Sunday, September 23, 2012

Những Ngày Xưa Thân Ái

 Phân Công Công Tác

minhthanh-viet-ca.blogspot.com Viết bởi Vân và Minh Thành

 Sinh viên tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học… ngày xưa sau kỳ thi tốt nghiệp đầy căng thẳng nếu may mắn cầm được tấm bằng trong tay thì niềm vui chưa kịp ngấm, nỗi lo đã ở cạnh bên ! Ai cũng muốn được phân công về làm việc ở gần nhà , không ai muốn đi xa . Nếu phải đi xa , được ở nơi phố thị còn đỡ chứ bị “ đày” lên các vùng miền cao sống với đồng bào dân tộc nơi hoang vắng với tập tục “ Cà răng, căng tai” thì nam giới tôi không biết ra sao nhưng nữ giới coi như cầm chắc trong tay “ bản án” Ế chồng!!! Chẳng gì cũng là người có tí chữ trong đầu mà sánh đôi cùng một “ ông” lộc ngộc chưa biết đánh vần ? Ấy là chưa kể “ trang phục” của ông chỉ là một cái khố mặc quanh năm suốt tháng chưa bao giờ biết đến mùi xà phòng cũng như tiếng Kinh ông còn chưa nói "Thõi"? ?

Cái mùa hè tôi tốt nghiệp sư phạm , tôi tung tăng dạo chơi khắp chốn vì nợ sách đèn đã trả xong . Nào là đi Hải phòng uốn tóc, mua sắm quần áo, giày dép… đủ bộ cho ngày chính thức bước lên bục giảng với tư cách người thầy .Nào là đi thăm danh lam, thắng cảnh cùng bạn bè... Gần hết hè, tôi mới đi thăm chị tôi ở Hạ long Bay bởi chị tôi nhắn gọi mãi . Không đi không được mà đi thì ngại ! Tôi ngại vì nơi đó có một “ Cây Si” đã bén rễ cửa nhà tôi từ khi tôi còn học lớp 10 . Cây Si này có một sức hấp dẫn hầu như tất cả các cô gái vì dáng vẻ hào hoa , nghề nghiệp đáng mơ ước , giao thiệp rộng, có địa vị và … rất giàu .Hình như cây si  hơn tôi 3 , 4 tuổi ? Tôi không hỏi vì không muốn tạo bất cứ hiểu lầm nào ! Chính “ Cây Si” này gây hoang mang cho chị tôi làm chị hoảng hốt và nhắn tin gấp buộc tôi phải xuống thăm chị để được đưa vào ty giáo dục thăm dò tình hình phân công công tác xem tôi có phải đi miền đông không ? Tôi chủ quan nên trấn an chị tôi đừng lo ngay khi tôi mới bước chân vào nhà chị . Chị tôi mắng tới tấp và không biết bằng cách nhắn tin nào mà chỉ gần nửa tiếng sau, cây Si đã có mặt tại nhà chị rồi lấy tư cách người lớn , chỉ bảo cách thức tôi cần làm để được làm việc tại phố thị .( Theo chỉ dẫn đó thì tôi chẳng cần làm gì mà để cây si lo còn tôi chỉ cần gật đầu !) Chị tôi cũng hùa vào nhờ Cây Si lo giúp vì như đã nói ở trên , cây Si có sự giao thiệp rất rộng ! Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã “Vênh” mặt lên nói với chị và Cây Si rằng : “ Nếu ai cũng trốn không đi dạy nơi miền núi thì đến bao giờ trẻ em vùng dân tộc ít người mới biết chữ” ??? Ái chà, nghe anh hùng không ? Cao quý không ? Tôi còn nhớ vẻ mặt và thái độ của chị tôi và “ Cây Si” lúc đó ! Họ nhìn tôi cứ như tôi là người ở ngoài hành tinh ! Tôi sung sướng bỏ vào trong buồng nằm mặc cho họ ở bên ngoài bàn bạc phương kế.
Nhưng ! “ Nói vậy mà không phải vậy” ! Tôi chủ quan chứ không phải tôi muốn lên công tác nơi : “ Đỉnh gió hú” ! Nằm trong buồng tôi không ngủ được mà cũng hoang mang ngẫm nghĩ lời họ nói rồi âm thầm tìm kế hoạch cho mình . Mờ sáng hôm sau, tôi đánh thức chị tôi dậy sớm thì thào : “ Cho em mượn xe đạp để em vào ty giáo dục” . Chị tôi không muốn tôi vào một mình vì thân phận tôi : “ Thấp cổ bé miệng” mà muốn “cây si” đưa đi . Tôi khăng khăng không chịu rồi dọa nếu chị lộ chuyện này ra thì tôi sẽ bỏ cuộc . Chị đành chịu để tôi đi một mình!
Rất may , tôi đã gặp cô thư ký ty giáo dục là người cùng huyện . Cô mau mắn bố trí cho tôi gặp anh Nhữ cũng người cùng huyện làm ở ban tổ chức ty giáo dục . Anh xem danh sách thấy tôi bị điều đi Bình liêu ! Tôi toát mồ hôi khi biết mình phải đi miền đông !Tôi hỏi anh có cách gì giúp tôi về gần nhà ? Tôi trình bày với anh hoàn cảnh gia đình tôi chỉ còn mẹ và các em nhỏ đang đi học… Anh thừ người suy nghĩ rồi xem danh sách những người được điều về huyện tôi ! Phân môn tôi học chỉ có hai người về huyện này đều là hai cô bạn học của tôi ! Anh hỏi : “ Em muốn đổi chỗ với cô Hồng hay cô Hòa” ? Tôi lắc đầu : “ Cả hai đều không được anh ạ ! Hòa có anh trai mới hy sinh còn Hồng thì gia đình nó cũng có em nhỏ như nhà em ! Hơn nữa, em không muốn vì em mà bạn em phải xa gia đình ! Thôi , anh tìm chỗ cho em ở Hòn gai hay huyện Yên hưng, Cẩm phả... xem nơi nào còn chỗ trống cũng được” ! “ Anh nói : “ Hòn gai không còn chỗ ,Cẩm phả cũng không , huyện Yên hưng thì được” . Xong việc, tôi cảm ơn anh rồi nhảy chân sáo từ tầng hai xuống tầng một thì chạm trán trửơng phòng tổ chức của trường tôi đang thong dong đi lên . Tôi chưa kịp chào hỏi đã thấy anh ta cau mày nhìn tôi rồi nói ( Không biết nói tôi hay nói với cái cầu thang ?) : “ Người ta giỏi quá ! Không thèm xin ý kiến phòng tổ chức trường mà muốn qua mặt ! Đi thẳng vào phòng tổ chức ty giáo dục kia” ! Tôi phục trí nhớ của tay trưởng phòng tổ chức này vì trường có hàng ngàn giáo sinh mà tôi thuộc dạng “ Vô danh tiểu tốt” ! Tôi đớ người ra không biết trả lời sao nữa ! 

Nhưng dù sao, tôi cũng phải cảm ơn “ Cây Si” vì nhờ sự lo lắng đó nên tôi khỏi bị : “ Cà răng, căng tai” hoặc ít ra, cũng như trường hợp cô bạn nhỏ dạy môn văn của tôi mới kể lại chuyện cũ cho tôi nghe nhân dịp chúng tôi cùng “ Ôn nghèo kể khổ” : “Chị ơi nhớ lại cảnh ngày xưa nó mới khổ làm sao, chị may mắn ko phải đi miền đông còn em ra Ba chẽ khổ vô cùng chị ạ. Ngày đầu đặt chân tới phố huyện Ba chẽ,nằm chờ 1 tuần ở phòng GD để nhận công tác chị biết ko bọn em bị đói vàng mắt ra .Em và một cô bạn cùng lớp người Đông triều .Nằm ở phòng GD được 2 ngày bọn em định bỏ về nhưng nghĩ lại về thì ảnh hưởng tới Bố Mẹ em đành cắn răng ở lại. Em và cô bạn mò ra phố ,gọi là phố nhưng đi chưa đầy 15' là hết phố. Hai chúng em dừng chân ở căng tin phố huyện thấy mọi người xếp hàng dài mua phở ăn chúng em cũng xếp hàng mua. Vì bị đói mấy ngày 2 chúng em mua liền 6 bát, chẳng có người bê chúng em tự vào bê lấy. Chị biết ko mặc dù đói nhưng ko sao ăn nổi vì phở làm bằng tép khô khai mù. Buồn cười quá chị ạ đang ăn tự nhiên có một người cứ khúm núm đứng bên cạnh, bọn em nghĩ chắc chị ta ko mua được phở (vì phở chỉ bán 30' là hết) nên đến để bảo bọn em để lại. Bọn em hỏi : Chị cần gì? chị ta liền bảo: "Ăn nhanh để lấy bát". 2 chúng em nhìn nhau cười chảy nước mắt đứng dậy ra về. Nằm ở phòng GD 1tuần họ tống 2 chúng em lên 1 xã cách phố đi bộ một ngày toàn rừng và núi (lúc đó chưa có phương tiện nào đến đó được trừ đi bộ) -Xã Đạp Thanh. Em phải ở đó 1 năm may mà trời phú cho giọng hát nhân dịp trại hè họ phát hiện được tài năng của em thế là họ cho em xuống 1 trường ở phố(đúng nghĩa vụ là 3 năm ở xã 1 năm ở huyện mới được về) chị ạ.Giờ mà có bị "nhốt" lên đó thì chịu chết vì 32 năm đứng trên bục bệnh nghề nghiệp đã làm cho dây thanh hỏng hết rồi.” minhthanh-viet-ca.blogspot.com

No comments:

Post a Comment