy, tại sao cha mẹ cô không hiện diện trong cuộc sống của những đứa con còn ở tuổi vị thành niên? Và tại sao tổ chức bảo vệ trẻ em không biết đến trường hợp này ? Nhưng dù sao chăng nữa, cái kết quả cuối cùng đã làm cho tất cả những người đứng về phía cô thêm một lần cảm phục ý chí của cô gái nhỏ dũng cảm này . Quan tòa đã hủy bỏ bản án , hồ sơ cô được trả lại tinh khôi không tì vết và người ta cũng quyên được một quỹ giúp cô với số tiền là $ 100.000 . Cô đã không nhận số tiền này. Cô nói : “ Còn có rất nhiều trẻ con gặp khó khăn hơn tôi” . Điều này khiến cho chúng ta càng cảm phục ý chí vươn lên mãnh liệt của một cô gái còn rất trẻ . Xin chúc Diane Tran đạt được ước mơ đẹp của mình.
Monday, May 28, 2012
helpdianetran.com/
Hãy giúp Diane Tran
Mấy ngày qua trên mạng có rất nhiều tờ báo đã loan tin về cô học trò người Việt 17 tuổi Diane Tran bị tòa án phạt một ngày tù và 100.00 vì cô đã vắng mặt nhiều ngày ở trường học ! Đã có chương trình xin 50 ngàn chữ ký giúp cô gái này để xóa bỏ án lệnh của tòa cũng như tài chính . Bạn muốn giúp , hãy vào trang : helpdianetran.com/ . Tại sao, người ta lại quan tâm đến Diane Tran ? Cô là học sinh xuất sắc ở Houston và là người có hoàn cảnh gia đình không may mắn . Cha mẹ cô đã li dị và hiện tại cô vừa đi học, vừa đi làm . Cô làm hai công việc , một việc toàn thời gian và một việc bán thời gian để giúp người anh đang học đại học và một người em gái và cô vẫn đến trường . Thời gian làm việc quá căng thẳng nên có nhiều lần, cô đến lớp muộn sau khi đã xong phần điểm danh ! Dù rất mệt nhưng cô vẫn học tốt . Nhưng số ngày nghỉ của cô quá nhiều nên theo luật , quan tòa đã kết án cô một ngày tù ! Dư luận đang rất xôn xao về trường hợp này . Nếu tôi là quan tòa, chắc tôi sẽ nêu gương cô , nhưng tiếc thay , tôi không được là người xét xử ! Dù chỉ một ngày tù nhưng hồ sơ của cô sẽ bị hoen ố ! Bạn có thể góp một tay giúp cô qua trang helpdianetran.com/
Sunday, May 27, 2012
Hình ảnh trường thi ngày xưa ( Ảnh lấy trên mạng)
Chữ Sĩ
Minh Thành
Sĩ diện là gì ? Từ sĩ diện hoặc sĩ… ta thường hay nghe hoặc
hay dùng ! Nhưng hình như ít người đào sâu để tìm hiểu chính xác thế nào là sĩ
diện . Khi còn nhỏ , thỉnh thoảng tôi
hay nghe mẹ tôi đọc :
Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ
:Cám rang đâu mày?"
"Cám rang tao để cối xay!"
"Chó mà ăn hết thì mày biết ông!"
"Cám rang tao để cối xay!"
"Chó mà ăn hết thì mày biết ông!"
Bạn thử tưởng tượng coi , nhìn một “ Ông” ngự võng có người
khênh ra đường đi hóng mát thì chắc nhà ông ấy phải giàu sang phú quí đến cỡ
nào mới có kẻ hầu người hạ như vậy ? Mà
giàu sang phú quí thì thiếu gì cao lương mĩ vị ? Nhưng “ thấy vậy mà không phải vậy” ! Bụng
ông lâu rồi không có hạt cơm nào mà chỉ có cám ! Cái thứ thực phẩm mà người ta
dùng nuôi lợn chứ người làm sao mà nuốt nổi ? Thế mà cái ông võng giá nghênh
ngang đó ăn thay bữa được ! Chẳng thế mà khi nghe vợ nói bát cám dành cho ông để
ở cối xay, ông đã hoảng hốt sợ chó sơi sạch phần ông nên ông hăm dọa vợ : “ Chó
mà ăn hết thì mày biết ông” ! Bụng đói meo thì nằm nhà cho đỡ tốn Ca lo
chứ ra đường làm gì ? Ấy vậy, ông vẫn ra ! Ra để người ta thấy cái sang
của ông vì ông có kẻ hầu người hạ ! Ồ , mà ông chủ phải ăn cám thì những người
hầu của ông sẽ được sơi thứ thực phẩm gì để dằn bụng nhỉ ? Cái ông nằm võng đó
theo như trí tưởng tượng của tôi sẽ là một
người có thân hình “thư sinh” ! Thì thời xưa, các ông học trò ông nào chẳng thư
sinh ? Thư sinh không phải vì các` ông Diet như bây giờ mà phần lớn do các ông
không đủ dinh dưỡng . Từ nhỏ đến lớn, các ông được quyền ưu tiên không phải làm
việc nhà mà chỉ vùi đầu vào sách vở dù nhà ông học trò đó giàu hay nghèo . Nếu
nhà giàu thì thì ông học trò đó được kẻ hầu người hạ . Ăn uống no đủ . Còn nếu
chẳng may nhà nghèo thì cả nhà từ mẹ đến các chị, em gái làm việc quần quật để
nuôi ông ê a “ Tam tự kinh” cả ngày cả
đêm để chờ ngày lều chõng . Tên ông được nêu
bảng vàng thì cả nhà được nhờ chút vinh hoa . Mà có bao nhiêu người được
nêu tên bảng vàng cho gia đình hưởng hơi phú quí ? Không đủ tài làm quan thì
ông về làng làm ông đồ . Mà ông đồ có giàu có không nhỉ ? Bao công dùi mài kinh
sử của ông cộng với sức lao động của cả nhà nuôi ông ăn học để đỗ đạt thành ông
đồ . Cứ tạm coi con đường học vấn của một anh học trò đã được đền bù bởi một mảnh
bằng . Bây giờ đến lượt ông đền đáp lại công cha nghĩa mẹ tần tảo nuôi ông ăn học . Ông đền đáp ra sao
? Chúng ta hãy đọc lại bài thơ “ Thương
vợ” của cụ Tú Xương :
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
Thế nghĩa là bao công học hành của ông cùng với tiền gom góp của gia đình
nuôi ông ăn học , giật được một mảnh bằng – Đó là ông may mắn trong trường thi
nên có một tấm bằng chứ nhiều ông sĩ tử khác không có nổi một mảnh bằng sau cả
đời lều chõng nữa kia ! Nhưng cái mảnh bằng đó có giúp ông kiếm được chút gì
trả ơn cha mẹ ? Có lẽ không ! Thì cứ ngẫm bài thơ trên của cụ Tú Xương ta cũng
có thể luận ra ! Đó là cụ Tú Xương là người nổi tiếng hay chữ nên còn có học
trò đến học lai rai mà cụ còn phải than về cái nợ cơm áo của cụ phải trông vào
tay bà vợ tảo tần một mình lặn lội buôn bán cò con để : “ Nuôi đủ năm con với
một chồng” ! Nghĩa là , các đấng nam nhi thời xưa khi còn nhỏ thì nhờ mẹ còn
khi lớn lên lại nhờ vợ ! Mà cả vợ và mẹ đều là những người ít học , nếu tôi
không muốn nói là nhiều khi còn thất học nữa ! Nhưng họ không được coi là cột trụ
gia đình !Họ vẫn một niềm tuân phục người đàn ông trong gia đình nhất là những người đã học chữ “ thánh hiền” !Cái vòng luẩn quẩn như vậy mà
ít người nhìn thấy sự thực mà vẫn cứ noi theo ! Nếu được phép nhận xét theo lối
suy nghĩ thực dụng của xã hội bây giờ thì những người đàn ông không đủ khả năng làm
việc để nuôi chính bản thân mình cũng như gia đình sẽ bị coi là ! Là gì nhỉ ?
Xin các bạn tự trả lời ! Nhưng những nhà nề nếp thời trước vẫn coi trọng việc
học chữ thánh hiền! Để làm gì ? Có phải để khư khư ôm một một hào quang danh giá của nhà nho? Những bà vợ tần tảo nuôi chồng nuôi con vẫn
giữ phận bếp núc , kính trọng người chồng có học đến nhiều khi chẳng dám ngồi
ngang hàng cùng mâm cơm ! Hình như cái sự kính trọng này xuất phát từ sự thanh
cao của kẻ sĩ dù bần hàn . Đó mới là sĩ diện . Cái sĩ diện thể hiện ở quan niệm : Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhà
cửa thanh bần đến nỗi bạn thơ tới nhà thì cả hai người chỉ ngắm trăng suông mà
xướng họa bởi vì : “Đã bấy lâu nay bác tới nhà .Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa .
Ao sâu nước cả, khôn chài cá . Vườn rộng rào thưa ,khó đuổi gà .Cải chửa ra cây
, cà mới nụ .Bầu vừa rụng rốn , mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không
có . Bác đến chơi nhà , ta với ta”. Hình như thanh bần đến nỗi chum vại đựng
nước cũng cạn khô đến nỗi không có cả một chén nước lã mời bạn hiền ?! Mà ở
nông thôn, vườn nhà ai mà chẳng trồng một cây vối hoặc vài cây chè ? Nước thì
ra giếng gánh về chẳng cần mua !Nước hết thì chạỵ ra giếng múc nước , ra vừon
hái nắm chè xanh cho vào ấm nấu chừng mười phút là có nước uống mời bạn chứ làm
gì đến nỗi bắt bạn ngồi xuông ? Khổ nỗi là nhà nghèo nên không có kẻ hầu người
hạ còn bà vợ liễu yếu đào tơ lại đang bận chạy chợ kiếm gạo nuôi năm bảy cái
miệng ăn trong gia đình ! Đường đường là ông tú, ông cử , ông đồ…sao có thể làm
cái công việc tầm thường ấy ? Thế nên mới có cảnh trơ trọi đem thân tiếp bạn :
“ Bác đến chơi nhà Ta với Ta” !Vậy mà cái sự thật rành rành hàng mấy trăm năm
tôi chưa thấy ai khơi ra ? Phải chăng đó là sĩ diện ? Tôi thì lại hình dung thế
này : bà vợ ông tú , ông cử gì đó mải
chạy chợ hoặc bắt cua bắt cá hoặc làm ngoài đồng để kiếm gạo cho ông cùng bầy
con nên chưa có thời gian gánh nước đổ đầy chum vại ! Bà đợi bắt được mớ tôm. mớ
cá đem ra chợ đổi lấy vài ống gạo rồi tất bật về nhà gánh nước, nấu cơm cho cả
gia đình . Việc nấu cơm, gánh nước không quan trọng bằng việc kiếm cơm nên bà
tạm để sang bên . Ông tú nhà ta thì quần áo dù vá mấy mảnh nhưng vẫn tươm tất
do bà vợ giặt sạch sẽ rồi gấp cẩn thần xếp dứơi gối cho phẳng phiu vì nhà làm
gì có bàn ủi? Bà vợ đi làm đã lâu ông mới uể oải thức dậy ! Ông không thể bật
dậy đựoc như vợ vì ông chưa bao giờ làm
việc nặng và không cả thể thao cũng như
dinh dưỡng chưa bao giờ đầy đủ nên ông
yếu đuối hơn cả bà . Ông mặc áo quần tươm tất rồi ông thong dong đi ra đi vào
với cái bụng rỗng đợi vợ mang gạo về nấu cơm trưa ! Nếu có học trò, ông có thể
ngồi vào tấm phản cũ một cách đạo mạo để bắt đầu bài giảng cho mấy cậu học trò
ê a tam tự kinh . ( đây là hình ảnh một ông đồ còn có thể kiếm được chút tiền
còm nhờ mở lớp dạy học ở nhà mà cũng nhờ trong làng còn có trẻ đi học) !Còn nếu
không có học trò, ông cũng chẳng biết làm việc gì kể cả khi ông muốn uống nước
mà chum vại lại cạn khô ! Ông không thể hạ mình đi gánh nước ở giếng làng như
những người đàn bà bình thường khác như vợ ông chẳng hạn ! Mà giả sử ông có thể
hạ mình đi gánh nước thì ông cũng không biết làm vì lúc ông còn nhỏ , mẹ ông và
các chị em gái của ông đã làm . Khi lập gia đình thì vợ ông rồi các con gái ông
gánh vác ! Thế nên, bạn hiền của ông đến thăm nhà chỉ ngồi xuông nhìn nhau với
hai cái bụng rỗng nhưng vẫn cố làm ra vẻ khoan thai, điềm đạm bàn chuyện văn chương đại
sự ! Đó là cái sĩ ! Cái sĩ của kẻ sĩ !!!Nhiều lúc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ không biết có phãi vì chữ SĨ của ta quá lớn nên từ năm 1859 ở Ai cập người ta đã đào kênh đào Suez nối sông Nin với biển đỏ để tạo một con đường thông thương thuận tiện cho việc lưu thông, buôn bán sinh lợi còn ta thì có những nơi đến tận bây giờ vẫn còn tồn tại những cây cầu khỉ ! ?
Thursday, May 17, 2012
Tuesday, May 15, 2012
Trúng Số Độc Đắc
Minh Thành
( bài đã đăng ở Việt báo)
·
·
Sunday, May 13, 2012
Vừa quăng được cái va ly đem từ Việt nam vào giường của mình
, cô bạn mới quen chạy đến kéo tay tôi, nói vội vã : “ Nhanh lên, trên văn
phòng đang tuyển người làm ở hãng điện tử . Lương cao , công việc nhẹ . Số
lượng giới hạn…” Không kịp nghe hết, tôi đã túm chặt tay cô cùng chạy lên văn
phòng.
Cửa văn phòng đông nghẹt người đứng vây quanh vì bên trong
không còn chỗ . Chúng tôi chán nản đứng nhìn . Cứ vài phút lại một vài người đi
ra , mặt buồn buồn : “ Chắc là trượt” . Tôi ghé qua vai nhỏ bạn thì thầm . Đợi hơn
khoảng nửa tiếng, mọi người lần lượt về gần hết , văn phòng thưa người . Chúng
tôi ghé mặt sát cửa kính nhìn vào để coi những người trúng tuyển và người tuyển
chọn như thế nào cho thỏa tính tò mò chứ biết chắc là họ đã tuyển xong vì những
người không trúng đi ra đã nói công ty
này chỉ tuyển 20 người . Mà số lượng những người đi ra tôi nhẩm tính cũng trên
50 người . Vừa ló nửa mặt vào trong thì anh nhân viên văn phòng đồng thời là
thông dịch viên hỏi bằng giọng miền Nam đầm ấm : “ Hai cô tới xin việc
” ? Hai đứa ngơ ngác nhìn anh không hiểu , anh nói rõ ràng hơn : “ Các cô muốn
xin việc làm ở hãng điện tử phải không” ? Thấy cô bạn còn lúng túng nên tôi ứng
đáp : “ Dạ, chúng em chỉ ngó vào xem chứ
không có ý định xin việc vì chúng em biết tin chậm . Tới đây thì cuộc tuyển
chọn đã xong rồi ! Lần sau nếu có hãng nào tới tìm người thì anh báo cho chúng em
biết với . Em ở phòng số 12” . Thật ngạc nhiên, anh ấy hỏi lại: “ Chưa xong ,
vẫn còn đang xét tuyển người đây . Đợt này họ lấy 20 người . Nếu muốn, hai cô
có thể tham gia cuộc tuyển chọn vào sáng ngày mai” . Quá bất ngờ, tôi hỏi lại :
“ Anh nói sao ? Từ sáng tới giờ có rất nhiều người vào mà vẫn chưa đủ hai mươi
người” ? Anh ấy cười : “ Số người vào nhiều nhưng không đủ tiêu chuẩn nên vẫn
thiếu . Văn phòng nơi đây chỉ tuyển chọn sơ bộ rồi gửi đến hãng cho họ chọn lọc
. Nếu hai cô muốn , có thể tham gia cuộc lựa chọn này” . Tôi ngơ ngác: “ Vậy
chúng em phải gặp ai để ghi tên” ? Anh cười : “ Tôi sẽ ghi danh cho hai cô, các cô có đem theo
giấy tờ không” ? Mừng quá, hai đứa chúng tôi đưa tất cả những giấy tờ, căn cước
cho anh ấy ghi mọi chi tiết cần thiết mà hai đứa cứ nửa tin nửa ngờ không biết
đâu là sự thực . Xong việc ghi danh, anh ấy dặn 7 giờ sáng mai ăn mặc tề chỉnh
đến văn phòng này ngồi đợi sẽ có xe bus của hãng đến chở tới công ty . Chúng
tôi ra về mà lòng mừng khấp khởi .
Cả đêm không ngủ được vì nôn nóng , hơn 6 giờ sáng hai đứa
đã lò mò đến văn phòng . Văn phòng chưa mở cửa nên lại quay về phòng mình ngồi
nhưng cứ nhấp nhổm không yên . Đứng đợi sớm quá sợ người ta cười mà đến muộn
thì sợ lỡ việc … Rồi cuối cùng cửa văn phòng cũng mở , hai đứa còn ý tứ chờ một
số người vào trước rồi mình vào sau . Anh nhân viên văn phòng hôm qua cũng có
mặt tại đó , anh ấy cùng đi với chúng tôi trên xe hãng điện tử tới đón để vào
công ty phỏng vấn . Cả hai đứa vừa nhìn thấy anh ấy lên xe đã thấy yên tâm hẳn
đi vì chắc chắn có người thông dịch .Anh ấy cũng giơ tay vẫy chúng tôi và chúc
chúng tôi may mắn.
Rồi họ đưa chúng tôi vào một cái phòng rộng . Trong phòng là
một cái bàn lớn với ghế ngồi xung quanh . Chắc đây là phòng họp ? Ngoái nhìn quanh không thấy anh thông dịch đâu đã thấy lo lo . Cũng đánh liều ngồi xuống ghế như mọi người . Vừa yên vị ,
một nhân viên trong bộ đồng phục hãng tới từng người phát cho một tờ đơn trên
đó ghi tiếng Anh và tiếng Trung để chúng tôi điền vào ! Những người ngồi cùng
bàn khởi động viết rào rào còn hai chúng tôi lúng túng nhìn nhau ! Cả hai thứ
tiếng trên tờ đơn đều không phải thứ tiếng chúng tôi biết! Thế là trượt vỏ
chuối ! Hai đứa nhìn những người khác hớn hở nhận đồng phục lao động của hãng
với lời dặn dò giờ giấc làm việc của họ mà tiu nghỉu . Mà cũng chỉ đoán qua
hành động thôi chứ có hiểu ngừơi ta nói gì đâu ! Xong xuôi , xe của hãng lại
đưa chúng tôi về . Anh thông dịch chia buồn cùng chúng tôi .Anh ấy cho biết công ty không cho anh thông dịch vì họ cần người nói giỏi tiếng Hoa ! Anh ấy hẹn nếu có
công việc khác không đòi hỏi khắt khe thì anh ấy sẽ cho biết . Cả hai đứa chúng
tôi buồn rười rượi..
Những ngày tiếp theo , trên văn phòng không có thêm tin tức
gì về công việc nên hai đứa chúng tôi cũng tự mình ra phố , đến các công xưởng để
xin việc như người ta . Dĩ nhiên , chỉ dám chọn những công việc đơn giản như
lắp ráp đồ chơi theo dây chuyền . Cắt chỉ áo lót… Những công việc này ít tiền .
Thường thường công làm một ngày là 28 đến 35 đồng . Vài người rủ nhau đi xin
việc và trong nhóm phải có ít nhất một người biết tiếng Trung để đỡ lời . Dĩ
nhiên, chúng tôi cũng học vài câu đối phó . Ví dụ : ‘ xếch théng sỉu sỉu , mổ
xếch coỏng” ( Biết nghe một chút nhưng không biết nói ) . Hoặc : “ Hày” ( Có,
ừ…) “ Mổ” ( Không)… Lại còn làm ám hiệu với nhau chứ . Nếu họ hỏi câu gì ngoài
bài học thì người biết tiếng ra hiệu để
mình trả lời Hày hoặc Mổ… Thế mà cũng
xin được việc . Mà đã chịu yên đâu , lại còn bỏ việc đã làm đi nơi khác xin
tiếp vì đồng lưong cao hơn ! Nhưng cao mấy thì cao , chưa công việc nào tôi làm
vượt quá 35 đồng / ngày. Được cái công việc cũng nhàn hạ . Làm xưởng may áo lót
thì chỉ việc ngồi ờ cái bàn dành cho mình . các đốc công sẽ đưa hàng đến tận
bàn . Cầm cái kéo nhỏ xíu xinh xinh cắt những mẩu chỉ mà thợ may cắt sót rối
quăng xuống cái thùng dưới chân bàn. Thùng đầy, đốc công lại đến lấy đi và đưa
tiếp việc . Chẳng bao giờ họ hồi thúc hoặc nhận xét nhanh chậm . Mọi người ai
ngồi vị trí đó làm việc cũng chẳng ai để ý đến ai. Mà cũng không ai nói chuyện
. Cái phòng tôi làm việc có trên trăm người nhưng toàn các cụ sắp đến tuổi về
hưu . Chỉ có mấy đứa : “ Xếch théng sỉu sỉu” ( biết nghe một ít) như chúng tôi
mới có thể kiên nhẫn ngồi làm cái công việc nhàm chán này . À quên, cũng có mấy
Sỉu chể ( Tiểu thư) và Sín sáng (tiên sinh) đốc công người Hồng kông là ở tầm
tuổi bọn tôi .
Rồi cũng chán , mấy đứa lại nhảy sang xưởng búp bê . Ở xưởng
này thì vui hết nói . Cả cái dây chuyền dãy bàn làm việc của tôi toàn là người
Việt . Chuyện nổ như pháo rang . Mấy Sín sáng đốc công cũng chẳng nói gì vì dây
chuyền làm việc chạy nhanh thoăn thoắt. Toàn con gái lứa tuổi 17 đển 23 làm thì
sao chẳng nhanh ? Nhiều khi Sín sáng chạy khuân hàng cho chúng tôi không kịp thì chúng tôi ngồi chơi, nói chuyện
. Những con búp bê xinh xinh được lắp ráp bởi rất nhiều người . Người thì lắp
tay ,người thì gắn mắt , mặc áo quần…Cả mấy dãy bàn ngồi làm việc toàn người
Việt nên chuyện vui như tết . Vui chuyện nhưng tay vẫn thoăn thoắt làm nên thời
giờ trôi rất nhanh . Mới tí đã đến giờ ăn trưa , cả bọn í ới rủ nhau ra chợ gần
nhất mua cơm chỉ . Một xuất cơm với giá rẻ mạt kèm theo ba món ăn tự chọn . Họ
múc cho một bát cơm to tướng mà chỉ người ăn khỏe mới ăn hết còn thức ăn thì
bày hơn chục món cho mình chọn . Không biết nói thì chỉ, cũng xong . Chẳng ai
dục ai phải nhanh nhanh , người bán hàng cũng vui vẻ chờ mình chọn món thích
hợp . Mà họ cũng chẳng phải đợi lâu. Trong khi xếp hàng chờ đến lượt là óc đã
nhẩm tính chỉ món gì rồi . Ăn uống xong lại quay về xưởng làm việc . Đơn giản
vậy nhưng ngày trôi qua rất nhanh.
Subscribe to:
Posts (Atom)