Thursday, March 31, 2016

Xi Rô Cây Phong * Maple Syrup
Trước khi giới thiệu về cây phong ở nơi tôi ở ngoài vẻ đẹp của “ Rừng phong thu” thì nhựa cây phong còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Theo Medical Daily thì : “ Pure maple syrup may help the brain protect itself against damage that could lead to Alzheimer’s Disease”! Xin tam dịch: Xi rô cây phong có thể giúp bộ não tự bảo vệ chống lại thiệt hại có thể dẫn đến bệnh quên, mất trí”!
Người xếp hàng dài chờ mua bánh Pancake
Đọc xong tin này, tôi vội chạy vào bếp lôi lọ xi rô cây phong để cạnh hộp trà xanh. Lòng tự hứa sẽ uống trà hàng ngày với loại xi rô này thay vì uống với mật ong như thường lệ!
Ngồi xe ngựa đi vòng quanh trang trại trong rừng phong
Mùa xuân, khi trời còn lạnh nước từ đất được hấp thụ vào cây phong. Ban ngày, nhiệt độ ấm hơn tạo áp lực đẩy nước xuống phần gốc cây làm cho việc thu hoạch nhựa dễ ràng hơn. Nhựa cây phong thường được thu hoạch từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 tùy theo từng khu vực. Nhựa cây sẽ được nấu trong thiết bị đặc biệt làm bay hơi nước trở thành xi rô. Khoảng 40 lít nhựa cây phong sẽ nấu được 1 lít xi rô.Thời gian thu hoạch ngắn, thành phần xi rô nguyên chất trong nhựa không cao nhưng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người nên càng ngày càng có nhiều người ưa chuộng xi rô cây phong song song với mật ong.
Ống hút nhựa ở thân cây phong 
Để có thể theo dõi được qui trình từ nhựa cây phong “ Biến thành” Xi rô, chúng ta phải tính toán đúng thời gian ngắn ngủi trong vòng trên dưới 20 ngày trong năm mới có thể trực tiếp nhìn dòng nhựa trong suốt nhỏ giọt từ cây phong xuống xô hứng rồi vào nhà máy chưng cất trở thành xi rô và nhiều sản phẩm khác dung trong đời sống hang ngày. Trang trai Fulton nằm cách trung tâm thành phố Ottawa khoảng 60 phút xe. Đường vào trang trại nhỏ , 2 bên đường bạt ngàn rừng phong. Rồi đi qua một thị trấn nhỏ chúng ta mới tiếp cận được nơi này!
Xô hứng nhựa phong

Nồi nấu nhựa phong ngày xưa
Nồi nấu nhựa phong bây giờ
Cứ tưởng ở nơi xa xôi vây quanh toàn rừng sẽ vắng vẻ nhưng không ngờ nó lại là nơi đông vui nhộn nhịp. Mấy bãi đậu xe rộng mênh mông nhưng xe, người ken kín! Đứng ngoài cổng vào là mấy cô cậu hướng dẫn đường vào bãi đậu cho từng xe. Đi bộ trên con đường đất lép nhép tuyết tan vào trong khu vực tiệm ăn, tiệm bán sản phẩm xi rô, kẹo bánh…thấy người đông nghẹt. Tiệm ăn người xếp hàng dài kéo ra gần cuồi bãi đậu xe để chỉ chờ thưởng thức Pancake rưới Xi rô cây phong. Muốn ngồi xe ngựa dạo một vòng quanh trang trại để ngắm rừng phong tuyết phủ cũng phải đợi gần tiếng đồng hồ. Những cây phong đã đủ tuổi lấy nhựa được cắm ống hút vào thân cây ( Tối đa 3 ống) ! Từ ống hút được nối vào ống dẫn chung bằng nhựa trong nối liền với ống hút của các cây khác tạo đường ống dẫn dòng nhự từ các cây đổ về nơi đặt xô hứng gần xưởng chế biến. Vào thăm quan xưởng, chúng ta sẽ được nhìn thấy hệ thống lò nấu và syrup nguyên chất đã ra lò. Họ còn đặt bình đựng nhựa phong tươi chưa qua qui trình chế biến và cốc giấy trên bàn cho khách thưởng thức mùi vị xi rô tươi. Tôi cứ nghĩ “ Nhựa” thì nó sánh và ít nhất có màu( Trắng) chẳng hạn nhưng thực ra, nhựa phong là thứ nước lỏng trong suốt, vị hơi ngọt. Thế nên, để có một lít Xi rô, người ta phải sử dụng tới 40 lít nhựa cây phong.
Trong tiệm ăn có nhạc đồng quê
Xi rô cây phong* Maple Syrup.
Và các sản phẩm khác làm từ nhựa cây phong
Tham quan rừng phong vào mùa thu hoạch cũng là một trải nghiệm thú vị nhất là ngồi trên xe ngựa lọc cọc chạy đường rừng vòng quanh trang trại cũng tạo một cảm giác mới lạ.

Sunday, March 27, 2016




Diefenbunker *  Hầm trú bom nguyên tử
Lối vào hầm
Được xây dựng vào năm 1959, hoàn thành năm 1962 trong thời kỳ chiến tranh lạnh với mục đích nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân thì nơi đây sẽ là nơi tá túc của các quan chức cao cấp chính phủ và các sỹ quan quân đội. Với diện tích hầm ngầm 100.000 bộ vuông gồm 300 phòng chìm trong lòng đất có khả năng chịu được vụ nổ hạt nhân tương đương tới 5 triệu tấn TNT ở khoảng cách 1.8 Km. Đồng thời, người ta còn tính toán sức chịu đựng của cửa, đường vào hầm ngầm phải đảm bảo không bị chấn động của vụ nổ làm sập bít lối…Các kỹ sư thiết kế hầm ngầm này đã giải quyết được toàn bộ bài toán đó .
Rất may là chúng ta đã không bao giờ phải sử dụng hầm này và bây giờ, nó được giữ nguyên hiện trạng làm viện bảo tàng cho mọi người tới thăm.
Bản chỉ dẫn cấu tạo đường hầm và hầm.
Đường hầm vào các phòng trong
Tấm cửa sắt dầy mở vào phòng
Vừa bước qua cửa, chúng ta đã chạm trán ngay “anh” bom nguyên tử MK 4 ( Mark 4). Mark 4 là thiết kế bom hạt nhân của Mỹ được sản xuất bắt đầu từ năm 1949 và được sử dụng đến năm 1953. Mark 4 được dựa vào các thiết kế của Mark 3 ( Fat Man) nhưng an toàn hơn và dễ ràng hơn trong việc sản xuất. Nói đến Mark 3, chúng ta ai cũng biết nó là quả bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Nagasaki của Nhật vào ngày 9 tháng 8, 1945 làm thiệt mạng khoảng 80.000 người và còn để lại di chứng đến giờ.
MK-4
Bản chỉ dẫn MK-4

Sunday, March 20, 2016

Những Ngày Xưa Thân Ái

Ghép Đôi
Tôi có thể biết chắc chắn rằng những ai đã từng ở tuổi học trò ngày xưa ít nhất một lần trong đời cũng bị… Ghép đôi!? Cái sự ghép đôi này nó thiên hình vạn trạng lắm! Nó tùy theo ngẫu hứng của những người thứ ba! Nó chẳng tuân theo một qui định nào cả! Nó chỉ là trò đùa của lũ học trò ngây thơ chưa biết đến chữ “ Sợ” của lứa tuổi “ Ăn chưa no, lo chưa tới”! Đứa nào cũng ghét bị ghép nhưng vẫn cứ muốn ghép người khác để được cười trên sự “đau khổ” (Nếu có?) của kẻ khác.
Còn nhớ cái thuở xa xôi ngày xưa khi đi học chúng ta ngồi chung bàn có tới 4 hoặc 5 học sinh! Các thầy cô thường hay xếp chỗ ngồi xen kẽ một nam, một nữ để tránh tình trạng nói chuyện riêng trong giờ học! Chẳng trò nào thích ngồi xen kẽ kiểu này nhưng làm sao cãi? Tôi luôn được ưu ái xếp ngồi bàn trên cùng vì so với hầu hết các bạn cùng lớp, tôi có chiều cao khiêm tốn.
Ngay từ đầu cấp hai, tôi đã bị lũ bạn nghịch ngợm ghép đôi với tên bạn nhỏ thó ngồi cạnh! Những tên khác cũng chung tình trang tương tự nhưng không may cho tôi là tên bạn này lại ở gần nhà tôi mới khổ! Những bạn khác chỉ phải chịu cực hình khi học ở lớp còn tôi cái “gánh nặng” này đè lên vai cả khi ở nhà!
Không hiểu do thành kiến nào mà ngay từ nhỏ, chúng ta đã có phản ứng tránh xa bạn khác phái? Chẳng bù ở nơi đây có những cô nhóc, cậu nhóc 9, 10 tuổi chỉ…thích giao du với bạn không cùng phái! Cũng yêu trịnh trọng như… Người lớn ! Cũng “ phớt Ăng lê” chẳng kém người lớn để… Tỏ tình. Cậu nhóc trong truyện vui ngắn tôi đọc chừng 10 tuổi đã trịnh trọng quì gối trước cô bạn gái cùng lớp xinh đẹp! Cậu nói một cách trang trọng: “ Thưa cô! Tôi rất thích cô và tôi xin được ngỏ lời cầu hôn cùng cô”! Cô bé cũng không kém phần trịnh trọng, cô trả lời: “ Thưa ông! Tôi rất tiếc không thể nhận lời cầu hôn của ông dù tôi cũng rất thích ông! Nhưng nề nếp gia đình tôi không cho phép chúng tôi được kết hôn với người ngoài. Xin nói rõ hơn để ông hiểu quan hệ hôn nhân trong gia đình tôi là : Ông tôi lấy bà tôi! Bố tôi lấy mẹ tôi! Chú tôi lấy thím tôi! Cậu tôi lấy mợ tôi! Ông không phải người nhà tôi nên tôi không thể nhận lời cầu hôn của ông! Tôi xin lỗi ông”!
Xin quay lại tên bạn nhỏ thó ngồi cạnh tôi ngày xưa! Vì bỗng nhiên bị ghép với con bé vô duyên đáng ghét là tôi nên cậu dùng phấn gạch trên bàn phân chia biên giới hai bên! Không bao giờ cậu vi phạm ranh giới này nhưng tôi thỉnh thoảng mải viết đến quên “ hận thù”, tay hơi khuỳnh qua vạch phấn là cậu dùng cùi tay giáng cho một cú đã đời! Nhưng điều làm tôi “ đau khổ” nhất là các buổi trưa hè nắng gắt. Cả phố nhỏ nơi tôi ở chỉ có một gốc bàng cổ thụ quả sai trĩu trịt và râm mát là nơi tụ tập của tất cả trẻ con. Tôi một tay bế em nhỏ chưa biết đi, tay khác dắt đứa em nữa ra gốc bàng chơi cùng bạn bè. Cuộc chơi chưa tàn thì tên bạn lù lù xuất hiện! Hắn đuổi tôi đi chơi chỗ khác vì chỗ này không phải nhà tôi! Lúc đó, tôi chưa hề biết điều vô lý là gốc bàng này cũng không thuộc về nhà hắn! Và tại sao hắn chỉ đuổi riêng tôi? Cũng chưa đủ khôn về nhà mách mẹ sang nói chuyện phải trái với mẹ hắn để hắn được ăn …Roi! Lại thuộc loại lỳ không phải hơi tý khóc òa lên như bạn cùng lứa tuổi! Tôi đi tìm chỗ chơi khác!
Tôi cũng không nhớ chính xác tên bạn này học cùng tôi lên lớp mấy vì càng lớn chúng tôi càng khôn ra! Những khúc mắc hồi nhỏ được cởi tung hết nhưng vẫn không thể tưởng tượng được lần hội ngộ đáng nhớ ấy.
Hôm đó, người tôi phủ đầy bụi than vì vừa đi nhờ xe than đoàn 4 từ trường Sư phạm về nhà! Nắng gắt làm người ướt đẫm mồ hôi! Tôi bước chân vào nhà đã thấy trong nhà ngập tràn áo lính và tiếng cười đùa vui vẻ. Những cậu lính bạn cùng đơn vị em trai tôi đang tụ tập ở nhà tôi trong đợt nghỉ phép trước khi đi B. Tôi quen tất cả vì họ ở cùng phố nên chúng tôi vui mừng chào hỏi nhau. Rồi tôi chợt nhìn thấy TÊN BẠN CÙNG BÀN ngày xưa khi ánh mắt “Hắn” hướng về phía tôi với nụ cười ngượng nghịu! Trông hắn trong bộ áo lính cũng oai hùng làm sao! Tôi đang tính ( Xin đừng vội tưởng tượng tôi sẽ : “ Thẹn thùng nấp sau cánh cửa”)sẽ… chuồn cách nào cho êm thắm trước người lính trẻ đang chuẩn bị ra trận cùng em tôi! Tính chưa xong đã thấy “Hắn” đứng lên, hướng về phía tôi chào ngập ngừng: “ Chị... về thăm nhà”? Chị!? Ôi chao, tôi có nghe lầm không ? Hắn tôn tôi lên hàng chị? Có lẽ bây giờ hắn cùng đơn vị với em tôi nên hắn tự hạ mình xuống hàng EM? Câu hỏi của hắn làm mình thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng , tôi ngẩng cao đầu gật chào lại hắn với vẻ rất “ đàn chị” : “ Ừ, các cậu ngồi chơi” rồi đi thẳng vào trong nhà với niềm vui “ Chiến thắng”!

Sunday, March 13, 2016

Hậu Ngày 8 Tháng 3

Ảnh lấy từ trên mạng 

Cùng trong một giấc trưa hè
Nàng say mộng điệp chàng... è cổ trâu!
Ngày mồng tám tháng ba đã qua nhưng dư âm còn vọng lại. Sáng nay vừa mở FB đã thấy hai hình ảnh rất tiêu biểu cho niềm vui và… nỗi buồn(!?) của hai phe! Chị bạn yêu hoa nâng niu trân trọng post lại lẵng hoa lan tím được tặng ngày 8/3 vẫn còn tươi ! Phe kia post một bức họa ông tải xuống từ mạng . Nếu chỉ tải xuống trình làng không kèm theo poem (thơ) nói lên nỗi lòng ẩn ức của tác giả thì ắt hẳn phái nữ khá … mát lòng với bức họa này! Tôi xin mạn phép tác giả bài thơ “ Vịnh bức tranh” đã có công đào được bức họa từ biển tranh mênh mông trên mạng cho tôi được copy lại ở trang FB tôi làm chủ để viết vài dòng cảm nghĩ về bức tranh cũng như ẩn ý bài thơ.
Bức tranh ( đăng kèm theo) tôi hiểu nó chỉ đơn giản vẽ lại một cảnh trong cuốn phim sống động về sinh hoạt gia đình khi người vợ thức dậy từ sáng tinh sương lúc ông chồng còn đang ca bài “ Kéo gỗ” một cách nồng nàn! Bà vợ nhẹ nhàng xuống bếp nấu cơm, pha trà sẵn sàng cho cả nhà! Bà ý tứ đến độ không dám gây một tiếng động nhỏ để làm đứt đoạn bài ca của chồng! Xong cơm nóng, canh ngọt dành cho chồng, con. Bà vội vã khoác lên người cái áo bông cũ rách không còn đủ ấm chống chọi với cái rét tê tái sáng sớm tinh sưong rồi bà rón rén như kẻ trộm bước ra khỏi nhà một cách âm thầm để thui thủi một mình trên đường lạnh vắng yên tĩnh đến rợn người! Bà “trốn” chồng đi đâu? Xin thưa bà trốn chồng để bà đi “ …Buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng.”
 Biết bao nhiêu bà mẹ, bà vợ VN đã và đang âm thầm đặt gánh nặng gia đình lên vai, lo toan cho cả nhà từ A đến Z nhưng hình như chỉ có cụ Trần Tế Xương đề cập đến điều này! Thanks cụ!
Bà quần quật làm việc đến xế trưa dưới ánh nắng gay gắt hút hết sức lực của mình mới rồi mới chịu về nhà nằm nghỉ chút xíu lấy sức buổi chiều mò cua bắt ốc bổ xung chất đạm cho bữa cơm tối của “ Năm con với một chồng”( Năm con với một chồng được ăn còn bà: Cơm thừa canh cặn thế nào cũng xong)! Nhà nghèo , đất ít đến độ không có nổi hai cái cây hay cột để mắc võng nên ông chồng giỏi lắm đứng thay cây chừng một tiếng đồng hồ buổi trưa cho vợ tranh thủ ngủ lấy lại sức đi cày tiếp mà cũng phải kêu toáng lên: “ Ách đàng quàng cổ ai người vẫn cam” cho thiên hạ … biết công!!!
Người ta làm từ sáng đến tối âm thầm vậy mà không một lời ca thán! Lúc nào cũng tươi như hoa, lúc nào cũng đảm đang việc nhà lại còn : Môi xinh ngào ngọt kêu chồng Honey! Vậy mà nhìn cái “ bản mặt” của ông “cây” chồng bí sị, đầy khổ ải như đang chịu cực hình!! Ai mà ngủ được? Cả một cuốn phim bắt đầu từ lúc bà vợ thức dậy đi làm không được trình chiếu mà chỉ điệp khúc mãi cái cảnh bà vợ “Snore” làm nhân vật điển hình!!
Tôi đoán cả họa sỹ và nhà thơ trong ngày 8/3 mấy hôm trước cũng theo phong trào Gallant nửa của mình mà xung phong bếp núc! Tưởng dễ nhưng khi bắt tay vào việc thấy rối như mối bòng bong nên còn ấm ức! Không biết hôm đó các bà, các chị được ăn cơm sống hay khê mà vẫn phải “ ngậm bồ hòn làm ngọt” ? Khổ thân cho phái nữ ngày vùng lên! Chúng ta phải tranh đấu tiếp cho một năm có 365 ngày phụ nữ các bóng hồng ạ.

Thursday, March 10, 2016

Những Ngày Xưa Thân Ái
Bao kỷ niệm xanh vẫn còn đây!
Những ngày mới nhập học Sư phạm cả lớp đi rừng đốn cây dựng nhà. “Tên” lớp phó phụ trách lao động thấy mình thân hình “ lực sĩ” nên cho vào nhóm đốn cột quân cùng những cô bạn “ same size”! Cột cái dành cho các “tiểu thư” yểu điệu : “ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”! Vác con dao đã cùn lại mẻ vào rừng tìm cây thì ít, săn hoa Móng rồng nhiều hơn! Rừng hoang vu nhiều cây nhưng cây thẳng, đẹp đúng tiêu chuẩn rất hiếm! Cả nhóm “ ngố rừng” cứ thế đi sâu mãi vào trong! Quá trưa mới được bà chúa rừng xanh mỉm cười ưu ái ban cho một cụm tới hơn chục cây gỗ thẳng tắp đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cột quân một cách xuất sắc! Đã thế, gỗ lại nhẹ, mềm, dễ chặt nên các “quí cô” tấn công chớp nhoáng rồi “cài” lên vai vui vẻ tìm đường về “ nộp làng”! Dọc đường, cô nào cũng tranh thủ ngắt thêm hoa móng rồng cài tóc. Tên lớp phó đang bận túi bụi nhận hàng nhưng cũng kịp “liếc” qua đống gỗ để rồi hắn hét toáng lên: “ Chết tôi rồi! Gỗ này chỉ dùng làm củi chứ làm cột nhà sao được”! Ức chưa? Cùng là gỗ mà “ bên trọng bên khinh”, ra mặt “kỳ thị chủng tộc” chẳng có gentlemen chút nào! Rất may, hắn không phạt phải đi lấy bù gỗ mà bắt cả nhóm ở nhà trát vách, trộn bùn phụ cho thợ chính!
Ngày trường rời rừng xanh ra phố thị náo nức lòng các cô thanh nữ tuổi teen! Khi các cô nàng bạn tôi đang hớn hở:” Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn” thì tôi thoáng nhìn thấy “chàng” sơn cước con ông bán sắn lặng nhìn theo từng đoàn ngọc nữ lần lượt “ Quất ngựa truy phong” không một lần ngoái lại ! Chàng cứ chôn chân đứng đó “ thổn thức” trong cô đơn với trái tim tan vỡ cùng sự mất mát không gì thay thế: Nàng đi rồi sắn bán cho ai?
Không khỏi bật cười khi nhớ lại tiếng trống báo giờ tập thể dục buổi sáng lúc bình minh chưa ló dạng! Sau hồi trống chừng 5 phút hầu hết 4 dãy nhà tập thể lớp vẫn “ Thả hồn theo giấc mơ tiên”! Phá hỏng giấc mơ của các nàng không phải nhờ tiếng trống trường mà là tên lớp trưởng! Bao giờ hắn cũng cất tiếng hát ( hay tiếng hét?) nhái bản nhạc buổi sáng: “ La lá là la lá là, là là! Là lá lá la lá là …. Dậy, dậy bà con ơi” ! Hắn chạy vòng thứ nhất qua trước cửa từng phòng đánh thức mọi người! Vòng thứ 2, hắn dừng lại trước những phòng chưa có ánh đèn, hét thêm vài câu, nghe ngóng động tĩnh rồi dùng chân đạp tung cánh cửa liếp. Miệng vẫn dạo nhạc như cũ! Vòng 3, hắn xông vào phòng, dùng chân đá tấm chăn của những tên đã lười lại còn gan lì hai tay giữ chặt chăn “cố thủ” trên giường, cố lấy giọng thật mệt nhọc báo… Ốm không tập thể dục được! Hắn vặn lại ( rất có lý mới khổ chứ!): “ Ốm sao không cắt cơm”?
Chưa quên giờ thực hành với axít Sulfuric đặc . Thầy vừa giảng xong, trò quên liền! Hấp tấp nhúng cây đũa thủy tinh không sạch vào ống nghiệm! Axít bắn tóe lỗ chỗ vào áo blu trắng của thầy. Nhìn những vết cháy thủng áo biến màu vàng xậm, trò “chết đứng” như… Từ Hải! Cuống đến nỗi không nhớ phép lịch sự tối thiểu mà nói… Sorry! Để rồi mãi băn khoăn không biết axít có làm hỏng áo sơ mi không? Một thứ “tài sản” đáng giá ở thời buổi 4 mét vải cung cấp/ năm!
Giờ kiểm tra môn nhạc lý, thầy đọc nốt, trò complaint “Thầy đọc nhanh thế làm sao chúng em viết kịp? Thầy đọc nhanh hơn giờ dạy hát ở đài”! Thầy bật cười khen trò: “ Các bạn dò nốt nhạc cứ như dò …mìn”!
Vui và khí thế nhất vẫn là những tuần tập quân sự! Quăng sách vở sang bên để đeo súng trên vai thấy oai dũng làm sao! Hồi hộp đến đứng tim khi giờ bắn đạn thật gần kề! Cô nữ binh đang; “ Gương súng, kề vai, áp má, nheo mắt, nín thở…” đúng bài bản thì “ ngài” tư lệnh xuất hiện! Ngài ghé mắt vào ống nhòm quan sát chiến trường! Hiệu lệnh “Bắn” vừa vang lên, cô bắn liền 3 phát như người lính thực thụ. Dứt loạt súng, tên báo bia xuất hiện kiểm tra bia! Khi báo điểm, hắn không hét số điểm như thường lệ mà giơ hai cánh tay đan chéo nhau trước ngực! Bẽ bằng, xấu hổ vì đây là trường hợp đầu tiên trong ngày! Chưa biết trốn đâu thì tư lệnh “ vấn” : “ Chiến sĩ ngắm thế nào mà không một viên đạn trúng bia”? “Chiến sĩ” tưởng mình là ông “ Tướng’! Quên mất quân hàm binh nhì đang đeo trên ve áo nên buột miệng: “ Thưa tư lệnh, em sinh ra không phải để…!” Tư lệnh cau mày: “ Chiến sĩ nhầm rồi! Tập bắn súng là để bảo vệ hòa bình”!
“ Ơi bạn bè tôi về muôn ngả
Những ước mơ xa những bước đi” - Phan Kim Ngọc.

Sunday, March 6, 2016

Thơ tháng 3


“ Tháng ba này anh có tặng thơ không” ?
Tôi rất thích đọc những bài thơ không chứa đựng ẩn ý quá sâu sắc ! Những bài thơ bình dị như một cuộc đối thoại bất chợt trong đời sống hàng ngày. Như một tình yêu đôi lứa ở bất cứ độ tuổi nào được viết từ tiếng nói trái tim chân thật của tác giả mà khi đọc , ta có cảm giác như đang theo dõi một cuốn phim với hình ảnh hiện lên rõ ràng, như tiếng nói, như tâm sự của chính mình.
Là phụ nữ, chắc chắn ai cũng biết ngày 8/3 . Ngày phụ nữ quốc tế cùng hòa chung nhau ca bài “ Bread and Roses” ( Bánh mì và Hoa hồng)! Đòi hỏi này rất ngắn gọn và thiết thực nhưng tôi nghĩ thực hiện được cũng không phải dễ. Bánh mì thì ai cũng cần nhưng hoa hồng?! Ngay đến tận bây giờ, bánh mì và hoa hồng cũng chưa thể cùng nhau song hành dù khởi điểm cho quá trình tranh đấu của phụ nữ đã xảy ra từ 8/3/1857.
Bài viết này tôi muốn đề cập đến một người phụ nữ dịu hiền xinh đẹp không đòi “ Bánh mì và hoa hồng” như đại đa số những người phụ nữ khác! Nói đúng hơn, cô không “vòi” quà! Cô chỉ hỏi chồng một câu rất nhẹ như hơi thở nồng nàn: “ Tháng ba này anh có tặng thơ không?”
Cũng may, nửa ấy của cô được trời phú cho chút ít Gene … thơ nên… thơ liền. Lại còn chuyển thể phổ nhạc thơ tặng …phái đẹp trong tháng ba ngày “ Phụ nữ vùng lên” !
Thú thực, tôi không hề biết tác giả… thơ đến thế vì thấy tác giả công việc ngập đầu trong cương vị lãnh đạo công ty khoáng sản VN thì nghĩ trong đầu anh toàn con số khô khan và anh sẽ “ Khô như ngói”! Ấy vậy, những con số đã biến hóa diệu kỳ để tuôn chảy thành … Thơ tôn vinh phái đẹp!
Nhân ngày 8/3 chúng ta hãy cùng thưởng thức giọng ca Ánh Tuyết trình bày thơ Thế Bình đã được phổ nhạc bởi nhạc sỹ Quang Hiển. Xin chúc tất cả phụ nữ chúng ta thêm mạnh mẽ như… Nam giới để được quyền “ Đi cày” kiếm bánh mỳ với tiền lương bình đẳng như nam giới mà không phải chỉ ở nhà trông con và ngắm hoa hồng như phụ nữ ngày xưa!

Tuesday, March 1, 2016

McGill Medicine Class of 2019 - Heal Like a Doctor (Cake by the Ocean/A...

McGill, trường đại học hàng đầu của Canada. Vào trường này đã khó! Học y khoa còn “thiên nan vạn nan”! Các lương y tương lai của Canada phải hội đủ cả tài và đức mới được chọn lọc vào đại học Y khoa. Vào trường rồi còn phải đổ nhiều mồ hôi mới có cơ may khoác lên người chiếc áo blu trắng... Đây là tự sự của các sinh viên Y khoa năm thứ nhất đại học McGill bày tỏ nỗi niềm trong đó có cháu tôi, người thể hiện vai trò bác sỹ sản khoa trong ca sinh nở! Cháu đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc khi giúp “ Sản phụ” cho ra đời một… con búp bê!