Những Ngày Xưa Thân Ái
Tôi có thể biết chắc chắn rằng những ai đã từng ở tuổi học
trò ngày xưa ít nhất một lần trong đời cũng bị… Ghép đôi!? Cái sự ghép đôi này
nó thiên hình vạn trạng lắm! Nó tùy theo ngẫu hứng của những người thứ ba! Nó
chẳng tuân theo một qui định nào cả! Nó chỉ là trò đùa của lũ học trò ngây thơ
chưa biết đến chữ “ Sợ” của lứa tuổi “ Ăn chưa no, lo chưa tới”! Đứa nào cũng
ghét bị ghép nhưng vẫn cứ muốn ghép người khác để được cười trên sự “đau khổ”
(Nếu có?) của kẻ khác.
Ngay từ đầu cấp hai, tôi đã bị lũ bạn nghịch ngợm ghép đôi với tên bạn nhỏ thó ngồi cạnh! Những tên khác cũng chung tình trang tương tự nhưng không may cho tôi là tên bạn này lại ở gần nhà tôi mới khổ! Những bạn khác chỉ phải chịu cực hình khi học ở lớp còn tôi cái “gánh nặng” này đè lên vai cả khi ở nhà!
Không hiểu do thành kiến nào mà ngay từ nhỏ, chúng ta đã có phản ứng tránh xa bạn khác phái? Chẳng bù ở nơi đây có những cô nhóc, cậu nhóc 9, 10 tuổi chỉ…thích giao du với bạn không cùng phái! Cũng yêu trịnh trọng như… Người lớn ! Cũng “ phớt Ăng lê” chẳng kém người lớn để… Tỏ tình. Cậu nhóc trong truyện vui ngắn tôi đọc chừng 10 tuổi đã trịnh trọng quì gối trước cô bạn gái cùng lớp xinh đẹp! Cậu nói một cách trang trọng: “ Thưa cô! Tôi rất thích cô và tôi xin được ngỏ lời cầu hôn cùng cô”! Cô bé cũng không kém phần trịnh trọng, cô trả lời: “ Thưa ông! Tôi rất tiếc không thể nhận lời cầu hôn của ông dù tôi cũng rất thích ông! Nhưng nề nếp gia đình tôi không cho phép chúng tôi được kết hôn với người ngoài. Xin nói rõ hơn để ông hiểu quan hệ hôn nhân trong gia đình tôi là : Ông tôi lấy bà tôi! Bố tôi lấy mẹ tôi! Chú tôi lấy thím tôi! Cậu tôi lấy mợ tôi! Ông không phải người nhà tôi nên tôi không thể nhận lời cầu hôn của ông! Tôi xin lỗi ông”!
Xin quay lại tên bạn nhỏ thó ngồi cạnh tôi ngày xưa! Vì bỗng nhiên bị ghép với con bé vô duyên đáng ghét là tôi nên cậu dùng phấn gạch trên bàn phân chia biên giới hai bên! Không bao giờ cậu vi phạm ranh giới này nhưng tôi thỉnh thoảng mải viết đến quên “ hận thù”, tay hơi khuỳnh qua vạch phấn là cậu dùng cùi tay giáng cho một cú đã đời! Nhưng điều làm tôi “ đau khổ” nhất là các buổi trưa hè nắng gắt. Cả phố nhỏ nơi tôi ở chỉ có một gốc bàng cổ thụ quả sai trĩu trịt và râm mát là nơi tụ tập của tất cả trẻ con. Tôi một tay bế em nhỏ chưa biết đi, tay khác dắt đứa em nữa ra gốc bàng chơi cùng bạn bè. Cuộc chơi chưa tàn thì tên bạn lù lù xuất hiện! Hắn đuổi tôi đi chơi chỗ khác vì chỗ này không phải nhà tôi! Lúc đó, tôi chưa hề biết điều vô lý là gốc bàng này cũng không thuộc về nhà hắn! Và tại sao hắn chỉ đuổi riêng tôi? Cũng chưa đủ khôn về nhà mách mẹ sang nói chuyện phải trái với mẹ hắn để hắn được ăn …Roi! Lại thuộc loại lỳ không phải hơi tý khóc òa lên như bạn cùng lứa tuổi! Tôi đi tìm chỗ chơi khác!
Tôi cũng không nhớ chính xác tên bạn này học cùng tôi lên lớp mấy vì càng lớn chúng tôi càng khôn ra! Những khúc mắc hồi nhỏ được cởi tung hết nhưng vẫn không thể tưởng tượng được lần hội ngộ đáng nhớ ấy.
Hôm đó, người tôi phủ đầy bụi than vì vừa đi nhờ xe than đoàn 4 từ trường Sư phạm về nhà! Nắng gắt làm người ướt đẫm mồ hôi! Tôi bước chân vào nhà đã thấy trong nhà ngập tràn áo lính và tiếng cười đùa vui vẻ. Những cậu lính bạn cùng đơn vị em trai tôi đang tụ tập ở nhà tôi trong đợt nghỉ phép trước khi đi B. Tôi quen tất cả vì họ ở cùng phố nên chúng tôi vui mừng chào hỏi nhau. Rồi tôi chợt nhìn thấy TÊN BẠN CÙNG BÀN ngày xưa khi ánh mắt “Hắn” hướng về phía tôi với nụ cười ngượng nghịu! Trông hắn trong bộ áo lính cũng oai hùng làm sao! Tôi đang tính ( Xin đừng vội tưởng tượng tôi sẽ : “ Thẹn thùng nấp sau cánh cửa”)sẽ… chuồn cách nào cho êm thắm trước người lính trẻ đang chuẩn bị ra trận cùng em tôi! Tính chưa xong đã thấy “Hắn” đứng lên, hướng về phía tôi chào ngập ngừng: “ Chị... về thăm nhà”? Chị!? Ôi chao, tôi có nghe lầm không ? Hắn tôn tôi lên hàng chị? Có lẽ bây giờ hắn cùng đơn vị với em tôi nên hắn tự hạ mình xuống hàng EM? Câu hỏi của hắn làm mình thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng , tôi ngẩng cao đầu gật chào lại hắn với vẻ rất “ đàn chị” : “ Ừ, các cậu ngồi chơi” rồi đi thẳng vào trong nhà với niềm vui “ Chiến thắng”!
No comments:
Post a Comment