Sunday, May 27, 2012


Photobucket
Hình ảnh trường thi ngày xưa ( Ảnh lấy trên mạng)

Chữ Sĩ

Minh Thành

Sĩ diện là gì ? Từ sĩ diện hoặc sĩ… ta thường hay nghe hoặc hay dùng ! Nhưng hình như ít người đào sâu để tìm hiểu chính xác thế nào là sĩ diện  . Khi còn nhỏ , thỉnh thoảng tôi hay nghe mẹ tôi đọc :
Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ :Cám rang đâu mày?"
 "Cám rang tao để cối xay!"
"Chó mà ăn hết thì mày biết ông!"
Bạn thử tưởng tượng coi , nhìn một “ Ông” ngự võng có người khênh ra đường đi hóng mát thì chắc nhà ông ấy phải giàu sang phú quí đến cỡ nào mới có kẻ  hầu người hạ như vậy ? Mà giàu sang phú quí thì thiếu gì cao lương mĩ vị ?  Nhưng “ thấy vậy mà không phải vậy” ! Bụng ông lâu rồi không có hạt cơm nào mà chỉ có cám ! Cái thứ thực phẩm mà người ta dùng nuôi lợn chứ người làm sao mà nuốt nổi ? Thế mà cái ông võng giá nghênh ngang đó ăn thay bữa được ! Chẳng thế mà khi nghe vợ nói bát cám dành cho ông để ở cối xay, ông đã hoảng hốt sợ chó sơi sạch phần ông nên ông hăm dọa vợ : “ Chó mà ăn hết thì mày biết ông” ! Bụng đói meo thì nằm nhà cho đỡ tốn  Ca lo  chứ ra đường làm gì ? Ấy vậy, ông vẫn ra ! Ra để người ta thấy cái sang của ông vì ông có kẻ hầu người hạ ! Ồ , mà ông chủ phải ăn cám thì những người hầu của ông sẽ được sơi thứ thực phẩm gì để dằn bụng nhỉ ? Cái ông nằm võng đó theo  như trí tưởng tượng của tôi sẽ là một người có thân hình “thư sinh” ! Thì thời xưa, các ông học trò ông nào chẳng thư sinh ? Thư sinh không phải vì các` ông Diet như bây giờ mà phần lớn do các ông không đủ dinh dưỡng . Từ nhỏ đến lớn, các ông được quyền ưu tiên không phải làm việc nhà mà chỉ vùi đầu vào sách vở dù nhà ông học trò đó giàu hay nghèo . Nếu nhà giàu thì thì ông học trò đó được kẻ hầu người hạ . Ăn uống no đủ . Còn nếu chẳng may nhà nghèo thì cả nhà từ mẹ đến các chị, em gái làm việc quần quật để nuôi ông  ê a “ Tam tự kinh” cả ngày cả đêm để chờ ngày lều chõng . Tên ông được nêu  bảng vàng thì cả nhà được nhờ chút vinh hoa . Mà có bao nhiêu người được nêu tên bảng vàng cho gia đình hưởng hơi phú quí ? Không đủ tài làm quan thì ông về làng làm ông đồ . Mà ông đồ có giàu có không nhỉ ? Bao công dùi mài kinh sử của ông cộng với sức lao động của cả nhà nuôi ông ăn học để đỗ đạt thành ông đồ . Cứ tạm coi con đường học vấn của một anh học trò đã được đền bù bởi một mảnh bằng . Bây giờ đến lượt ông đền đáp lại công cha nghĩa mẹ  tần tảo nuôi ông ăn học . Ông đền đáp ra sao ? Chúng ta hãy đọc lại  bài thơ “ Thương vợ” của cụ Tú Xương : 
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
Thế nghĩa là bao công học hành của ông cùng với tiền gom góp của gia đình nuôi ông ăn học , giật được một mảnh bằng – Đó là ông may mắn trong trường thi nên có một tấm bằng chứ nhiều ông sĩ tử khác không có nổi một mảnh bằng sau cả đời lều chõng nữa kia ! Nhưng cái mảnh bằng đó có giúp ông kiếm được chút gì trả ơn cha mẹ ? Có lẽ không ! Thì cứ ngẫm bài thơ trên của cụ Tú Xương ta cũng có thể luận ra ! Đó là cụ Tú Xương là người nổi tiếng hay chữ nên còn có học trò đến học lai rai mà cụ còn phải than về cái nợ cơm áo của cụ phải trông vào tay bà vợ tảo tần một mình lặn lội buôn bán cò con để : “ Nuôi đủ năm con với một chồng” ! Nghĩa là , các đấng nam nhi thời xưa khi còn nhỏ thì nhờ mẹ còn khi lớn lên lại nhờ vợ ! Mà cả vợ và mẹ đều là những người ít học , nếu tôi không muốn nói là nhiều khi còn thất học nữa ! Nhưng họ không được coi là cột trụ gia đình !Họ vẫn một niềm tuân phục người đàn ông trong gia đình nhất là những người  đã học chữ “ thánh hiền” !Cái vòng luẩn quẩn như vậy mà ít người nhìn thấy sự thực mà vẫn cứ noi theo ! Nếu được phép nhận xét theo lối suy nghĩ thực dụng của xã hội bây giờ thì những người đàn ông không đủ khả năng làm việc để nuôi chính bản thân mình cũng như gia đình sẽ bị coi là ! Là gì nhỉ ? Xin các bạn tự trả lời ! Nhưng những nhà nề nếp thời trước vẫn coi trọng việc học chữ thánh hiền! Để làm gì ? Có phải để khư khư ôm  một một hào quang danh giá của nhà nho?  Những bà vợ tần tảo nuôi chồng nuôi con vẫn giữ phận bếp núc , kính trọng người chồng có học đến nhiều khi chẳng dám ngồi ngang hàng cùng mâm cơm ! Hình như cái sự kính trọng này xuất phát từ sự thanh cao của kẻ sĩ dù bần hàn . Đó mới là sĩ diện . Cái sĩ diện thể hiện ở  quan niệm : Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhà cửa thanh bần đến nỗi bạn thơ tới nhà thì cả hai người chỉ ngắm trăng suông mà xướng họa bởi vì : “Đã bấy lâu nay bác tới nhà .Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa . Ao sâu nước cả, khôn chài cá . Vườn rộng rào thưa ,khó đuổi gà .Cải chửa ra cây , cà mới nụ .Bầu vừa rụng rốn , mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có . Bác đến chơi nhà , ta với ta”. Hình như thanh bần đến nỗi chum vại đựng nước cũng cạn khô đến nỗi không có cả một chén nước lã mời bạn hiền ?! Mà ở nông thôn, vườn nhà ai mà chẳng trồng một cây vối hoặc vài cây chè ? Nước thì ra giếng gánh về chẳng cần mua !Nước hết thì chạỵ ra giếng múc nước , ra vừon hái nắm chè xanh cho vào ấm nấu chừng mười phút là có nước uống mời bạn chứ làm gì đến nỗi bắt bạn ngồi xuông ? Khổ nỗi là nhà nghèo nên không có kẻ hầu người hạ còn bà vợ liễu yếu đào tơ lại đang bận chạy chợ kiếm gạo nuôi năm bảy cái miệng ăn trong gia đình ! Đường đường là ông tú, ông cử , ông đồ…sao có thể làm cái công việc tầm thường ấy ? Thế nên mới có cảnh trơ trọi đem thân tiếp bạn : “ Bác đến chơi nhà Ta với Ta” !Vậy mà cái sự thật rành rành hàng mấy trăm năm tôi chưa thấy ai khơi ra ? Phải chăng đó là sĩ diện ? Tôi thì lại hình dung thế này : bà vợ  ông tú , ông cử gì đó mải chạy chợ hoặc bắt cua bắt cá hoặc làm ngoài đồng để kiếm gạo cho ông cùng bầy con nên chưa có thời gian gánh nước đổ đầy chum vại ! Bà đợi bắt được mớ tôm. mớ cá đem ra chợ đổi lấy vài ống gạo rồi tất bật về nhà gánh nước, nấu cơm cho cả gia đình . Việc nấu cơm, gánh nước không quan trọng bằng việc kiếm cơm nên bà tạm để sang bên . Ông tú nhà ta thì quần áo dù vá mấy mảnh nhưng vẫn tươm tất do bà vợ giặt sạch sẽ rồi gấp cẩn thần xếp dứơi gối cho phẳng phiu vì nhà làm gì có bàn ủi? Bà vợ đi làm đã lâu ông mới uể oải thức dậy ! Ông không thể bật dậy đựoc như  vợ vì ông chưa bao giờ làm việc nặng  và không cả thể thao cũng như dinh dưỡng chưa bao giờ đầy đủ  nên ông yếu đuối hơn cả bà . Ông mặc áo quần tươm tất rồi ông thong dong đi ra đi vào với cái bụng rỗng đợi vợ mang gạo về nấu cơm trưa ! Nếu có học trò, ông có thể ngồi vào tấm phản cũ một cách đạo mạo để bắt đầu bài giảng cho mấy cậu học trò ê a tam tự kinh . ( đây là hình ảnh một ông đồ còn có thể kiếm được chút tiền còm nhờ mở lớp dạy học ở nhà mà cũng nhờ trong làng còn có trẻ đi học) !Còn nếu không có học trò, ông cũng chẳng biết làm việc gì kể cả khi ông muốn uống nước mà chum vại lại cạn khô ! Ông không thể hạ mình đi gánh nước ở giếng làng như những người đàn bà bình thường khác như vợ ông chẳng hạn ! Mà giả sử ông có thể hạ mình đi gánh nước thì ông cũng không biết làm vì lúc ông còn nhỏ , mẹ ông và các chị em gái của ông đã làm . Khi lập gia đình thì vợ ông rồi các con gái ông gánh vác ! Thế nên, bạn hiền của ông đến thăm nhà chỉ ngồi xuông nhìn nhau với hai cái bụng rỗng nhưng vẫn cố làm ra vẻ khoan thai, điềm đạm bàn chuyện văn chương đại sự ! Đó là cái sĩ ! Cái sĩ của kẻ sĩ  !!!
Nhiều lúc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ không biết có phãi vì chữ SĨ của ta quá lớn nên từ năm 1859 ở Ai cập người ta đã đào kênh đào Suez  nối sông Nin với biển đỏ để tạo một con đường thông thương thuận tiện cho việc lưu thông, buôn bán sinh lợi còn ta thì có những nơi đến tận bây giờ vẫn còn tồn tại những cây cầu khỉ ! ?














No comments:

Post a Comment