Truyện

minhthanh-viet-ca.blogspot.com


Chuyện Tình Hai Thế Hệ
Bài đã đăng ở Việt Báo
minhthanh-viet-ca.blogspot.com photo DSC04390_zpsnq1avqme.jpg32 năm trước, vào một buổi tối, tôi đang lúi húi rửa bát . Thành , cậu em trai tôi rón rén đi đến đứng cạnh tôi  thì thầm : “ Tối nay chị đi ngủ mấy giờ” ? “ Mày muốn gì thì cứ nói, quan tâm tới giờ ngủ của tao làm gì”! Gãi đầu gãi tai một lúc rồi cậu ta đỏ mặt ấp úng : “ Khoảng 10 giờ đêm, chị để ý thấy em cào vào cửa thì mở cho em nhé” ! “ Lại đi với con bé : Thịt ăn không có… Phải không” ? “ Chị ác thế, không khác gì bà già . Hương mà nghe được thì chết em” ! “ Tao nhắc lại lời bà già thôi chứ có phải tao mỉa mai nó đâu ! Tao cũng đang điêu đứng với bà già đây ! Cấm đủ mọi thứ ! Cấm đi xi nê ,  cấm đi chơi với bạn bè thì chỉ có …” ! “Thì giúp em đi rồi em sẽ có đi có lại” . “Được rồi , chuồn nhanh lên không bà già bắt gặp thì mất đi” ! “ Nhớ mở cửa đấy” . “ Không nhớ thì nằm ngoài cửa một đêm có sao” ! “ Muỗi khiêng đi mất, mà bà già biết lại gào toáng lên cho cả phố nghe” ! photo DSC03238_zpssng7klsh.jpgBuồn ngủ díp cả mắt lại và ngáp lên ngáp xuống nhưng tôi vẫn chong đèn vờ đọc sách để đợi mở cửa cho Thành như lời hứa . Mẹ tôi tắm xong , đang nằm thiu thiu ngủ , bất chợt bà sực nhớ rồi giật giọng hỏi tôi : “ Thằng Thành đâu ? Từ chập tối đến giờ tao không thấy bóng dáng nó” . Chết rồi, tôi kiếm cách  chống chế :” Con mới thấy nó loanh quanh gần đây . Chắc nó ra đường hóng mát . Mẹ cứ ngủ đi, con tìm nó cho” . “ Tìm nó ngay đi. Hay là lại trốn nhà đi chơi rồi”! “ Thì mẹ cứ ngủ đi , nó lớn rồi chứ có còn là trẻ con nữa đâu” . “ Tao bảo mày đi tìm nó ngay , tao chưa buồn ngủ” . Tôi đứng lên , đi ra ngoài cửa ,  lấy hết gân cổ  gào to lên gọi Thành  để  tỏ cho mẹ biết  sự sốt sắng của mình : “ Thành ơi ! Thành ơi !  Về đi ngủ” . Bốn bề im lặng ! Tôi biết điều này mà . Tôi chạy tót ra ngoài đường , thơ thẩn, nghĩ ngợi, lo lắng cho cậu em và cho cả mình . Tuy nhiên, vẫn thỉnh thoảng gọi tên Thành toáng lên một cách ầm ĩ  để che mắt mẹ tôi . Rồi  bà cũng lục đục  đi ra  : “ Không tìm được nó phải không ? Lúc chập tối hai đứa chúng mày thì thầm cái gì” ? “ Chúng con có thì thầm gì đâu” !” Thế thì con chó nó nói chuyện với con mèo phải không? Còn  leo lẻo cãi, con cái gì mà mẹ nói cứ cãi lại? ! Mau đi tìm ngay thằng Thành về” ! “ Con biết tìm nó ở đâu bây giờ” ? Rồi tôi  lại co cẳng chạy miễn thoát được ánh mắt soi mói của mẹ . Vừa chạy tôi vừa gọi tiếp ” Thành ơi ! Thành ơi !” . Mẹ tôi dặn với theo : “ Lên nhà con bé trắng trẻo học cùng lớp ấy mà tìm thế nào cũng thấy nó . Gọi nó về ngay lập tức ! Chúng mày chỉ bao che cho nhau . Nhìn cái roi mây treo trên tường kia chưa bị gẫy đâu! Gẫy cái này, mua cái khác ! Không tìm được nó thì đừng vác mặt về nhà” !
Roi mây có bao giờ mà gẫy được ! Tôi tự nhủ , nó chỉ cũ, đen xỉn đi vì được sử dụng nhiều lần . Mỗi lần bị mẹ cho ăn một roi mây là nhớ đời ! Mà có phải chúng tôi là những đứa trẻ hư đâu . Cái thói dạy con của hầu hết các bậc sinh thành ngày xưa nơi tôi ở nó là như thế . Là một thói quen di truyền của tất cả mọi nhà chứ đâu riêng gì gia đình tôi . Bọn trẻ chúng tôi cứ sơ suất bất cứ điều gì cũng được cha mẹ sử dụng roi mây dạy bảo . Phần lớn do chúng tôi có lỗi ! Những lỗi lầm nhỏ không tránh khỏi của lứa tuổi lẽ ra chỉ biết học biết chơi . Đằng này, chúng tôi phải làm việc thực thụ . Năm, sáu tuổi đã quét nhà , cho gà vịt ăn . Bảy tuổi trở lên ngoài những công việc đó lại kiêm thêm trông em rồi nấu cơm, gánh nước ! Cái tuổi lẽ ra được hồn nhiên nghịch ngợm , chơi đùa thì phải làm việc ! Những việc được coi là nhỏ, lặt vặt trong gia đình chúng tôi thuở ấy dành cho trẻ nhỏ lo toan thì bây giờ , nó là một công việc có tên và được ăn lương : Người giúp việc nhà..
Dĩ nhiên , chúng tôi vẫn hồn nhiên làm mọi việc cũng như coi đó là bổn phận của bất kỳ đứa trẻ nào ở lứa tuổi đó nên chúng tôi không thắc mắc, không tị hiềm vì có lẽ , cũng chẳng biết gì để  thắc mắc! Vả lại, tị hiềm sao được khi nhìn thấy  những đứa trẻ con nhà hàng xóm cũng làm việc như mình . Có điều , tuổi ngây thơ vẫn chểnh mảng công việc để tranh thủ chơi chuyền, chơi ô ,  nhảy dây … với các bạn cùng trang lứa . Những lúc mê mải đó chỉ vài phút không để mắt đến mà em bé bị ngã bưu đầu sứt trán là chết ! Roi mây mẹ cứ tưới lên mông không thương tiếc . Hình như “ Thương cho roi cho vọt” là  phương châm dạy bảo con cái của  thế hệ bố mẹ tôi và  những thế hệ trước đó  .  Nhưng nếu  nghĩ rằng họ không thương con là lầm to . Họ thương lắm.,  thương con của họ như chúng ta thương con chúng ta vậy . Có điều các thói quen cũ đã ăn sâu vào tiềm thức  khiến họ thấy phương pháp dùng roi là cách biểu lộ tình thương ! Họ tin tưởng rằng  chỉ với riêng cách đó thôi, họ sẽ dạy bảo được những đứa con nên người . Những đứa con sẽ ngoan ngoãn , biết nghe lời cha mẹ để chăm chỉ học và có tương lai sau này. Những đứa con mà họ mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn hẳn thế hệ của họ.minhthanh-viet-ca.blogspot.com photo DSC03228_zpspu47t3qo.jpgVừa đi tìm Thành tôi vừa lan man triết lý vụn như vậy cho tới khi đến nhà cô bé được mẹ tôi gọi với mỹ danh : “ Thịt ăn không có, có thịt treo” ! Quả thật, đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao mẹ tôi , một người đàn bà không bao giờ được cắp sách tới trường mà có thể sử dụng những từ miệt thị như vậy? Thực ra, lúc đó, tôi cũng chưa nhận thức hết sự ví von đầy miệt thị của mẹ mà trái lại, còn thấy ngộ nghĩnh , hay hay nên thỉnh thoảng tôi đã nhắc lại nửa vời để trêu  Thành . Còn Thành thì tức giận thực sự vì coi đó là một sỉ nhục với người yêu đầu đời của mình . Hương, cô người yêu Thành cũng đang học năm cuối cấp ba cùng lớp với Thành . Cô bé ngoan ngoãn, trắng trẻo chịu khó . Cô có bộ mặt phúng phính như búp bê . Đối với tôi , Hương đẹp, ngoan, lễ phép và cô bé học rất giỏi . Gương mặt hơi tròn . “ Khuôn trăng đầy đặn” của cô lúc đó có thể nói là biểu hiện cuộc sống của một gia đình có đủ ăn nếu như không nói là còn được ăn ngon trong khi phần lớn các gia đình khác thiếu ăn . Vả lại, ở thời điểm đó , những từ ăn kiêng , giảm cân cho thân thể mảnh mai, thon đẹp… chưa được lứa tuổi chúng tôi biết đến. Chưa ai có quan niệm người có da có thịt là không đẹp ! Có chăng, người ta chỉ thấy những người xanh xao gầy yếu vì thiếu ăn là những người có sức khỏe không tốt cần được cân nhắc kỹ càng trong việc hôn nhân để đảm bảo duy trì nòi giống. Chắc mẹ tôi đã đi trước thiên hạ một bước nên bà mới dùng những từ nặng nề như vậy dành cho Hương dù cô chưa có lỗi gì với bà . Có chăng, chỉ là tình yêu trong trắng của cô gái đang tuổi học trò dành cho Thành, con trai bà mà thôi... Chắc mẹ tôi lo Thành yêu sớm như vậy mà chểnh mảng việc học chăng?minhthanh-viet-ca.blogspot.com photo DSC03252_zps9trnudic.jpgTối hôm đó , khi hai chị em tôi về đến nhà , mẹ tôi vẫn chưa đi ngủ . Bà ngồi ngay cửa đợi chúng tôi với cây roi trên tay ! Chúng tôi vừa bước vào  nhà thì bà túm ngay Thành, quất cho một roi vào mông . Thành vùng chạy vào trong , tôi níu tay bà lại thì bà tiện tay vụt tôi một cái đau thấu tim . Rồi cơn giận của bà hạ xuống . Mọi người trong nhà lại bình thản đi ngủ như không có chuyện gì ầm ĩ đã xảy ra . Một ngày bình thường như những ngày bình thường khác . Thành cũng chỉ ức mẹ lúc đó còn tối hôm sau , khi cả nhà ngồi ăn cơm, tất cả chúng tôi lại vểnh tai nghe mẹ tôi vừa mắng vừa dạy chúng tôi về cách sống. Bà kể cho chúng tôi nghe ở lứa tuổi bà, không có yêu đương gì cả mà “ Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” . Trai gái tự động tìm hiểu , đi chơi lén lút với nhau là điều xấu xa , nhất là con gái ! Mẹ tôi dí tay vào trán tôi và chị gái tôi răn đe : “ Còn chúng mày nữa , con gái mà không biết giữ gìn thì khổ cả đời ! Cứ lén lén lút lút , vụng vụng, trộm trộm rồi có ngày biết tay tao” ! Chị gái tôi ngứa miệng : “ Nhưng bố mẹ cũng yêu nhau rồi mới hỏi gia đình xin cưới . Thời mẹ còn như thế mà bây giờ, mẹ cấm chúng con. Chúng con mất hết cả tự do, mất hết cả bạn bè” ! Lúc đó, chị tôi đã ăn xong đang dọn dẹp bát đĩa thì mẹ tôi giơ tay tát chị một cái hằn đỏ cả bên má còn chúng tôi nuốt vội những câu nói chất chứa từ lâu đang định chuẩn bị nối tiếp chị để biểu lộ sự bất bình với cách giáo dục quá nghiêm khắc của  mẹ vào trong lòng . minhthanh-viet-ca.blogspot.com photo DSC03256_zpsfknjg9yi.jpgXin đừng hiểu lầm tôi đang oán trách mẹ tôi , một người đàn bà ít học, chồng mất sớm mà tần tảo thức khuyan dậy sớm nuôi cả bầy con lít nhít chục đứa nên người . Mẹ tôi là người mang nặng trên vai trách nhiệm lớn lao của cả người cha và người mẹ từ khi mẹ vẫn còn ở tuổi xuân sắc vì bố tôi mất khi chúng tôi còn rất nhỏ ! Nuôi cho con đủ ăn đã là một cực nhọc mà mẹ tôi còn tham vọng cho chúng tôi học đến nơi đến chốn . Tôi chỉ thuật lại một cái nhìn về cách giáo dục con cái của từng thế hệ và tôi cũng không muốn so sánh thế hệ bây giờ nuông chiều con cái mới là cách thể hiện tình thương con sâu đậm hơn thế hệ trước . Tùy vào hoàn cảnh ,tùy vào nhận thức của xã hội từng giai đoạn mà cách đối sử của bậc cha mẹ dành cho con cái mỗi thời điểm mỗi khác.
Không biết có phải nhờ vào cách giáo dục của mẹ tôi hay do may mắn. Tất cả mấy anh chị em chúng tôi đều lập gia đình với những người tử tế. Cái nghĩa tử tế tôi dùng ở đây bao hàm những dâu rể của gia đình tôi đều là những người chung thủy , chịu khó làm việc và vun thu cho hạnh phúc gia đình. Vai trò của mẹ tôi cũng chưa mờ nhạt trong cái đại gia đình này đâu dù bây giờ bà đã già . Mẹ tôi không biết lái xe, cũng như không biết nói tiếng Anh . Đi đâu một bước phải con, cháu đưa đón . Vậy mà bà vẫn “oai quyền” lắm ! Mỗi khi các con hớn hở báo tin đứa cháu này được khen thưởng, được học bổng đại học hoặc kiếm được việc làm tốt… là bà lại nhắc : “  Ngày xưa mẹ không nghiêm khắc thì làm sao các con có thể dạy được con cái học hành tử tế đến nơi đến chốn như bây giờ"?minhthanh-viet-ca.blogspot.com photo DSC03259_zpsjkpd7m7h.jpgHiện tại , trong đầu óc chúng tôi đã mất đi hình ảnh chiếc roi mây treo cạnh đầu giường mẹ tôi ngày xưa . Điều đáng nói là mẹ tôi bây giờ đổi tính khác hẳn . Bà hoà vào mối quan hệ thân thiết, ấm cúng, cũng như thái độ gần gũi, tôn trọng con cái mà chúng tôi thiết lập trong gia đình. Chưa bao giờ tôi nghe thấy bà la mắng cháu! Mỗi khi cả đại gia đình xum họp vào những dịp lễ, tết , mấy chị em chúng tôi nhắc lại chuyện cũ rồi chúng tôi nháy nhau xúm lại trêu bà: “ Mẹ có biết ngày xưa mẹ đã hành hạ trẻ con không ? Theo luật bên đây thì đó là tội nặng lắm ! Chúng con có hiếu nên không Sue (kiện) mẹ thôi” ! Bà cười dễ dãi và thách thức : “ Thì bây giờ các anh các chị có quyền rồi , muốn làm gì thì làm đi cho khỏi ấm ức” ! Rồi mắt bà ánh lên niềm vui, hạnh phúc với nụ cười mãn nguyện không dấu được khi nhìn con cháu tụ họp đông đủ chung quanh.minhthanh-viet-ca.blogspot.com photo DSC03270_zpssrunnyps.jpgHôm nọ, bà phone cho tôi kể chuyện về cháu Danny , cậu con út của Thành và Hưong . bà nói : “ Thằng Danny nó hành mẹ nó quá” ! “ Nó hành mẹ nó như thế nào hả mẹ” ? “ Tối hôm trước , nó hỏi mẹ nó tiệm hoa gần nhà nhất ở đâu , mẹ chỉ cho con . Nó nói cần một bông hồng màu xanh hay tím để tặng con bé người yêu”. “ Hồng màu đó khó tìm lắm” . “ Thì mẹ nó cũng nói như vậy” . “ Rồi sao nữa mẹ” ? “ Con Hương nó nói để nó mua cho vì thằng Danny bận đi làm . Con Hương kiếm mấy nơi không có hồng màu xanh hay tím nên đành mua một bông hồng nhung đỏ rất đẹp . Mua xong, nó nhắn tin cho con thì Danny nhờ mẹ chụp hình bông hồng rồi email cho nó coi”! “ Thật quá đáng, thế mợ Hương có làm không” ? “ Làm ngay chứ sao không. Con Hương đang nghỉ phép mà” ! “ Thế thằng Danny nó có ưng ý không mẹ” ? “ Chỉ thấy nó nói cảm ơn mẹ nó”.
 Chưa kịp làm một phép tính so sánh” tình yêu hai thế hệ” của bố con Thành thì hôm sau mẹ tôi điện thoại tiếp . Bà kể rằng khi nhận được mail mẹ gửi tới nơi thì cậu ta không ưng ý màu đỏ của bông hồng . Thực ra , nói chính xác hơn , cô người yêu của Danny chỉ thích màu xanh hay tím . Danny đã tìm kiếm trên mạng và cuối cùng , gần sát giờ hẹn, tiệm hoa cũng kịp đem đến một bông hồng xanh dễ thương tới nơi để cậu mang tặng người yêu . Cậu cám ơn mẹ rối rít vì mẹ đã mất công tìm mua hoa cho mình . Đồng thời cậu cũng xin lỗi mẹ . Hương gạt đi: “ Không sao , con cứ vui là mẹ vui rồi” . Đợi mẹ đi khuất vào phòng ngủ , Danny cầm bông hồng đỏ mẹ cậu đã mua hồi trưa đưa cho bố Thành nói bố tặng mẹ Hương ! Hương sung sướng khoe với tôi :” Lấy nhau mấy chục năm , có với nhau bốn người con rồi mà hôm nay em mới được anh ấy tặng một bông hồng, chị ạ” ! “ Còn hơn chị, chị chưa được chồng tặng cho bất cứ một bông hoa gì chứ đừng nói bông hồng” !

 ( Bài viết từ năm 2012)

***

Cơm Mớm

Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt Báo

( Thuật lại lời kể của người anh họ tôi)

Anh bạn tôi ở Little Sài gòn gọi phone kể lại cho tôi nghe chuyến về thăm quê của anh sau gần ba mươi năm xa cách . Tôi háo hức lắm, tôi muốn biết cái phố nhỏ ngập đầy kỷ niệm tuổi thơ ngày xưa của mình thay đổi ra sao . Bạn bè và bà con hàng xóm , người thân người xa… Nhà anh hồi đó liền vách nhà tôi và chúng tôi cùng lứa tuổi nên bạn hữu và láng giềng hầu như cùng là bạn bè chung . Tôi chưa có dịp về lại chốn cũ vì gia đình tôi kể cả họ hàng cô dì chú bác đều ở Mỹ hoặc Canada nên nhu cầu về thăm gia đình không có . Còn đi du lịch ? Tôi vốn là người lười đi nên từ bao lâu nay chỉ quanh quẩn xó nhà như ếch ngồi đáy giếng , nhìn lên khoảng trời phía trên một màu xanh ngắt cứ tưởng mình biết hết cả vũ trụ mà tự đắc một mình . Hài lòng với công việc vợ chồng đang làm tuy thuộc loại lao động chân tay nhưng có đời sống ổn định “ nhìn lên thì chẳng bằng ai” nhưng ngó xuống thấy vẫn có nhiều người còn  phải sống nhờ Welfare thì cũng tự thấy mình giàu , mình sang ! Cái gì thì khó chứ “ Sáng rựou sâm banh tối sữa bò” cũng chẳng khó lắm . Dĩ nhiên , sâm banh không phải sáng nào cũng sơi nhưng sữa bò có khi nào thiếu . Nào uống sữa tươi cho xương cứng đá mềm . Nào cho sữa ông Thọ vào cà phê cho giống kiểu cà phê Việt nam … Có ngày nào thiếu sữa đâu mà  cần ao ứoc ?
Tóm lại, từ lâu tôi sống trong tự mãn ! Cứ nghĩ mình là nhất ! Cứ tưởng có cái job thơm bền vững tuy mặc áo cổ xanh nhưng chịu cày cũng nuôi được mấy đứa con ăn học đàng hoàng để bây giờ chúng được chuyển lên tầng lớp mặc áo cổ trắng là giỏi lắm . Bạn tôi còn giỏi hơn tôi nhiều . Vợ chồng anh có tiệm nail nên tiền bạc rủng rỉnh hơn . Anh thì cả gia đình  ở Mỹ nhưng bên chị thì tất cả đều ở Việt nam nên trách nhiệm của chị nặng nề hơn anh . Ngoài việc cấp dưỡng cha mẹ già và anh chị em ruột đằng đẵng từ ngày mới đặt chân đến Mỹ còn đi học ESL và làm thêm Job rửa chén ở nhà hàng với số tiền khiêm tốn chỉ đủ gói ghém gửi về nhà một ít thuốc , vài thước vải… Như một nghĩa vụ phải có của một người con hiếu thảo sống nơi sang giàu chia sẻ cho gia đình . Chẳng bao giờ anh phiền trách về điều đó huống chi bây giờ , hai người cùng cặm cụi làm chủ tiệm nail . Tiệm nhỏ chỉ có hai vợ chồng nhưng lượng khách lâu năm quen thuộc nên chẳng khi nào ngơi việc . Anh chị cũng không có ý định mở rộng tiệm vì đã có lúc muốn làm chủ lớn như người ta chỉ tay năm ngón mà thất bại ! Đào tạo được người làm đến lúc thạo việc, có nhiều khách riêng ,  họ to nhỏ với khách rồi đùng một cái, họ xin nghỉ việc , bỏ đi làm chỗ khác, hoặc mở tiệm riêng… Riết rồi anh chị cũng hài lòng với cửa tiệm chỉ có mình có ta cho dễ .
Được cái , cả hai vợ chồng cùng chịu khó  nên tiền bạc cứ đều đều thu vào cao hơn chi . Thương gia đình bên nhà thiếu thốn đủ mọi đằng nên chị càng mạnh tay cung cấp . Đứa em út lập gia đình cần chi phí cho đám cưới và một căn nhà  ba tầng để ở . Những đứa lớn chị cũng lo toan gói ghém chu toàn rồi bây giờ còn thằng út chẳng lẽ không cho ? Chị lôi hộp đựng tips đếm thấy cũng gần đủ . Lấy thêm vài ngàn trong cash nữa đã biến giấc mơ của đứa em trở thành hiện thực . Chị thấy mình như bà tiên có cây đũa thần trong tay , vung lên một cái là nhà cửa, xe máy hiện lên  cho cả nhà tận hưởng. Chỉ tưởng tượng dòng nước mắt vui mừng của mẹ già chảy ra trước sự hân hoan của tất cả các em , các cháu cũng như những lời trầm trồ thán phục của hàng xóm kéo dài không dứt từ ngày này sang ngày kia của đầu làng cuối ngõ về lòng hiếu thảo của mình  là chị đã hả dạ. Mà cũng lạ , cứ mỗi lần nghĩ đến điều đó  chị lại thấy mình tràn đầy một sức mạnh vô biên để có thể cặm cụi làm việc từ thứ hai đến chủ nhật . Từ 10 giờ sáng đến 9  giờ đêm trong căn phòng lúc nào cũng nồng nặc mùi Acetone và mùi sơn móng tay độc hại . Thực ra , mới đầu chị cũng thấy khó chịu với mùi này lắm . Nhiều lúc cả người còn bị mẩn đỏ và nôn nao khó thở !  Chị từng muốn kiếm việc khác vì  thấy sống trong bầu không khí nồng nặc đến mệt mỏi chẳng muốn ăn nhất là lại bị xẩy thai ngay năm làm đầu tiên . Rồi suy đi tính lại , không nghề nào kiếm tiền cho bằng nghề này nên chị trụ được đến bây giờ  . Miệt mài làm để lấy kinh nghiệm và vốn cần thiết cho dự tính trong tương lai . Rồi khi kiếm đã đủ tiền , tay nghề đủ vững , chị mở tiệm và bảo anh bỏ hãng điện tử về làm cùng cho thoải mái tự mình làm chủ . Nghề này học không khó ! Anh không muốn nhưng chị nỉ non, than vãn mãi nên cũng bùi tai . Nhiều lúc thấy chồng đường đừong một đấng nam nhi mà ngồi cạo từng móng chân cho các bà “ ngồi trên” chị cũng xót ruột lắm . Nhưng xót ruột là một chuyện , tiền bạc lại là chuyện khác . Cứ mỗi khi xong việc, nhìn  các bà khách hài lòng cám ơn rối rít kèm theo những tờ đô màu xanh  mà các bà trân trọng tặng người thợ khéo tay thì bao nhiêu mặc cảm tiêu tan hết .Vả lại lúc này, cái khúc ruột gia đình chị ở quê nhà càng phình to ra . Lo cho anh chị em ấm êm nhà cửa xong bây giờ đến các cháu . Nhu cầu thời @ có khác thời lạc hậu . Quà tặng tết nhất bây giờ không phải là những viên thuốc chữa bệnh như ngày xưa mà là những cái laptop , cell phone đời mới… Cũng không phải cứ khơi khơi rình  tìm đồ bán on sale mua rồi gửi về quê như ngày mới chân ướt chân ráo đến xứ cờ hoa của thập niên 80 ngày xưa , cái ngày mà tình cảm quê nhà còn đầy ắp .Bây giờ cứ dollars xanh thẳng tiến mới đúng điệu  vì thứ gì bên nhà cũng có. Hàng hóa không thua kém  hàng bên Mỹ . Có thiếu chăng , chỉ là những tờ giấy màu xanh thơm phức . Gửi những tờ giấy này vừa nhanh vừa tiện lợi . Các cơ sở chuyển ngân nở rộ như nấm sau mưa . Dịch vụ chuyển tiền ngày càng hoàn hảo . Có khi cần gửi gấp, người gửi chưa kịp về đến nhà thì ở quê hương xa vạn dặm , những đứa cháu đã hân hoan đếm xấp đô còn thơm mùi mực mới và ngắm nghía kỹ lưỡng đề phòng bạc giả!  Có những lúc từ cơ sở chuyển ngân về tiệm ,  chị thấy đôi chút chạnh lòng khi nhìn chồng đang cặm cụi gò lưng , cúi mặt, ghé sát mắt vào chân một bà khách để coi móng đã cọ  rửa sạch chưa . Mới ngày nào tóc anh còn xanh, lưng anh còn thẳng mà bây giờ  tóc đã muối nhiều hơn tiêu ! Mắt anh đã phải đeo kính và tốc độ làm việc chậm chạp hơn . Anh trông đã có vẻ mỏi mệt của tuổi tác . Mấy chục năm trôi qua thật nhanh . Chị về thăm gia đình đã cả chục lần . Lần thì giỗ cha, lần thì ăn cưới cháu còn anh không thể đi vì cả hai cùng đi lấy ai trông tiệm ? Quanh năm suốt tháng ở xó bếp nên anh chủ quan tưởng bên nhà vẫn thiếu thốn mọi đằng như xưa bởi những cuộc chuyện trò qua điện thoại với gia đình  vợ anh thường tràn ngập lời trách móc về sự thiếu trách nhiệm của vợ anh với gia đình . Đành rằng anh có đọc báo, coi TV nhưng ai giàu có kia chứ không phải gia đình bên vợ vì anh thấy vợ anh vẫn phải cung cấp đều đều cho gia đình . Thi thoảng , chị cũng thẫn thờ , suy tính mỗi khi nghe gia đình các em, các cháu gặp khó khăn ! Hết khó khăn này đến khó khăn khác ! Khó khăn nào cũng chỉ giải quyết được bằng đô ! Mà mình dĩ nhiên dư dả hơn thì phải giúp . Vả lại, sự giúp đỡ đó có làm sứt mẻ chút mẩu bánh mỳ nào trên bàn ăn nhà mình đâu mà nghĩ ngợi . Anh chị có mấy người con cũng ngoan . Ngoài giờ học, đứa nào cũng đi làm thêm nên chi phí đại học chúng tự lo được hết . Đứa con gái từ lúc 15 tuổi đã ra phụ làm ở tiệm nên rất thạo công việc . Mùa hè được nghỉ nó nói sẽ trông tiệm để bố mẹ cùng về quê trứơc hết cho bố thăm lại nơi chốn cũ đồng thời ăn cưới thằng cháu con cậu em vợ . Anh vui lắm . Trước khi đi, anh phone tôi kể niềm háo hức của mình . Hỏi tôi nên mua quà gì tặng bạn cũ và bà con chòm xóm . Đúng là anh đã hỏi lầm người . Tôi còn xó nhà hơn anh nhưng tôi làm mặt khôn khuyên anh nên mua một ít sâm loại tốt về tặng mỗi người một ít vì bạn chúng tôi thì bây giờ cũng lên lão cả rồi ! Mình ở đây còn lão nữa là bên nớ . Anh hỏi vợ thì chị gạt đi nói không cần, cứ mang đô cho nhẹ ! Đô là bao nhiêu ? Anh không biết , anh để chị lo . Tuy nhiên , anh cũng thủ vài hộp sâm như lời xui dại của tôi để tặng những người bạn cũ mà theo như tưởng tượng của chúng tôi thì có lẽ họ còn “lão” hơn chúng tôi nhiều lắm vì hầu hết đều đã đủ tuổi hưu trong khi ở nơi đây, chúng tôi vẫn còn đang tuổi “ cày”.
Rồi khi quay lại Mỹ , tôi thấy anh như người lẩn thẩn  Anh phone tôi liên tục . Anh kể chuyện và anh so sánh . Anh chê mình lạc hậu, chưa biết hưởng thụ . Nước Mỹ chỉ được tiếng giàu nhưng thực ra  “ Có tiếng không có miếng”! Mọi người làm việc hùng hục như trâu ! Anh nhìn nếp sống của mấy cậu em vợ mà thèm ! Anh mang tiếng chủ tiệm mà cũng chỉ thỉnh thoảng mới có dịp nhắm nháp vài ly trong những ngày lễ tết . Cậu em vợ anh  điểm tâm buổi sáng bằng rượu đế lai rai ở quán ngay đầu ngõ đến xế trưa khật khiễng chân nam đá chân chiêu quay về nhà ngủ tiếp .Bia , rượu thay cho nước uống ! Cô em dâu tóc xanh tóc đỏ cưỡi xe dream đi đâu buổi sáng tới gần mười giờ về quán phở của cô ngay cạnh nhà nấu nháo nhào kịp bán cho tốp thợ nghỉ ăn trưa trong khoảng vài tiếng đồng hồ rồi lại đóng cửa quán đi chơi ! Thấy mấy anh thợ đến muộn nài nỉ chị nán lại vài phút bán cho chúng em ăn trưa thì cô lạnh lùng trả lời quán đã đóng cửa mà anh tiếc hùi hụi . Chẳng bù cho anh chị có những lúc tiệm đã tắt đèn mà có khách vào lại bật đèn lên ở lại làm xong cho khách dù họ nói có thể quay lại hôm sau ! Kỳ lạ nhất là làm ăn phất phơ vậy mà nhà cửa của họ rất đàng hoàng . Đồ đạc toàn đồ xịn .  Mấy cô em dâu, em gái vợ lúc nào cũng ăn mặc như chuẩn bị đi dự tiệc ! Các cháu thì hình như chúng không đi học mà chỉ lêu lổng chơi bời đàn đúm ! Không biết chúng lấy tiền ở đâu ? Không lẽ kiếm tiền nơi đây dễ hơn bên Mỹ ? Anh ngậm ngùi cho cái thiếu hiểu biết của mình về những thú vui xa xỉ ! Anh chê mấy ông Mỹ không văn minh . Một số tiệm cà phê ở Little Sài gòn mới chỉ mặc thiếu vải chút xíu mà tính làm to chuyện . Sao không chịu nhìn những quán cà phê ôm , cà phê cởi ? Anh hào hứng kể tôi nghe về cơm mớm . Gì chứ cơm mớm tôi đã từng nhìn qua . Bà nội cô bạn học tôi vẫn mớm cơm cho em bé . Bà nhai nát cơm trong miệng rồi dùng lưỡi đẩy thẳng vào miệng em hoặc nhổ ra tay rồi bón cho em ! Tôi rùng mình khi nghe anh nhắc lại cách bón cơm này . Đến khi tôi lớn, không thấy ai bón cho em bé theo kiểu này vì họ được dạy về phép giữ vệ sinh . Không ngờ bây giờ, người ta lại quay lại kiểu ăn uống thời xưa cũ . Anh để tôi nói hết rồi mới từ tốn : Thế mà cũng đòi biết ! Cơm mớm thời nay là thứ mớm văn minh của những kẻ lắm tiền nhiều bạc. Mới đầu chỉ có một số người “ Lợi thì có lợi nhưng răng không còn’ biết hưởng thụ còn bây giờ tuốt luốt cả già lẫn trẻ miễn có nhiều đô . Các cô gái trẻ măng nghèo áo lẫn quần ngồi ép sát cạnh hoặc ngồi trên lòng những người cần mớm ! Không chỉ mớm cơm mà họ mớm cả trái cây , bia, rựơu…
“ Thế họ lấy tiền ở đâu mà ăn chơi dữ vậy” Tôi hỏi , anh cười khẩy : “ Còn ở đâu ra ? Có nhiều nguồn cung lắm .  Ông may mắn không có dính lứu ruột thịt rắc rối như vợ tôi  nên lúc nào ông cũng ung dung. Bấy lâu nay  tôi cứ tưởng mình sướng nên ngoan ngoãn làm việc như một con trâu mà không biết hưởng thụ . Mà kỳ thật , không hiểu sao mà tự nhiên bây giờ tôi hết cả hứng thú miệt mài kiếm tiền như trước mà cứ hay so sánh như một người đàn bà nhỏ mọn tính toán thiệt hơn ! Rồi tự nhiên thấy mình mệt mỏi , già nua . Có khi đang cọ rửa chân cho khách mà chỉ muốn ngủ gục ! Hay là mình già thật rồi ? Vô lý , mình còn chưa tới tuổi hưu ! Răng mình còn đầy đủ mà , chưa đến lúc phải ăn cơm mớm!
Anh bạn tôi  còn phone dài dài và so sánh nhiều chuyện nhưng có chuyện tôi nhớ có chuyện thì không . Nhiều lúc anh lải nhải chì chiết như một bà già khó tính ! Lại có lúc anh tiếc nuối đã bỏ phí quãng đời trai trẻ để vùi đầu làm việc như một người điên với ý tưởng sẽ về hưu sớm ! Duy có điều tôi biết chắc chắn là anh đã đoạn tuyệt hẳn ý nghĩ làm thật nhiều khi còn sức để tích lũy một số vốn rồi hưởng thú điền viên cho tuổi già ! Bây giờ , những lúc vắng khách, anh không lau chùi, sửa chữa những thứ hư hỏng trong tiệm như xưa mà anh lang thang ra ngoài ngắm người  , ngắm shop . Anh cho tôi biết anh hay đi quanh quẩn khu Phước Lộc Thọ tìm kiếm xem ở đây có cửa tiệm nào kinh doanh cơm mớm ?. Vợ anh thì vẫn như xưa .Chị không bao giờ có thì giờ quan sát những thay đổi của chồng . Chị vẫn miệt mài làm việc như mấy chục năm trước . Chị tưởng chị chưa già.! Chị vẫn trung thành với ý nghĩ là chị chỉ cần làm thêm mỗi ngày vài giờ thì gia đình anh chị em và các cháu bên nhà bớt khổ!

***

 Việt Kiều

Bài đã đăng ở Việt Báo

Minh Thành

Cái ngày Trang bỏ nhà  trốn theo người yêu vượt biển là một ngày náo động cả  thị trấn bé nhỏ. Cái phố thị nhỏ bé ấy gồm những gia đình ai ai cũng cũng như có liên hệ họ hàng,  dây mơ rễ má vòng vo...  bất cứ chuyện gì cũng chúi mũi vào thọc mạch. 
Tại đây,  một cô gái xinh đẹp bỏ nhà trốn theo trai qủa là một chuyện động trời. Câu chuyện được truyền miệng từ người này sang người kia, có sức công phá mạnh như một trái bom.  Khắp cả xóm từ trong nhà, ngoài ngõ,  chỗ này một nhóm, chỗ kia một cụm thì thầm cái chuyện ai cũng biết, đã nghe nhưng họ vẫn muốn nghe lại, kể lại tưởng chừng như họ chưa được nghe, chưa được kể bao giờ. Cứ sau mỗi lần lặp lại thì câu chuyện được thêm muối dặm mắm cho đậm đà hơn, gay cấn hơn do đó càng hấp dẫn hơn, dù cuối cùng, nó chỉ còn giữ lại một tí ti sự thật. Trong hoàn cảnh này, thầy u Trang là những người khổ tâm nhất.
Gia đình Trang không sống ở mặt phố mà sống phía sau lưng phố. Ngôi nhà tranh cũ kỹ hiền lành thường ngày ẩn mình sau những búi tre, bụi cỏ rậm rạp với con đường đất lầy lội bẩn thỉu không ai thèm để y.ù Bỗng dưng, sau việc Trang  trốn đi, bỗng rầm rập người qua kẻ lại. Người cớ nọ, cớ kia đều vờ vit đi qua , nhìn vào căn nhà cũ nát cốt chỉ "bắt tận tay , day tận mặt"  hai đấng sinh thành ra Trang đang sống dở chết dở với nỗi  nhục nhã vì có con gái " trốn nhà theo trai"! Có con trốn nhà theo trai bình thường đã là sự tủi hổ của cha mẹ. Đằng này, Trang còn dại dột đến nỗi trốn theo người yêu là con trai của gia đình đang bị đuổi chạy trối chết  khỏi Việt nam vì một cuộc chiến giữa hai nước chuẩn bị bùng nổ mà họ chẳng hề dự phần liên quan dính líu chút nào!
Dù giận, ghét con cách mấy. Thầy u Trang cũng đành ngoài mặt cửa đóng then cài tránh sự nhòm ngó của láng giềng. Bên trong họ bàn tính mọi cách đi tìm con, cứu nó về nhà. Phải làm thật nhanh vì nó đã liều mình, bỏ cả gia đình, cha mẹ. Bỏ cả công việc để trốn theo người yêu thì nó sẽ lẩn trốn tới cùng. Nửa đêm, U Trang đã dậy nấu cơm nắm muối vừng gói lại cẩn thận cho chồng bọc mang theo trên đường đi tìm con trong  tuyệt vọng! Họ không có một manh mối nào về đường đi nước bứoc của con gái!
Nhà thầy u của Trang nghèo mạt rệp. Mấy sào ruộng đất bạc màu cấy những cây lúa èo uột chỉ đủ ăn cho cả gia đình sáu tháng trong năm. Tất cả các con đều vất vả giúp bố mẹ làm việc từ nhỏ nên đứa nào cũng chỉ học được tới lớp năm lớp sáu là bỏ học, vào trong mỏ nhặt than rơi vãi đem về bán cho những gia đình có hàng quán buôn bán ngoài thị trấn để lấy tiền mua gạo. Quần quật làm ngày đêm không có thời gian chơi bời giao tiếp nên đứa con nào của ông bà cũng hiền lành, chất phác.
Trang là người con thứ ba trong gia đình có tám con. Cũng như những người anh chị, em, cô chỉ học hết lớp sáu là ở nhà giúp gia đình. Khi đủ mười tám tuổi, cô đi thực hiện nghĩa vụ thuỷ lợi . Vốn con nhà nghèo chịu thưong chịu khó, sau một tháng hoàn thành nhiệm vụ, Trang được công ty thuỷ lợi giữ lại làm công nhân ăn lương đàng hoàng. May mắn vậy nhưng Trang vẫn còn nhấp nhổm tìm công việc khác tốt hơn . Trang có một ý chí mãnh liệt là cô không chịu đầu hàng số phận. Ngoài ra,  Trang  còn một lợi thế nữa là cô đẹp, rất đẹp là khác. Và cô biết dùng sắc đẹp của mình để chinh phục, để tiến thân .
Nhan sắc mơn mởn của  cô gái mới lớn có  sức hấp dẫn mấy cậu "công tử" phố lẻ của thị trấn. Đó là những cậu "công tử" thanh niên choai choai được sinh ra từ  những nhà có tí "máu mặt" ở vài gia đình có nhà mặt phố. Trình độ thấp nhưng cô tương đối thông minh và nhanh ý. Nhờ sắc đẹp hơn người, Trang đã lọt vào tầm ngắm của Tuấn, một thanh niên bảnh trai, có chí, đang theo học trung cấp kế toán. Cái đáng kể ở đây là Tuấn xuất thân từ gia đình  giàu có hơn gia đình Trang rất nhiều.
Nhà Tuấn là một căn nhà hai tầng bề thế ở trung tâm thị trấn . Căn phòng rộng sát mặt đường được ngăn làm đôi. Một nửa mẹ anh dùng làm cửa hàng may đo. Nửa còn lại, bố anh mở tiệm chụp ảnh. Cả hai tiệm đều đông khách nên có thể nói gia đình anh có đời sống sung túc nhất nhì ở thị trấn này. Khi biết Tuấn yêu Trang, gia đình anh không bằng lòng. Mẹ Tuấn là người tỏ thái độ lạnh lùng với Trang hơn cả! Bà hay bóng gió đánh tiếng cho Trang biết là gia đình bà phản đối chuyện này. Tuấn cương quyết bác bỏ ý kiến của mẹ và ra mặt bảo vệ người yêu bé bỏng. Chàng hứa sẽ cưới Trang trong cả trường hợp nếu gia đình không cho cưới! Chàng tin mình có thể tự lập được và có khả năng đem lại hạnh phúc cho Trang... Tuy vậy, Trang vẫn lo lắng về nhà khóc và phàn nàn với u. U Trang khuyên con gái nên chiều chuộng, ngoan ngoãn với Tuấn nhiều hơn  và không bao giờ được tỏ cho Tuấn biết là Trang không ưa và sợ mẹ anh. Bà dạy Trang phải phục tùng Tuấn mọi điều và cố tìm cách lấy lòng mấy người chị em của Tuấn . Lúc nào cũng phải tỏ ra lễ phép, kính phục bố mẹ Tuấn...
Sự kiện chiến tranh biên giới có nguy cơ bùng nổ  giữa hai nước láng giềng "Núi liền núi, sông liền sông",  thình lình bỗng đảo lộn trật tự xã hội  trong một sớm một chiều. Gốc gác gia đình Tuấn bị phát giác có liên hệ  máu huyết với người Hoa từ thời ông bà bên nội xa xưa . Đùng một cái , gia đình Tuấn trở thành đối tượng bị theo dõi, bị xua đuổi!
Đối với xã hội dưới mắt mọi người thì bây giờ Tuấn và gia đình anh đã trở thành những người thất thế! Rất yêu Trang nhưng Tuấn sợ sẽ làm khổ Trang nên anh nói sự thực cho Trang biết tình trạng bi đát này. Cùng thời điểm đó, người ta xôn xao bàn tán về  khu kinh tế mới ở tỉnh Lâm đồng sẽ được lập ra để đưa những người Hoa chính gốc hoặc có liên hệ huyết thống vào đó khai hoang! Gia đình Tuấn quyết định sẽ đi khu kinh tế lập nghiệp và làm lại từ đầu! Tuấn khuyên Trang tạm thời lánh mặt đợi coi tình hình rồi sẽ liên lạc với nhau sau! Rồi khi biết đó chỉ là điều viển vông, gia đình anh mới tính đường vựot biển! Điều này còn phiêu lưu mạo hiểm hơn cả đi khu  kinh tế!  Tuấn không muốn Trang phải hy sinh cho anh vì cả nhà anh đang phải đối đầu với một  tương lai mù mịt chưa biết sẽ biến chuyển ra sao nên anh cố tình tránh gặp Trang để cô quên anh đi! Mẹ Tuấn lúc này mới hiểu rõ tình yêu tha thiết của Trang dành cho Tuấn cũng như hiện tại, bà phải hàng ngày chứng kiến sự đau khổ vật vã của con trai nên bà lén gặp Trang nói cho cô biết mọi chi tiết cuộc ra đi của gia đình. Bà gợi ý nếu Trang muốn , bà sẽ coi Trang như người con trong gia đình và dĩ nhiên bà đài thọ mọi chi phí để Trang đi cùng.
Trang yêu Tuấn thật sự. Cô không thể sống thiếu anh.  Tình yêu đã biến cô gái ít học nhưng chung thủy trở nên can đảm, liều lĩnh. Trang quyết định  bỏ nhà theo gia đình người yêu vượt biển . Cô khóc ngất trong tay mẹ Tuấn, van xin bà đừng bỏ cô!  Mẹ Tuấn lên kế hoạch cho Trang và  chỉ dẫn tỉ mỉ từng chi tiết . Theo đó, Trang  chỉ xuất hiện vào phút cuối để giữ được bí mật với gia đình cô đồng thời tránh cho Tuấn khỏi lâm vào tình trạng khó xử! Bà cũng biết vào tình thế lúc này, rủ Trang đi theo cũng chẳng khác gì lợi dụng tình yêu của cô để lôi cô vào một cuộc sống bấp bênh đầy rủi ro của gia đình bà mà lẽ ra cô không phải đương đầu . Lòng thương con của người mẹ đã khiến bà quên hết cả đạo lý. Bà không muốn  nhìn con bà phải chịu đựng đau khổ vì mối tình đầu tan vỡ. Bây giờ bà thấy ân hận  về cách đối sử trước đây bà dành cho Trang...  Gia đình Trang cũng lường trước điều này nên họ trói cô nhốt ở trong  nhà suốt cả tuần khi  gia đình Tuấn rụch  rịch chuẩn bị ra đi.  
Phút chót, Trang đã thuyết phục được người em trai cởi trói, nửa đêm trốn nhà theo gia đình người yêu vượt biển. Thầy u Trang đã tìm cô khắp nơi không ra. Sau này còn có tin cô bị bắt và đang ở  trong tù làm cho cả nhà khóc cạn hết nước mắt!
Câu chuyện hư hỏng của cô chỉ dừng lại và xoay chiều đột ngột khi gia đình cô nhận được lá thư đầu tiên  gửi về từ miền đất tuyết băng vùng Bắc Mỹ. Những bức hình chụp Trang mặc váy áo lộng lẫy đứng cạnh chồng con bên chiếc xe hơi bóng lộn đã làm cả họ mạc tự hào. Những thùng quà gửi về liên tục được cả xóm tới xem trầm trồ khen ngợi.
Năm 1990, vợ chồng Tuấn và Trang trở về thăm thị trấn cũ này, khi đã trở thành Việt kiều. Suốt trong tháng Trang về thăm nhà. Hàng xóm nườm nượp tới thăm. Họ vây kín nhà cô từ sáng sớm đến nửa đêm. Họ hể hả nhận những món quà nhỏ có giá trị mà vợ chồng cô mang về. Ai cũng vui vẻ và tỏ ra dễ dãi, sởi lởi một cách không thể tin nổi so với cái thời cô phải leo rào nhảy ra ngoài trong đêm tối để đi theo tiếng gọi của con tim! Vết thương ở chân bị mảnh chai cứa rách khi cô ngã xuống đêm hôm đó đã thành một vết sẹo  sần sùi sâu dài làm cô không thể mặc váy ngắn khoe đôi chân trần gợi cảm! Cô cứ tiếc nếu mười một năm trước đây, bố mẹ  họ hàng  không ngăn cấm cô,  không tìm cách chia cắt hai kẻ yêu nhau mà để cô đàng hoàng xách túi ra cửa chính đi theo người cô yêu trong lúc anh gặp hoạn nạn thì làm sao cô bị lưu lại vết sẹo xấu xí này!
Nhà cô giờ được xây lại khang trang  với đồ đạc chất  đầy ăm ắp tỏ rõ  nếp sống sung túc khác hẳn một trời một vưc so với thời cô còn thơ ấu.
Nhưng cũng đúng vào lúc hàng xóm râm ran bàn tán và khen cô hiếu thảo, ngoan ngoãn,  thì Trang cũng thấu hiểu hết nỗi nhục nhã gia đình cô đã phải hứng chịu khi có con bỏ nhà  theo trai.
Mấy bà bác họ còn cứ bô bô nói như chốn không người rằng khi cô về lại Bắc Mỹ cố tìm  vài người chưa vợ chưa chồng để mai mối cho lũ cháu! Mạnh mồm nhất lại là bà cô ruột nghiêm khắc đạo mạo của ngày xưa!  Bà cô mà cả họ nhà Trang ai cũng coi trọng lời nói và uy tín của bà một cách tuyệt đối vì bà là người có học cao nhất trong dòng họ.
Ngày gia đình Tuấn ra đi, bà là người quyết liệt nhất trong việc thúc đẩy thầy u Trang phải nhốt cô lại và cử người canh chừng! Bà đã phân tích cho tất cả họ mạc thấy mối nhục nhã ụp lên đầu  nếu để Trang trốn thoát! Bà đã tình nguyện sẽ tự mình làm công việc trừng phạt đứa cháu  hư hỏng, đĩ thõa bỏ nhà theo trai bằng cách  "cạo đầu bôi vôi"  nếu thầy Trang tìm được cô để làm gương cho kẻ khác!
Bây giơ, bà hùng hồn lập luận về tình yêu! Bà không cần biết họ tên , tuổi tác, nghề nghiệp của đối tượng bà muốn chọn cho con cháu! Bà chỉ cần người đó đang ở Mỹ là đủ!  Bà còn dẫn chứng "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" để  chứng minh tình yêu sẽ nảy sinh dễ dàng! Hay nhỉ, mới có hơn mười năm mà tư tưởng của người "cầm cân nẩy mực" về chuẩn  mực đạo đức của dòng họ, gia đình  thay đổi ngược hẳn  như xã hội đã trải qua hàng thế kỷ! Không quen biết nhau mà cứ ấn vào chung phòng cũng sẽ tạo  thành  tổ ấm hạnh phúc như bà thuyết giảng cho cả họ hàng đang chăm chú nghe một cách kính phục trình độ uyên bác, nhìn xa thấy rộng  của bà thì cũng khó hiểu như chục năm trước đây, khi bà cùng tất cả mọi người tìm đủ mọi cách cắt bỏ tình yêu chung thủy cùng lời hứa "trọn đời bên nhau" của Trang và Tuấn! Hay là bây giờ ,người ta không cần tình yêu ?



***
Sa Trung Kim
Minh Thành
Bài đã đăng ở Việt Báo
Chi có tài, điều đó hết sức hiển nhiên. Chi biết, chồng Chi và thậm chí các con Chi cũng biết. (Biết một cách lõm bõm vì  trình độ nghe tiếng Việt của chúng cũng giỏi như trình độ nghe tiếng Anh của Chi vậy)! Cái tài của Chi là  tài chìm. Không thể hiện ra ngoài mới thiệt thòi! Ông thầy tướng số nói Chi mệnh " Sa trung kim" .Nghĩa là vàng  trong cát. Chi nghĩ cát chỉ là những lớp mỏng như ở bãi biển khi Chi đi tắm biển thường thấy. Vậy thì cũng dễ lộ ra khi người ta dẫm mạnh trên cát. Nghĩa là, ắt hẳn có lúc, vàng sẽ hiện ra lấp lánh ở bãi biển vào một thời điểm nào đó. Chi chỉ cần đợi thời gian thôi.
Chi có khả năng xuất khẩu thành thơ. Thơ tuôn nhẹ nhàng, thoải mái, không gò bó. Không phải nhăn trán nhíu mày tìm từ như những nhà thơ chính cống! Chi có thể làm thơ mọi nơi mọi lúc. Đúng vần ,điệu mà còn thơm thơm mùi thức ăn  như khi Chi nấu nướng hoặc đang ăn cùng chồng con. Vừa gọt xu hào, Chi vừa ngâm nga:  "Hôm nay em nấu xu hào / Anh chan, anh gắp, anh phều phào khen ngon".  Hay "Hôm qua em nấu bánh đa (canh bánh đa) / Anh thích ăn lắm anh  ra anh vào", " Khi xưa anh hút thuốc lào ..." Những câu thơ kiểu này Chi  sáng tác được nhiều lắm.  Chi chưa nghĩ đến chuyện in thơ để bán hoặc ghi  lại cho đời sau nghiên cứu khỏi mai một chứ nếu Chi in thơ thì số lượng chắc cũng tới trăm quyển ...  Khiêm tốn mà nói,  Chi thấy thơ Chi đọc  êm ái, dịu dàng, tình cảm. Cũng tuân theo đúng luật bằng trắc như ai. Ý thơ  mộc mạc, giản dị, bình dân như thơ Nguyễn Bính!
Ngoài thơ, Chi còn viết văn, và là ca sỹ  hát karaoke thượng thặng. Chả thế mà mỗi khi Chi xong việc bếp núc, ra phòng khách mở máy, cầm micro lên là chồng con Chi nhìn nhau rồi vội tản ra , ai về phòng nấy để nhường sự yên tĩnh cần thiết cho ca sỹ luyện giọng. Nhiều lúc, Chi muốn chồng ngồi lại thưởng thức giọng hát của mình thì anh nói  "Giọng em rất trong, cao vút, nghe xa mới hay. Anh ở trên lầu nghe em hát mới thấm thía". Chi cảm động lắm, hát thống thiết hơn, lâm ly hơn vì Chi biết tiếng hát của mình đã có người đang bần thần, để hết tâm tư tình cảm vào nghe. Chi cũng tự sản xuất cho mấy Album âm nhạc chuyên về dòng nhạc karaoke. Chi để trong xe, mỗi khi đi làm, Chi lại bật lên để nghe giọng ca cao vút của mình .Càng nghe càng  hay, Chi nghe mãi không chán. Chỉ tiếc là quãng đường từ nhà tới sở làm hơi ngắn, nghe chưa hết một băng nhạc đã tới sở rồi !
Thời còn đi học, Chi đã mơ viết văn. Chi tưởng tượng văn Chi viết lôi cuốn, hấp dẫn cả triệu người đọc. Người ta xếp hàng chờ mua sách Chi viết. Sách được dịch ra mọi thứ tiếng trên thế giới, được dựng thành phim... nên Chi rất chịu khó học môn văn. Có điều, Chi không may mắn trong nghiệp bút nghiên. Năm nào cũng gặp phải ông thầy khó tính. Nào phê là sai lỗi chính tả be bét. Câu cú viết lủng củng, không diễn đạt nổi ý... Tuy vậy, Chi không nản, cứ có đợt báo tường của trường, lớp ... là Chi góp bài viết. Người viết nhiều, tường chỉ có bốn bức nên thường không đủ chỗ. Các bạn phụ trách báo  phải ngậm ngùi bỏ bài viết của Chi ra ngoài, hẹn dịp khác!
Chi cũng đã gửi nhiều bài viết đi những tòa soạn chuyên trị báo biếu. Họ cũng rất bận rộn nên thư đi thì có, báo đăng bài thời không! Chồng Chi nói  Chi viết khó hiểu quá. Loại văn viết khó hiểu ít người thích vì họ không hiểu Chi nói cái gì ? Muốn đưa bạn đọc đến đâu? Anh gọi đó là viết theo trường phái trừu tượng, gửi đăng làm gì cho mất công! Viết cho riêng anh thôi. Chi lại viết, lần này viết cho riêng chồng. Anh vốn lười đọc, bảo Chi đọc anh nghe, Chi diễn tả bài viết của mình theo cung bậc trầm bổng du dương như Chi đang biểu diễn một ca khúc karaoke cho người bạn trăm năm thưởng thức. Đọc được vài đoạn, quay sang hỏi anh thấy thế nào thì Chi đã nghe tiếng ngáy của anh vang lên như sấm! (Mải diễn tả văn, Chi có nghe thấy gì đâu).  Hỏi anh tại sao ngủ thì anh bảo văn hay lại thêm giọng đọc tốt có  sức lôi cuốn như phê ma túy  đưa anh vào giấc ngủ. Chi  nghe chồng khen ngợi mình mà hả lòng. Thế nên mỗi khi chồng mất ngủ, Chi lại lôi văn ra đọc. Chồng Chi được ngủ đủ giấc nhờ những bài viết của vợ đọc hàng  đêm nên anh béo tốt, hồng hào hẳn ra.
Lâu nay, thấy chồng mê mải theo dõi những bài viết trên tờ báo uy tín nhất nhì Bắc Mỹ dành cho người Việt tị nạn viết về cuộc sống của họ trên đất Mỹ. Anh nói họ viết sống động lắm, thực lắm. Viết mà như cho người đọc xem một cuốn phim mô tả công việc  người Việt tị nạn đang làm, khó khăn họ đang gặp cũng như thành công họ đạt được trong cuộc sống mới trên đất Mỹ nói riêng và hải ngoại nói chung. Có những tác giả khi đến Mỹ còn ở tuổi teen.  Học trường Mỹ, nói tiếng Anh, bằng  cấp kỹ sư, đại học đầy mình mà văn chương chữ Việt không chê vào đâu được ... Chi rất muốn viết cho tờ báo đó, Chi nói với anh như vậy. Chồng Chi phác một cử chỉ dứt khoát theo kiểu " Anh van em, anh can em. Em viết vẫn như xưa. Như cái hồi anh gặp em lúc em còn là cô nấu bếp trong một khách sạn nhỏ tỉnh lẻ miền quê hiu hắt. Nghĩa là trừu tượng lắm, khó hiểu lắm"!
Chi nhớ lại dạo đó mà bồi hồi. Trong cùng một tuần, Chi được hai chàng trai tuấn tú gửi thư tỏ tình. Một anh là kỹ sư thủy lợi. Anh kia hành nghề gõ đầu trẻ (chồng của Chi bây giờ). Bên tám lạng, bên nửa cân! Dùng cái cân nhà bếp khách sạn thường dùng cân rau quả, cá mắm cũng khó phân  nặng nhẹ. Nhưng trái tim Chi có hơi nghiêng về anh kỹ sư thủy lợi một chút vì anh làm nghề đem nước về ruộng cho bà con nông dân nên thỉnh thoảng, anh được bà con thương tình, biếu cho củ khoai củ sắn. Còn anh gõ đầu trẻ với nắm giẻ rách và viên phấn trắng không làm cho cái bao tử đầy hơn. Đã thế, anh dạy môn văn nên cứ như người mơ ngủ. Tới thăm Chi mà chẳng biết mua tặng một vài mét vải cho Chi may áo  diện ở thời buổi công chức nhà nước được cấp năm mét vải may áo quần cho một năm! Vải nội hóa khổ hẹp, dễ rách. Đêm  ngủ không dám mặc quần áo vì sợ rách lấy gì che thân lúc ban ngày? Không lẽ may áo bằng lá chuối? Một sự tính toán hết sức tỉnh táo, thông minh, sặc mùi vật chất của  người yêu văn thơ như Chi.
Thế rồi, Chi dành cả tháng, nắn nót viết hai bức thư thật văn hoa  trả lời. Đồng ý với anh kỹ sư thủy lợi kiếp này  và hẹn anh gõ đầu trẻ ở kiếp sau. Thư gửi đi một tuần thì anh giáo súng sính trong bộ quần áo mới hớn hở xuất hiện, run run, lắp bắp nói cám ơn Chi đã dành tình yêu cho anh. Còn anh kỹ sư thủy lợi mất mặt luôn! Sau này, Chi tìm lại bản nháp của hai lá thư nhờ thằng em trai đang học đại học giải nghĩa hộ. Chi cũng khôn lắm, Chi nói với nó là đứa bạn nhờ hỏi chứ không phải thư Chi viết. Thằng em trai nghiên cứu hai lá thư trong hai ngày mới có thể phân rõ tỏ tường. Té ra, cả anh kỹ sư và anh gõ đầu trẻ cũng như thằng em trai đều không phải là đệ tử của trường phái trừu tượng nên họ cùng hiểu ngựợc ý Chi muốn bày tỏ.  Thế là anh giáo chiến thắng một cách vẻ vang. Nửa năm sau, anh rước Chi về căn phòng nhà tranh vách đất rộng thênh thang tới chín mét vuông, kê đủ  một chiếc giường đôi cho hai vợ chồng son cùng một chiếc bàn nhỏ vừa để anh soạn giáo án, chấm bài, vừa làm bàn ăn ở trong khu nhà tập thể dành cho giáo viên tại  trường cấp ba nơi anh dạy học.
Mặc kệ chồng ngăn cản, Chi vẫn nung nấu quyết tâm viết. Chi phải chứng tỏ cho anh biết Chi làm được việc này. Chỉ cần Chi kiên trì  và chịu khó nhặt tìm tư liệu là đủ. Trước  hết, Chi phác thảo cho mình một cốt chuyện để viết. Muốn thu hút người đọc chỉ nên viết chuyện tình lâm ly, ướt át. Chi muốn chuyện tình Chi viết sẽ phối hợp đông tây kim cổ. Sẽ bi thảm như Romeo   Juliet. Hiếu thảo như Thúy Kiều   Kim Trọng. Đẹp kinh hồn tựa Tây Thi. Lễ giáo như Lục Vân Tiên   Kiều Nguyệt Nga buổi đâu gặp gỡ. Thêm chút bình dân của Thị Nở - Chí Phèo... Bằng ấy tinh hoa gộp lại, tác phẩm của Chi sẽ là một chấn động văn học. Mở ra một trào lưu mới cho người viết chuyện tình  kim cổ đông tây. Vấn đề còn lại, Chi chỉ cần  pha  trộn, xếp sắp khéo léo những chất liệu văn học có sẵn quyện lẫn với nhau một cách hài hòa như các món ăn khi ăn lẩu, người ta bày sẵn trên bàn với đủ sắc màu, hương vị. Chỉ mới phác thảo thôi, Chi đã thấy cả một hào quang chói lọi bao quanh. Lòng vui phơi phới, Chi ngồi xuống chăm chú viết với nụ cười trên môi .
Chi trịnh trọng đặt tác phẩm tim óc sau mấy tháng trời nghiền ngẫm, gọt  tỉa, cắt, xén... lên bàn trước mắt anh chàng gõ đầu trẻ ngày xưa mà bây giờ là cha của mấy đứa con Chi.  Anh mở to mắt  định thần nhìn một lúc vẫn không hiểu Chi muốn gì!  Anh hất hàm: "Lại thư bên nhà gửi xin tiền phải không"? Rõ chán cho anh chồng chẳng biết ga lăng, tế nhị chút nào! Văn chương lai láng thế mà cứ làm như giấy đòi nợ! Chi phụng phịu: " Anh đọc rồi biết, đọc nhanh lên cho em gửi. Một chuyện tình lâm ly em mới viết". Anh nhà giáo hốt hoảng đứng bật dậy như nhà bị cháy: "Không được đâu, em viết... em viết... Không, ...Không thể được!  Chi sẵng giọng : " Em viết sao? Anh đã đọc đâu mà biết em viết những gì!". Rồi Chi ngồi xuống, thút thít khóc. Anh chồng vụng về đứng cạnh vợ, đưa tay vuốt mái tóc tơ mềm mại khi xưa nay đã trở thành tóc rễ tre. Anh nhìn những chân tóc ngả màu bạch kim quá nửa do Chi mải  lo việc nhà nên quên chưa nhuộm mà thương vợ vô kể. Ánh mắt hấp háy vì quên đeo  kính lão của Chi vẫn còn sức hấp dẫn anh nhà giáo si tình. Anh  đứng thẳng người, dập hai chân vào nhau, giơ tay lên chào theo kiểu nhà binh, hô to giọng: " Xin tuân lệnh", rồi từ từ khụy xuống rên lên đau đớn. Thì ra, anh quên mình đang đi dép nên khi dập hai chân, hai cục xương nhô ra phía trong đập vào nhau làm anh đau đến tận xương tủy. Không biết chúng có bị rạn vỡ không? Thật khổ cho cái thân già!
***
Tuổi Hồi Xuân

Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt Báo

Khi chị đang ở giai đoạn sung mãn nhất của tuổi hồi xuân thì hãng điện tử nơi anh chị cùng làm việc gần ba chục năm gửi giấy báo cho biết anh bị laid off!  Thực ra, cái vụ laid off này không còn là điều mới mẻ. Nó đã diễn ra lải rải từ đầu năm ngoái khi khủng hoảng kinh tế chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà ngược lại. Các hãng điện tử đang đua nhau di chuyển hãng xưởng tới những nước kém phát triển để giảm bớt tiền lương phải trả so với lương trả cho công nhân ở các nước tiên tiến  nên công việc ngày càng bị thu hẹp lại kéo theo sự giảm bớt nhân viên trong hãng.
Gần ba chục năm làm việc liên tục, qua bao nhiêu lần hãng, xưởng  cắt giảm biên chế. Anh chị vẫn trụ vững như những cây cổ thụ nhờ đức tính cần cù, chịu khó, khéo tay ... Bỗng dưng tới lúc phải cầm tờ giấy laid off trong tay, cả hai đều thấy chới với, hụt hẫng không tin vào thực tế lạnh lùng, tàn nhẫn được ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen! Đành rằng hơn năm nay, cái việc laid off đã xảy ra thường xuyên ở nơi anh chị đang làm việc. Đã xảy ra với những người thân, người bạn của mình trong hãng ... nhưng chưa bao giờ họ nghĩ nó sẽ xảy ra với họ dù trong thâm tâm, họ cũng hồi hộp lo lắng mỗi khi có những rỉ tai từ đồng nghiệp: "Hình như hãng đang chuẩn bị laid off"!
Kể ra, gần ba mươi năm cần mẫn làm việc và chi tiêu chừng mực. Anh chị cũng chẳng có điều gì phải lo lắng về mặt kinh tế. Chi tiêu hàng tháng cũng chỉ chiếm hết phân nửa số tiền làm ra. Phần còn lại, bỏ ngân hàng, mua bond, GIC ... Lãi xuất hiện tai tuy không cao nhưng vẫn đều đều có thêm một khoản tiền  thặng dư hàng tháng. Cái nhà  trả hết mortgage từ lâu. Các con đã lớn. Đứa con đầu  tốt nghiệp đại học, đang đi làm với số lương hơn hẳn cha mẹ. Lương lĩnh hàng tháng về chỉ cần trích một phần dùng chi tiêu  cho nhu cầu riêng  của nó. Khoản ăn uống, nhà cửa đã có bố mẹ lo. Số dư thừa được mẹ khuyên bỏ vào ngân hàng dành mua nhà riêng sau này khi chúng lập gia đình. Đứa nhỏ, cũng gần xong đại học nhưng anh chị  không phải băn khoăn về tiền học hoặc chi tiêu lặt vặt vì nó được học bổng lại làm co-op nên mang tiếng là sinh viên mà trong ngân hàng vẫn có tiền rủng rỉnh .
Thực sự mà nói, tin anh bị laid off làm cho chị chới với, hụt hẫng hơn anh! Phần lớn người vợ thường hay lo lắng cho kinh tế gia đình nhiều hơn người chồng !. Chính vì lo xa  nên những lúc công việc xuôi chảy, tiền vào đều đều, chị vẫn không hề phung phí, tiêu pha bừa bãi. Gần ba chục năm mà anh chị cũng mới đi du lịch vài nơi gần nhất như nước cộng hòa Dominican, Cuba ... theo nhóm bạn cùng hãng tổ chức đi theo đoàn.   Cả hai vợ chồng đều chịu khó, không cờ bạc, rượu chè... nên kinh tế gia đình rất ổn định. Không đến nỗi phải lo lắng nếu như chẳng may, anh bị laid off vĩnh viễn  thì cái khoản tiền bù cũng như số ngày vacations còn rất nhiều của anh cũng đủ kéo dần đến lúc anh hưởng lương hưu. Cùng lắm, đành lấy hưu non! Mà điều đó rất khó xảy ra vì dù sao, chị vẫn còn đang làm việc. Hình như, cái lợi của hai vợ chồng cùng làm chung hãng là ít khi nào cả hai cùng bị laid off. Không biết đó là luật bù trừ của thượng đế hay tính toán của lương tâm con người ? Dù sao chăng nữa,  những lo xa từ trước của chị đã giúp anh chị giảm bớt lo lắng về kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự rủi ro này.
Về lý thì có vẻ ổn nhưng chị vẫn bần thần nghĩ ngợi. Giờ nghỉ trưa, mấy Mít cùng chung hãng lại tụ tập ngồi gần nhau tả oán. Tới gần một nửa bị "dính" không vợ thì chồng! Tuy nhiên, công bằng mà nói, các sắc dân khác cùng làm còn bị laid off nhiều hơn Mít nhà ta. Có thể Mít chịu khó, hoặc may mắn hơn, đang làm ở những bộ phận còn cần người ... Không biết tin nào chính xác cả. Mỗi người đoán một ý. Người bị laid off hôm nay  thì rầu rĩ còn người chưa bị lại phâp phồng dự đoán tương lai của mình, của hãng xưởng,  mà tương lai thì: "Whatever will be will be" !
Mấy tuần đầu  sau khi anh bị laid off.  Chị đi làm về đến nhà đều thấy anh có vẻ bồn chồn chờ đợi. Anh cũng hớn hở vào vai người nội trợ đảm. Dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa tối sẵn sàng. Trước kia, khi cùng nhau về nhà sau buổi làm, anh cũng lăng xăng dưới bếp phụ chị nấu ăn bữa tối nhưng anh chúa vụng, nhặt hộ mớ rau cũng không sạch. Thái thịt bò  miếng dày miếng mỏng...chỉ làm vướng tay. Thường thường,  chị đuổi khéo anh lên phòng khách xem TV để chị tự làm cho nhanh. Chị vốn  thích nấu ăn nên chịu khó học hỏi các món ăn lạ, ngon từ bạn bè hoặc sách vở. Nấu ăn đối với chị như là thú tiêu khiển nên chị vào bếp chỉ "múa" (từ anh thường dùng để tự hào cái nhanh nhẹn, đảm đang của vợ hiền ) một lúc là cơm canh nóng hổi đủ canh đủ rau cùng thịt cá. Anh xem TV nhưng cũng thỉnh thoảng chạy xuống bếp "nịnh đầm" vài câu. Có vẻ như anh áy náy khi thấy chị nấu nướng trong bếp một mình sau tám tiếng miệt mài làm việc ở hãng như anh! Bây giờ, anh vào vai chính nấu bữa tối cho cả gia đình để "chuộc tội" bị laid off nằm nhà cho nữ nhi ra trận. Thấy anh háo hức chờ cả nhà thưởng thức và bình phẩm món ăn do anh đạo diễn. Chị không nỡ nói thẳng nhận xét mà chỉ gật gù "Ăn cũng được"! Hoặc "ngon quá nhưng hôm nay em không đói nên ăn ít"... cho anh khỏi tủi thân! Bọn trẻ con thì miễn bình luận! Ăn không được chúng gọi pizza tráng miệng  "dinner" thay cơm.
Rồi chị cũng khéo léo viện cớ để anh  "nhường" phần nấu ăn cho mình. Chị đâu biết chị đã bước đầu tạo cho anh thói quen ỷ lại cùng với thời gian rảnh rỗi quá nhiều không biết làm gì nên anh phải tìm thú tiêu khiển cho mình để giết thì giờ. Dĩ nhiên anh không đi casino vì anh thừa biết "cờ bạc là bác thằng bần"! Trong ba thú có hại nhưng người đàn ông lại đam mê theo cụ Tú Xương nhận định:  "Một trà, một  rượu, một đàn bà"  anh cũng đủ  cả ba theo mức độ khác nhau. Trà là thứ anh nghiện nhất, nhưng uống trà  đâu có hại ?  Rượu, anh chỉ nhấp môi khi có bạn. Đàn bà dĩ nhiên không thể thiếu trong cuộc đời nhưng anh thích ăn cơm nhà hơn ăn phở! Muôn đời cơm là món ăn ngon lành, bổ dưỡng với anh. Tóm lại, anh không đi casino nướng tiền, không say sưa tửu quán, không gái gú bên ngoài mà chung thủy với người vợ đã mấy chục năm chia sẻ buồn vui. Nghe ra, anh là người đàn ông hoàn toàn, chẳng có gì khiến cho chị phải phiền lòng.Vậy mà chị lại  phiền lòng về một thú tiêu khiển khác của anh. Rất ư là phiền lòng . Chị phiền đến độ có lúc chị chán đời, thấy đời là vô nghĩa. Chị đã nghĩ đến giải pháp ly dị để trút bỏ nỗi muộn phiền này. Nếu như không nghĩ về những đứa con ngoan ngoãn lúc nào cũng cần có đầy đủ cha mẹ, chị chẳng còn thiết tha với cuộc sống!
Thực ra, thú tiêu khiển của anh cũng là thú tiêu khiển của bạn, của tôi, của hầu hết chúng ta những lúc rảnh rỗi. Nó vô hại nếu ta dành thì giờ đúng mức với sự say mê vừa phải. Đàng này anh đã để hết tâm trí và thời gian cho nó .Anh mê xem phim tập nhất là những phim võ hiệp của Hồng kông, Đài loan. Anh tải xuống vô số từ mạng để mê mải theo dõi. Mới đầu  anh chỉ giải trí trong khoảng lúc chị làm trong hãng rồi dần dần chiếm hết cả thời gian sau bữa ăn tối. Hai vợ chồng chỉ có vài tiếng đồng hổ ngắn ngủi trong và sau bữa ăn tối để tâm sự, bàn bạc việc nhà ... Anh cắt bớt dần cái quãng thời gian  quí báu đó. Chị nói gì anh cũng chỉ ậm ừ lấy lệ chứ thực ra anh có nghe gì đâu! Tâm trí anh đang đặt hoàn toàn vào những võ sĩ đang bay trên ngọn cây để ném phi tiêu mất rồi! Mới đầu chị tự nhủ hết bộ phim này thì xong nhưng chị đâu biết phim bộ tràn lan, dành cả đời cũng không xem hết được. Anh cứ miệt mài với phim, không tha thiết với những gì đang còn hiện diện quanh mình. Chị đi làm, anh ở nhà không biết các con đang ở đâu, làm gì... Có việc cần, chị gọi phone về anh không có thời gian để nhấc máy nghe. Nhắn tin, anh không kiểm tra... Anh mê mải xem, mắt không rời màn hình hết giờ này đến giờ khác. Không biết anh có dành chút thì giờ ăn uống không mà trông anh mệt mỏi, phờ phạc như một ông già! Chị ở sở làm về hỏi anh việc gì anh cũng ngơ ngác như người mất hồn. Nhà cửa lạnh tanh, con cái vắng nhà, ông chồng mê mải ôm TV. Tủi  thân, chị vào phòng ngủ ôm gối khóc một mình.
Tuổi hồi xuân của người phụ nữ nhiều khi đòi hỏi  những nhu cầu yêu thương nồng ấm. Có những lúc chị cần biết bao bờ vai vững chắc của anh để dựa vào. Cần một sự thông cảm sẻ chia những buồn vui hàng ngày. Cần một quan tâm về những thay đổi khó chịu bắt đầu  xuất hiện ở người phụ nữ trong lứa tuổi tiền mãn kinh. Người ta nói tiền mãn kinh là thời kỳ khó khăn nhất của người phụ nữ nên rất cần sự quan tâm tế nhị của người thân. Rất nhiều lúc chị vật vã một mình với những cơn bừng nóng  toàn thân do sự giảm bớt  các hormone. Rồi những mệt mỏi vô cớ ... Những lo âu không đâu... Người chị cần chia sẻ kia đang thản nhiên khóc cười cùng những cú phi thân trong phim võ hiệp !
Một sự can thiệp đúng lúc của "tình cũ" đã kéo anh chị ra khỏi cảnh lạnh nhạt "đồng sàng dị mộng"  đang muốn dẫn tới chia lìa tan vỡ! Có thể gọi là "tình cũ" không khi hai người chưa bao giờ nói tiếng yêu nhau! Tình cũ này là người bạn thân thiết của chị từ hồi còn nhỏ xíu của cái thưở  hai đứa cãi nhau chí choé và  xưng hô với nhau "mày ,tao" thân mật. Lớn dần bên nhau với một sự thân thiết như anh em trong nhà tới khi hắn giật mình  chợt nhận ra "con bé lọ lem" ngày nào đã trổ mã dậy thì xinh đẹp hẳn ra. Hắn  ngỡ ngàng nhìn con bé bằng một cái nhìn khang khác. Cái nhìn lạ lùng này đọng lại trên má con bé làm cho má nó hồng lên bẽn lẽn. Cái nhìn được giữ lại trong tim để tim nó đập hối hả lạc nhịp... 
Rồi hai đứa chuyển sang xưng hô "Cậu, tớ "cho đến bây giờ. Một tình cờ lại khiến hai đứa hội ngộ nhau nơi xứ lạ quê người khi chị đã chồng con đàng hoàng mà hắn vẫn phòng không. Cũng chính hắn là người dẫn dắt vợ chồng chị vào làm cùng hãng điện tử còn chị lại là người mai mối cưới vợ cho hắn khi thấy hắn vẫn cô đơn.
Quan hệ qua lại giữa hai gia đình rất thân thiết. Chồng chị cũng như vợ hắn chưa bao giờ đặt một dấu hỏi nghi ngờ gì về quá khứ ngày xưa. Họ chỉ biết chị và hắn là những người bạn thân cũ .Không biết trái tim hắn còn rung rinh khi gặp lại chị ? Riêng chị đối với hắn vẫn thân thiết, tự nhiên. Chị tin cậy hoàn toàn vào tính "quân tử" của hắn. Vẫn có cảm giác êm đềm thoải mái khi cùng nhau gợi lại chuyện ngày xưa cùng trường cùng lớp nghịch ngợm tai quái chỉ sau quỷ và ma. Chị cũng tự vạch ra biên giới tế nhị giữa hai người vì bây giờ mỗi người đều đã có một gia đình êm ấm. Kể ra, nếu chị không vạch, hắn cũng chẳng lấn sân. Hắn là vậy, rất trân trọng hạnh phúc của bạn bè. Hắn  vẫn quan tâm, che chở, ân cần với chị như xưa. Hắn lúc nào cũng là người bạn tri kỷ nhưng không bao giờ chị kể chuyện buồn trong quan hệ vợ chồng cho hắn nghe.  Vợ hắn trẻ hơn hắn rất nhiều và họ quyết định không có con! Hắn thường lảng tránh khi chị muốn tìm hiểu nguyên nhân và tỏ ra gay gắt với hắn về vấn đề này.
Cái hôm hắn hỏi chị tại sao bây giờ trông xanh xao mệt mỏi thì tự nhiên chị bật khóc làm hắn hoảng hốt. Rồi hắn ngồi im lặng thở dài. Ngày thứ bảy, hắn rủ chồng chị đi câu cá tới tối mịt mới về. Anh vào nhà  ngượng ngùng đứng cạnh vợ trong gian bếp  như ngày xưa  khi chị đang chuẩn bị cơm tối. Rồi anh ngập ngừng kể cho chị nghe về cơn thịnh nộ của hắn trút lên đầu anh khi hai người  ở nơi câu cá. Hắn đã bảo anh là người không có tim.  Hắn nói anh không phải là đàn ông, anh hoàn toàn không xứng đáng với chị. Không biết trân quý, bảo vệ gia đình...
Mới đầu, chị còn thờ ơ tỏ vẻ bất cần nghe anh nói. Lảng tránh những cử chỉ thân mật của anh. Rồi khi anh bày tỏ nỗi day dứt, buồn chán của người đàn ông trụ cột trong gia đình mà không có việc làm, hưởng số lương thất nghiệp ít ỏi hơn liễu yếu đào tơ. Rằng thấy chị có vẻ buồn bã, thờ ơ nên anh nghĩ chị coi thường anh, cho anh là người "bất tài, vô dụng"... Nói tóm lại, anh tâm sự về mặc cảm của một người đàn ông tự cho mình là kẻ yếm thế khi bị thất bại...
Nước mắt dâng đầy mi, chị cũng thổn thức thổ lộ cho anh rõ tâm trạng não nề của người phụ nữ nghĩ chồng  không còn quan tâm săn sóc đến mình khi nhan sắc đang tàn phai. Đối với chị, hạnh phúc gia đình là thứ quý nhất. Tiền bạc cần nhưng không làm nên hạnh phúc. Cứ có vợ có chồng bên nhau thì biển đông cũng tát cạn... Rằng không bao giờ chị quên được những ngày đầu bỡ ngỡ nơi xứ lạ quê người với đôi bàn tay trắng. Các con còn nhỏ, hai người phải chia ra người làm ca sáng, người lấy ca chiều để thay phiên nhau vừa trông con vừa đi làm! Rồi anh còn tận dụng từng giây phút rảnh rỗi để làm thêm giờ trong những dịp lễ tết. Làm sao chị có thể sống thiếu anh để chia sẻ buồn vui hàng ngày...
Thời gian như ngưng lại lắng nghe họ trút hết tâm tư kìm nén lâu nay. Sau bao nhiêu tháng "chiến tranh lạnh", đây là lần đầu tiên hai người mới có những giây phút chia sẻ ấm ức cho nhau.
Rồi không biết từ lúc nào, chị thấy mình đang ở trong vòng tay ấm áp của chồng. Đầu chị nép vào ngực anh  để nghe từng giọt nước mắt nóng hổi tuôn trào kéo theo hết những ưu phiền chất chồng bao ngày tháng.
***  

Trúng Số Độc đắc

Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt Báo

Không hiểu từ bao giờ, anh ấy có một niềm tin mãnh liệt là mình sẽ trúng số" Trúng lớn, hàng chục triệu dollars! Linh tính chăng" Hay điềm báo trước" Hoặc những giấc mơ" Tử vi" ... Có thể gồm tất cả nhưng anh không chịu nói ra thì chúng tôi, những người làm cùng hãng điện tử với anh chỉ đoán mò và chờ anh trúng số như chính lời tiên tri của anh cho bản thân mình.
Anh là người đàn ông của gia đình. Thưong và chăm lo cho vợ con không ai bằng. Nhìn vào gia đình anh, ai cũng dễ dàng nhận thấy họ sống rất hạnh phúc. Nhất là thành tích học tập đáng nể của hai đứa con anh. Chúng vừa ngoan, vừa học giỏi. Thằng lớn vào đại học ẵm theo rất nhiều học bổng nên anh không phải lo tiền học cho nó. Cô con gái theo gương cậu anh cũng hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Vợ anh, khi còn ở Việt nam xuất thân từ một gia đình nề nếp, học thức, giàu sang ..Anh, chị cũng nuôi mộng vừa học vừa làm để kiếm lại mảnh bằng cũ nhưng trời chẳng chiều lòng người. Sau khi sinh đứa con gái thứ hai được một năm, đang chuẩn đi làm lại thì chị bị một trận ốm nặng suýt chết. May mắn được cứu chữa kịp thời cùng với sự tận tâm săn sóc của anh, chị vượt qua được lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ mỏng như sợi tóc. Và cũng từ đó, sức khoẻ của chị giảm sút hẳn. Hay ốm đau vặt, nhức đầu sổ mũi liên miên. Sức đề kháng với bệnh tật hầu như không có. Chị đành ở nhà trông con để anh đi làm một mình. Có thời gian, chị cũng nhận coi vài đứa trẻ để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình nhưng với sức khoẻ hạn chế, chị phải bỏ cuộc. Được cái, chị rất đảm đang, khéo tính toán trong việc chi tiêu nên gia đình anh chị cũng mua được một căn nhà nhỏ 3 phòng ngủ. Vườn cây xinh xắn trồng đủ loại rau cải, rau thơm, và các loại hoa, đặc biệt là hoa hồng. Mùa hè, hồng nở rộ, thơm ngát cả một vùng. Nhà cửa được bài trí mỹ thuật vì chị rất có khiếu thẩm mỹ. Hàng ngày, sau giờ làm việc, anh về đến nhà, đã sẵn cơm ngon canh ngọt. Nhà cửa sạch sẽ, con ngoan, vợ hiền... Tưởng không có gì hạnh phúc hơn. Cuộc sống êm đềm đó dường như không vương chút ưu phiền nhưng trong thực tế, thỉnh thoảng có những tác động nhỏ đủ mạnh, xoáy vào tổ ấm của anh chị. Một lần, anh gặp Huân, người bạn học cũ.cũng ở gần thành phố nơi gia đình anh sinh sống. Huân may mắn có công ăn việc làm tốt ngay từ khi đặt chân tới vùng đất mới. Vài năm sau, Huân lại được hãng cho đi học nên hiện nay, Huân có cuộc sống hết sức sung túc. Huân tới thăm anh vài lần không ngớt lời khen sự đảm đang, vén khéo của vợ anh. Huân nhận xét: "Mày may mắn hơn tao. Tính tao kỹ thế mà vớ phải cô vợ đoảng lắm! Tao phải đưa vợ tao đến làm bạn với vợ mày xem có thay đổi được gì không!".
Tưỏng nói chuyện chơi nhưng Huân đưa Dung (vợ Huân) đến thật. Vừa nhìn thấy vợ anh, Dung đứng sững người giữa phòng khách. Vợ anh cũng ngỡ ngàng không kém, rồi chị vui mừng thật sự, chị vồn vã: "Dung, phải Dung không em"" Trong khi Dung chưa kịp nói lời nào trước sự ngạc nhiên, thú vị của hai ông chồng về cuộc hội ngộ bất ngờ của hai người quen cũ.. Vợ anh nhanh nhảu giới thiệu : "Chúng tôi là những người bạn cũ của nhau". Dung lúng túng gượng gạo: "Đúng rồi, là bạn cũ"!" Bữa cơm tối của họ diễn ra thật vui vẻ ngoài vườn với hương thơm của hoa hồng toả ngát Dung tỏ ra là một người hoạt bát, am hiểu về mọi lãnh vực, nhất là thời trang. Cứ coi bộ đồ đắt tiền của Christian Dior cô mặc trên người cùng với chiếc túi LV to tướng cũng đủ biết cô sành điệu! Dung hứng khởi rủ vợ anh đi mua sắm quần áo vào ngày hôm sau. Chị khéo léo từ chối. Dung "phang" luôn một câu: "Bộ đồ chị đang mặc trông như bà già, chẳng giống ai!" Hơi ngạc nhiên trước câu nói sỗ sàng. Vợ anh như bị khựng lại song chị vẫn nhẹ nhàng: "Thì chị còn trẻ nữa đâu em". Rồi vợ anh quay sang hỏi mọi người có muốn uống thêm cà phê để chị đi lấy. Câu chuyện lại rôm rả như cũ cho tới khi họ chia tay và không quên hẹn lần gặp mặt tới. Dung nhất định mời anh chị tới thăm nhà vợ chồng cô.
 Anh chị tới thăm vợ chồng Huân vào một sáng chủ nhật đẹp trời. Nhà Huân, Dung lớn hơn họ nghĩ. Có bể bơi ngoài trời. Chỉ tiếc khu đất rộng lẽ ra là một vườn hoa lý tưỏng lại bị lát gạch toàn bộ. Đang ngậm ngùi cho cảnh quan bị một nét sổ phũ phàng thì Dung đã đến bên chị hỏi "Chị thích sân gạch lắm hả" Chị về phá cái vườn quê mùa của chị đi rồi cho gạch vào. Cũng không đắt lắm đâu. Vườn nhà chị nhỏ bằng một góc sân nhà em chứ mấy!". Thấy chị ngập ngừng, Dung tỏ ra ái ngại: "Ngày xưa, có bao giờ chị tưởng tượng một hoàn cảnh như bây giờ giữa em và chị không" Thời thế mà! Chị vẫn nghĩ chị lá ngọc, cành vàng hay sao" Chị nuối tiếc cũng không được! Em mong chị đừng nói lại quá khứ của em cho ai biết. Vả lại, bây giờ chị có nói cũng không ai tin chị! Còn nếu chị cần em giúp gì thì cho em biết! Em giúp được chị mà! Đừng ngại"! Dứt câu, Dung quay ngoắt người bỏ vào nhà trong khi chị đứng ngây ra chưa kịp có phản ứng gì!
Câu nói của Dung như một nhát búa đánh vào lòng tự trọng của chị. Dung, cô giúp việc gia đình chị ngày xưa khi chị còn là cô nữ sinh nay trở nên giàu có hơn đã có một thái độ kẻ cả, ban ơn, trước cô chủ cũ một cách quá đáng. Cô ta muốn che dấu quá khứ mà chị có muốn khơi lại quá khứ đâu" Chị đã giới thiệu cô ta là "bạn" trước mặt chồng chị và Huân kia mà. Chị thấy mình đã sai lầm hoàn toàn khi thực tâm muốn coi Dung là bạn! Kể từ lần đó, chị có những lúc buồn và trầm lặng kín đáo. Nể anh và Huân, hai gia đình cũng tổ chức thêm vài lần gặp gỡ. Hầu như lần nào, Dung cũng để lại cho chị những mối ưu tư.
Lần cuối, Dung tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Bạn của Dung khá nhiều và ai cũng ăn mặc thật nổi bật. Nhẫn hạt xoàn lấp lánh trên tay. Son phấn và những bộ đầm rực rỡ ... Điều đó không ảnh hưởng gì tới chị nhưng khi Dung tiến tới bàn chị ngồi để cho mọi người xem chiếc nhẫn hạt xoàn 3 carat Huân mới tặng Dung trong ngày kỷ niệm và như một hành động vô thức, Dung nắm tay chị với cử chỉ thân mật: "Chị tôi giản dị quá, cái nhẫn cưới đâu mà không đeo"". Tất cả những người ngồi cùng bàn đều kín đáo nhìn chị và Dung như làm một phép so sánh! Từ đó, chị nói với anh, chị không muốn đi dự những tiệc cưới, party để buộc phải ngồi chung bàn với một số người chỉ đánh giá nhân phẩm con người qua quấn áo, nữ trang... Anh khuyên chị không nên để ý những điều vụn vặt đó. Anh vẫn sống hồn nhiên, hạnh phúc với gia đình. Vẫn đi làm hàng ngày và mua số hàng tuần đêu đều. Anh tin tưởng ông trời không phụ ai bao giờ. Vả lại, mỗi tuần chi ra vài đồng để mua một niềm hy vọng với những ước mơ đẹp thì chẳng có gì đáng phàn nàn. Và biết đâu, anh lại có dịp đưa người vợ yêu quí trở lại quá khứ vàng son thuở trước" Anh nói với tôi: "Nếu trúng số, không bao giờ tôi dại gì biến mình thành một trọc phú! Tôi phải chứng tỏ cho mọi người biết tiền bạc cần nhưng không phải là thứ quí nhất trên đời. Tại sao những người có tiền thường hợm của" Coi thường người khác và tự cho mình cái quyền người trên" Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy tôi khác họ nếu tôi có thật nhiều tiền trong tay!".
Rồi anh trúng số thật. Anh trúng số giữa lúc anh không tin tưỏng mình sẽ trúng vì sau bao lần hụt khi có những điềm lạ báo trứoc. Anh trúng 30 triệu! Có nằm mơ, tôi và anh cũng không dám tin vào điều đó. Tôi khấp khởi mừng thầm đợi anh chứng minh cho tôi thấy không phải ai có tiền cũng là trọc phú ! Nhưng anh lặn mất tăm! Không một người bạn cũ nào có thể liên lạc hay gặp lại anh nữa sau khi nhìn thấy bức ảnh anh cười như mếu, hai tay ôm cứng tấm cheque ghi 30 triệu Mỹ kim trên mặt báo! Có người nói đã nhìn thấy anh trong một tiệm ăn sang trọng, khi gọi anh thì anh lẩn trốn như một kẻ phạm tội! Người thì khẳng định, khi nghe tin trúng số, anh bị lên cơn đau tim đột ngột và hiện đang hôn mê trong bệnh viện... Người ta đồn anh trốn lánh tất cả người quen cũ vì sợ phải đãi họ một bữa ăn mừng anh trúng số! Tôi không biết những tin đồn đó có đúng không vì tôi vẫn cố gắng tìm anh mà không thấy.!
Lúc tôi gặp được anh thì anh đã tỉnh giấc mơ! Giấc mơ trúng 30 triệu dollars! Tôi hỏi anh có thất vọng không khi anh tỉnh giấc" Anh triết lý : "Không anh ạ. Giấc mơ trúng số độc đắc có ích cho tôi hơn anh tưởng! Tôi đã nhìn thấy bộ mặt thật của tôi và bạn tôi! Tôi đã được hưởng tất cả sự tôn quí mọi người dành cho tôi như một ông vua không ngai mà trong cuộc sống hàng ngày, họ chỉ dành cho kẻ có nhiều tiền! Tôi thấy tôi còn trọc phú hơn những người tôi đã coi là trọc phú! Vợ tôi đã đúng khi cô nói "Tiền bạc thay đổi lòng người!"


***

Chọn Vợ

Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt Báo

Tôi vừa bước vào cửa tiệm thực phẩm Việt quen thuộc thì cô Phước chủ tiệm vui vẻ thông báo: Chị hên ghê, rau muống tươi mới về. Cô biết tôi dân rau muống vì tôi là khách quen từ lâu của tiệm cô.
Một trong hai người thanh niên cỡ gần 40 tuổi đứng nói chuyện cùng Phước cạnh quầy thâu ngân chăm chú nhìn tôi rồi bỗng reo lên: Chị Hân, lâu rồi không gặp chị. Chị khoẻ không" ? Ngờ ngợ nhìn anh, tôi lục lọi trong trí nhớ vốn đã hao mòn theo tuổi tác của mình dường như thấy anh có nét quen quen nhưng chưa hình dung nổi quen trong trường hợp nào, song tôi vẫn trả lời theo kiểu không thân không xa: “Cám ơn chú, chị vẫn khoẻ. Chú khoẻ không”? Biết tôi chưa nhận ra, anh bổ xung vài chi tiết: “Chị không nhận ra em phải không" Em là khách hàng của chị hai năm trước. Em là Tiến làm ở IBM”.
Ồ Tiến, tôi nhớ ra rồi, anh chàng kỹ sư điện toán làm ở hãng điện tử! Một người có thói quen ăn nói nhỏ nhẹ, lịch thiệp. Cách cư sử, ăn mặc chỉnh tề của Tiến thường để lại cho người đối diện một ấn tượng đẹp khiến người ta khó quên anh! Nhưng sao hôm nay, trông Tiến có một vẻ gì hơi lạ" Đúng rồi, Tiến đang mặc cái quần jean một cách cẩu thả đi với cái áo T shirt nhăn nhíu! Có phải đó là lý do tôi không nhận ra con người chỉn chu trước kia" ?
Như đọc đựoc dấu hỏi lớn trong ánh nhìn thắc mắc của tôi, Tiến nhỏ nhẹ: “Chị ngạc nhiên hả ? Em thay đổi nhiều phải không”? Tôi gượng cười chống chế: “Cũng không hẳn, chị có nhiều khách hàng cộng với trí nhớ ngày càng tồi tệ nên nhất thời chưa nhớ ra! À quên chưa hỏi, em đã có con chưa”? Thật bất ngờ, Tiến cười to một cách khác thường làm tôi bối rối: “Ha, ha … Chị hỏi thật tức cười! Con hả ? Con là gì ? Em chẳng biết vợ, con là nghĩa gì trên đời này cả!” Rồi Tiến lại buông một tràng cười lớn một cách không bình thường!
Tôi ngạc nhiên trước tiếng cười và thái độ bất thường của Tiến. Còn lúng túng chưa biết nói sao cho thoát khỏi không khí gượng gạo này thì người bạn đi cùng Tiến đập tay vào vai anh: “Thằng này khùng rồi, chị Hân đừng chấp nó, nó đang có chuyện buồn. Thôi, đi mày. Chào chị Hân, xin lỗi chị vì thái độ khiếm nhã của nó. Lỗi tại em, nó đang buồn em lại kéo nó uống bia! Chào chị”. Rồi người bạn lôi Tiến ra khỏi tiệm sau khi nói với cô chủ: “Xin lỗi Phước nha, tụi anh đi, sẽ nói chuyện sau”.
Miễn cưỡng đi theo đà kéo của người bạn, Tiến vùng vằng giật tay ra nhưng bạn anh quyết không buông mà còn kéo mạnh hơn làm Tiến tức tối. Tiến quay lại nhìn tôi nói lớn: “Chị thấy em khác xưa hả ? Chị đừng chối, nhìn ánh mắt chị, em biết chị đang coi thường em! Đừng nhìn em như vậy! Mày để tao đứng lại giải thích cho chị Hân hiểu. Tao không muốn chị hiểu lầm! Để tao kể cho chị ấy nghe!”Người bạn cương quyết: “ Xin lỗi chị, để bữa khác, bữa nay nó không tỉnh táo! Chị tha lỗi!” Rồi hai người dằng co nhau, Tiến cứ vùng vằng không chịu đi! Mãi rồi tôi thấy anh bạn cũng đẩy được Tiến ra ngoài. Những người khách đang có mặt trong tiệm đều ném theo ánh mắt ngạc nhiên đầy thắc mắc. Cô Phước nói nhỏ với tôi: “ Chị đợi lát rảnh, em kể chuyện anh Tiến cho chị nghe”.
Thật may, tôi cũng đang tính hỏi Phứoc điều này vì với sự tò mò của mình cùng với thiện cảm dành cho Tiến, tôi cũng muốn biết rõ nguyên nhân gì đã xảy ra cho anh, dù trong thâm tâm, tôi cũng lờ mờ đoán được một phần câu chuyện.
Tôi biết Tiến hai năm trước khi anh vào tiệm áo cưới làm hẹn thử áo cho người vợ mới được Tiến bảo lãnh từ Việt nam qua. Hai người đã tổ chức đám cưới tại Việt nam nhưng khi qua đây, cô vợ muốn làm đám cưới lại cho “Sang”. Kể ra, điều này cũng chẳng cần thiết, nhưng vốn là người tình cảm và thương vợ, Tiến sẵn sàng làm bất cứ điều gì theo sở thích của “người đẹp”. Tiến đã cẩn thận tự mình đến lấy hẹn với tôi kèm lời nhắn gửi: “Chị giúp vợ em tìm kiểu áo đẹp nhất vì có thể thời trang ở đây không giống gu thời trang Việt nam! Cả tuần nay, em đưa cô ấy đi khắp các tiệm áo cưới trong thành phố mà cô không kiếm được kiểu nào ưng ý. Hường và Hạnh nói em đưa cô tới chị. Nếu không thể kiếm đựoc thì em phải đưa cô đi kiếm ở các tiểu bang khác mà điều này sẽ làm mất rất nhiều thời giờ trong khi em đã lấy gần hết vacation cho những chuyến đi về Việt nam tìm hiểu, cưới hỏi theo phong tục bên đó rồi! Tiền nong đối với em bây giờ không quan trọng bằng làm sao cho cô ấy vui!”
Tôi hơi “hoảng” trước lời gửi gắm này của Tiến vì tuy mới biết Tiến nhưng tôi lại có giao tình rất thân thiết với Hường và Hạnh là hai cô em gái của Tiến vì cả hai đều là khách hàng của tôi vài năm trước.
Gia đình Tiến có ba anh em đến đây từ lúc còn trẻ. Cả ba đều chịu khó học hành và rất thương nhau. Họ đều là những người có bằng đại học và công việc tốt đẹp. Hai cô em gái lâp gia đình mấy năm trước cũng với những người có trình độ ngang nhau. Nhìn chung, gia đình họ là gia đình nề nếp và có cách cư sử đúng mực làm cho người ngoài phải nể trọng. Hai cô em gái lúc nào cũng giục ông anh phải kiếm vợ cho mình. Tiến xem ra vẫn dửng dưng mà chỉ ham mê với công việc làm cho cả hai cô Hường, Hạnh đều sốt ruột
Cuối cùng, trong một lần về thăm quê, Hạnh đã tìm được một người “đẹp nết” cho ông anh lừng khừng ngại lấy vợ qua lời giới thiệu đầy nhiệt tình của một người họ hàng xa bên ngoại: “Con nhỏ này được lắm, ít học nhưng hiểu biết và nhanh nhẹn, siêng năng! Lấy gái ở thôn quê ngoan hiền, thuỳ mị hơn gái phố. Không nhõng nhẽo, đua đòi, se sua. Chỉ ngại nó đã 29 tuổi, sợ cậu Tiến chê già!” “Anh Tiến cũng 36 tuổi rồi bác ạ. Chị ấy ở tuổi này thì hợp với anh cháu quá. Cháu nghĩ anh cháu cũng không muốn tìm người quá trẻ đâu”. Về điểm này thì Hạnh nói rất đúng với sự bàn bạc của hai chị em cô.
Cả hai cô em gái chỉ muốn anh mình kiếm được người vợ biết thương yêu và chăm lo cho gia đình! Dĩ nhiên Hạnh thừa thông minh để thấy đây là một lựa chọn tốt. Người có đủ tiêu chuẩn như vậy mà không nhanh tay có khi “xôi hỏng bỏng không”. Thế là, hai cô em thúc ép ông anh một cách bắt buộc. Người lo mua vé máy bay, kẻ chạy tìm quà cáp rồi Hường lại lấy phép áp tải ông anh cứng đầu về quê xem mặt vợ.
Đúng ra, là người bán hàng, tôi chỉ cần giúp Tiến như những người khách khác là đủ. Nhưng vì tình cảm sẵn có đối với hai cô em gái của Tiến cũng như lời gửi gắm đầy ưu ái mà Tiến dành cho cô vợ sắp cưới nên tôi muốn giúp anh bằng tình cảm hơn chỉ là trách nhiệm của người bán hàng. Mang nặng tâm trạng đó nên tôi cũng hơi băn khoăn lúc sắp tới hẹn bởi không biết có giúp được Tiến như ý muốn không vì qua lời nhắn gửi của Tiến, tôi biết mọi việc sẽ rất khó khăn khi cô dâu “Đã đi hết các tiệm trong thành phố vẫn không tìm được kiểu ưng ý!”
Những cô dâu loại khó tính này phần lớn rơi vào hai trường hợp:
Thứ nhất: Cô dâu rất sành về thời trang hoặc cô thích những kiểu áo độc đáo không trùng với bất cứ ai và cách giải quyết tối ưu là khuyên cô tìm người cắt may theo sở thích của cô!
Trường hợp thứ hai là cô dâu không am hiểu thời trang cũng như không biết kiểu nào hợp với ý mình vì hầu hết các tiệm áo cưới đều đặt hàng ở những hãng thời trang có nhiều kiểu mẫu bán chạy nhất nên các cửa tiêm đều trưng bày mẫu mã giống nhau tới trên 90%. Nếu cô gái đó đã đi nhiều như vậy mà chưa ưng ý kiểu gì thì quả là vấn đề nan giải vì cửa hàng nơi tôi làm việc không phải cửa hàng may đo nên mẫu mã cũng chỉ là những mẫu như các cửa hàng khác đã có trong cuốn catalog mà thôi. Không biết cô vợ Tiến thuộc loại nào đây"
Và rồi Tiến mang cô vợ vào tiệm với nụ cười niềm nở trên môi, anh vui vẻ: “Chào chị Hân, chị khỏe không" Xin giới thiệu với chị đây là Nguyện, vợ em. Chị có thể gọi tên Nancy cũng được, Nguyện muốn dùng tên này cho dễ. Chị giúp vợ em tìm kiểu áo đẹp nhất chị nhé, vợ em mới qua đây hai tuần nên còn bỡ ngỡ, nhờ chị giúp chúng em ”.
Trái với nhận xét: “Mới qua, bỡ ngỡ…” của Tiến cũng như trong ý nghĩ của tôi. Cô Nguyện quay lại nhìn chồng với vẻ mặt hơi bất mãn rồi cô nói xẵng: “Anh nói gì nhiều vậy? Anh đi chỗ khác đi. Em biết chọn áo cho em, không phải lo!” Tôi kín đáo nhìn Tiến, thấy Tiến có vẻ hơi ngượng, tôi cười khỏa lấp; “Đúng đấy, Tiến ra ngoài ngồi đợi đi. Các cô dâu bên đây không muốn chú rể nhìn áo cô dâu trước hôm cưới đâu, để lấy hên mà”. Tiến nhỏ nhẹ cám ơn tôi rồi âu yếm dặn Nguyện: Em cứ thoải mái lựa áo, anh đợi em bên ngoài”. Cô vợ im lặng không trả lời vì mắt đang còn mải mê nhìn cô người mẫu ở khung cửa sổ.
Tôi hỏi cô: “Em có thể cho chị biết em muốn kiểu áo nào”? Không trả lời tôi, cô hỏi lại : “Ở đây có áo nhập từ Hồng kông không” ? Tôi lắc đầu thì cô ấm ức : “Thật là bực ! Anh Tiến này chẳng biết gì mà ngang! Đã bảo mua áo từ Việt nam thì không mua còn nói thời trang bên đây đẹp! Đẹp đâu chẳng biết mà thấy không sang, không đính nhiều hạt cườm và màu sắc không bắt mắt!”
Bằng kinh nghiệm bán hàng lâu năm với những lựa chọn khác nhau của nhiều sắc dân, tôi cũng thoáng hiểu đôi chút về sở thích thời trang của cô. Tôi mau mắn dẫn cô vào phòng trong, nơi dành cho áo phù dâu và áo dạ hội. Cô reo lên vui mừng, hồn nhiên như con nít. Cô mê mải chọn những chiếc áo đủ màu sắc đính đầy hạt cườm lấp lánh. Tôi cho cô biết loại này không phải áo dành cho cô dâu nhưng cô nói cô chỉ thích những Xì tin (Style) như vậy!
Là người bán hàng, tôi phải tôn trọng lựa chọn của cô. Mà kể ra cũng chẳng sao vì ngày cưới là ngày dành cho cô nên cô muốn mặc gì cũng được. Vả lại, nơi đây, người ta tương đối cởi mở, không ai phẩm bình hoặc thắc mắc gì về lựa chọn riêng tư của người khác. Hơn nữa, cô đã cưới ở Việt nam rồi nên bây giờ cô có thể mặc bất cứ màu gì cô muốn vì đám cưới này chỉ mang tính chất tượng trưng như một buổi tiệc nhỏ ra mắt bạn hữu. Và như vậy, cũng không nhất thiết cô phải mặc áo màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng của cô dâu mới! Rất may, những áo này đúng sở thích nên cô mê mải chọn và tấm tắc: “Chị biết chiều ý thích khách chứ ở những tiệm khác, người ta sau khi nghe anh Tiến nói chọn áo cưới là cứ dẫn vào nơi treo toàn áo trắng, thật chán!” Thú thực, được cô khen mà tôi không biết nên buồn hay vui!
Rồi cô cũng chọn được ba cái áo với màu, kiểu khác nhau. Cô vẫn còn chê ít hạt cườm! Tôi gợi ý cô có thể đính thêm hạt cườm nếu cô muốn nhưng như vậy sẽ quá nặng nề vì vóc người cô rất nhỏ bé. Cũng không quên nhấn mạnh cho cô biết những chiếc áo cô đã chọn là áo dành cho phù dâu và dạ hội. Cô thẳng thắn thổ lộ ý nghĩ của mình: “Em không sợ ai cười! Em chỉ cần nó đẹp và độc!”
Cô hớn hở chạy ra ngoài gọi Tiến vào đặt tiền. Tiến không hề thắc mắc về số lượng áo mà thản nhiên rút thẻ trả tiền. Tôi cảm thấy áy náy nên nhắc cho cả hai biết thời gian trong bữa tiệc có mấy giờ đồng hồ không đủ cho cô chạy ra chạy vào thay áo! Hơn nữa, thay đổi một cái áo rất rắc rối vì có thể làm hỏng kiểu tóc hoặc phấn son trang điểm bị nhoè… Cẩn thận hơn, tôi nhấn mạnh cho Tiến biết những áo cô chọn không phải là loại áo dành cho cô dâu! Tiến hơi ngạc nhiên nhìn Nguyện như có ý hỏi. Cô tỏ ra khó chịu: “ Đã bảo anh mua áo ở Việt nam mà anh không mua. Áo cô dâu ở đây không đẹp! Em chỉ thích áo có nhiều hạt cườm !”
Tiến ưu tư hỏi tôi: “Chị có thấy cô dâu nào mặc loại áo đó chưa” ? Nguyện sốt ruột: “Anh không muốn mua phải không ? Thế thì lấy tiền lại rồi đi về, không cưới nữa!” Tiến cuống quýt: “Anh không có ý đó! Cứ áo nào em thích là anh vui rồi! Thôi, chúng em về, cám ơn chị Hân nhiều.”
Người khách cuối cùng ra khỏi tiệm. cô Phước chủ tiệm thuật lại cho tôi nghe những việc đã xảy ra với Tiến kể từ sau đám cưới. Phước cho biết cô là bạn học của Hường. Hai người tương đối thân nhau nên cô biết rõ cả ba anh em và coi họ như những người bạn. Cô kể hôm cưới, Nguyện đã làm cho khách khứa ngạc nhiên vì cách giao tiếp hết sức dạn dĩ ! Cô tỏ ra là một người lịch lãm. Nguyện tự nhiên nói nói cười cừơi đi lại trong phòng với một ly rượu mạnh trên tay để cụng ly với tất cả khách dự tiệc! Cô kéo cả Tiến đi cùng nhưng về sau mọi người thấy Tiến ngồi lại bàn nói chuyện với phù rể mà không sóng đôi cùng Nguyện. Chỉ tới khi Nguyện có vẻ say và nói năng mất tự chủ, Tiến mới ra dìu vợ về bàn! Lúc đó hơn mười giờ nên khách khứa cũng tự động ra về. “Tại sao mấy cô em gái hoặc phù dâu không giúp cô ta” ? Tôi hỏi Phước! “Có chứ, phù dâu, Hường, Hạnh rồi cả mấy bác lớn tuổi nói cô ngồi nghỉ vì cả ngày đi chụp hình, nghi lễ đám cưới mệt rồi! Thì cũng chỉ dám nói vậy nhưng cô không hiểu hoặc không quan tâm nên mọi người cũng hết cách.” !
Sau đám cưới, Tiến đưa Nguyện đi học lớp tiếng Anh! Nguyện không hứng thú với điều này. Cô thường bỏ học lang thang ngắm phố và dạo shop! Có vẻ cô không thích nếp sống tĩnh lặng, hoặc cô chưa chuẩn bị làm người phụ nữ của gia đình! 29 tuổi nhưng cô vẫn tung tăng. Tiến bận đi làm từ sớm đến tối mới về nhà. Nhiều khi chẳng thấy vợ đâu, cũng chẳng có nhắn gửi gì, anh lạ phải tìm Nguyện để đón cô về! Thường thường bữa tối, hai người ăn tiệm vì cô ít khi muốn nấu ăn. Tiến hơi buồn nhưng anh tự an ủi vợ mình chưa quen. Ngày qua ngày, quan hệ hai người trở nên xa cách vì có vẻ như Nguyện không muốn hòa vào cuộc sống gia đình.
Sở thích, trình độ hai bên khá khập khiễng. Cô kết bạn và hòa đồng với một số người bạn mới người Việt ở lớp học tiếng Anh rất nhanh nhưng với người chồng đầu gối tay ấp thì dường như vẫn là một sự gượng ép! Những buổi đi chơi với bạn cũng như dự các party, sinh nhật của bạn, cô chỉ muốn đi một mình. Tiến rất buồn nhưng chẳng biết cách nào làm cô vui. Anh lành và đơn giản quá. Sống từ nhỏ ở nơi ít bon chen, cạnh tranh nên anh không có bản năng ứng xử với những tính toán nhỏ nhặt.
Rồi không biết do đâu, Nguyện đòi chuyển đi thành phố khác. Thành phố mà cô mới cùng các bạn đi chơi về. Cô muốn sống ở đó vì nơi đó là thủ phủ của người Việt ! Và những người bạn mới của cô cũng lần lượt chuyển đi nơi đó! Cô dồn Tiến vào thế khó! Anh có công ăn việc làm vững chãi và có nhà riêng của anh đang trả gần xong mortgage! Vả lại, Tiến vẫn thích nơi đây vì đã quen thuộc với anh từ lâu cũng như còn có gia đình hai cô em gái. Anh kiên nhẫn giải thích nhưng chỉ làm mâu thuẫn vợ chồng thêm sâu. Nguyện lúc này gần như không còn muốn nghe Tiến phân trần, giải thích gì. Cô khăng khăng bắt Tiến phải chiều theo ý mình. Cô cho Tiến biết cô không thể thích hợp với Hường và Hạnh vì họ có học nên khinh khi cô! Cô muốn sống càng xa họ càng hay!
Tiến rất đau lòng khi nghe vợ nói như vậy! Tiến không bênh em nhưng sự thực, những nhắc nhở chân tình của hai cô em gái về kiểu ăn mặc chưng diện lố lăng của Nguyện cũng như cách cư sử của cô đối với Tiến không giống cách cư sử của người vợ dành cho chồng đã làm anh đau đầu rất nhiều! Chính anh cũng rõ, hai cô em gái anh có bằng đại học và có công việc tốt với đồng lương cao nhưng họ vẫn thực sự là những người nội trợ đảm trong gia đình! Họ có nếp sống giản dị, lành mạnh như phần đông những người bản xứ. Họ có lý do chính đáng khi nhắc nhở anh trong việc buộc Nguyện phải đi học tiếng Anh cũng như dành nhiều thời gian cho gia đình … Mục đích của họ chỉ muốn anh và Nguyện có cuộc sống hạnh phúc thực thụ thôi. Chính cách sống khác nhau giữa Nguyện và hai cô em gái đã làm cho Nguyện nảy sinh ác cảm là hai cô đã coi thường Nguyện!
Tuy nhiên, anh vẫn nhỏ nhẹ nói vợ đừng chấp những điều đó cũng như anh sẽ hạn chế việc qua lại thăm hai cô em gái dù anh biết nói cô cũng không tiếp thu. Dường như anh cũng mơ hồ nhận thấy Nguyện đã có chủ đích của riêng cô. Kiên nhẫn mãi rồi Tiến cũng phải buông tay vì tự ái của người đàn ông! Nguyện đã nói thẳng cho anh biết về luật lệ qui định cũng như quyền lợi của người phụ nữ nơi đây nếu như có đủ bằng chứng để chứng minh người phụ nữ đó bị hành hạ về thể chất cũng như tinh thần! Cô cũng cho anh biết cô có khả năng làm những gì cô muốn nếu anh phản đối yêu cầu cô đưa ra!
Kể ra, một cô gái vùng quê ít học mới chân ướt chân ráo đến đây mà hiểu rành rẽ quyền lợi ưu tiên dành cho phụ nữ trong luật hôn nhân cũng như cách xếp đặt mọi việc tuần tự một cách khoa học như cô quả là người có bản lĩnh. Cũng không biết do đâu mà cô hiểu rõ ràng về luật pháp hiện hành như một luật sư" Rồi không hề nói cho Tiến biết, cô tự ý đi tới nhà người bạn ở và phone về cho anh đồng thời nêu những điều kiện cô đưa ra để anh lựa chọn! Theo đó, cô sẽ không đòi hỏi anh cấp dưỡng hay chia tài sản nhưng bù lại, anh phải hoàn thành toàn bộ thủ tục để cô trở thành công dân chính thức rồi hai người sẽ chia tay nhau êm thắm!
Cô kết luận: “Như vậy, anh chẳng mất gì còn tôi, tôi đã mất cái đáng quý nhất của người con gái! Anh vẫn còn nhà cửa của anh! Nếu tôi “cạn tàu ráo máng” như người khác, tôi bắt cưa đôi tài sản, anh làm gì được tôi” ?
“Thế Tiến có làm như lời cô ta không” ? Tôi hỏi ,  Phước nói, “Chị biết đấy, Anh Tiến là người sống rất lành, ít va chạm. Miệt mài vừa học vừa làm lấy được mảnh bằng rồi lại làm việc! Cái môi trường anh tiếp xúc hoàn toàn lành mạnh nên anh ấy không biết những ngóc ngách khuất khúc của con người! Hình như anh ấy vẫn chưa nhìn ra bộ mặt thật của Nguyện mà còn bị dằn vặt bởi anh không có nhiều thời gian chăm sóc Nguyện nên cô mới buồn mà bỏ ra đi!”
Rồi Phước nhìn tôi, chặc lưỡi: “Đọc báo cứ thấy nói những cô gái quê mười chín, hai mươi ớ VN lấy chồng Đài loan, Hàn quốc trên bốn mươi tuổi rồi về đó làm nông dân cực nhọc còn bị hành hạ mà vấn lao vào như thiêu thân! Cô Nguyện này có phước mà không biết hưởng! Đã 29 tuổi, còn trẻ trung gì nữa! Cô không ế là may vậy mà lấy được tấm chồng tử tế lại làm màu. Số anh Tiến đen như ruồi! Dạo còn ở đại học anh cũng có mấy cô thương nhưng anh cứ mải lo học nên bỏ lỡ cơ hội. Buồn cái là lẽ ra, anh phải biết đã bị người phản bội nhưng anh ấy lại cứ tự trách mình! Giữ người muốn ở lại chứ giữ sao được người muốn đi! Kể từ đó anh ấy bị trầm cảm, bất cần đời và khật khùng như chị thấy đó! Hường và Hạnh cũng tự trách chúng đã làm khổ anh mình! Phải tay em thì em sẽ đưa cô ta ra ánh sáng cho rõ trắng đen! Nhưng thôi, để coi cô ta sẽ làm mưa làm gió được gì ở đây! Chị có đoán trước kết cục như thế nào không” ?
Tôi không muốn biết đến cái kết cục dành cho cô Nguyện mà chỉ thấy thương cảm cho những người muốn có cuộc sống bình an như Tiến mà điều bình thường đó dường như cũng vượt khỏi tầm tay.

***
Mùa Giáng Sinh
Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt Báo

Hàng năm cứ cuối tháng mười một là các cửa tiệm rộn rip chưng bày hàng giáng sinh. Các cây thông lấp lánh đèn màu phô diễn bên trong cửa kính hoặc đứng chễm chệ ngay chính giữa sảnh ra vào tại những trung tâm thương mại. Đèn xanh đỏ rực rỡ trong nhà, ngoài sân ở tất cả mọi nơi. Nhiều cây mặc bộ đèn màu...
Màu gì cũng đẹp , nhưng tôi mê nhất vừơn đèn ở khu vực quốc hội, ngay phía trước tòa thị sảnh Ottawa. Nơi đây người ta treo đèn bởi bàn tay thợ chuyên nghiệp nên nhìn đèn giăng mắc trên đó đẹp tự nhiên như những chùm quả chín mọng. Nhà mình chỉ có vài cây nhỏ xíu mà giăng mắc, ngắm nghía cẩn thận thế nào trông cũng bị rối mắt, không tự nhiên như cây nhà người! Ban đêm, ngắm nhìn thành phố rực rỡ đủ màu sắc dù trời đã lạnh vẫn thấy ấm lòng.
Khi tôi viết bài này thì shop nào cũng bận túi bụi cho mùa giáng sinh. Người mua kẻ bán tấp nập. Tôi cũng dạo shop mấy lần rồi. Dạo để xem, ngắm nhìn thiên hạ mua sắm, nhặt thêm những thứ lạ mắt cho cây thông nhưng chủ yếu muốn hòa vào không khí náo nức, rộn rã của lòng người chuẩn bị cho mùa lễ lớn trong năm. Đông vui nhất vẫn là khu vực bán cây thông và đèn. Người người ngắm nghía. lựa chọn, bình phẩm. Cây thông nhựa mà cũng nhiều người mua hàng năm? Chẳng lẽ hết giáng sinh, họ quăng bỏ đi như cây thông thật sao? Thông thật thật rất thơm và tự nhiên vì là đồ ... thật. Còn thông nhựa tôi thấy mẫu mã cũng chắng thay đổi mấy. Thế mà thiên hạ vẫn vác thông nhựa ra ào ào.
Cây thông nhà tôi dùng có lẽ cũng trải qua hơn hai mươi mùa mưa nắng rồi mà trông vẫn còn mát mắt chứ không cổ lỗ sĩ như người ta tưởng tượng đâu! Chủ nhân cây thông thì ngày càng thêm nhiều nốt nhạc dấu ấn thời gian hằn trên mặt nhưng cây thông vẫn tươi trẻ như cũ. Vẫn óng ả khi được khoác lên người bộ đèn đủ màu sắc và những quả châu rực rỡ. Chắc năm nay tôi thay cho nó bộ áo mới, khỏi cần màu sắc cho các quả châu. Tôi đã nhặt được một kiểu trang trí cây thông của "Ông láng giềng". Ông trang trí hoàn toàn bằng những trái pha lê giả. Khi bật đèn lên, những trái pha lê bắt ánh đèn tự tỏa ra những màu sắc của cầu vồng rực rỡ. Tắt hết đèn nhà đi, chỉ còn ánh lửa bập bùng của lò sưởi quyện với sắc cầu vồng của đèn trang trí cây thông. Không gì tuyệt diệu hơn thế nữa.Dưới gốc thông, tôi đã trải một lớp bông giả tuyết nhưng ô kìa, trên lớp tuyết sao lại trống trơn? Phải có gì đặt đầy trên đó chứ ? Đặt gì dưới gốc thông cho hợp ? Tôi nhớ rồi : quà giáng sinh. Đúng rồi, quà giáng sinh cho cha ,me, Honey, con và cháu. quà gì đây?
Quà giáng sinh! Nghe đã thấy hấp dẫn. Trí óc đã tưởng tượng ra những món quà được gói bọc đẹp đẽ với tấm thiệp kèm theo gói gọn những dòng chữ đầy ắp thương yêu của người thân. Hồi hộp bóc gói quà để rồi reo lên sung sướng khi món quà đó thuộc loại mình đang cần hoặc đang mong muốn! Dĩ nhiên, có đôi chút thất vọng nếu món quà đó mình đã có sẵn rồi! Nhưng không lẽ lại tỏ ra thất vọng trước chân tình của người tặng? Cứ vui lên cho không khí giáng sinh toàn tiếng cười và đẹp lòng người thân đã nghĩ nát óc để mua cho ta món quà mà họ tin tưởng sẽ đem niềm vui đến cho người nhận .
Quà giáng sinh , dễ mà khó! Mùa giáng sinh ta thường nghĩ đến mua quà cho người thân, người nhà. Rất nhiều loại hàng phong phú đê ta chọn lựa. Chính vì sự phong phú đó làm cho ta khó nghĩ , khó mua. Mua thế nào cho hợp túi tiền mà món quà tặng vẫn mang đầy đủ ý nghĩa trân trọng, thương yêu. Mua quà cho bố me, anh chị em trong gia đình dễ nhất vì ta biết họ đang cần gì .Khi đã chuyển sang mua tặng cho gia đình của anh em, cô dì, chú bác...Rắc rối hơn. Mua quà theo kiểu trao đổi quà tặng ở hãng xưởng nơi mình làm việc cũng cần có sự khéo léo và tế nhị để làm cho món quà giáng sinh trở nên có ý nghĩa.
Những năm đầu thập niên 1980 , tôi làm cashier ở tiệm thực phẩm IGA. Mới làm hơn tháng đã tới giáng sinh .Tiệm tổ chức tiệc đón giáng sinh tại nhà hàng cho nhân viên đồng thời trao đổi quà giáng sinh bằng cách bốc thăm tên. Qui định món hàng trao đổi ở giá tiền $10.00. Tôi bắt vào tên bà Lucy. Khi đó, bà đã gần tuổi về hưu. Cả cuộc đời bà Lucy gắn liền với tên tuổi của hãng thực phẩm này nhưng bà vẫn đứng đúng ở vị trí khi bà mới bước chân vào làm cho đến thời điểm tôi vào làm việc ở đó: Cashier kèm theo công việc dạy nghề cho những người mới vào làm. Bà không có một chức vụ gì nhưng ai cũng nể vì bà về tuổi tác và kinh nghiệm. Bà dễ hòa đồng với mọi người , hay bênh vực bạn đồng nghiệp. Rất thẳng thắn, vui vẻ và có lòng vị tha. Khuyết điểm duy nhất của bà là nghiêm khắc với lỗi lầm của khách hàng khi bà nghĩ họ đang cố tình gian lận !
Riêng tôi , tôi rất quý bà. Tôi quý bà ở năng lực làm việc và nhất là sự giúp đỡ đồng nghiệp mới một cách nhiệt tình cũng như thái độ thẳng thắn , công bằng trong cách đối sử .Mới vào làm, tôi không tránh khỏi những vấp váp thường tình , chỉ cần gọi "Lucy" là bà đã chạy đến máy cash giúp mình giải quyết sai sót ngay. Có những lúc, một số khách quen của tiêm thấy cashier mới còn chưa thạo việc , họ lợi dụng nói giá thấp hơn giá trị thực của món hàng đã scan trên máy cash. Một cashier lâu năm sẽ biết món hàng này phải kiểm tra giá bởi bộ phận nào cũng như tên người phụ trách thì họ gọi luôn vào loa phóng thanh của tiệm cho người đó đến kiểm tra lại giá. Tôi mới vào nên không biết tên từng người để gọi! Lại ới " Lucy" là bà biết phải làm gì (Cashier thời gian đó không được phép rời quầy thu tiền để chạy xuống quầy hàng kiểm tra giá). Nếu Lucy biết chính xác giá món hàng đó, bà không cần gọi người kiểm tra mà bà khẳng định chắc chắn giá tiền đã scan là đúng với bộ mặt lạnh tanh như ngầm cảnh cáo người khách muốn gian dối! Đây là một điều tối kỵ của cashiers và người quản lý tiệm luôn nhắc nhở mọi người nên tránh. Bao giờ Cashiers cũng phải tươi cười với khách hàng dù có những người khách cố tình gây khó khăn , rắc rối ! (Lucy là trường hợp đặc biệt vì bà thuộc loại lão làng và cũng sắp đến tuổi về hưu nên người quản lý chỉ nhắc nhở bà kín đáo với thái độ tôn trọng). Một điều dễ ràng nhận thấy là bà ít khi gặp rắc rối với khách hàng và cũng chưa ai dám "qua mặt" bà về giá cả nhưng tính khí đó đã khiến bà đứng im một chỗ từ lúc còn là cô gái trẻ măng tới thời điểm tôi vào làm khi bà sắp sửa về hưu!
Lan man mãi nhưng may mắn tôi chưa quên món quà tôi sẽ mua tặng bà vào dịp giáng sinh. Thấy bà lúc nào cũng nhóp nhép khi thì hạt Almond , lúc lại hạt dẻ, hạt hướng dương... Tôi liền mua tặng bà một giỏ quà gói sẵn gồm các loại nut được bọc rất đẹp. Giá cả cao hơn qui định nhưng như đã nói, tôi rất quý bà nên chênh lệch một ít cũng không sao. Mình tiện dịp cám ơn người đã giúp đỡ mình cũng là điều hay. Nào ngờ khi bà mở gói quà ra thì cả tiệm đều cười, nhìn bà và nhìn tôi.
Tôi ngơ ngác không hiểu làm mọi người càng cười to hơn. Một cô bạn đồng nghiệp học sinh còn nháy mắt với tôi và giơ ngón tay cái ra hiệu tán thưởng! Thấy tôi lúng túng, bà ôm tôi cám ơn và ghé tai tôi nói nhỏ: "You không biết họ gọi me sau lưng là " Nut" à"? Tôi đỏ mặt ấp úng định thanh minh thì bà cười: "Không sao , họ đùa thôi, Nut thì đã sao, I don t care".
Bà không Care thật vì tôi thấy bà vẫn nhiệt tình giúp đỡ các đồng nghiệp mới với tất cả kinh nghiệm của mình. Riêng tôi đã học được bài đầu tiên về mua quà giáng sinh.
Mùa giáng sinh cũng là mùa tiệc tùng. Nhà này gọi, nhà kia mời... Phải sắp xếp sao khỏi trùng ngày cho đông đủ , cho vui. Tiệc xong còn nhảy nhót hoặc Karaoke nữa chứ. Cả năm làm việc chỉ có vài ngày tụ họp chung vui. Bạn bè, người thân, người nhà... mời tới nhà họ ăn giáng sinh không lẽ đi tay không? Chẳng ai đòi hỏi bạn phải có gì khi đến chung vui nhưng trong lòng cứ nghe áy náy. Không gì dễ bằng mua một hộp chocolate kèm theo hai chai vang một trắng một đỏ. Rộn rã hơn thì xách theo chai champagne cho nổ lốp bốp như tiếng pháo hồng ngày tết vui cửa vui nhà. Gọi là góp thêm phần ăn cho xôm tụ. Già trẻ, lớn bé, nam phụ nữ ấu gì gì đó đều có phần vui vẻ cả làng. Nhưng vào dịp giáng sinh thì sau tiệc vui, nếu chuyến choáng hơi men xin đừng cầm lái. Hại mình và hại cả người chung quanh. Vả lại, dịp này là dịp các " bạn dân" phải làm việc hơi nhiều. Ca ngày, ca đêm, có đủ. Nhiều chặng đường sẽ có trạm kiểm soát hơi men để chặn đứng những con ma men loạng choạng. Cả năm mới có vài ngày xả hơi tiệc tùng ai mà không say sưa chút đỉnh cho xuân? Xin các ông cứ để cho bà nhà cầm lái chắc ăn hơn. Tôi không chủ quan đâu, hầu hết các bà chỉ nhắp chút rượu ngọt không vượt quá mức độ chất cồn để đến nỗi hồn lên mây về gió! Không như mấy đấng mày râu cứ chén nọ gọi chén kia, ly này nối ly khác đến quên cả đường về. Xin đừng cầm lái! Nếu cả hai cùng cảm thấy tâm hồn lâng lâng thì đừng ngại ngần gì mà gọi cho những thiện nguyện viên của thành phố tới đưa mình về nhà miễn phí. Vừa an toàn vừa được thoải mái "hồn bướm mơ tiên"!
Sau giáng sinh, nhìn lại mình thấy hình như hơi phát tướng? Phát thật chứ nghi ngờ gì nữa! Ngày nào cũng chocolate , gà nướng, gà quay , nem công chả phượng ... Nhẹ nhẹ cũng tăng vài pounds. Khuôn mặt hết hình trái xoan mà trở thành "Khuôn trăng đầy đặn"! Tròn vành vạnh như trăng rằm! Đẹp quá và rạng rỡ quá nhưng sao ai cũng hốt hoảng tìm cách Diet! Lại nhịn ăn cho thon lại dáng hình thục nữ! Các ông thì một bụng nước lèo " Beer", trông cũng xứng đôi vừa lứa. Ngoài trời tuyết vẫn còn rơi. Trời lạnh, đường trơn làm sao mà chạy bộ được đây! Thôi, xuống basement làm vài đường bóng bàn hoặc chạy trên máy để giải quyết phần nào hậu quả giáng sinh nhậu nhẹt..
Mùa giáng sinh đã đến ngoài cửa với những bông tuyết bay lả lướt. Mùa vui, mùa đoàn tụ ấm cúng cho mọi nhà. Kính chúc bạn đọc xa gần một mùa giáng sinh an lành, hạnh phúc.

***

“ Ngày 2 tháng 1 năm 1980 , cả nhà bay sang Canada” ( Người Việt gốc Hoa vượt biển – Minh Thành) .

Cho tới hôm nay đúng 32 năm ! Quãng thời gian dài tới 1/3 đời người sống thọ . Tất cả buồn vui đã trở thành kỷ niệm . Tất cả đều trôi đi và đến một lúc nào đó, nó sẽ bị bụi thời gian che phủ . Nó sẽ bị quên lãng ! Điều tồn tại mãi mãi bất chấp thời gian là tình người . Là sự yêu thưong, là lòng nhân ái xuất phát tự trái tim .
Viet-Ca xin gửi tới bạn truyện ngắn : “ Cuốn Tự Điển” của Kim Liên viết về những trái tim nhân ái đã và đang ở cạnh chúng ta .Rất đơn sơ, giản dị như những sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống của mọi người bình thường. Bình thường đến độ chỉ một chút sơ ý, ta sẽ chẳng nhận ra .

The Dictionary


To Vinita and Harry

The bewildering refugees looked at each other when they saw that other passengers on the flight had started to disembark.
The most elderly of the group said: “Is this the right destination?” .
Giang’s mother said: “Well, let’s sit here and wait. There will be some people to get us.”.
A few minutes passed in silence and then an air stewardess came in with a smile and had said some words that nobody understood. We all looked at each other in embarrassment but noticed afterwards the signs she made to follow her. After the usual formalities at the airport, we were led into a larger hall. Everybody discreetly shared their anxieties and family concerns in quiet whispers. The greatest common concern of all was that nobody understood what those strange western men and women were saying and whether this was even the correct destination. They had heard many horror stories of people getting lost and landing at the wrong place. The most immediate practical concern for everybody was whether they would be allowed to live in the city or would have to live in the countryside to herd cows. A few more people had came in though this time everybody in the group was relieved because the two of them could speak Vietnamese.
They had said “Greeting to all of you. We are Hai and Tuan. We are here to interpret for you. Congratulations to all of you for a safe journey and a happy arrival".
Then Hai and Tuan turned around and exchanged a few words with the westerners. Giang looked at them with admiration of how wonderful they were. They had looked so elegant and pleasant. Their behaviour was in stark contrast to the strict attitude of the few Hong Kong policemen. Giang sadly thought while one by one the group had followed their sponsors and left. Their eyes reflected the sad feelings of separation as if they had known each other for long time even though they had only met for the first time during the flight. She wondered if they would see each other again in the immense city. Then came the turn of Giang’s family. Mr Hai said that her family had been sponsored by the Anglican Church. Giang anxiously asked: “Does that mean we all have to become Christian?”.
Mr Hai explained to Giang about the freedom of religion but she had only a vague understanding of what he said. Afterwards, Giang’s family followed them to the car for a ride “Home”. Mr Hai said the sponsoring group had rented a house for them only five minutes walk from the parliament. Giang’s brothers and sisters were very excited to learn that they would live in the centre of the capital. Mr Hai said his and Mr Tuan’s job was only to help with the interpretation at the airport. However a member of the family that sponsored giang’s family was Hai’s professor at the university and the professor suggested that Hai go with the family to help them settle in.
Giang’s mother asked Mr.Hai: “How can we ever repay them for this favour?”.
Mr Hai said: ”Don’t worry! They only want to help us. They do not expect anything in return.”.
The house of Giang’s family was a beautiful four-bedroom house. The dining room and the living room were on the first floor. Giang’s face lit up when she saw a ping-pong table in the basement. She was very fond of playing table tennis. The house was nice, clean and very comfortable with all the necessities. The sponsoring family shared in the happiness with the family. With the interpretation of Mr. Hai, they could talked to them with an open heart. They wished the family a happy life in the new country and they asked the family to let them know if they needed anything. After six months of hardship in refugee camp, this was the first night that Giang’s family had a peaceful and sound sleep.
In the following weeks, Giang’s family was very well received by the sponsors. Mr Hai was present in almost every occasion. He was a third-year student at Ottawa University. In his spare time he volunteered to interpret for all of his compatriots. Giang wished that one-day she would be able to speak English as well as Mr. Hai.
After a week of rest, all members of the families were allowed to learn English in school. Giang’s brothers and sisters were all over 20 years old so they went to a different school. Fortunately the high school that Giang attended had a number of Vietnamese students at her age. Though their knowledge of English differed, they were always eager to help each other. The greatest difficulty for Giang and her friends was that they did not have a dictionary to help them understand some of the english words. Ottawa at that time did not have any Vietnamese shops. Giang could only wish silently in hope of owning a dictionary because she had realized that it would be difficult to find one.
Every week the church sent people to visit Giang's family. They showed them how to do everything from grocery shopping to taking a bus and had also helped them with learning English. Giang was the best student in the family. She now able to translate some of the easy questions when Mr. Hai was not available.
Giang had liked everybody in the sponsor group because all of them were very friendly and pleasant. Among the sponsors, Giang had liked Henry and Anita the best. Henry was an engineer and Anita was a nurse. They were married only a few months before the arrival of Giang's family to Canada. Henry and Anita considered Giang's family as if they were their own. They came to visit the family over the weekend. They took the whole family to McDonald's to enjoy eating hamburgers, which at that time Giang's brother dubbed "western buns". They then went to Dairy Queen to have a treat of ice cream, which was both very pretty and tasty.
Giang had never forgotten the first time they went skating on the Rideau Canal. Giang kept slipping and tumbling and Anita had to hold her very tight. Giang had thought she must have been very tired but was always cheerful and their continuing laughter made everybody forget the time. Every Saturday and Sunday they took them to go sightseeing, to visit museums or to go see the tulip festival. Though living in Ottawa for only a few months, Giang felt as if she had learned a lot. Last night Giang eagerly played a table tennis match with her brothers, sisters and with Henry and Anita. She had won against everybody and was so thrilled that she could not sleep. The next morning she woke up rather late, suddenly realizing that this was the day to go skating. She scrambled out of bed and ran over to the other bedrooms to wake everybody up. They were still asleep and wanted to sleep in on Sunday morning. Disappointed, she went into the kitchen and ate breakfast by herself. Suddenly she heard some noises at the front door. Snow was still falling and she had to pull the curtain aside to look out. To her surprise, she saw Henry and Anita clearing the snow on the steps of their house with a shovel they had kept in the trunk of their car. Giang hastened to open the door, apologized and invited them in. Henry just laughed and said not to worry because he was only doing the usual chore of an eldest son in the family.
That Christmas everybody had a great time. Giang received many gifts from the sponsors. The gift from Henry and Anita looked like a box of chocolate with a very beautiful wrapping. It came with a card wishing her dreams would come true. With excited anticipation she peeled away the wrapping and discovered to her extreme delight that it was an English-Vietnamese dictionary. The whole family joined her in noisy appreciation of the gift. Giang was the happiest of them all because at that time she had gone beyond the stages of the simple lessons, which could be understood easily. She needed a dictionary for her advanced daily study. Clutching the dictionary to her chest, she promised herself that she would work hard to be worthy of the loving care others had given her.
Time flies. Nearly 20 years had gone by.
Giang, the little girl of those days had become a fashion designer. She and her family were now well settled. She never forgot the people who had sponsored her family 20 years ago. Henry and Anita, though more busy with their four children of their own, still took care of Giang and her family. They still shared with them the joy and disappointment every day. Giang had also succeeded in her fashion designing, a job that she loved with a passion. She could organize a fashion show by herself to introduce her own designs.
The fashion show at the end of 1999 was prepared very carefully to mark a milestone in her career and also to usher in the new decade. Giang's designs were praised for their stylish elegance as well as their graceful blend of Vietnamese charm. Henry and Anita was sitting at the front row and could hardly conceal their pride about Giang's success.
At the end of the show when Giang expressed her thanks to the guests, everybody wanted to know what were the sources to her success. Giang pulled a dictionary out of her hand bag and held it up for everybody to see. Then, in a voice full of emotions she said:
Every structure must have a foundation. The foundation of my career is this dictionary. It was given to me in the spirit of compassion and humanitarianism. There are many ways to give, to receive but fundamentally it comes from the heart of the giver. This dictionary is an invaluable souvenir and it will always represent a motivation that helps me overcome the difficulties so that I can be worthy of the one thing that I considered the greatest in life: love and compassion.
A round of applause rose and continued as if it would go on forever. With overwhelming emotions, Giang quietly approached Anita who was trying in vain to hold back her tears while Henry had looked down to try and hide his reddish eyes already brimming with tears.
Giang said to herself:
I am still gratefully and deeply indebted to the church and to you both.

***
Cuốn Tự Điển

Kim Liên

Thân tặng Vinita và Harry

Bài đã đăng ở Thời Báo

Nhóm người tị nạn ngơ ngác nhìn nhau khi thấy tất cả hành khách cùng chuyến bay lục tục bước xuống . Một bác già nhất lên tiếng : “ Không biết có phải đây là nơi mình đến không” ? Mẹ Giang góp ý : “ Thôi, cứ ngồi đây đợi , thế nào cũng có người đến” .
Vài phút trôi qua trong yên lặng , rồi một cô nhân viên hàng không tươi cười bước đến nói những gì không ai hiểu ! Mọi người lúng túng nhìn nhau ! Thấy thế, cô làm cử chỉ mời mọi người đi theo cô . Sau vài thủ tục thông thường ở phi trường , tất cả được dẫn vào một phòng rộng . Mọi người giữ ý trao đổi nho nhỏ về sự lo ngại của mình , của gia đình. Nỗi lo ngại chung và lớn nhất là không ai hiểu các ông tây bà đầm nói gì và hiện tại, mình đã đến đúng nơi chưa ? Thiếu gì câu chuyện truyền miệng về đi lạc của bà con ta ! Còn thực tế nhất là lo không được ở thành phố mà phải về nông thôn … Chăn bò ? ! … Lại thêmmột số người nữa bước vào, nhưng lần này bà con vui hẳn lên vì trong đoàn có hai người “Mình” nói tiếng Việt hẳn hoi : “ Kính chào bà con. Cô bác . Tôi , Hải và Tuấn tới đây để làm thông dịch . Xin chúc mừng tất cả quý vị đã đến nơi an toàn.”
Rồi hai anh Hải, Tuấn quay ra trao đổi gì đó với các ông bà Tây. Giang nhìn hai anh với vẻ cảm phục. Họ giỏi Làm sao ? Trông họ thật lịch sự và vui vẻ. Hồi tưởng lại cách đối sử lạnh lùng của một số ít cảnh sát Hồng kông vẫn còn thấy buồn ! Lần lượt , từng nhóm , từng nhóm theo người bảo trợ đi ra . Ánh mắt tiễn biệt nhìn nhau đầy lưu luyến dù mới chỉ quen biết trên chuyến bay . Biết có gặp lại nhau giữa thành phố mênh mông này ? Tới lượt gia đình Giang , anh Hải cho biết gia đình cô được hội nhà thờ Anh giáo bảo trợ . Giang láu táu hỏi : “ Vậy thì nhà em phải theo đạo à” ? Anh giải thích cho Giang nghe về tự do tín ngưỡng dù lúc đó, Giang chỉ hiểu đại khái . Sau đó, cả gia đình Giang theo ra xe để về “ Nhà” . Anh Hải cho biết hội nhà thờ đã thuê cho gia đình Giang một căn nhà mà từ đó đi bộ lên quốc hội có 5 phút . Được ở ngay giữa lòng thủ đô , cả mấy anh chị em Giang sung sướng nhảy dựng lên. Anh Hải nói nhiệm vụ anh và anh Tuấn chỉ ra phi trường thông dịch là xong , nhưng vì nhóm bảo trợ gia đình Giang có ông thầy dạy anh ở trường đại học . Ông đề nghị anh theo gia đình về tận nhà để gia đình đỡ bỡ ngỡ . Mẹ Giang xuýt xoa : “ bác lấy gì để trả lại côn ơn của họ đây”? Anh Hải nói : “ Bác đừng ngại điều đó . Đây là họ giúp đỡ mình , họ không cần phải trả ơn đâu”
Nhà của gia đình Giang là một căn hộ mới đẹp đẽ gồm bốn phòng ngủ . Phòng ăn, phòngkhách biệt lập dưới lầu . Tầng ngầm có sẵn bộ bàn ping pong làm cho mắt Giang sáng rực lên . Cô bé vốn mê bóng bàn . Trong nhà sạch đẹp và có đủ tiện nghi cần dùng. Nhìn nét rạng rỡ của gia đình Giang, những người bảo trợ cũng vui lây . Họ nói chuyện thật cởi mở qua anh Hải . Họ chúc gia đình sống vui vẻ ở quê hương mới này . Rồi họ còn nhờ anh Hải hỏi gia đình cần gì thêm cứ cho họ biết để họ lo… Đêm đầu tiên sau 6 tháng long đong tị nạn , gia đình Giang có được giấc ngủ ngon lành và bình yên.
Những tuần tiếp theo , gia đình được hội bảo trợ đón tiếp thật vui vẻ . Anh Hải gần như lúc nào cũng có mặt trong những buổi tụ họp đó . Anh đang học năm thứ ba tại đại học Ottawa . Những giờ rảnh rỗi , anh tình nguyện làm thông dịch viên cho tất cả đồng hương . Giang ước mong tới lúc nào đó, cô cũng nói được tiếng Anh như anh Hải.
Chỉ sau một tuần nghỉ ngơi. Tất cả mọi thành viên trong gia đình Giang được đi học tiếng Anh ngay. Các anh chị em Giang đều hơn 20 tuổi nên họ học ở trường dành cho người lớn. Rất may , trương trung học Giang theo có một số bạn người Việt cùng lứa tuổi . người biết tiếng Anh nhiều hoặc ít nhưng đều nhiệt tình giúp đỡ nhau . Cái khó khăn nhất của Giang cũng như các bạn là không có một cuốn tự điển để tra khi cần thiết , mà hầu như lúc nào cũng cần. Phố Tàu Ottawa lúc đó chưa có tiệm Việt mà chỉ lác đác vài tiệm Tàu mà thôi . Giang đành chỉ ước mơ mà không thể thổ lộ ý muốn của mình cùng ai vì Giang biết điều đó chẳng dễ dàng gì !
Hàng tuần, hội nhà thờ vẫn có người đều đặn đến thăm gia đình Giang . Họ hướng dẫn từ việc đi chợ, đi xe bus và dạy thêm tiếng Anh . Giang nói giỏi nhất nhà . Cô bé đã có thể thông dịch lại một số vấn đề dễ hiểu thay anh Hải.
Trong hội nhà thờ , Giang quí nhất anh Henry và chị Anita . Anhlà kỹ sư còn chị là y tá. Họ mới cưới nhau vài tháng trước khi gia đình Giang tới Canada . Giang quí tất cả những người bảo trợ vì ai cũng dễ thương và vui vẻ . Nhưng riêng Henry và Anita đối với gia đình Giang như người nhà . Anh chị tới thăm gia đình những ngày cuối tuần . Họ dẫn cả nhà đi McDonald’s thưởng thức Hamburger mà lúc đó anh trai Giang gọi là : “ Bánh bao tây” ! Rồi đi Dairy Queen lựa chọn những ly kem vừa ngon vừa đẹp mắt.
Giang không quên được lần đi trượt băng ở Rideau Canal . Giang ngã oành oạch nên chị Anita phải kèm chặt bên Giang . Chắc chị mệt lắm nhưng sao anh chị vẫn thật vui ? Những tiếng cười rộn rã làm cho mọi người quên cả giờ về . Thứ bảy, chủ nhật nào cũng có chương trình từ đi thăm cảnh thiên nhiên đến các viện bảo tang , hội hoa tulip… Mới tới Ottawa vài tháng thôi mà Giang thấy mình được biết khá nhiều.
Tối qua, Giang hăng say đấu bóng bàn với các anh chị cùng Henry , Anita. Cô bé thắng tất cả mọi người. Một niềm vui cứ tràn ngập làm cô thao thức nên sáng nay thức dậy hơi muộn.
Sực nhớ ra hôm nay đi trượt băng. Cô bé lồm cồm bò đậy chạy sang phòng ngủ đánh thức các anh chị. Mọi người đều đang ngon giấc và muốn ngủ muộn sáng chủ nhật. Cô đành xuống bếp ăn qua loa điểm tâm một mình. Chợt nghe có tiếng động lục cục phía trước cửa . Tuyết vẫn còn rơi trắng xóa nên cô phải vén màn cửa để nhìn cho rõ . Trời ạ, Henry và Anita đang dọn tuyết trên những bậc cửa nhà Giang bằng cái xẻng họ thường để sau xe. Giang cuống quýt mở cửa mời anh chị vào nhà và xin lỗi. Henry cười xòa bảo cô bé thật rắc rối . Anh chỉ làm công việc của người anh lớn trong gia đình mà thôi.
Giáng sinh năm nay thật vui. Giang được nhiều quà từ bên nhà thờ lắm. Gói quà của Henry, Anita vuông vắn như hộp kẹo Chocolate được gói thật đẹp . Tấm card với lời chúc giấc mơ của cô bé sẽ thành sự thực . Hồi hộp mở lần giấy bọc , cuốn tự điển Anh-Việt lộ ra làm cô bé vui mừng không nói lên lời. Cả nhà xúm vào trân trọng món quà quí giá. Giang mừng hơn ai hết vì đã qua rồi những bài học đơn giản có thể hiểu được dễ dàng . Cô cần cuốn tự điển cho việc học hàng ngày. Ôm cuốn từ điển vào lòng, cô bé thầm hứa sẽ cố gắng khỏi phụ lòngmọi người.
Thời gian thấm thoát đã gần 20 năm . Cô bé Giang ngày nào bây giờ đã trở thành người vẽ kiểu áo thời trang . Cô đã có gia đình và sự nghiệp . Cô vẫn không quên những người bảo trợ gia đình mình từ 20 năm trước. Anh chị Henry, Anita bận rộn hơn với 4 con nhỏ nhưng vẫn quan tâm đến Giang cùng gia đình. Họ vẫn chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Buổi trình diễn thời trang cuối năm 1999 của Giang được chuẩn bị hết sức chu đáo nhằm đánh dấu một bước tiến trong sự nghiệp đồng thời chuẩn bị cho niênkỷ mới . Quan khách tham dự thật đông đảo . Họ thích kiểu mẫu Giang vẽ vì ngoài vẻ đẹp nhã nhặn, lịch thiệp còn pha trộn nét duyên dáng rất Việt nam. Anh, chi Henry, Anita ngồi ở hàng ghế đầu không dấu được vẻ xúc động trước thành công của Giang.
Trong lúc Giang ngỏ lời tạm biệt, cám ơn chân thành đến quan khách để kết thúc buổi trình diễn . vài người tham dự muốn chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn bước đầu của Giang . Rất tự nhiên , Giang rút từ trong túi xách cuốn từ điển đưa lên cao cho mọi người nhìn rõ . Rồi cô nói thật cảm động: “ Mọi kiến trúc đều có nền móng của nó. Khởi điểm của tôi bắt đầu từ cuốn từ điển này . Nó đến tay tôi nhờ xuất phát bởi lòng nhân ái mà tôi đã được nhận . Có nhiều cách cho và nhận nhưng cơ bản là ý nghĩa của người cho. Cuốn từ điển này là một kỷ niệm mãi mãi , là động lực thúc đẩy tôi vượt qua mọi khó khăn để đáp lại điều tôi cho là có ý nghĩa nhất trong đời .Đó là tình thương cùng sự cảm thông giữa người và người.
Tiếng vỗ tay nổi lên tưởng không bao giờ ngừng . Giang xúc động lặng lẽ bước đến sát bên Anita đang cố ngăn những giọt nước mắt và Henry cúi mặt xuống để Giang không nhìn thấy ánh mắt đỏ hoe của anh . Cô nghĩ thầm : “ Em còn nợ hội nhà thờ và anh chị nhiều lắm.

***

Giấy Phạt Xe

Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt Báo

Chị bạn tôi hay phàn nàn về tội chạy xe của ông chồng. Bao giờ anh cũng chạy quá tốc độ, quẹo trái, phải ít khi quan sát kỹ lưỡng! Chưa bao giờ thấy anh nhường đèn vàng cho người quẹo trái! Đậu xe bừa, ẩu và tiết kiệm tiền bỏ vào máy tính giờ tối đa là thói quen của anh. Anh có lối tính toán kỳ lạ. Chẳng hạn công việc anh dự tính sẽ mất khoảng 32 phút, anh mua giấy đậu 30 phút! Chắc anh là hậu duệ của ông Grăng đê! (Ông già giàu có hà tiện trong tác phẩm Ơgieni Grangde của nhà văn Banzac). Không như người khác thường mua dư thêm từ 10 phút trở lên phòng sự chậm trễ. Cái kiểu tiết kiệm vài xu lẻ khác người của anh chẳng mấy khi có lợi mà thường mang lại thiệt hại kinh tế cho gia đình. Hai, ba phút ra chậm của anh đủ để người phạt xe tặng anh một cái ticket có trị giá vài chục đô trở lên! Sợ vợ tiếc tiền rồi lải nhải bắt anh ôn bài học về cách tính toán trừ hao mà chị luôn nhắc nhở, anh ỉm luôn tờ ticket tới lúc có giấy gọi ra toà mail tận nhà. Bà vợ tá hoả tam tinh không muốn mất thì giờ vô ích cũng như vẫn còn khư khư ôm chặt trong lòng quan niệm từ xa xưa các cụ dạy: "Vô phúc đáo tụng đình" nên đành nuốt bực tức vào lòng, nhanh chóng thi hành quyền lợi của một công dân gương mẫu. Ký ngay một cái cheque gửi khẩn cấp để huỷ bỏ trát toà theo hướng dẫn tỉ mỉ của tờ giấy. Rồi còn nhiều tờ ticket cho những nguyên nhân vi phạm luật lệ lái xe như không dừng lại ở bảng Stop! Chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ... Nhiều lúc, chị chán nản tới phát khóc vì không sửa được "đức tính" bướng bỉnh của ông chồng! Chị ước ao anh đổi tính! Ươc chi điều xa vời không bao giờ trở thành hiện thực! Chị nên tự trách mình sao không "uốn nắn" chồng ngay từ cái thuở "bơ vơ mới về"! Đàn ông là vậy, muôn đời bảo thủ nhất là về chuyện xe cộ, máy móc, tốc độ ... Một lãnh vực mà từ xa xưa chỉ dành riêng cho phái mạnh. (Xin lỗi các đấng mày râu nếu như có vì sao sáng nào lạc lõng không giống như ông chồng của chị bạn tôi). Đàn ông muôn đời không thay đổi! Tôi nói với chị như vậy, tôi không thành kiến hoặc kỳ thị. Tôi có bằng chứng rõ ràng. Họ chạy bừa, chạy ẩu vượt xa tốc độ qui định là chuyện thường. Hình như "chân lý" này đã có thống kê khoa học hẳn hòi. Chẳng tin cứ nhấc phone hỏi hãng bảo hiểm! Khi bạn mua bảo hiểm xe, họ hỏi ngày tháng năm sinh, giới tính rồi họ lấy bảng giá đã in sẵn để dò tìm rồi cho ta một kết quả về số tiền phải đóng. Họ chỉ cần tra ngang tra dọc theo những dữ kiện mình cung cấp để tìm ra con số khác nhau cho từng đối tượng nam, nữ, già. trẻ đâu ra đó. Thường thường giá dành cho Nam cao hơn Nữ ở cùng độ tuổi! (dĩ nhiên, còn phụ thuộc loại xe, đời xe, và "thành tích" người lái trong quá khứ ...) Nếu ta cảm thấy bất công thì kiểm tra lại giá với các hãng bảo hiểm khác! Thiếu gì hãng cho ta lựa chọn! Kết quả đều xấp xỉ nhau, có chênh lệch chút ít không đáng kể! Có phải họ kỳ thị không" Tôi không dám đưa con số cụ thể vì không có vinh dự làm việc trong ngành bảo hiểm. Chỉ biết rằng nửa của tôi lái xe y chang một khuôn mẫu như đấng phu quân chị bạn tôi! Làm sao tôi quên được có những lần, tôi phải chạy trối chết tới City hall để nộp phạt trước kỳ nghỉ lễ vì đã cận ngày, gửi đường bưu điện không còn kịp! Cứ lục lọi, dọn dẹp nhà cửa, giấy tờ trong những ngày weekend thế nào cũng gặp tờ ticket được "bỏ quên". Bực ơi là bực! Nhưng tôi không muốn bới tung thêm "đống rác cũ" vì "Xấu chàng hổ ai"" Xin được tiếp tục những chuyện buồn vui liên quan đến luật lệ lái xe và ticket phạt mà chị bạn tôi đã trải qua cũng như tình người chị đã gặp sau gần ba mươi năm ngồi sau tay lái. Thường thường, ai cũng lái xe cẩn thận và tôn trọng luật lệ qui định trừ những trường hợp bất khả kháng! Riêng chị bạn tôi thì chưa bao giờ. Phải công nhận chị là một tài xế có lương tâm. Không khi nào chị tỏ ra vội vã, bực bội kể cả những lúc bận và khi đường bị kẹt xe giờ cao điểm. Bí quyết chị làm được điều này theo chị tiết lộ rất dễ ràng. Chị chỉ cần đi sớm hơn chút ít so với thời gian cần thiết. Đi sớm, mới có thể thảnh thơi, ung dung vì không sợ muộn. Không vội vã sẽ giữ được phép lịch sự tối thiểu để nhường đường cho kẻ khác cũng như chạy xe theo đúng tốc độ qui định. Ưu điểm nổi bật của chị là luôn luôn tuân theo luật lệ giao thông một cách nghiêm túc. Chị thường tâm niệm cái xe là phương tiện di chuyển cho ta nhưng đồng thời nó cũng như một thứ vũ khí giết người nếu ta sơ suất nên chị lái xe hết sức cẩn thận. Bằng lái của chị còn tinh khôi không tì vết vì chưa bị trừ điểm bao giờ. Chị chỉ yếu về khả năng xác định phương hướng. Biết vậy nên chị ít dám đi đường mới. Chỉ loanh quanh những con đường quen thuộc. Tuy nhiên có lúc con đường chị thường đi bị cấm chạy vì những lý do thông thường như đang sửa chữa, hoặc tai nạn giao thông ... buộc phải chạy đường khác không nằm trong bộ nhớ là chị lạc! Mỗi lần lạc, chị gọi phone cầu cứu "chàng" nhờ chỉ đường! (Trong xe để sẵn bản đồ nhưng càng nhìn càng rối)! Có lần, chị lạc xa quá, anh chồng sợ chị cứ thế chạy thẳng sang tiểu bang khác nên bắt chị ngồi chờ tại chỗ. Chàng hối hả mang theo bộ mặt lạnh tanh phóng tới tận nơi "Sỏ mũi" lôi chị về nhà. Thế rồi "võng" anh chạy chậm chậm phía trước cho "võng" nàng theo sau "bám đuôi" kẻo lạc tiếp. Thỉnh thoảng chàng còn liếc gương hậu coi chị có bị "trật đường rầy không"" Về tới nhà chàng mỉa mai: "Sao không chạy thẳng tới Montreal rồi hãy gọi điện về"". Biết mình có lỗi, chị chỉ cười trừ tự nhủ lần sau sẽ không mạo hiểm ra khỏi ngoại ô quá xa. Ngoài ra, chị còn thỉnh thoảng quên nhìn bảng hiệu. Có lần, chị ung dung chạy đường một chiều tới khi người lái xe khác nháy đèn ra hiệu mới hỏang hồn quay đầu lại. May không gặp cảnh sát lần đó! Nhưng thỉnh thoảng chạy loạng quạng thế nào cũng có cơ may chạm trán "bạn dân"! Ít nhất, chị đã từng "nói chuyện" với họ vài lần về những sai phạm ngoài tầm kiểm soát! Vậy mà chị chưa bị "ăn" ticket bao giờ. Cái khờ khạo của một người luôn tuân theo luật lệ là chị khiến cho cảnh sát phải mủi lòng không nỡ xuống tay cho chị một tờ ticket. Xin lần lựot trình làng những lần may mắn đó:Lần nọ, cách đây khá lâu rồi, chị chở bốn nhóc trên xe ở độ tuổi từ ba đến mười hai gồm con và cháu. Tất cả đều được cài dây an toàn trừ một cháu vì một dây an toàn ở ghế sau bị kẹt. Loay hoay mãi không được, chị đành cho cháu lớn nhất ngồi vị trí đó, dặn nó ngồi cẩn thận rồi chạy rất chậm. Vừa chạy khoảng năm phút đã có một xe cảnh sát nháy đèn phía sau. Chị từ từ đánh xe vào lề phải rồi tắt máy ngồi đợi. Đợi khá lâu vẫn thấy người cảnh sát ngồi im trong xe phía sau. Nghĩ mình hiểu lầm, chị nổ máy xe và từ từ chạy tiếp. Xe cảnh sát cũng từ từ bám theo xe chị và lại nháy đèn. Chị lặp lại động tác tắt máy xe, ngồi đợi! Rồi thấy quá lâu, chị mất kiên nhẫn nên mở cửa, đi về phía xe cảnh sát để hỏi cho ra lẽ vì bọn trẻ cứ lục đục trong xe. Người cảnh sát lúc đó cũng xuống xe, đi lên phía xe chị. Anh ta còn trẻ, cỡ chừng dưới ba mươi tuổi. Chị hỏi: "Xin lỗi, tôi muốn hỏi có điều gì đã xảy ra" Có phải ông nháy đèn cho xe tôi dừng lại"" "Hình như trong xe bà có một em bé không được cài giây an toàn"” Người cảnh sát hỏi lại chị thay vì câu trả lời. "Vâng, đúng vậy, vì cái giây an toàn bị kẹt mà tôi cũng mới biết thôi. Tôi vừa đón các cháu ở nhà người giữ trẻ cách đây một quãng ngắn và đang trên đường đưa các cháu về nhà". Chị trả lời và tự nhủ: "Sao mắt anh ta tinh thế, trời chập choạng tối, ba đứa trẻ ngồi khít nhau ở băng ghế sau mà anh ta cũng nhìn ra"! Anh cảnh sát tới xe chị, kiểm tra lại giây an toàn thấy quả nhiên nó bị kẹt như chị đã trình bày. Anh thử vài lần cũng không được! Sau đó, anh hỏi địa chỉ nhà chị thấy cũng gần và không cần chạy highway nên anh bảo chị nên về nhà ngay, chạy thật chậm đồng thời phải sửa lại dây an toàn trước khi đi lần sau. Chắc anh ta thấy bốn đứa trẻ lít nhít nên có vẻ ái ngại cho chị. Anh nói: "Lẽ ra, bà bị phạt vì chở em bé không cài giây an toàn! Nhưng thôi, đây là lần đầu, tôi không phạt nhưng tôi mong bà nên về nhà ngay để an toàn cho các bé. Bà nên chạy chậm ở mức độ có thể được và đừng quên phải sửa lại dây an toàn trước khi chở các cháu bé ".
Lần tiếp theo, cảnh sát chặn xe chị quả là oan ức! Số là, ông chồng chị khi dán tem giao thông đã không dán theo đúng luật qui định. Tem mua sớm hơn kỳ hạn nên anh không dám dán đè lên tem cũ. Không dán ngay thì quên sẽ không bao giờ nhớ là cái chắc! Gì chứ quên là bệnh kinh niên của chàng mà cái bệnh này chỉ có tăng không giảm! Đằng nào cũng tai hại. Chàng nghĩ ra giải pháp an toàn nhất là dán ở góc đối diện thay vì dán ở góc phải, trên cùng theo qui định. Chị đã cằn nhằn mãi về chuyện này. Chị nói cứ dán đè lên tem cũ là thượng sách! Dĩ nhiên, ông chồng chị không chịu sửa lại vì cho đó là điều không quan trọng! Anh vẫn chạy xe hàng ngày bình thường không có gì rắc rối xảy ra. Tới khi bộ nhớ của chị đã quên hẳn việc đó thì chị bị "dính" trong ngày thứ bảy đi mua sắm một mình. Lòng đang vui phơi phới vì mua được chiếc áo đẹp thì gặp ông cảnh sát trung niên stop xe. Sau khi giải thích lý do, ông đang chuẩn bị biên giấy phạt thì thay vì bào chữa, chị lại hăng hái khuyến khích: "Vâng, ông cứ phạt tôi ticket đi! Tôi cũng cần cho chồng tôi một bài học"! Ông khựng lại, hỏi gặng: "Bà nói bài học gì, tôi chưa nghe kịp "" Chị nhắc lại lời đã cảnh cáo ông chồng yêu quý của mình khi anh đang loay hoay dán tem giao thông vào xe. Chị đã vẽ cho chàng thấy cái viễn ảnh một ngày đẹp trời nào đó, chàng sẽ bị cảnh sát stop dọc đường "hỏi tội"... nhưng chàng bướng bỉnh không nghe! Chồng chị may mắn đã không gặp cảnh sát mà chị phải đưa đầu chịu báng thay chồng... Ông cảnh sát ngừng tay trước khi ông định viết số biển xe vào tờ ticket, chăm chú nghe chị nói rồi bất ngờ ông tuyên bố: "Thôi! Tôi không phạt bà lần này nhưng bà làm ơn nói với ông nhà bóc ra và dán lại dùm tôi đúng chỗ qui định khi bà về tới nhà"! Thú thực, chị không vui lắm khi thấy ông dành cho chị ân huệ đặc biệt này vì trong thâm tâm, chị muốn cho chồng một bài học đích đáng để rút kinh nghiệm quí báu lần sau vì tội bừa, ẩu, coi thường pháp luật... Có lẽ, ông cảnh sát tưởng chị điên vì có ai lại nài nỉ xin nộp phạt khi người thay mặt công quyền đã "dơ tay đánh khẽ". Tuy vậy, chị cũng cám ơn ông rồi lái xe đi với một nỗi ấm ức suốt dọc đường. Bực nhất khi chị về đến nhà, tường thuật đầu đuôi câu chuyện, (dĩ nhiên có thêm bớt vài chi tiết làm cho câu chuyện gay cấn hơn, quan trọng hơn để "dọa" cho một nửa của mình thấy rõ tầm quan trọng của vụ việc nếu còn tái phạm...). Chàng đã không mảy may tỏ vẻ lo ngại mà còn khoái chí cười ngất kèm theo lời bình luận rất "đàn ông": "Chắc ông cảnh sát này số như anh,vớ được bà vợ là sư tử Hà đông nên thấy em giống vợ ông ta quá do đó ông ta cám cảnh mình rồi thông cảm với anh là kẻ đồng hội, đồng thuyền, đồng cảnh ngộ mà không nỡ làm khổ anh nữa " !Người ta thường nói "Quá tam ba bận". Lần thứ ba này thì có thể nói rằng lỗi hoàn toàn nơi chị, nhưng xét cho cùng, chị bị đẩy vào thế không còn chọn lựa! Lỗi ở trường học tọa lạc tại khu vực thị tứ sầm uất lúc nào cũng đầy chặt xe đậu ở những điểm dưới lòng đường cũng như bãi đậu xe trong khi Parking của trường lại quá nhỏ so với lượng xe đông đảo của các bậc phụ huynh tới đón con sau giờ tan trường! Hôm đó, chị đậu dưới biển "Cấm đậu" để đợi con tan học ra vì giờ cao điểm nên không thể kiếm được chỗ nào khả dĩ có thể nương náu vài phút đồng hồ chờ con tan lớp. Chạy lòng vòng mãi không xong! Đã thấy lác đác vài đứa trẻ ra khỏi trường. Nếu chạy tiếp vòng nữa lại sợ con ra không nhìn thấy xe nhà đón như mọi khi thì rắc rối! Chị đành tặc lưỡi đậu tạm và tự nhủ sẽ quan sát kỹ lưỡng nếu thấy bóng Parking men thì chạy luôn. Hôm đó, tuyết rơi tương đối nhiều. Tầm nhìn hơi bị hạn chế, lại phải ngóng mắt theo dõi cậu quí tử vì vị trí này chị chưa hề đậu bao giờ! Ngoái đi ngoái lại cẩn thận thế mà khi ông parking man gõ vào cửa kính mấy tiếng mới giật mình nhìn ra và luống cuống không biết phản ứng ra sao. Chị đành cười cầu tài với ông bằng cõi lòng xót xa của người biết sẽ bị mất tiền rồi từ từ hạ kính xe xuống. Chưa kịp nói gì thì ông đã nhanh nhảu: "Chao ba". Chị trố mắt nhìn ông nhưng chưa tin ở tai mình. Ông nhắc lại chậm hơn và dài hơi hơn: "Chao ba, ba khóe khồng"" Lần này, chị nghe rõ ông nói tiếng Việt giọng lơ lớ nên chị cũng chào lại ông và hỏi ông khỏe không bằng tiếng Việt thánh thót của mình. Chị tò mò hỏi ông học tiếng Việt ở đâu" Ông có nói được nhiều không" ... Ông khoe ông đã từng sang Việt nam hai năm và đơn vị ông đóng ở Buôn mê thuột. Ông cũng chỉ biết vài câu chào hỏi đơn giản. Rồi ông nói chị đừng đậu xe chỗ này nữa. Ông đã gặp rất nhiều người bất đắc dĩ phải đậu vì không có chỗ mà bọn trẻ con thì không thể đợi lâu dưới trời tuyết lạnh! Ông rất thông cảm vì ông cũng từng có con nhỏ đang tuổi đi học... Ông cho biết ông sẽ không phạt chị ticket hôm đó. Chị cám ơn ông và không để ông phải nhắc nhở,chị cũng tự động lăn bánh xe từ từ rời khỏi nơi cấm đậu trước khi ông tiếp tục đi làm công việc của mình. Tâm lý chung của chúng ta khi ra xe thấy tờ ticket găm dưới gạt nước thường là bực bội, khó chịu và ngay lập tức có ác cảm với tác giả của tờ giấy phạt này dù biết họ chỉ làm theo luật. Tôi đã từng có nhiều thì giờ quan sát công việc của các Parking men trong những lúc ngồi trong xe chờ con tan học .Tôi thấy phần lớn trước khi đặt bút viết giấy phạt họ thường quan sát kỹ lưỡng xung quanh xem chủ xe có đang trên đường ra không" Chúng ta đều biết "Bút sa, gà chết"! Thực ra, chẳng có con gà nào dính dáng ở đây mà là tiền túi của khổ chủ. Khi đã viết số biển xe xuống giấy phat, khổ chủ đến họ cũng chẳng thể hủy bỏ được mà chỉ đành hẹn nhau ra tòa. Do vậy, tôi để ý thấy hầu hết họ thường quan sát bốn phía rồi mới hạ bút. Nếu thấy bóng dáng người nào hớt hải chạy tới kêu: "Chờ tôi chút" là họ lập tức ngừng luôn nếu bút chưa sa xuống giấy để đợi chủ xe hoặc cho thêm tiền đậu, hoặc dời khỏi chỗ đó... Rất nhiều lần tôi thấy như vậy. Do đó, những may mắn của chị bạn đã kể lại cho tôi nghe có thể cũng là may mắn chung của chúng ta, những da vàng mũi tẹt cũng như mọi công dân người bản xứ đang sống ở một xứ mà các luật lệ qui định rõ ràng được thi hành bởi những người có trách nhiệm một cách nghiêm túc nhưng vẫn đầy tình người.

***



Nội Soi Ruột Già

Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt Báo

Vấn đề khám sức khỏe tổng quát hàng năm ai cũng phải làm dù ai cũng ngại! Ngại nhưng cứ phấp phỏng lo âu khi nghe "ngọc thể" bất an. Đi khám xong rồi lại hồi hộp trong vòng vài tuần để coi văn phòng bác sỹ có gọi lại không! Chuông điện thoại reo, nhìn nơi gọi chính "hắn" là tim đập thình thình!Nhẹ ra cũng có một thứ gì trục trặc! Tuổi càng cao thì nguy cơ cao huyết áp, mỡ trong máu, tiểu đường... khó tránh khỏi! Lại đi đo, soi, scan...đủ thứ theo lệnh bác sỹ, người cầm cân nẩy mực uy quyền nhất cho sức khỏe con người . Tuổi cao thường có tỉ lệ thuận với thuốc . Không bệnh cũng phải thuốc bổ xương, vitamin bổ xung. Còn có bệnh thì ôi thôi, thuốc lọ lớn lọ nhỏ lềnh khênh trong tủ thuốc . Sáng uống, trưa uống, chiều uống!Có thứ uống trước bữa ăn, có thứ uống sau bữa!Cái vòng luẩn quẩn " Sinh Lão Bệnh Tử" chẳng chừa một ai! Muốn chắc ăn cứ đến đúng thời kỳ ấn đinh, nên đi khám tổng quát, rất có lợi cho mình và ít nhất, rũ được âu lo trong vòng một năm để rồi "đến hẹn lại lên" . Tôi vốn lười đi khám sức khỏe nên cứ khám lần này thì làm hẹn tiếp cho lần sau luôn để buộc mình vào sự đã rồi, không lẩn tránh được . Thực ra, tôi cũng không tự mình có thói quen tốt ấn định tự nguyện như vậy mà có một nguyên nhân, nói chính xác hơn thì tôi được một người bạn thân quen lâu năm mới kể lại sự may mắn của anh trong đợt khám tổng quát cách đây vài năm . Sau lần đó, tôi hoảng hồn răm rắp tuân theo lịch khám định kỳ hàng năm cho tôi và cả gia đình . Xin thuật lại toàn bộ câu chuyện anh đã kể về lần may mắn ấy cũng như lời khuyên của anh sau kinh nghiêm đáng nhớ này.

Tôi vốn lười đi khám sức khỏe tổng quát hàng năm . Mỗi năm đến hẹn khám định kỳ với bác sỹ gia đình đều do vợ tôi làm hẹn rồi đốc thúc tôi đi khám!Nàng thường cằn nhằn : "Anh lười quá .Đi khám cho yên tâm, tuổi cao rồi cần cẩn thận hơn . Đàn ông khám đơn giản, có rắc rối như phụ nữ đâu"!Đúng như vậy, nhìn các bà phải xét nghiệm lỉnh kỉnh đủ thứ thấy mệt! Ngoài những xét nghiệm thông thường như nam giới gần như chỉ gói gọn trong phạm vi phòng khám của bác sỹ gia đình . Các bà còn phải làm hẹn tới các clinlic để scan ngực, đo xương ...( Ở những người trên 50 tuổi ) . Ông bác sỹ của gia đình tôi đã gần tuổi về hưu . Ông khám cẩn thận và kỹ lưỡng . Năm nay, sau khi đọc hồ sơ, ông ngạc nhiên khi thấy tôi chưa làm thử nghiệm phân!Thường việc thử nghiệm này do cô y tá hỏi bệnh nhân có muốn làm hay không .!Năm trước, cô y tá hỏi thì tôi khất cô lần tới!Chung qui cũng tại tính lười!Bây giờ ông bác sỹ "bắt" tôi phải xét nghiệm . Ông nói :" Xét nghiệm nếu không có vấn đề gì thì phải hàng chục năm sau mới phải thử nghiệm lại . Điều này hoàn toàn có lợi cho ông . Ông cần thử nghiệm cho yên tâm" . Thấy không lẩn trốn được nữa, tôi đành cầm cái phong bì lỉnh kỉnh nào que nào giấy thử nghiệm về nhà với bộ mặt bí sị!Nghĩ thì ngại nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại rất đơn giản . Hướng dẫn ghi tỉ mỉ cứ theo thế mà làm . Xong xuôi, gắn phong bì kín lại rồi quăng vào hòm thư bưu điện . Khỏi cần tem cước lôi thôi . Phong bì đã được họ đóng dấu tem sẵn . Hai tuần sau, tôi nhận được một lá thư gửi tới nhà với nội dung : " Mẫu xét nghiệm của ông có dính chút máu . Hiện tượng này bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân . Ông đừng vội lo lắng đó là ung thư . Chúng tôi đã gửi kết quả tới văn phòng bác sĩ của ông . Nếu trong vòng một tuần, không thấy văn phòng bác sỹ gọi lại . Ông nên chủ động liên lạc với bác sỹ" . Hai ngày sau, cô thư ký bác sỹ gia đình tôi gọi điện thông báo kết quả thử nghiệm đã gửi về và làm hẹn sớm cho tôi gặp bác sỹ . Ông bác sỹ cũng giải thích cặn kẽ như lá thư tôi nhận được . Trấn an tôi không nên lo lắng rồi ông làm hẹn cho tôi đi khám nội soi ruột già .

Lại đến văn phòng bác sỹ gia đình bê về một tập giấy dày cộm ghi rõ ràng từng chi tiết phải thực hiện trước khi nội soi từ văn phòng bác sỹ nội soi gửi tới . Trước hết, phải ra quầy thuốc mua hai loại thuốc cần uống theo hướng dẫn chính xác về ngày, giờ ghi trong đó cũng như các loại thức ăn, uống trong vòng bốn ngày trước nội soi Theo đó, thời gian này không được ăn các loại ngũ cốc, hạt ... Hai ngày trước nội soi phải uống thuốc tẩy ruột . Một ngày trước nội soi chỉ được uống những loại chất lỏng trong suốt và uống súp gà không có bã . Cứ một tiếng đồng hồ lại phải uống 500 ml nước trở lên .Ngày này thì phải nghỉ làm ở nhà vì cứ sau mỗi lần uống nước lại phải chạy vào ôm toilet!Cứ thế mà thực hiện đều đều tới hai tiếng đồng hồ trước nội soi mới được ngưng uống nước . Thế nên tuy trong giấy họ có ghi phần uống súp gà nhưng bụng đầy nước tức anh ách thì nhét súp gà vào đâu ? Ngoài ra, họ còn gửi kèm cả một số câu hỏi mình phải trả lời như đang uống các loại thuốc gì ? Có bị dị ứng với thuốc không, gia đình có ai bị polyps không ? ... Kèm theo đó là một bản giải thích cách thức họ sẽ làm như thế nào ? Nội soi ruột già là gì ? Quá trình nội soi có nguy hiểm không ... Trong quá trình nội soi, nếu thấy polyp, họ sẽ cắt luôn!Họ trấn an sẽ không có cảm giác đau và đây chỉ là một thủ thuật đơn giản... Rồi tôi còn phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến bệnh sử bản thân, gia đình cũng như kê khai những loại thuốc đang dùng ...

Ngoài ra, một vấn đề được họ nhấn mạnh bằng chữ in đậm, lớn, nổi bật trên tờ giấy là sau khi quá trình nội soi hoàn tất, không được lái xe trong ngày hôm đó và ngày kế tiếp . Đặc biệt, sau nội soi phải có ngừơi đưa về nhà . Người đó phải hiện diện trong phòng dưới sự giám sát của y tá chứ không thể chỉ báo cho y tá biết theo kiểu người nhà tôi đang đợi ngoài cửa . Hoặc xe chờ sẵn trước cửa vì không có chỗ đậu xe...như các cuộc thăm khám bình thường khác.

Cái hẹn có mặt tại văn phòng bác sỹ của tôi được ấn định 7:45am ghi trên tập hồ sơ . Ba ngày trước hẹn, văn phòng bác sỹ nội soi gửi mẩu ghi âm điện thoại đến điện thoại gia đình tôi với nội dung : "Giờ ấn định nội soi của ông là 8:30am!Ông cần thực hiện chế độ ăn uống như chỉ dẫn . Nếu có gì trục trặc, ông cần liên lạc lại văn phòng bác sỹ trong thời gian sớm nhất"! Thế này là sao ? Giấy ghi giờ một đằng mà máy nói lại một nẻo? Đầu giây không phải là người gọi trực tiếp mà chỉ là băng ghi âm . Làm sao cãi giờ giấc đây ? Hết băng ghi âm có kèm lời chỉ dẫn : " Nếu bạn nghe chưa rõ, làm ơn bấm số... để nghe lại" Rồi tiếp đó họ cho số điện thoại văn phòng, chúc một ngày đẹp. Chấm hết!Tần ngần muốn gọi lại hỏi chính xác nhưng rồi ngần ngại để quyết định sẽ đi theo giờ sớm nhất cho chắc ăn!Tự nhủ vậy, nhưng tôi cũng giở lại tờ hẹn coi sao thì biết mình đã lầm to!Cái hẹn họ ghi trên đó là cái hẹn mình phải có mặt tại văn phòng còn cái hẹn trong điện thoại là giờ hẹn chính xác cho lúc nội soi!Dĩ nhiên, phải có vài thủ tục cần thiết giấy tờ với cô thư ký!Thế đó, cứ đọc lướt qua rồi đinh ninh mình đúng là hỏng kiểu.!

Tại văn phòng bác sỹ, tôi lại phải điền một tờ giấy nữa cũng với những câu hỏi tương tự như đang dùng những loại thuốc gì ? Có dị ứng với thuốc gì không ? Có bao giờ phải dùng máy trợ thở không ? Có người nhà đưa về nhà sau nội soi không ? Xong giấy tờ, ngồi yên vị khoảng năm phút thì một y tá ra gọi tên sáu vị có cả tên tôi . Đi theo cô y tá vào một phòng rộng thấy sáu cái giường song song mỗi cái đặt cách nhau khoảng một mét rưỡi!Thế là thế nào ? Ngồi hay nằm trên cái giừong không có che chắn hay sao ? Cô lại còn phát cho mỗi vị một cái áo choàng mà theo đó, để thay đồ và chỉ mặc áo đó cho nội soi!Đang có dấu hỏi lớn trong đầu là thay như thế nào khi các giường nằm nhìn nhau thông thống ? Mình đàn ông còn đỡ thế phái nữ thì sao ? May quá, câu trả lời đã có ngay. Một ông già được xướng danh và cô y tá ân cần hướng dẫn ông tới giường của mình! Ông vừa an tọa thì cô nhẹ nhàng múa tay một cái đã thấy quanh giừong rèm buông trướng rủ . Thật kín đáo và riêng tư . Thì ra, mình hồi hộp quá nên không trông rõ những tấm màn che kín từ trần nhà buông xuống được vén gọn cho quang đãng khi chưa cần . Tôi ngồi vào giường của mình tự nhiên thay đồ như trong phòng tắm gia đình. Cô y tá dặn để đồ và giày dép xuống một ngăn dưới giường . Xong xuôi, nằm xuống, kéo tấm chăn mỏng đắp lên người rồi cô đo huyết áp . Không lâu sau, khoảng chừng vài phút, một cô y tá khác đến đứng cạnh giường . Cô giới thiệu tên mình và cho biết cô là phụ tá với bác sỹ nội soi. Rồi cô thông báo đã tới giờ ấn định, cô đẩy gọn gàng chiếc giừong vào phòng nội soi . Chiếc giường đồ sộ, lỉnh kỉnh nặng nề lại còn chất thêm 75 kg sức nặng của tôi mà cô tiểu thư mắt xanh tóc nâu nhạt đẩy thật nhẹ nhàng như đẩy chiếc xe nôi chở em bé . Vào phòng nội soi, bác sỹ nội soi lại ân cần chào hỏi, giới thiệu tên cũng như giải thích sơ qua về quá trình nội soi. Chính bác sỹ nội soi lại hỏi trực tiếp một số câu hỏi nữa với nội dung đại loại như vấn đề dị ứng thuốc, đã làm nội soi bao giờ chưa... Bà giải thích trong quá trình làm nội soi, văn phòng bà được quyền đưa bệnh nhân tới thẳng bệnh viện nếu xảy ra sự cố . Dĩ nhiên, tôi cũng phải ký tên xuống dưới đồng ý với vấn đề này . Bà cũng trấn an tôi rằng sự rủi ro có tỉ lệ rất thấp .Rồi bà ghi tên người nhà sẽ đưa mình về sau nội soi... Và tôi lại phải ký xuống tờ giấy cam đoan không được lái xe trong ngày hôm đó và ngày kế tiếp . Nghĩa là, về vấn đề an toàn họ làm cẩn thận lắm . Tiếp đó, một bác sỹ khác vào tiêm thuốc an thần cũng sau một màn chào hỏi, giới thiệu tên... Hình như tôi có thiếp đi ? Không thể nhớ chính xác nhưng khi tôi mở mắt ra thấy ngay trước mặt là màn hình đang chiếu rõ phần trong của ruột già sạch bóng có màu hơi hồng . Rồi thấy một cục lớn màu sậm hiện lên . Không nhìn rõ lắm nhưng thấy họ cắt cái cục sậm màu đó . Ồ, cắt một cục lớn như vậy mà không đau!Có nhìn thấy thoáng một chút máu hồng loang nhẹ, một chút thôi . Rồi loáng một cái, họ nói đã xong!Không có một cảm giác gì khi họ đưa dụng cụ ra ngoài cơ thể mặc dù tôi thấy mình rất tỉnh táo!Bác sỹ cho biết tôi đã được cắt một cục Polyp lớn . Bà nói điều đó rất tốt và tôi đã may mắn kiểm tra đúng lúc trước khi nó bị biến chứng như vỡ ra, chảy máu hoặc có thể bị tắc ruột, gây ung thư ... Rồi bà cho biết tôi phải quay lại khám nội soi sau một năm để đảm bảo chắc chắn không có cục polyp nào mọc thêm . Bà còn nhắc tôi nên thông báo cho anh chị em ruột của mình vấn đề này và khuyên họ nên kiểm tra ruột để chắc chắn mình không bị polys vì nó có tính di truyền . Cô y tá đưa tôi lại phòng cũ, màn được buông xuống . Cô nói tôi nằm đợi cho hơi trong bụng ra hết vì họ đã đưa một chất gas vào ruột trong quá trình nội soi cho ruột phồng lên . Cô khuyên tôi vuốt bụng cho hơi thoát dễ hơn . Khi mọi việc ổn thỏa, cô ra ngoài rước " người đẹp" của tôi vào để nàng đưa tôi về nhà . Trước khi tạm biệt và chúc tôi một ngày vui vẻ, cô còn nhắc lại tôi nên nhớ không lái xe hôm nay và ngày mai!" Biết rồi, khổ lắm, nói mãi"!Có cho kẹo tôi cũng không dám cầm vô lăng khi bị cấm!Tôi không muốn đập bể nồi cơm của gia đình!Không tuân theo luật lệ bị tạm giam bằng lái tức là đồng nghĩa với việc khỏi đi làm luôn mà tôi còn hơn chục năm nữa mới tới tuổi hưu!Tôi cám ơn cô rồi thong dong ra về . Vừa ra ngoài, tôi cảm thấy đói đói cồn cào vì sau hơn một ngày :" Ngồi chơi sơi nước", uống toàn nước lã và mấy ngày trước đó ăn uống hạn chế trong phạm vi một vài loại thức ăn theo chỉ định của bác sỹ làm cho cái bao tử vốn quen với phở bò của tôi nhộn nhạo để rồi nghĩ đến bất cứ món ăn gì cũng thèm kể cả nhũ đá!May sao người đẹp của tôi đã quan tâm đến vấn đề đó từ hôm trước nên nàng nấu cháo thật nhuyễn nhừ rồi cho vào hộp để sẵn trong xe từ khi nào mà tôi không hề hay biết . Tôi đói hoa cả mắt vừa yên vị ngồi xuống và thắt xong dây an toàn đã được nàng cẩn thận đặt hộp cháo trong tay . Nàng còn âu yếm dặn : " Anh ăn từ từ kẻo ... nghẹn". Ôi, vợ tôi : " Nếu chữ hy sinh có ở đời" ( Hồ Dzếnh) . Hộp cháo hôm đó tôi ăn sao mà ngon thế ? Nó thơm ngon gấp ngàn lần so với bát cháo hành mà Thị Nở đã từng nấu cho Chí Phèo.

***



                       Lấy Lầm Chồng

Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt Báo

An An đang đứng trước gương, nghiêng nghiêng mái tóc mượt mà, ngắm nghía chiếc áo màu vàng nhạt hợp với nước da trắng mịn làm tôn vẻ đẹp dịu dàng và đôi mắt thông minh ngời sáng đầy niềm tin. Con bé đang chuẩn bị để đi dự lễ tốt nghiệp đại học của mình. Vài tiếng đồng hồ nữa, An An sẽ được đặt chân lên tấm thảm màu đỏ, bước lên khán đài nhận tấm bằng đại học mà cả gia đình chúng tôi đã mong đợi từ lâu. Sống mũi tôi tự nhiên cay cay. Tôi nhìn tấm hình mẹ An An đặt trên bàn học, hình như tôi thấy chị mỉm cưòi.Tôi thầm nghĩ: Chị ơi, em đã hoàn thành ước nguyện của chị. Con gái chị đã trưởng thành. Chị có thể thảnh thơi an nghỉ nơi chín suối." An An vẫn nghiêng mình trước gương chải tóc , trang điểm cho ngày trọng đại của mình. Nhìn con bé hồn nhiên, vui vẻ, trí óc tôi chợt lui lại một ngày cách nay chừng mười bảy, mười tám năm, khi An An còn là đứa bé con trong vòng tay mẹ.

Hôm đó, trời lạnh lắm, nhiệt độ ngoài trời xuống tới 21 độ âm. Tôi gặp mẹ con An An trong tiệm thực phẩm người Việt ở phố Tầu. Thấy chị dắt đứa con gái khoảng ba, bốn tuổi được mặc một bộ áo mùa đông nặng chinh chịch. Tay còn lại, xách hai túi đựng thực phẩm vừa mua. Cô bán hàng ái ngại nói: "Em thấy chuyến xe bus số 2 vừa chạy qua. Chị đợi khoảng vài phút hãy ra, kẻo ra sớm quá, đợi lâu, lạnh cháu bé!" Chị cám ơn, rồi đứng nhìn mông lung ra phía ngoài cửa kính, dáng chừng ngóng chờ chuyến xe kế tiếp. Thấy cháu bé còn nhỏ, sẵn lúc đó cũng rảnh, tôi ngỏ ý đưa chị về. Kể từ đó, chúng tôi trở thành những người bạn của nhau.

Chị ở một mình, cùng con gái. Chồng chị làm gì, ở đâu? Chị không hay biết. Hoặc chị cũng không muốn biết. Chị nhận hàng may tại nhà, vừa làm vừa trông con. Anh chồng chị cũng thỉnh thoảng dăm bữa nửa tháng, thậm chí nửa năm mới đảo qua nhà, quăng lên bàn một nắm tiền có khi vài trăm hoặc vài nghìn rồi vào phòng ngủ để ngủ như bị thiếu ngủ đã lâu. Họ hầu như không nói chuyện với nhau hoặc nói rất ít! Hai người sống với nhau như chia phòng trọ. Họ ở riêng phòng, không ăn cùng giờ với nhau nhưng ăn chung nồi cơm chị nấu! Một lối sống kỳ lạ? Không giống như vợ chồng hay bạn hữu? Cũng chẳng gây gổ, cãi nhau, to tiếng? Chị lủi thủi với con. Anh im lặng ra vào như cái bóng! Vài hôm ở nhà ngủ như lấy sức, anh lại đi! Không một lời chào, như hai hình nộm, cả hai cùng câm lặng, không biểu tỏ một cảm xúc gì trên mặt!

Chị ít nói, không muốn tâm sự chuyện gia đình. Nhưng tôi, một người đàn bà bình thường nên cố gặng hỏi chuyện chị mãi thì chị mơí hé lộ ra vài chi tiết như vậy. Khi kể lại chuyện, giọng chị bình thản, đều đều như kể chuyện cổ tích hoặc kể chuyện người khác. Lối sống của chị như co mình trong vỏ ốc. Chị ít giao thiệp, hầu như không có bạn bè. Lúc nào cũng ưu tư, trầm buồn.

Nhiều lúc, tôi kể chuyện vui, chị chỉ cười mỉm nhưng bộ mặt vẫn giữ nguyên nét buồn không thay đổi. Tôi khuyên chị nên sống cởi mở hơn, đừng khư khư ôm dĩ vãng mà buồn bã một mình! Khuyên chị học lái xe rồi mua một cái xe để đưa con đi chơi! Chị còn trẻ, có thể đi bước nữa nếu chị muốn vì chị có một sắc đẹp hết sức mặn mà. Còn nếu không muốn đi bước nữa thì cũng nên hòa đồng với mọi người, sống vui vẻ cho cuộc sống của chị và cả An An. Tội gì phải sống vì hình bóng của một người đàn ông chẳng ra gì... Chị lặng lẽ ngồi nghe tôi hùng biện rồi lại thở dài! Hình như thở dài là câu trả lời của chị! Chồng tôi cứ mắng tôi luôn về tội tôi hay tò mò, xía vào chuyện gia đình người ngoài! Tôi chống chế, chuyện lạ, ai mà không thắc mắc. Anh gạt đi: Để cho chị ấy yên thân.

Công việc nhà bận rộn, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau. Thăm hỏi vài câu rồi đường ai nấy đi. Chị ít nói, trầm lặng. Tôn trọng riêng tư người khác một cách tuyệt đối. Tôi lanh chanh, chuyện gì cũng muốn hỏi, muốn xía vào, muốn can thiệp. Hai cá tính khác nhau nhưng không khắc nhau mới lạ! Tôi thương chị có chồng cũng như không, lủi thủi một mình nuôi con. Chị độ lượng, thông cảm, hiền hoà, sợ làm phiền người khác, nhưng tôi biết rất rõ một điều: Chị tin tôi.

Lúc cô thư ký văn phòng luật sư gọi điện thoại khẩn cấp mời tôi tới bệnh viện thì chị đã lúc tỉnh lúc mê. Tôi lặng người khi nghe tin chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối! Chị đã giữ kín điều này một mình, không cho ai biết. Tôi nhớ lại, vài lần trước gặp nhau ở chợ, Chị than dạo này hay bị mệt, chóng mặt, người nhức mỏi ... Tôi khuyên chị đi khám bác sỹ và bồi bổ sức khỏe. Rồi cũng vô tình, tôi quên mất điều này vì nghĩ chị bị cảm cúm thông thường khi thời tiết thay đổi.

Cô Hồng, chủ shop may thấy chị nghỉ lâu không đến lấy hàng đã gọi phone hỏi. Biết chị bị ốm, Hồng mua quà đến thăm. Khi Hồng hỏi gặng vì thấy chị xanh xao,bệnh hoạn trầm trọng, chị mới tiết lộ tình trạng bi đát của mình và cho biết chị đã phải vào bệnh viện xạ trị hàng tháng. Hồng đã để ý đến chị nhiều hơn. Gọi điện thăm hỏi chị hàng ngày. Kịp lúc thấy chị quá mệt mỏi, kiệt sức vì xạ trị. Hồng tức tốc đưa chị vào bệnh viện. Trông nom An An và chạy đôn đáo tìm sự giúp đỡ của sở xã hội đối với trường hợp đặc biệt này. Cô mời luật sư tới bệnh viện để làm di chúc cho chị với một nguyện vọng duy nhất: Chồng chị không được nuôi con!

Hồng đã tìm gặp được chồng chị để yêu cầu anh ta thỏa mãn nguyện vọng này của chị. Anh ta đồng ý một cách dễ dàng với tất cả mọi điều kiện Hồng đưa ra! Trông anh ta có vẻ buồn và xem ra rất hối hận! Vả lại, theo Hồng nói, anh ta cũng không đủ khả năng chăm sóc An An vì lúc đó, anh ta không có việc làm và cũng không có cả chỗ ở nhất định! Anh ta nói với Hồng xin chị cho phép anh ta vào bệnh viện chăm sóc chị những ngày cuối cùng! Chị từ chối! Số tiền dành dụm trong ngân hàng chị uỷ thác tôi giữ giùm An An.

An An đã hơn mười tuổi, cô bé lăn lộn khóc bên giường mẹ. Phòng bệnh viện lúc đó chỉ có y tá, luật sư , cô thư ký, Hồng và tôi chứng kiến chị nằm cô đơn trong đau đớn. Người thân duy nhất của chị là An An. Ai cũng rơi nước mắt trước cảnh này! Chị nhìn An An rồi nhìn tôi, mấp máy môi, gắng gượng chỉ cái túi nhỏ trên mặt tủ. Tôi mở ra: Một cuốn nhật ký! Nước mắt chị lăn dài trên má: Giữ cho An An!

Bé An An được sở xã hội cung cấp tiền chi dùng. Tôi xin được lãnh trách nhiệm chăm sóc An An tại nhà tôi. Cô bé ngoan vô cùng và rất thông minh. Nhưng, khuôn mặt cô bé dường như cũng vương vương một nét buồn như mẹ! Ngoài giờ học, cô bé tham gia hầu hết các hoạt động từ thiện khi cô bé còn học trung học. Cô chủ shop may cũ của mẹ An An cũng rất thương cô bé. Sự quan tâm và giúp đỡ một cách tế nhị của Hồng đã nâng đỡ tinh thần An An làm cho cô bé bớt ưu tư. Nụ cười và niềm tin đang trở lại dần trong đời sống An An.

Mỗi lần chúng tôi đưa An An thăm mộ chị, Hồng và tôi đều thầm nói chị hãy yên lòng an nghỉ. Chúng tôi luôn bên cạnh An An để thay chị hướng dẫn An An thành người có ích cho xã hội.

Bây giờ, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của tôi. Tôi có thể trao cho An An cuốn nhật ký của mẹ cháu. An An đã trưởng thành. Tôi định sẽ cùng An An và Hồng tới trước mộ chị sẽ đưa cho cháu để chị chứng kiến. Đã nhiều lần tôi tò mò muốn đọc cuốn nhật ký này nhưng lại sợ chị chỉ dành cho riêng An An. Nhưng bây giờ, trước khi trao nó lại An An, một điều gì như thôi thúc tôi phải đọc nó. Phải hiểu tâm tư và ý nguyện của chị. Khi chị đã nhờ tôi giữ cho con chị, chắc chị cũng không buồn lòng nếu tôi biết được những gì đã xảy ra trong cuộc sống ngắn ngủi đầy ưu phiền của chị.

Vâng, tôi đã đọc cuốn nhật ký này trước khi trao nó cho An An.

Cuốn nhật ký của chị phần đầu cũng bình thường như những cuốn nhật ký của các cô gái vừa bước chân vào ngưõng cửa yêu đương. Cũng mơ mộng, say đắm. Cũng hò hẹn, giận hờn. Cũng nũng nịu, thơ ngây. Những hứa hẹn, thương yêu, đam mê đủ để cho chị vững tâm tin vào tình yêu và đi tới hôn nhân. Tuần trăng mật tuyệt vời qua đi, chị sống hạnh phúc bên chồng tới khi An An gần một tuổi thì chồng chị có những người bạn lạ mặt tới nhà. Họ cùng chồng chị đi chơi hay làm chuyện gì chị không được biết! Rồi chồng chị bỏ công việc đang làm, vắng nhà thường xuyên. Chị cũng la lối, gặng hỏi, khóc lóc như bất cứ người phụ nữ nào. Chồng chị đáp lại bằng sự yên lặng. Nhật ký của chị không có những đánh lộn, đổ vỡ! Không có bằng chứng vũ phu mà chỉ là sự im lặng vắng nhà biền biệt của người chồng và nước mắt tuôn tràn của chị trong những đêm đông lạnh giá. Cũng không thấy hờn ghen của người bị tình phụ ! Chị than thân trách phận được vài năm rồi chị câm nín, chịu đựng ! (Đó cũng chính là thời gian tôi gặp chị và quen chị). Phần cuối là giai đoạn chị biết mình bị ung thư rồi lặng lẽ một mình chuẩn bị những gì có thể làm được cho An An trong âm thầm, tuyệt vọng. Có nhiều dòng, chị phải đấu tranh với chính bản thân chị về những quyết đinh tuyệt vọng cho cả hai mẹ con! Rất may, chị đã đổi ý. Chị khóc rất nhiều trong nhật ký một mình! Không chia sẻ cùng ai! Chắc chị viết những dòng nhật ký này khi An An ngủ.

Tôi tưởng tượng trong màn đêm bao phủ vạn vật, tất cả mọi người đang ngon giấc. Riêng chị, không thể ngủ được vì đau đớn về bệnh tật và nhất là tinh thần. Chị nhìn An An bình yên trong giấc ngủ. Lòng đau như cắt, chị viết bằng cả trái tim rỉ máu của mình. Trong cô đơn cùng cực muốn nổ tung, chị viết như cào rách mặt giấy "Tôi đã lấy lầm chồng"!!!

Tôi có nên trao cuốn nhật ký này cho An An không?

***



Người Việt Gốc Hoa Vượt Biển

Minh Thành

( Viết với lòng biết ơn sâu sắc những quốc gia đã mở rộng vòng tay nhân ái cho " Boat People") .

Bài đã đăng ở Việt Báo

"Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào"
(Quang Dũng)
Nó rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình một cách vội vã như kiểu người ta chạy loạn! Vội đến nỗi nó bỏ lại tất cả những gì nó đã chắt chiu nhặt nhạnh từ hơn hai chục năm qua! Tất cả! Kể cả mối tình đầu nó tưởng sẽ đi cạnh nó tới khi đầu bạc răng long. Nó tưởng không bao giờ nó có thể dời xa được con người nó đã đặt cả tương lai vào đó trừ cái chết! Vậy mà nó vẫn phải bỏ lại!
Nó ra đi vì nó không được ở lại dù nó không biết điều gì đang chờ đợi phía trước! Nó không biết con đường nó sẽ phải dấn thân là thiên đường hay địa ngục! Nó không muốn dời khỏi nơi thân quen nó coi là quê hương đã nuôi nó từ khi nó mở mắt chào đời để tới một nơi xa lạ! Nó cũng được gia đình cho ăn học tử tế dù cuộc sống của gia đình nó cũng khó khăn, vất vả như đại đa số những người dân chung quanh. Nhưng nó đã vươn lên bằng ý chí, bằng nghị lực của những đứa trẻ con nhà lao động biết nghe lời cha mẹ dạy bảo để hiểu sự khác biệt lớn lao về giá trị của bằng cấp trong xã hội. Nó đã cố gắng, một sự cố gắng đáng khen của đứa trẻ để giật được một mảnh bằng, để có một chỗ làm việc tương đối dễ chịu, với đồng lương hơn hẳn những người lao động chung quanh. Nó tưởng nó đã may mắn. Nó nghĩ cuộc đời đã ban cho nó nụ cười, đã mở rộng vòng tay đón nó vào. Nhưng rồi nó lại mất tất cả vì cuộc chiến tranh biên giới Việt Hoa.
Bố nó người Hoa, mẹ nó người Việt. Nó sinh ra và lớn lên tại Việt nam. Gia đình nó sống giữa cộng đồng người Việt. Nó học trường Việt. Bạn nó, hàng xóm nó hoàn toàn người Việt. Nó chẳng hề biết nói một tiếng Hoa cho đỡ tủi. Đất nước Trung quốc xa vời với nó như không có một quan hệ gì. Vậy mà, nó bị lôi vào làm con dân Trung quốc xa lạ đó, khi cuộc chiến xảy ra.
Đơn giản như một định lý, một khẳng định phải có. Trong toán học, người ta áp dụng các định lý để giải một bài toán ra kết quả cần tìm. Trong trường đời, người ta cũng áp đặt những việc phải làm để giải quyết mâu thuẫn. Người ta không tính đến hậu quả mà chỉ tính toán cách giải quyết dứt điểm, nhanh gọn, đỡ tốn thì giờ và tiền bạc.
Nỗi khổ nó đã phải chịu nó cho là ghê gớm lắm, quá sức chịu đựng của nó. Nó tưỏng nó sẽ gục ngã dọc đường. Thực ra, lúc đó nó còn quá trẻ nên không biết quanh nó, có những gia đình còn chịu nỗi đau mất mát hơn nó nhiều lần. Nó mới chỉ mất đi một cái bằng cấp, một sự nghiệp vừa bắt đầu xây dựng, một niềm tin vào tương lai tươi sáng của tuổi thanh xuân và một cuộc tình còn non nớt, vụng về mới chớm nở! Nếu như so với những chia lìa, tan nát vợ chồng con cái mỗi người một nơi của nhiều gia đình khác cũng như những mất mát toàn bộ tài sản gom góp từ đời này qua đời kia của họ, nỗi khổ đau và những chắt chiu dành dụm cho tương lai của nó không có gì đáng kể!
Khi cuộc chiến biên giới còn trong giai đoạn chuẩn bị âm ỉ. Nó thấy từng đoàn xe buýt chở theo rất nhiều gia đình gồm đàn ông, đàn bà, người già và trẻ em. Họ bồng bế trẻ con, khuân vác theo nồi niêu xoong chảo, quần áo, mùng mền, xe đạp... Nghĩa là tất cả những đồ dùng thường nhật trong gia đình đã được tích luỹ từ lâu đời. Họ đi qua thị trấn nhỏ bé của nó để đổ ra biên giới Việt Hoa, sang Trung quốc. Nó không quan tâm đến họ. Nó không muốn tìm hiểu họ đi đâu? Tại sao họ đi... Nó cho đó là lựa chọn của họ. Nó nghĩ họ quả là dại dột khi dời bỏ mái nhà quê hương nơi cha ông họ sinh sống đã nhiều đời để tới một nơi xa lạ! Tất cả mọi người kể cả nó cũng chỉ biết nơi họ đến là Trung quốc! Những tin tức mọi người thu thập được chỉ có vậy thôi! Làm sao nó có thể biết chỉ vài tháng sau, nó cũng chen chân vào dòng người còn tiếp tục ra đi ấy!
Khi cuộc chiến gần kề. Những đợt tuyển tân binh dồn dập hơn. Các cơ quan, trường học nô nức vót chông gửi ra biên giới. Nó bị đình chỉ công tác giảng dạy, làm việc lặt vặt trong văn phòng. Không được tham gia các cuộc họp cơ quan... Nó như bị cô lập giữa tập thể đông đảo tuy nó vẫn được hưỏng lương bình thường. Đồng nghiệp nhiều người thương nó, cũng có người tránh nó (dây dưa với nó lúc này có khi mang vạ vào thân) Dĩ nhiên, họ bàn tán sau lưng nó, dự đoán những gì có thể xảy ra... Nó như ngồi trên đống lửa. Nó thấy mình như kẻ phạm tội khi khắp mọi nơi, mọi lúc người ta nói về tội ác của "Quân xâm lược bành trướng Bắc kinh".
Trong dòng máu ngày xưa nó thường tự hào "thuần Việt" của nó thực ra có tới ½ dòng máu Bắc kinh (đã nói, bố nó là người Hoa dù bố nó và cả ông nội nó đều sinh ra tại Việt nam. Dù bố nó chưa từng một lần được đặt chân lên đất nước Trung. Hoa!) Rồi những câu chuyện đồn thổi, nghi kỵ, về gián điệp Trung quốc là những người Việt gốc Hoa như nó đã phá hoại, đặt chất nổ nơi này, nơi kia ... làm nó sợ hãi thật sự. Nó cô đơn sống trong khủng hoảng, lo âu. Nó mất ngủ hàng tháng trời. Nó không dám ra đường, đi tới những nơi công cộng vì sợ "Tai bay, vạ gió"! Nếu như cô bạn gái tốt bụng của nó không can đảm, khôn ngoan đến tận trường tìm nó giả cách báo tin: "Mẹ mày ốm nặng, phải về ngay". Để tạo điều kiện "Danh chính ngôn thuận" cho nó xin phép dời khỏi cơ quan một cách hợp pháp, đưa nó về nhà, theo gia đình vượt biển trên một chiếc thuyền buồm nguyên thuỷ dùng để chở vôi thì không biết số phận sẽ đưa đẩy nó dạt đến nơi đâu?
Về nhà, nó còn ít ngày chuẩn bị cho chuyến đi xa mãi mãi. Gia đình nó nghe mong manh người ta đồn đại đi Hồng kông! Nó cũng như mọi người không tin điều đó! Tất cả đều nghĩ chỉ có một con đường dành cho họ: Đi Trung quốc! Làm sao có thể hình dung những con thuyền buồm mỏng manh chạy nhờ sức gió chở hàng trăm con người với số lương thực ít ỏi có thể đưa họ đến được Hồng kông? Mà ai cho họ nhập cảnh Hồng kông nếu họ may mắn tới đó khi mà nơi nó đang ở chỉ di chuyển từ huyện nọ đến huyện kia đã là một điều hết sức khó khăn, nhiêu khê!
Tuy nhiên, gia đình nó cũng bám víu vào sự không chắc chắn ấy như một cái phao duy nhất nên mẹ nó lúc nộp tiền cho cả nhà đã nhắc đi nhắc lại với người chủ thuyền là chỉ đi Hồng kông để rồi ông ta đã tính cho gia đình nó cái giá cắt cổ: 1000.00 (Một ngàn đồng cho một người) Đó là thời điểm tháng 3 năm 1979. Lương một viên chức làm việc cho nhà nước vừa tốt nghiệp đại học lúc đó hưởng 55 đồng / tháng. Sau ba năm làm việc không phạm sai lầm gì sẽ được tăng thêm năm đồng / tháng. Cũng may, mấy anh chị em nó là công nhân viên chức nhưng mẹ nó thì không! Mẹ nó thuộc thành phần "buôn gian bán lậu"! Mẹ nó có cái cửa hàng tạp hóa nhỏ bày bán ở nhà đủ mọi thứ linh tinh lặt vặt từ bút mực, kim chỉ, tới miến, măng, đường sữa... Nhờ cái cửa hàng này nên mẹ nó có đủ tiền để đưa cả nhà vựot biển. (Bố nó mất từ khi nó mới 11 tuổi).
Gia đình nó bán tống bán tháo tất cả đồ đạc trong nhà để lấy tiền mua vàng mang theo. Hàng xóm tới mua ào ào chỉ trong vòng vài ngày đã bán hết sạch. Còn cái nhà, vốn quý nhất lại không bán được vì người mua sợ sẽ không được phép sử dụng sau này! Mẹ nó cũng phải bỏ nhà để chạy lấy thân cùng các con đã "trót" mang một nửa dòng máu Trung hoa của người cha.. Mọi việc điều đình với chủ thuyền ổn thoả. Các anh chị em nó nước mắt ngắn dài từ biệt bạn bè không hẹn ngày gặp lại. Nó suy nghĩ rất nhiều về quyết định có nên tìm gặp "người ấy" một lần sau cùng không?
Đã gần ba tháng, họ không gặp nhau! Thư từ cũng bặt tin luôn! Nó chưa tìm ra câu trả lời thoả đáng. Nó cũng chẳng còn cơ hội tìm hiểu lý do! Lớ ngớ ngoài đường bị bắt giam vì tình nghi "Gián điệp Bắc kinh" thì tàn đời trong tù! Thế nên nó quyết định sẽ chỉ viết một lá thư vĩnh biệt thay vì gặp mặt! Lá thư đó, nó tóm tắt thân thế của nó (điều nó chưa từng bao giờ nói ra với bất cứ ai là nó mang một nửa dòng máu Trung hoa. Gia đình nó sau nhiều thế hệ hoà nhập vào cộng động người Việt nên hình như đã mặc nhiên coi mình là công dân đất Việt)! Nó nói nguyên nhân nó phải ra đi. Nó mong "người ấy" hãy coi như nó không còn tồn tại trên trái đất này. Nó suy nghĩ rất tỉnh táo nhưng nước mắt nó thấm ướt cả lá thư!
Nó nhờ cô bạn gái trao tận tay hộ sau ngày nó "Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa"! Cô bạn gái sụt sùi khóc trên bờ tiễn nó đi. Nó nói với cô bạn thân lời cuối "Mày nhớ ngày hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của tao nếu mày không nhận được tin tức gì. Nói lại cho "Người ta" biết là tao rất vui vì nếu thuyền bị chìm thì cả gia đình tao được ở mãi bên nhau"! Tuy không hy vọng, nó vẫn đăm đăm ngóng nhìn về phía bờ với một ước mơ thầm kín không nói lên lời! Nó ghi mấy dòng vào cuốn nhật ký nhỏ: “Vịnh Hạ long 12 giờ 25 phút trưa ngày 25 tháng 4 năm 1979. Vĩnh biệt tất cả!”
Con thuyền nó mới đi được hai ngày đã nghe tin một thuyền gặp bão bị chìm chết không sống sót người nào! Sang ngày thứ ba có tin bão. Thuyền ghé sát chân đảo Ngọc, thả neo tại đó tránh bão. Khi cơn bão thổi tới với sức gió mạnh, neo bị bật. Con thuyền không neo bị nhồi đập dữ dội vào những tảng đá sát chân đảo. Không thể quăng được neo ra xa vì gió thổi mạnh .Tất cả thanh niên, trai tráng trên thuyền dùng gậy sắt, sào đứng ghì giữ cho thuyền bớt va đập. Một số khác nhảy xuống biển dùng hai tay và cả thân người ôm chặt mạn thuyền đẩy theo phụ lực. Các bà già thắp hương cầu khẩn Phật Bà Quan Âm phù hộ. May mắn gặp mấy ngư dân cứu giúp. Họ dùng thuyền thúng, kéo theo neo ra xa rồi thả xuống. Neo ăn đã lôi thuyền cách xa những tảng đá hơn.
Cơn bão dữ dội qua đi, thuyền phải neo ở đó một ngày một đêm cho hoàn hồn rồi mới đi tiếp. Vừa ra khỏi biên giới (1/5/1979) đã có tàu đánh cá ngư dân Trung quốc kéo vào ban đêm. (Các chủ thuyền trả công họ bằng vàng). Ban ngày tàu bạn lẩn trốn và ban đêm xuất hiên dìu kéo những chiếc thuyền chở thuyền nhân (đa số Việt gốc Hoa).
Khi thuyền chuẩn bị vào sát bờ biển thuộc địa phận Trung quốc để mua lương thực và sửa chữa lại thuyền. Mọi người bảo nhau vứt hết những vật dụng liên quan đến quân đội như bi đông đựng nước uống, áo mưa, chăn bằng vải dù, mũ đội đầu... xuống biển. Không ai hiểu tại sao nhưng thấy người đứng cạnh liệng hết thì mình cũng liệng theo. Hình như đó là một nỗi sợ mơ hồ! Sợ gì? Tại sao sợ? Không ai lý giải được và cái sợ đó như một bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng. Mọi người im lặng nhìn theo những đồ vật thân thiết nổi trôi rồi chìm dần xuống. Cũng chẳng nhiều thời gian cho họ luyến tiếc. Thuyền đã cặp vào bãi biển Khì xá. Tất cả lại đưa áo quần, mùng mền lên bãi cát ở tạm để sửa thuyền. Những người có phận sự sửa chữa làm việc ở dưới thuyền. Số còn lại đi tới những thuyền khác đậu gần đó để tìm người quen, người nhà... Nó cũng lang thang như họ để quan sát, nghe ngóng và hy vọng thấy một gưong mặt thân quen. Người đông nhưng không gặp người quen..
Rồi gã chủ thuyền lừa mọi người để móc thêm tiền. Rắc rối xảy ra, cảnh sát Trung quốc tại Khì xá bắt vài người thân cô thế cô ở thuyền nó đã tố cáo dã tâm của chủ thuyền. Giam họ một đêm, cảnh cáo họ phải ngậm miệng lại. Phải ngậm thôi, há ra kêu ai khi gã chủ thuyền đã nhanh chân hơn, bịt miệng cảnh sát địa phương bằng những chiếc nhẫn vàng mười. Số vàng mồ hôi nước mắt chắt chiu cả đời người Việt gốc Hoa tị nạn mà gã đã lột được từ những lần bắt họ đóng góp thêm khi gã kêu tàu đánh cá Trung hoa kéo. Họ đã phải trả giá khi nhầm lẫn bước xuống con thuyền của gã chủ không có lương tâm. Hết tiền, hầu hết những con người cùng đường phải ở lại Trung quốc (có hai gia đình gom hết số vàng, tiền của cả nhà cho một người con lớn trong gia đình đi tiếp với hy vọng tới Hồng kông). Những người ở lại được chính phủ Trung quốc đưa tất cả lên một con tàu đồ sộ đi đảo Hải nam. Gia đình nó may mắn còn một ít vàng dự trữ nên bắt một chiếc thuyền khác cũng đang sửa chữa gần đó để tiếp tục đi. Lại tiếp tục hành trình. Lại tìm tàu đánh cá Trung hoa kéo!
Nhật ký được ghi thêm:
Ngày 1 tháng 6, 1979, dời Khì Xá, đi Hồng Kông. Vẫn theo hành trình cũ, ngày nghỉ, đêm đi khi có tàu kéo và ngược lại. Ghé bờ mua lương thực, lấy nước, nghỉ dưỡng sức, tránh bão, sửa thuyền... Ông chủ thuyền mới là người có tài và có lương tâm. Ông cung cấp nước uống, thức ăn cho mọi người công bằng, đầy đủ. Không đòi hỏi thêm một chút vàng nào khi ông thuê tàu kéo. Ông quà cáp, biếu xén quan chức địa phương cũng như các chủ tàu kéo một cách rộng rãi nên mọi việc đều suông sẻ. Khi thuyền gặp bão, các chủ tàu đánh cá đã cho mượn thêm nhiều neo để thuyền được đảm bảo an toàn hơn.
Lúc tàu đánh cá cắt dây nối với thuyền nó vì đã quá gần Hồng kông. Thuyền chòng chành một lúc rồi may mắn gặp gió, buồm được giương lên phăng phăng chạy một ngày một đêm đã nhìn thấy những toà nhà chọc trời của Hương cảng. Cuốn nhật ký được ghi thêm dòng chữ viết vội vì mừng rỡ: Ngày 8 tháng 7, 1979. Hồng kông đây rồi. Mọi người đổ xô hết lên mui thuyền nhảy nhót hò reo ầm ĩ. Những gương mặt sạm nắng gió rạng rỡ nụ cười nhưng những giọt nước mắt cứ rơi xuống không kìm được vì nỗi mừng vui tột độ.
Tàu cảnh sát Hồng kông kéo thuyền nó vào sát bờ hơn. Máy bay lượn trên không phun từng đám thuốc tẩy trùng xuống đầu mọi người. Rồi tất cả mọi người theo chỉ dẫn của cảnh sát dìu dắt nhau bước lên bờ. Người già, phụ nữ, trẻ em được đưa vào bóng râm và chỉ vài phút sau, họ được phát nước uống cùng cơm nóng ăn với thịt cừu nấu củ cải. Sau đó các trật tự viên kết hợp với thuyền trưởng sắp xếp chỗ ở tạm thời theo từng gia đình. Tất cả nằm la liệt trên những tấm chăn trải trên nền xi măng.
Đó là ngày đầu tiên ở một nhà kho cũ tại hải cảng nay tạm dùng tiếp nhận thuyền nhân. Người ta gọi là "Hắc soóng". Nó gọi theo tiếng Việt: Kho đen.. Ngay tối hôm đó, không biết làm cách nào mà cậu con trai lớn của ông chủ thuyền kiếm được một ít trái táo đỏ. Cậu đã chia đều cho các gia đình đi cùng thuyền. Nhà nó hơn mười người được chia hai trái. Mẹ nó cẩn thận cắt ra từng lát mỏng chia đều cho cả nhà. Hương vị thơm ngon của trái táo vẫn còn nguyên trong ký ức nó tới bây giờ. Trước khi đi ngủ, nó không quên ghi vài dòng vào cuốn nhật ký: Ngày 10 tháng 7 /1979 : Kho đen.
Đầu tháng 8, 1979, nó cùng gia đình chuyển đến trại tị nạn Shamshuipo. Cũng trong tháng này, phó tổng thống Mỹ Walter Mondale tới trai tị nạn nói chuyện, an ủi thuyền nhân. Một thành viên đứng kế bên phó tổng thống đã cúi xuống đưa tay bế một em bé tị nạn lẫm chẫm đứng cạnh mẹ. Ông cưòi vui và nựng nịu em bé ngây thơ này. Thái độ thông cảm, chia sẻ, gần gũi cùng với thông điệp đón nhận tị nạn của ông phó tổng thống một nước mạnh nhất thế giới như cơn gió mát xua tan hết ngột ngạt, lo âu của mọi thuyền nhân trong những mái tôn nóng hầm hập ở trại tị nạn Shamshuipo.
Nó đã nhìn thấy ánh sáng chói lọi bên kia bờ đại dương. Những người Mỹ không cùng màu da, tiếng nói đã mở rộng vòng tay nhân ái mang đến cho " Người Việt gốc Hoa" tình thương và mái ấm gia đình mà họ đang tìm kiếm. Như tất cả mọi người tị nạn khác, nó đã nhìn thấy tương lai rộng mở cho mình .
Nhật ký "Người Việt gốc Hoa" của nó khép lại với dòng chữ: "Ngày 2 tháng 1, 1980. Cả nhà bay sang Canada.
Minh Thành


***
                     Cô Dâu Mỹ : Something new, something old…


Minh Thành

Bài đã đăng ở Việt báo

Thứ bảy, bao giờ tiệm cũng đông khách từ sáng sớm nên cửa hàng áo cưới nơi Hân làm việc bố trí thêm nhân viên đứng bán . Đông người song nhiều khi công việc vẫn ùn lại vì nhân viên làm thứ bảy đa số là sinh viên, học sinh làm thêm việc sau giờ học . Họ chỉ làm dưới 20 tiếng một tuần để kiếm tiền cho chi phí sinh hoạt khi còn đang đi học chứ không phải là công việc chính thức nên không thông thạo mọi việc. Nhiều cô mới vào làm , chẳng có chút ít kinh nghiệm nào nên những người bán hàng chuyên nghiệp như Hân thường rất bận rộn . Bận với khách của mình nhưng vẫn để ý kèm cặp, giúp bạn “ chữa cháy” những sơ ý, lầm lẫn với khách hàng . Các bà, các cô chuẩn bị cho ngày trọng đại của mình thường rất vui vẻ ( Ai mà không vui khi sắp được bước lên xe hoa ) ? Bên cạnh đó, họ cũng rất căng thẳng vì nhiều chi phí, tính toán , chuẩn bị sao cho mọi việc êm ả, ấn tượng trong ngày quan trọng này . Với tâm lý phức tạp như vậy nên họ rất vui nhưng cũng rất dễ tự ái, hờn dỗi vì những chuyện lặt vặt nho nhỏ không tránh khỏi . Rất dễ khóc khi thử được cái áo vừa vặn , tôn vẻ đài các cho mình cũng như sẵn sàng bỏ cuộc, đi tìm tiệm khác khi đã thử rất nhiều kiểu vẫn không chọn được cái nào ưng ý .Bởi thế nên mỗi thứ bảy hàng tuần, các nhân viên kỳ cựu phải thay phiên nhau đến làm việc để “ kèm” cho các cô sinh viên, học sinh còn lơ mơ về kinh nghiệm bán hàng cũng như cách đối sử với khách hàng. Được cái, người quản lý tiệm cũng biết điều nên ông linh động tăng thêm tiền thưởng cho những người làm việc “ full time” khi họ phải làm thứ bảy cộng thêm tiền hoa hồng khi bán được nhiều hàng nên các nhân viên cũng hài lòng khi làm việc trong ngày weekend . Hơn nữa , tiệm áo cưới cũng chỉ bận rộn trong mùa cưới từ đầu tháng tư đến tháng mười nên ai cũng phải tận dụng thời gian này và nghỉ bù vào mùa đông . Như hôm nay chẳng hạn , khách cũng chưa đông lắm mà Hân đã bận tíu tít. Đầu tiên là một bà khách cưới lần thứ hai . Bà cỡ chừng năm mươi có dư và thuộc loại mát da mát thịt . Janice, cô sinh viên mới vào làm việc đang tiếp bà . Thoả thuận , thử áo xong xuôi . Cô lấy số đo của bà rồi cô thản nhiên nói bà cần order size 26W ( size W lớn hơn size không có W ). Cô nói hơi tự nhiên nên một vài người khách đứng cạnh nghe thấy . Bà khách ngượng vì số đo quá khổ của mình nên bà hỏi lại với giọng căng thẳng : “ Cô có nhầm không? Áo tôi thường mặc size 22 sao cô bắt tôi order size 26 ?” Janice giải thích cho bà về kích cỡ khác nhau giữa áo may mặc thường ngày với áo cưới, áo dạ hội… thưòng có sự chênh lệch từ hai đến bốn size…Vả lại, số đo của bà nói lên cái cỡ áo bà cần mặc . Rồi Janice cho bà biết chiếc áo bà vừa thử xong là size 24W . Bà cau mày : “Đúng là cô đã nhầm . Tôi vừa size 24 chứ đâu phải size 26 !” .Lúc đó, Hân đã làm xong hoá đơn của mấy cô gái vào đặt áo phù dâu . Hân đưa mắt nhìn Janice như có ý hỏi .Janice nói nhỏ : “ Khi bà mặc sie 24W , không kéo được Zipper tới nửa lưng !” . Bà khách có vẻ không hài lòng với lời giải thích này . Vừa may lúc đó , Rose từ văn phòng gọi Janice vào nghe điện thoại .Cô bé xin lỗi bà khách và hỏi bà có muốn đợi cô hay để một người khác lấy lại số đo và làm hoá đơn cho bà ? Thường thì khi có việc cần ,các cô nói khách chờ , xong xuôi lại ra tiếp tục công việc đang gián đoạn chứ ít khi nhờ người khác . Nhưng dường như Janice hơi ngán vì bà khách có vẻ không vui nên cô muốn tìm cách giải quyết tốt nhất cho cả hai . Nhất là cô thấy Hân đã rảnh tay và có kinh nghiệm làm việc lâu năm . Vả lại, Hân đứng gần đó , có thể cũng đã phần nào hiểu tình hình nên cô mới hỏi bà như vậy . Dường như bà muốn xong việc cho nhanh hoặc bà cũng không muốn Janice nói mãi về số đo quá khổ của mình nên bà nói sao cũng được ! Janice liền giới thiệu Hân , bà nhìn Hân với một nụ cười đầy thiện cảm . Hân bước tới chào hỏi bà niềm nở , coi như bà vừa mới bước chân vào cửa hàng, coi như bà chưa thử áo và có tranh cãi với Janice về số đo. Sau vài câu thăm hỏi mang nặng tính chuyên nghiệp như bà chọn áo của nhà thiết kế nào ? Kiểu gì ?Bao giờ là ngày cưới…Bà vui vẻ trả lời Hân tỉ mỉ từng chi tiết . Hân khen kiểu áo bà chọn tuy đơn giản nhưng rất đẹp chứng tỏ bà là người có óc thẩm mỹ… Bà khách vui hẳn lên , bà cho Hân biết bà đã phải thử mấy cái rồi mới chọn được chiếc áo này . Bà cũng chân thật thổ lộ chiếc áo đó là kiểu áo Janice chọn hộ bà vì thấy bà loay hoay thử với mấy kiểu khác do bà tự chọn lại không đẹp khi bà mặc lên . Hân nói bà chọn ngày cưới vào đầu tháng chín là rất đẹp. Khí hậu không nóng, không lạnh, ít mưa, trời đẹp… Bà khách càng vui hơn ( những người mát da mát thịt thường vui vẻ) bà khoe với Hân về Tom , người chồng tương lai của bà đã nói như vậy . Tom cũng thích cưới vào tháng chín vì mối tình thứ nhất của Tom đã diễn ra vào tháng chín của 28 năm trước đây . Mối tình đó đẹp như thơ tới khi Tom và người vợ cũ : “ Anh đi đường anh tôi đường tôi” .Thì Tom gặp bà -“ Một tiếng sét ái tình , một mối tình lớn nhất của đời anh” . Tom đã thì thầm bên tai bà như vậy. Và bà rất tin vào điều đó . Cứ nhìn vào mắt bà, miệng bà và cả những ngấn thịt rung rinh khi bà cười là đủ thấy bà hạnh phúc biết chừng nào . Hân nghe bà nói cũng vui lây cho hạnh phúc bà đang nắm trong tay . Cứ thế, hai người rủ rỉ nói chuyện rồi cười vui vẻ như đôi bạn cũ gặp nhau . Vừa nói chuyện nhưng không quên công việc. Hân thoăn thoắt lấy lại số đo , viết vào hoá đơn size 26W như Janice đã khẳng định mà bà vẫn tươi như hoa nở , móc bóp lấy thẻ vàng ra chà một cách hồn nhiên mau mắn theo kiểu “ Cô dâu sắp về nhà chồng” . Xong phần áo cưới , Hân hỏi bà đã có áo mặc lúc cắt bánh chưa ? Lúc nhảy bà vẫn mặc áo cưới sao ? Ô , xin lỗi, hình như chúng mình chưa bàn chuyện bà sẽ đội vương miện hay chỉ cài bông hoa đơn giản ? Còn voan nữa chứ . A , bà đi giày gì ? Đúng rồi, vương miện sẽ làm bà thon thả nhiều hơn vì độ cao của nó … Bà khách đã chuẩn bị qua lần cầu thứ hai ( như Tom ) nhưng bà cũng chẳng nhớ những gì phải mặc , phải cần có cho một cô dâu trong ngày cưới . Vả lại, lần trước xa vời quá rồi . Bà cũng dễ tính nên bà tin tưởng Hân , bà để Hân lựa chọn mọi thứ cho bà . Bà có tiền chi trả cho chiếc áo và “phu tùng” kèm theo miễn sao trông bà xinh đẹp như cô dâu là đủ. Vả lại, bà cũng mệt rồi . Thử mấy cái áo liền , cái nào cũng nặng trình trịch những ngọc , những đá! Đuôi áo lại dài lê thê . Tuổi bà chưa cao , mới tròm trèm nửa thế kỷ . Nhưng ở lớp tuổi này , thay vài ba cái áo cưới trong vòng mấy tiếng đồng hồ quả là một cực hình ! Tệ nhất là áo cưới sao người ta làm cỡ nhỏ thế ? Tội nghiệp con bé Janice , mím môi mím lợi kéo zipper cho bà mà không kéo nổi . Lúc nó kéo, bà đã cố gắng thắt bụng , nín thở cho con bé kéo dễ hơn cũng vẫn không được. Mặc cái áo vào thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại chảy dù điều hoà trong tiệm mát lạnh. Thường thường , người có da thịt không chịu được nóng mà! Bây giờ thì bà mệt, bà mệt lắm ! Bà để Hân lo cho bà . Vậy nên Hân lo cho bà đầy đủ lệ bộ .Nhắc nhở những thứ bà quên chưa mua một cách tận tình khiến bà nhẹ nhõm cả người. Bà lại hân hoan móc bóp ra trả . Bà vui, Hân càng vui hơn vì bà khách dễ tính , chịu chi . Lúc bà ra khỏi tiệm , ngân sách của bà đã nhẹ gần hai nghìn dollars . Bà không quan tâm lắm . : “Đời người chỉ có một lần” ! À quên , đây là lần thứ hai, bà hy vọng sẽ là lần sau cùng ! Vẫn chưa xong , bà hẹn với Hân thứ bảy tới , bà sẽ đưa ba cô phù dâu tới chọn áo . Bà hãnh diện khoe với Hân về cô phù dâu chính ( Maid of honor ) là con gái út của bà với người chồng trước . Lo xong áo cho các cô phù dâu, bà được quyền nghỉ ngơi cho tới ngày cưới. Lại quên rồi, bà còn phải ăn kiêng ( Diet) từ hôm nay mới được. Bà dự tính mỗi tháng cố sụt được ít nhất năm pounds thì tới ngày cưới bà sẽ thon thả lắm ! Lúc bà còn con gái, người bà cũng nhỏ nhắn chứ bộ ! Không nhỏ như Hân nhưng cũng chưa phát tướng như bây giờ ! Ít ra cũng có dáng vẻ yêu kiều, thanh thoát nếu người ngắm bà có đầu óc tưởng tượng phong phú ! Bà đã nói cho Hân nghe về nỗi lo ngại nếu bà giảm cân được như ý muốn thì cái áo đã đặt theo số đo hôm nay sẽ rộng thùng thình cho bà . Hân hỏi bà đã ăn kiêng, giảm cân bao giờ chưa ? Số cân giảm được có đạt theo ý muốn không ? Bà thú thực là từ khi biết làm đẹp , lúc nào bà cũng ăn kiêng nhưng chẳng sụt giảm được bao nhiêu. Lần sụt được vài cân thì bà không thắng nổi cái đói , bà ăn bù và số cân lại tăng hơn trước khi diet ! Nhưng lần này khác , bà buộc phải giảm cân để mặc áo cưới ! Bà tin bà có đủ nghị lực làm được … Hân khuyên bà chớ lo . Theo kinh nghiệm làm việc lâu năm, Hân biết các cô dâu đều muốn giảm cân nhưng chỉ khoảng 1% là giảm được đến mức các cô mong muốn . Phần lớn, giảm không đáng kể . Đáng buồn là đa số lại tăng cân ! Hoạ hoằn có cô giảm cân quá nhiều thì ngất lên ngất xuống.! Hân góp ý với bà nên giảm cân ít thôi. Đừng ham quá thon thả mà ảnh hưởng tới sức khoẻ ! Áo của bà sẽ được sửa vừa khít cho bà trước ngày cưới bởi thợ sửa chuyên nghiệp . Đảm bảo bà sẽ hài lòng và Tom sẽ yêu bà nhiều gấp bội khi trông thấy bà trong chiếc áo cưới duyên dáng . Bà thấy yên tâm và tự tin ở mình hơn . Quả thật, người phụ nữ nào cũng có nét đẹp, duyên dáng riêng . Có người “duyên lặn vào trong” và có người “ Duyên bong ra ngoài “. Ồ, cái cô Hân này đã làm cho bà có cảm tình với cô rồi. Mà thực ra, cô bé Janice cũng dễ thương nhưng cô bé thẳng thắn quá làm bà ngượng. Bà mất bình tĩnh nên nói hơi không nhẹ nhàng với cô . Tuần tới, bà sẽ mua tặng tấm thiệp cám ơn xinh xắn, dễ thương như một lời xin lỗi và tỏ thiện cảm với cô vậy. Bà vui vẻ chào Hân , quay sang chào và chúc may mắn cho các cô dâu đang thử áo rồi thong thả rời tiệm . Hân nhìn đồng hồ , còn khoảng 10 phút mới đến hẹn của Monique , cô gái tóc vàng, mắt xanh, dáng người nhỏ nhắn xinh đẹp . Cô bé đã đặt áo cưới từ tuần trước. Tuần này, cô đến để mua vài thứ lặt vặt . Người chồng tương lai của cô là người Việt . Biết Hân cũng người Việt nên cô hỏi Hân rất nhiều về phong tục cưới hỏi theo truyền thống Việt nam . Hân cũng chỉ biết sơ sơ về một lễ cưới truyền thống gồm lễ chạm ngõ là lần gặp mặt đầu tiên giữa hai bên nhà trai,nhà gái . kế theo là lễ ăn hỏi rồi đám cưới . Phong tục thế nhưng vẫn có những khác biệt giữa các địa phưong và cũng tùy thuộc vào kinh tế của hai bên gia đình . Không hiểu do ai chỉ dẫn mà Monique còn hỏi Hân các chi tiết tỉ mỉ của tiệc trà ? Monique có phải đưa bình trà từ nhà mình đến nhà chú rể để rót trà mời bố mẹ chú rể không ? Theo Hân biết thì tiệc trà là phong tục của người Hoa ( cô dâu, chú rể bưng chén trà mời ông bà, cha mẹ và các bậc trưởng thượng… Uống tượng trưng ly trà xong, người uống sẽ tặng cô dâu, chú rể một món quà có khi là tiền hoặc nữ trang tùy theo sở thích ) . Nhưng Hân không dám khẳng định mà khuyên Monique nên hỏi thẳng chú rể . Lại nữa , đám cưới phương tây , cô dâu Mỹ phải chi cho đám cưới từ quần áo cô dâu đến tiệc cưới . Nói chính xác hơn thì bố, mẹ cô dâu phải chi ! Ngựoc với ngừoi mình , mọi chi phí đều do đàng trai đài thọ . Hân thầm nghĩ , không biết gia đình chú rể Việt này có biết điều đó không ? Thì ra, trước khi được nói “ I do” , cô dâu Mỹ phải làm cật lực để có đủ tiền “ Cưới chồng” nếu bố mẹ cô không khá giả ! Các cô phải tốn một khoản tiền lớn để rước chú rể về dinh . Còn chú rể chỉ thong dong sắm một bộ Tuxedo thật bảnh rồi khoanh tay chờ cô dâu bày biện tiệc cưới cho mình.

Monique đến rồi. Cô tươi cười vui vẻ chào Hân rồi cho biết hôm nay cô muốn sắm nốt những thứ lặt vặt nhưng không kém phần quan trọng cho đám cưới. Áo cứoi, voan, vương miện, Hoa, giày … đã có. Cô còn muốn một chiếc áo rất đặc biệt mà cô tin sẽ mang lại niềm vui cho chú rể cùng khách dự tiệc . Monique thì thầm một cách hạnh phúc với gưong mặt sáng rỡ, ánh mắt long lanh . Monique nói cô muốn mặc chiếc áo dài Việt nam vào lúc cắt bánh cưới . Monique muốn dành sự ngạc nhiên thích thú cho người chồng sắp cưới và gia đình anh khi cô xuất hiện trong tà áo dài duyên dáng của phụ nữ Việt .Cô muốn Hân chỉ cho cô địa chỉ nơi bán áo dài, hỏi Hân về các kiểu, màu sắc thích hợp… Hân vui vẻ chỉ dẫn chu đáo ,tỉ mỉ và cho địa chỉ nơi bán áo dài rồi cùng Monique lựa chọn bốn thứ : “ Something…” mang nặng yếu tố tâm linh đưa tới cho cô dâu điều may mắn . Cũng như các cô dâu khác, ngoài áo cưới, hoa , nữ trang… Các cô dâu Mỹ thường tuân thủ theo bốn “ thing” mà các cô tin nó sẽ mang lại may mắn cho mình . Trang phục mặc trong ngày cưới cần có : “ Something Old, Something New, Something Borrowed, Something Blue”. Monique đã có chiếc khăn choàng cũ của bà ngoại cho Something Old. Chiếc áo cưới mới toanh sẽ là Something New . Cô mượn một chiếc kẹp tóc của cô bạn thân Nancy cho SomethingBorrowed . Thấy Monique còn đang đau đầu với something Blue , Hân giúp cô lựa chiếc Garter màu xanh nhạt viền đăng ten trắng . Monique sung sướng reo : “ Oh , tôi loay hoay mãi mà không nghĩ đến cái Garter màu xanh , sao Hân thông minh vậy ?”. Hân hóm hỉnh trêu : “ Monique muốn chú rể lấy chiếc garter ra như thế nào” ? Monique vui vẻ : “ Bằng tay, dĩ nhiên . Nhưng tôi cũng không phản đối nếu anh ấy dùng răng” . Rồi Monique cười , ánh mắt vương chút mơ màng , hạnh phúc . Nhìn Monique hân hoan , vui vẻ , Hân cũng thấy vui lây . Vậy là Monique đã có đầy đủ mọi thứ cần thiết cho ngày cưới của mình. Monique nhoẻn miệng cười hết sức dễ thương nói với Hân : Tôi muốn đến nhà thờ ngay bây giờ với người yêu của tôi để nói : I do. ***


                                 TIẾNG SÉT ÁI TÌNH




- Tớ không tin là có tiếng sét ái tình
- Vì cậu chưa yêu nên cậu không biết 
- Còn cậu dạy văn nên mơ mộng ướt át mà tin tưởng vào mấy ông văn, thi sỹ. cậu có biết cuộc sống gia đình các ông ấy bê bối hơn tất cả mọi người không ? Tớ không thể tưởng tượng nổi nếu người yêu tớ lại : “Để tâm hồn treo ngược trên cành cây” ! lơ lửng như vậy thì sao có thể yêu mình một cách nghiêm túc ? 
- Trời ơi ! đã yêu mà còn “ nghiêm túc “ ? Cậu nói đùa hay thật đây ? Suốt ngày định luật này , định lý nọ nên khô khan quá. Hãy tập mơ mộng đi kẻo già rồi. Phong hỏi tớ tại sao cậu duyên thế mà vẫn “ phòng không”. Cậu không lo sao ?
- Lo làm gì cho mệt ! Việc gì phải đến, sẽ đến. 
Cứ thế, Vân và Thanh to nhỏ tâm sự với nhau hết đêm này sang đêm khác về đề tài tình yêu. Cũng phải thôi, cả hai cô giáo mới toanh vừa bước vào tuổi 22 đang nhìn đời với nhiều hy vọng. Thanh đã có người yêu nên cô kể cho Vân nghe hết mọi chuyện về Phong, người yêu cô. Anh là cảnh sát ở thị xã HG. Chỉ hơn các cô một tuổi nhưng anh chững chạc và rất “ người lớn”. Từ thị xã đến trường hơn 30 Km mà hầu như cứ 2 tuần anh lại đến thăm Thanh. Vân và Thanh ở chung phòng nên chủ nhật nào Phong đến, Vân lại kiếm cớ đi chơi hoặc thăm phụ huynh học sinh để Thanh và Phong có những khoảng thời gian tự do. Phong rất áy náy về chuyện này còn Thanh thì biết ơn Vân. Được cái vì ở xa nên Phong cũng chỉ ngồi chơi vài tiếng đồng hồ rồi lại vội vã đạp xe về thị xã để đi làm sáng thứ hai. Phong rất biết điều nên khi có quà cho Thanh, anh lại mua cho Vân như một sự trả ơn. Những vỏ ốc biển xà cừ lóng lánh. Những cây san hô hình dáng thanh thoát…Thanh có thì Vân cũng có. Nhiều lúc, Vân hỏi Thanh: 
- Chắc Phong ái ngại cho tớ hay sao mà anh ấy cứ phải cho quà ? Tớ đáng thương hại lắm à
Thanh trả lời thẳng thắn: 
-Cậu chẳng có gì đáng thương hại cả. Cậu có một cái vẻ gì như phớt lờ, như kiêu kiêu và trầm lắng, khó hiểu chứ không đơn giản như tớ. Cứ nhìn đống hoa cậu nhận được trong ngày lễ hiến chương các nhà giáo là đủ biết. 
Quả thật, ngày lễ hiến chương các nhà giáo, Vân được tặng rất nhiều hoa. Hoa của học sinh, dĩ nhiên, và hoa của bạn bè, chủ yếu là bạn trai. Nhìn chung phong trào tặng hoa rất mới mẻ nếu như không nói là xa lạ với vùng nông thôn nơi hai cô giáo trẻ đang dạy học. Nhưng riêng nhà giáo có một ngày đặc biệt là ngày lễ hiến chương. Ngày đó, các lớp học đều được giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh tặng hoa thầy cô trong trường. Thôi thì nhà nào có trồng hoa trong vườn đều bị tan nát hết với mấy cô cậu học trò. Chỉ là những đóa hoa vườn nhà và rất nhiều hoa dại nhưng vui làm sao. Những chàng muốn ngấp nghé cô giáo cũng đợi đến ngày này để tặng hoa một cách “ Danh chính ngôn thuận”. Vân được nhiều hoa tặng lắm. Hoa của Phong là tất nhiên phải có vì anh tặng Thanh nên không quên phần cho Vân. Ngoài ra còn hoa của anh chàng kỹ sư thủy lợi, mấy thiếu úy trẻ dạy trường quân chính, họa sỹ T A ngoài thị xã UB , các “ chiến sỹ phòng không” của những cơ quan lân cận…Đặc biệt bó hoa của Khải. Bao giờ Khải cũng tặng Vân bó hồng tuyệt đẹp mà anh cầu kỳ đặt mua ở thành phô HP được gói bọc rất mỹ thuật. Thị xã gần trường Vân dạy cũng có một vài nhà bán hoa nhưng hình như chỉ dành cho những dịp thật đặc biệt và cách trình bày bó hoa thô thiển, vụng về. Bó hoa của Khải đặt giữa đống hoa tạp nham được nổi bật hẳn lên như một lời nhắc nhở!. 
Rất nhiều lần Thanh hỏi Vân 
-Tớ thấy Khải cũng được lắm. Vân có thấy thế không ? 
Vân bình thản tán thành: 
- Đúng vậy, anh ấy là người có chí tiến thủ, một bác sỹ có lương tâm nghề nghiệp và rất tận tụy chăm sóc bệnh nhân. Xứng đáng là một lương y kiêm từ mẫu ( Khải là bác sỹ trẻ mới ra trường, đang làm việc tại bệnh viện tỉnh ). 
Thanh gắt ầm lên : - Cậu không bao giờ ăn nói đàng hoàng được. Tớ không hỏi về nghề nghiệp mà muốn đề cập đến khía cạnh khác có liên quan đến cậu . 
Vân nghiêm mặt : 
- Khía cạnh gì mà có tớ vào đây ? Khải có nghề nghiệp tốt, có nếp sống mẫu mực, biết ga lăng và chúng mình rất tôn trọng, kính mến Khải. À quên, còn vẻ đẹp đầy nam tính nữa. Đã đủ chưa ? 
- Chỉ có thế ? Cậu thật là thờ ơ lạnh nhạt trước một chân tình. Có thể nói là vô cảm nữa ! 
-. Sao cậu lại có thể nặng lời như vậy? Cách hỏi của cậu cứ như Phong hỏi cung  phạm nhân ! 
- Hình như cậu đang đòi hỏi một tiêu chuẩn quá đáng đấy. Trèo cao ngã đau Vân ạ!Tớ thấy Khải đàng hoàng, chân thực . Một mẫu đàn ông hoàn hảo .Khải rất có thiện cảm với cậu và hỏi tớ cậu đã có người yêu chưa ? Cậu có yêu Khải không ? 
- Tớ rất tôn trọng và quí mến Khải nhưng đó đâu phải là tình yêu phải không Thanh ? Thú thực tớ chưa yêu bao giờ nên cũng không hiểu thế nào là tình yêu. Nhiều khi thấy Khải đặc biệt săn sóc, quan tâm và mất nhiều thời giờ đi lại tớ cũng thấy ái ngại. Dù đã nhiều lần tự hỏi và phân tích những ưu thế đặc biệt nổi trội của Khải , nhưng cũng chỉ có thể kính trọng như một người anh, người bạn. Thanh đã yêu, cho tớ biết đó có thể gọi là tình yêu không ? 
- Hơi rắc rối đây, tóm lại, Vân không yêu Khải ?
-Chưa bao giờ tớ nghĩ đến điều đó! 
Cứ sau mỗi lần nói chuyện với Thanh theo kiểu này, Vân lại có cảm giác cô đơn trống trải . Mọi người ai cũng nghĩ Vân khô khan lạnh lùng nhưng Vân hiểu rõ mình hơn ai hết. Tuổi thanh xuân căng tràn nhựa sống ai mà không khao khát yêu và được yêu . Rất nhiều đêm Vân mất ngủ vì nghĩ ngợi lung tung . Ở vùng nông thôn xa thị thành này ít có một cơ hội sáng sủa và thiếu thốn tất cả những nhu cầu sơ đẳng nhất . Vân rất lo đến một ngày không xa, cô cũng sẽ bước vào hàng ngũ của các chị giáo viên lỡ thời, cô đơn cả cuộc đời dưới ngôi trường làng nhỏ kèm theo mỉa mai độc ác của miệng lưỡi thế gian: “ Gái già”!!! Sân trường lại có một cây đa cổ thụ rất lớn. Một lần, Vân giúp anh lao công của trường quét lá rụng. Anh hiệu trưởng nhìn cô cười cười : cô chỉ cần khóac cái aó nâu vào người thì trông cũng giống lắm rồi. Một câu nói đùa bình thường thôi nhưng cũng làm Vân nghĩ ngợi thật nhiều ! Vân cũng biết Khải là một người rất lý tưởng về cả mọi mặt đối với mọi người trong trường kể cả hiệu trưởng vì anh nhiệt tình , biết cách đối sử và có điều kiện Khi thì mua thuốc hộ một chị giáo viên có con ốm. Khi lại đem cốm can xi cho con anh hiệu trưởng, Dịp nghỉ phép , anh chỉ ở nhà ít ngày rồi quay lại trường với rất nhiều hạt sen tươi của quê anh để biếu mọi người. Anh tỉ mỉ rang sen rồi kiên nhẫn ngồi bóc cho Vân và Thanh ăn… Dường như, anh là khách chung của cả trường. Thường thường, Vân lánh mặt đi nơi khác để mặc Thanh tiếp Khải . Vân không muốn tạo bất cứ hiểu lầm nào . Cô rất buồn nhưng chẳng biết làm sao với tình trạng này . Thanh không hài lòng với Vân, cô rất có thiện cảm với Khải, cô coi anh là một người hoàn toàn, một người đàn ông lý tưởng . Cô nghĩ Vân kiêu hoặc có thể tệ hơn : Vân bị lãnh cảm! 
Thực sự . Vân không cứng rắn, lạnh lùng hoặc “ kiêu” như mọi người tưởng đâu . Bên trong cái vỏ thép là một trái tim mềm yếu ! Cô hay nghĩ ngợi một mình. Mà nghĩ ngợi là phải, bạn bè ai cũng có người yêu để chia sẻ, để tự hào riêng Vân vẫn solo. Bạn trai theo đuổi không ít mà hầu hết đều là những người có học hoặc có địa vị trong xã hội, … rất tương xứng thậm chí còn hơn cô. Với ai, Vân cũng không hề có một rung cảm đặc biệt hoặc nhớ nhung riêng tư như người ta thường nói. Có lúc hoang mang quá, cô hỏi chị Thảo (đã có hai con) thì chị bảo: “ cứ lấy nhau rồi sẽ có tình yêu” !Vân chịu thôi, tưởng tượng người bạn trai kia chỉ là bạn thuần túy mà lại “Yêu” nhau quả là vô lý hết sức ! Tình yêu là gì ? Vân không thể hiểu nổi ! 
Thứ năm và thứ sáu này, Vân phải về huyện để coi thi học sinh giỏi. Kể ra cũng hơi buồn vì cả trường chỉ có một mình Vân phải đi coi thi . Vân rất mong hội đồng giám thị có vài cô bạn cùng trường Sư phạm để trò chuyện ngoài giờ coi thi cho vui. Lúc đọc bảng phân công coi thi tại văn phòng, Vân thấy mình được cử làm giám thị số 1 phòng A- 8, còn giám thị số 2 là Khương. Chưa chi Vân đã nghĩ lan man đến lúc coi thi xong phải ghé bách hóa mua vài đồ vật dụng rồi lại lủi thủi đạp xe một mình về trường ! Chợt có tiếng reo vui: 
- Ê ! Vân, mi cũng về đây coi thi à ? Thế mà ta không biết ! Đang buồn chết thì gặp mi. Vân quay lại thấy Cúc, cô bạn tốt nghiệp cùng khóa với Vân cười hớn hở: 
- A ! Cúc, tớ cũng đang buồn đây, cậu coi phòng nào vậy ? 
- Ta làm giám thị “ hành hung” ( giám thị hành lang ) . Còn mi ? 
- Phòng A- 8 với Khương 
- Với Khương ? 
Cúc bỗng cười hóm hỉnh, cô ghé tai Vân nói nhỏ :
- Sẽ rất vui đây. Không đến nỗi buồn tẻ đâu em ạ 
- Cậu biết Khương ? Nam, nữ ? Già, trẻ ? Cũng “ Sư phạm UB” ? 
- Vội thế làm gì ? Rồi sẽ biết. Đãi đi xi nê có được không ? 
- Cậu lúc nào cũng đùa được. 
- Đời buồn lắm Vân ơi. 
Giữ vẻ mặt nghiêm nghị, Vân chững chạc bước vào phòng A- 8. Cô chuẩn bị sẵn sàng để vài phút nữa, giám thị số 2 sẽ đem đề bài vào. Cúc đi ngang cửa phòng nghịch ngợm nháy mắt với Vân kèm theo nụ cười rạng rỡ.Vân vừa mỉm cười đáp lại đã thấy giám thị số hai ( có lẽ là Khương- Vân nghĩ ) bước vào, tay cầm phong bì đựng đề bài thi. Anh chào Vân bằng nụ cười thật khả ái. Vừa chạm vào ánh mắt Khương , tự nhiên Vân thấy hồi hộp làm sao đó. Tim cô đập mạnh và cảm thấy mặt nóng bừng lên. Dường như Khương cũng có vẻ bối rối. Anh trao phong bì đề bài cho Vân rồi lui xuống vị trí số hai. 
Cố giữ vẻ bình thường , Vân thong thả bóc phong bì đựng đề bài rồi viết lại thật rõ ràng trên bảng: Nổi chìm kiếp sống lênh đênh/ Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều. Bằng những kiến thức đã học về truyện Kiều. Em hãy bình giảng hai câu thơ trên". 
Thi học sinh giỏi có khác, thí sinh làm việc thật nghiêm túc. Lớp học im phăng phắc chỉ còn tiếng bút chạy sột soạt trên giấy. Ngồi trên bục giảng ở vị trí giám thị một. Vân lơ đãng quan sát thí sinh. Bất ngờ, ánh mắt cô lại gặp ánh mắt Khương đang ngước lên nhìn cô thầm lặng. Gương mặt ấy, ánh mắt ấy sao lạ vậy ? Như một tia điện ? Hay tiếng nhịp đập hồi hộp của trái tim cô ? Ánh mắt say đắm nồng nàn như chứa chan điều gì muốn trao gửi ở Khương mà Vân chưa từng biết ? Vân lâng lâng trong một trạng thái lơ lửng như thực , như mơ . Cô nhắm mắt lại như để níu giữ trong tim cảm giác và ánh mắt tuyệt vời mà cô sợ nó sẽ tan biến ! Thật kỳ diệu, chỉ vài giây trước đó , Khương hoàn toàn xa lạ với Vân từ con người tới cái tên mà bây giờ đã là một dấu ấn khắc trong tim mãi mãi. 
Bâng khuâng, Vân cúi xuống cầm bút vạch những nét vô nghĩa trên giấy. Cô thầm nghĩ : Ngày mai về trường, mình sẽ hỏi lại Thanh thật kỹ : Tiếng sét ái tình có phải là khởi đầu của một tình yêu chân thật ?.
OTTAWA MÙA HOA PHƯỢNG.

***

                              Tôi vẫn thương em

Minh Thành

Bài đã đăng ở Thời Báo

Một lá thư tay nhàu nát, chữ viết ở phong bì cẩu thả gửi cho tôi được ai đó bỏ vào hòm thư với chính xác họ, tên, địa chỉ người nhận. Không có một ghi chú gì về người gửi. Vợ tôi lo lắng : Đừng bóc anh ạ, lỡ ra ! Tôi hiểu, có lẽ vợ tôi sợ thư bom ? Tôi, một kỹ sư quèn mới ra trường vài năm, chức vụ "thường thường bậc trung" ở hãng điện tử, vừa mua nhà còn cong lưng làm để trả mortgage chưa dám tính chuyện có con thì ai gửi thư bom ? Tuy vậy , để chiều vợ hay thực sự mình cũng sợ ? Tôi lấy cái cán chổi vẩn thường lau nhà, dặt bức thư lên bàn, đứng xa xa , gẩy nhẹ coi động tĩnh , rồi đập mạnh hơn xem "Nó" có nổ không ? Vợ tôi đứng nép sau lưng tôi như để trấn an. Cô nói khe khẽ : Đập nhẹ thôi anh, kẻo trầy cái bàn. Thấy độ an toàn đã đủ, tôi cầm lá thư toan mở thì vợ tôi kêu . " Từ từ đã anh, đợi em một chút". Cô chạy nhanh vào bếp lấy đôi găng rửa bát và khẩu trang bắt tôi đeo rồi mới mở mà phải mở nhẹ kẻo : "Có cái gì bay ra thì khốn"! Thôi thì " Cẩn tắc vô áy náy" . Tôi nín thở cắt phong bì " NÓ" đây rồi ! Một mẩu giấy được xé ra từ cuốn sổ nào đó có những dòng chữ lem nhem như bị dính ướt: "Kính thưa Thầy! Chắc thầy không nhớ em vì em chỉ là một trong hàng trăm học sinh đã học thầy trong mùa hè năm ấy , nhưng em nhớ thầy. Biết thầy có đủ điều kiện đưa em ra khỏi hoàn cảnh hiện nay nên em cầu cứu thầy giúp. Thầy có thể bảo lãnh em được tại ngoại hầu tòa không ? Đây là địa chỉ nơi tạm giam em. Nơi em đang ở là địa ngục. Em van thầy hãy cứu em. Em mang ơn thầy mãi mãi". Người học trò cô đơn - Phan Diễm Thúy Lan 
Tôi làm sao quên được cô Thuý Lan này, Nhưng tôi mới mua nhà mà cô có địa chỉ của tôi thì cũng kỳ. Mà sao lại " tại ngoại hầu toà ?" Tôi thắc mắc, vợ tôi bĩu môi : " Anh chỉ chúi vào công việc, chẳng biết xã hội xoay chuyển quanh mình. Để em tìm dẫn chứng cho anh". 
Dẫn chứng vợ tôi đưa ra là một tờ báo Việt ngữ có tiếng ở Canada. Với vài dòng vắn tắt ở mục " Người Việt khắp nơi" nói về một người con gái trẻ đẹp với tên tắt PDTL đã dùng độc dược đầu độc người đàn ông được coi là người tình của cô. Cô có thể bị buộc tội cố sát vì đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi ra tay. Vợ tôi mát mẻ :"Học trò anh ngoan thế" ! 
Học trò ? Có thể khoác cho tôi cái áo ông thầy không ? Mấy năm trước tôi có dạy một khoá tiếng Anh ở trường dạy Anh ngữ để kiếm tiền học phí cho năm học cuối. Cô Phan Diễm Thuý Lan là một trong những học trò khoá đó. Cô có một sắc đẹp đến mê hoặc lòng người. Nước da trắng nõn mịn màng, mắt long lanh ướt với hàng mi cong vút. Đôi môi mọng đỏ lúc nào cũng như mời mọc. Hoàn cảnh cô rất đáng thương. Mới qua Canada vài tháng vì bố mẹ ham giàu gả cho một ông Việt kiều đáng tuổi bố ( theo cô kể lại). Ông hành hạ cô, cô kêu cảnh sát và được gửi vào trung tâm tạm trú dành cho phụ nữ bị ngược đãi. Cô được chăm sóc chu đáo và họ đưa cô đi học tiếng Anh dù cô không thích. Nghĩ cô còn trẻ dại, tôi đạo mạo giảng cho cô về sự tối cần thiết của ngôn ngữ cho hội nhập xã hội và không quên phân tích hai mặt phải trái của cộng đồng người Việt tại đây với mục đích giúp cô những thông tin cần thiết cho một cô gái còn trẻ dại, chưa biết gì về nơi mình sống và đang bị hành hạ.Cô ngồi im lặng lắng nghe với vẻ chân thành, đôi mắt long lanh chớp chớp đầy cảm động. Ông "Thầy" hứng chí huyên thuyên quên cả giờ về, quên bẵng người yêu đang đợi ngoài parking. Lúc đó, tôi chưa có xe . Người yêu tôi có một cái cũ tàng làm phương tiện đi học, đi làm cho cả hai đứa. Đợi mãi,nàng tắt máy xe, vào trong bắt gặp quả tang người yêu đang tán gái. Oan quá trời ông địa! Nàng lẳng lặng ra xe về thẳng nhà và bật đèn đỏ với tôi hàng tuần. Sau này hiểu ra, nàng tha thứ tôi kèm điều kiện : Anh không bao giờ được gặp gỡ, nói chuyện riêng với cô ta. Hỏi tại sao, nàng nói tôi tự tìm hiểu. Gặng mãi, nàng mới bật mí: " Tại vì cô ta quá nổi tiếng". Nổi tiếng ? Nổi tiếng về khía cạnh gì ? nàng bị hành hạ, nàng phải sống ở nhà tạm trú cho phụ nữ. nàng cần gíup vì vốn liếng tiếng Anh của nàng chưa có bao nhiêu. Nàng chưa thể hội nhập kia mà. Người yêu tôi lắc đầu : " Anh chỉ biết 1 + 1 = 2. Người ta không cần anh giúp đâu. Anh tưởng em vô tình lắm sao ? Anh quên em đang làm volunteer cho hội phụ nữ à ? Có nhiều điều chưa rõ ràng nên chưa thể nói ra lúc này nhưng hãy wait and see". 
Khoá dạy hè kết thúc nhanh, tôi lại vùi đầu vào thi cử, cởi bỏ áo khoác ông thầy sau vài tuần hợp đồng dạy Anh ngữ. Quên bẵng cô Phan Diễm Thuý Lan đẹp nao lòng người mà chỉ khắc khoải thương cô bé mỏng manh cô độc chèo chống giữa xã hội hoàn toàn khác hẳn nơi cô đã sống. 
Sau này, trong vài dịp gặp gỡ với cộng đồng , tôi có nghe nhiều lời xì xầm về cô như một nhắn nhủ nghiêm khắc cho những ai muốn kiếm tiền bằng con đường tắt. Nghe rồi, bỏ đó. Tôi không tin một người con gái trẻ đẹp, trong trắng ngây thơ như một thiên thần có thể nhiễm bụi trần. Lòng đố kị hết, tôi thầm nhủ. Tôi chưa thấy ai đẹp như cô, dĩ nhiên cô bị ganh ghét là phải. Cô không thể phạm tội,nhất là tội cố sát! Chẳng qua, cô không biết tiếng Anh! Có thể, cô bị ngộ nhận. Vốn liếng Anh ngữ của cô đã hại cô. Cô đang cần, rất cần giúp đỡ . Biết đâu tôi có thể giúp cô ? Tôi tin vợ tôi rất sẵn lòng giúp người bị nạn nhất là đồng hương. Nàng vẫn tiếp tục làm volunteer cho hội phụ nữ. Nàng thường đến các viện người già thăm hỏi, nói chuyện cùng họ, Chúng tôi sẽ cùng giúp cô. Hăng say, tôi thuyết phục vợ tôi, nàng thở dài :"đã quá muộn rồi, anh ạ. Em từng đi thông dịch cho cô ta nhiều lần tại toà. Người chồng đưa cô ta qua đây là người đàng hoàng, hơn cô 8 tuổi, có nếp sống bình thường như tất cả người dân ở đây. Nếp sống đó đã làm cô ta thất vọng vì sự hiểu biết của cô về đời sống Tây phương với đô la phủ phê và ăn chơi thoả thích. Họ chỉ ở với nhau được vài tuần êm đềm rồi cô ta gây gổ, chọc giận ông chồng đến mức không kiềm chế nổi đã cho cô ta vài bạt tai và cảnh sát phải can thiệp . Về lý, anh chồng hoàn toàn sai bởi dấu tay hằn rõ trên mặt cô. Anh ta cũng không thanh minh mà sẵn sàng nhận lỗi đồng thời ly dị cô ấy rất chóng vánh theo ý cô muốn. Hội phụ nữ, hội người Việt giúp đỡ cô ta rất nhiều. Tạo điều kiện cho đi học Anh ngữ, Kiếm việc làm để cô hội nhập... Bất cứ đề nghị gì của hội, cô đều tỏ ra ngoan ngoãn tiếp thu rồi bỏ ngang sau đó hoặc người chủ phải sa thải cô ta vì không thể chấp nhận cung cách làm việc của cô. Tham vọng của cô là kiếm tiền nhanh nhất mà không phải làm việc vất vả như những người bình thường. Hy vọng đây là lần sai lầm cuối cùng của cô ta. 
Đầu óc tôi lùng bùng. Khuôn mặt thiên thần ngoan ngoãn của Diễm Lan. Nét thơ ngây tội nghiệp của cô làm tôi cảm thấy cái vô tình đến bất nhẫn của vợ tôi! Tưởng tượng làn mi cong vút của cô bây giờ chớp chớp toàn nước mắt, tôi tự nhủ; " Cô không có tội. Có chăng chỉ vì cô quá đẹp và ngây thơ. Tôi thấy tôi có trách nhiệm đưa cô ra khỏi địa ngục trần gian. Tôi không thể để cô phải cô đơn trong nước mắt. Tôi sẽ làm mọi cách, tôi phải tìm ngay một luật sư, Tôi sẽ...
Đưa cao lá thư lem nhem cầu cứu của cô, tôi trầm giọng : " Anh phải làm gì với lá thư này ? Em nên nhớ đây là cả một cuộc đời! Em có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động xã hội, Anh xin em một lời khuyên từ trái tim mình". Nhìn thẳng vào mặt tôi, vợ tôi lắc đầu :" Anh sẽ chẳng giúp được gì cho cô ta hết. Đứng về phía ngươì hoạt động xã hội, em khuyên anh giúp cô ta đến cùng vì giáo dục có khả năng chuyển hoá con người. Còn đứng về phương diện người vợ , người phụ nữ, em biết anh sẽ tốn công vô ích" . " Vậy anh phải làm gì ? Anh nghĩ đã có nhiều bất công cho cô ấy" ! Vợ tôi trả lời chậm rãi :" Up to You" !
Viết tại Ottawa tháng 1, 2005. Sửa lại tháng 6, 2010.
Viet-Ca

***

                                          Đường Tiệm Cận
                                                                                                                                 
Minh Thành
Vừa mở cửa, làn hơi ấm từ trong nhà toả ra làm Linh cảm thấy dễ chịu. Cô khoan khoái cởi bỏ áo khoác , giầy ủng còn dính đầy tuyết rồi thay bộ đồ nhẹ mặc trong nhà để chuẩn bị vào bếp nấu cơm tối . Lúc này, chồng cô còn đang giờ làm và 2 đứa con ở trường học. Nhìn máy điện thoại nhấp nháy đèn đỏ báo hiệu có tin nhắn . Linh với tay bấm nút nghe cùng lúc mở tủ lạnh lấy rau để rửa . Một giọng nói như lạ, như quen vang lên trầm tĩnh : Tôi là Tuấn ,xin nhắn lại Linh tôi từ Việt nam mới qua đây công tác. Hiện tôi đang ở hotel .......... đường ... số phòng 231 . Tôi sẽ ở đây hai tuần. Linh có thể gọi lại cho tôi ở số điện thoại .... bất cứ lúc nào . Xin cám ơn. 
Như không tin vào điều đó, Linh bấm lại nút nghe để rồi bàng hoàng nhận thấy chính là sự thật. Tuấn đang ở đây, rất gần Linh . Hotel chỉ cách nhà Linh chừng 10 phút lái xe. Linh cứ ngồi lặng chìm vào suy tư trong căn bếp nhỏ tới lúc chồng cô đi làm về mở cửa vào nhà ngạc nhiên kêu : " Em sao thế ? sao rau rơi vãi đầy bếp thế này ? Trông em như người mất hồn vậy ? Có chuyện gì hay sao " ? Giật mình như vừa tỉnh cơn mơ , Linh gượng gạo :" Em hơi chóng mặt , Em nấu cơm ngay đây. Anh đợi em một lúc nhé." 
Cả đêm đó Linh trằn trọc nhưng vẫn cố nằm im để khỏi mất giấc ngủ của chồng, Linh mơ màng thả cho Ký ức đưa cô về dĩ vãng. Ngày đó, Linh mới ngoài 20 . Tốt nghiệp trung cấp kế toán , Cô được điều về làm việc tại phòng thương nghiệp ở một huyện nhỏ . Sau hơn năm làm việc, cô nhận thấy mình như già cỗi ở công việc buồn chán này . Văn phòng huyện bé tí teo, nhân viên có vài người đều đã có gia đình nên ai cũng bận bịu . Cô là người trẻ nhất, chưa vướng bận và thấy thời gian dài lê thê vì không có bạn cùng lứa tuổi.Phố huyện nhỏ xíu, vắng vẻ,buồn đìu hiu . Phương tiện giải trí duy nhất là một rạp phim nhưng chỉ một bộ phim cũng kéo dài cả tháng. Cô hầu như là khách thường trực ở rạp phim này . Cuộc sống cứ thế buồn tẻ trôi đi tưởng mãi mãi nếu không có một ngày đáng nhớ. ( Thì ra, cuộc đời nhiều lúc cũng lặp lại như tiểu thuyết hoặc có thể những nhà văn đã đưa đời vào tiểu thuyết). 
Hôm đó, cũng trên con đường quen thuộc đến nhắm mắt lại đi cũng chẳng lạc Linh đã gặp một người lạ. Đúng hơn, một người thanh niên cỡ tuổi Linh đang tìm đường đến nhà máy điện nơi anh được điều đến để làm việc với cương vị là một kỹ sư . Rất nhiệt tình , cô đưa anh đến tận nơi rồi mới về sau khi cho anh biết nơi mình làm việc khi anh hỏi. Cuộc gặp gỡ đó không có gì đặc biệt nên chỉ sau vài tuần , khi cô không còn nhớ nữa thì anh đột ngột đến thăm cô vào một chiều thứ bảy. Cô niềm nở tiếp anh như tiếp một ngưòi bạn . Tuần sau, anh lại đến rồi mức độ đến thăm cô tăng dần đều theo cấp số nhân ! Mọi người trong phòng làm việc cứ nghĩ là hai người yêu nhau nhưng cô thấy hình như không phải ? Anh trầm lặng, ít thổ lộ về mình !Quen nhau đã lâu nhưng cô vẫn chưa hiểu về anh, chưa biết những điều sơ đẳng nhất. Có những lúc, Linh tự hỏi mình về mối quan hệ này . Tình bạn ư ? Linh có khá nhiều bạn học trai cũng như gái nhưng có bao giờ cô nhớ đến bần thần và mong gặp từng giây từng phút như nhớ đến anh đâu .Ngồi bên nhau cả ngày chủ nhật cũng chỉ quanh quẩn những chuyện không có gì đáng nói .Vậy mà khi chia tay , anh cứ lưu luyến mãi không muốn về... Đặc biệt ánh mắt anh lúc nào cũng như thiêu đốt Linh cháy bỏng! Chỉ có vậy thôi mà Linh cứ dùng dằng để không thể yêu ai khác mặc dù cũng có vài chàng tấn công mãnh liệt. 
Nếu không có một thay đổi bất ngờ để Linh phải dời xa phòng thương nghiệp huyện đến nửa quả địa cầu thì không biết tình cảm của hai người tiến triển đến đâu mặc dù có lần anh đã úp mở ví von quan hệ của anh và Linh như đường tiệm cận . Nghe anh nói, Linh chỉ cười buồn và ước mơ một phép lạ ! Ở nơi mới, Linh cố liên lạc với anh nhưng không có hồi âm . Chỉ sau khi Linh lập gia đình hai người mới có thư từ thưa thớt rồi chìm vào quên lãng.
Cũng như lần đầu gặp nhau , khi Linh cố vùi quên dĩ vãng thì anh đến thăm Linh. 
Linh trang điểm sơ sài, chọn chiếc áo màu xanh nước biển là màu Tuấn thích để tới gặp anh . Cô gọi lại cho anh trước khi rời nhà để chắc chắn anh còn ở trong hotel . Cô nghe giọng mình như lạc đi đầy xa lạ . 
Đậu xe vào Parking , cô vẫn ngồi trong xe một lúc , thở thật sâu như để lấy lại trạng thái cân bằng . Dù vậy, khi đứng trước cửa phòng 231 , cô vẫn thấy hồi hộp mà ấn nhẹ chuông cửa như chỉ sợ nó vang lên . Không có tiếng đáp lại ! Cho rằng chuông chưa kêu, cô ấn lần thứ 2 rồi chờ đợi ... Rồi tự nhủ, lần thứ 3 sẽ là lần cuối cùng vì cô đã cho anh biết cô đến đây trong vòng 15 phút. Nhìn đồng hồ đeo tay , Linh thấy đã quá nửa giờ vì thời gian cô chần chừ lấy lại bình tinh ở dưới parking hơi lâu! Nhưng không lẽ anh không thể chờ đợi Linh trễ khoảng 15 phút ? Không lẽ anh có việc phải ra ngoài gấp ? Nếu vậy, ít nhất,anh phải nhắn lại. Một tờ giấy dán ở cửa phòng nếu anh ngại không muốn nhờ nhân viên ở hotel ! Thật khó hiểu , vừa lẩm bẩm, Linh vừa quay người định ra về ,bỗng cô giật bắn người vì tiếng gọi lớn: Linh. Linh phải không ? Ngỡ ngàng nhìn người đàn ông trung niên đeo cặp kính trắng nhưng vẫn còn phảng phất nét quen thuộc của Tuấn đang hớt hải chạy đến: " Tôi đợi Linh ở cửa thang máy tầng dưới" ! Còn Linh, theo thói quen đã leo cầu thang bộ để tranh thủ tập thể dục . Giây phút bỡ ngỡ qua nhanh giữa hai người bạn cũ . Họ nhìn nhau hun hút . Dường như cả hai đang tự trấn tĩnh mình ! Hình như họ muốn nở một nụ cười dành cho cuộc hội ngộ mà nụ cười chợt như méo mó ! Nước mắt dường như đã dân dấn dâng mi ! Họ cùng cố ghìm xúc động . Họ đứng lặng nhìn nhau hồi lâu . Khi đã bình tĩnh trở lại, Tuấn như sực tỉnh , anh mở cửa phòng , mời Linh vào .Rồi họ lại nói chuyện như xưa, như chưa từng xa cách . Anh cho Linh biết, anh chưa lập gia đình. Anh vẫn đang theo đuổi việc học , học mãi... Niềm vui của anh là học , làm việc và đọc miên man...( Những điều đó, Linh đã biết, Linh vẫn âm thầm theo dõi từng bước chân anh qua các bạn đồng nghiệp cũ ) Anh kể cho Linh nghe về sự thay đổi của phố nhỏ huyện lỵ ngày xưa. Những người bạn, đồng nghiệp ... Yên lặng ngồi nghe anh nói,có những lúc Linh muốn hỏi anh tại sao ? và tại sao? Nhưng Linh không thể mở lời . Khi đưa Linh xuống Parking , anh hỏi Linh còn nhớ ngày xưa và những kỷ niệm cũ ? Còn nhớ những lúc anh đến thăm Linh ở phòng thương nghiệp huyện ? Và nhất là so sánh của anh về đường tiệm cận...Linh còn nhớ, nhớ hơn cả anh nữa nhưng Linh biết nói gì đây ? Không lẽ nói với Tuấn rằng Linh không quên những lúc anh quan tâm săn sóc Linh đó rồi có những lúc anh vắng biệt mà Linh chẳng hiểu vì sao ! Có lúc anh thật gần rồi chợt trở nên xa lạ ! Thấy Linh trầm ngâm ,yên lặng. Anh cười buồn : " Linh quên hết tất cả kỷ niệm ngày xưa ? Linh thay đổi nhiều rồi"!Linh trả lời nhẹ như hơi thở " em không bao giờ thay đổi , không bao giờ ". Tự trong sâu thẳm của lòng mình, Linh muốn hỏi Tuấn chỉ một câu thôi :" Lúc em buồn, anh ở đâu" ? .


***

                                                                            Người Hàng Xóm

Minh Thành


Bài đã đăng ở Việt Báo

Đã cuối thu . Chỉ còn vài chiếc lá lẻ loi trên cành đợi một cơn gió mạnh là rụng hết. Trời chớm lạnh và những buổi chiều nắng nhạt rất nhanh. Mới tuần trước,hết giờ làm việc về đến nhà nắng vẫn rực rỡ vậy mà hôm nay chỉ còn mờ nhạt nhìn không rõ mặt người. Mùa hè ngắn ngủi đã qua thật chóng vánh sau một mùa đông dài chờ đợi. Tôi đặt túi rác xuống trước cửa , đang định quay vào thì cửa nhà hàng xóm mở. Chắc ông Jim cũng đưa rác ra như thường ngày. Tôi quay sang nhìn thì không phải ông mà là Jannet, vợ ông. Quái lạ! Có bao giờ Jannet phải làm việc nhà đâu ? Chưa kịp hỏi, bà đã vẫy tôi và chào. Thấy bà loay hoay với túi rác bé tí xíu, tôi nhanh nhảu chạy đến giúp thì bà ôm tôi nghẹn ngào : " Jim mất rồi bà ơi" ! Không tin vào tai mình, tôi hỏi lại được bà cho biết sau bữa ăn tối hôm kia, ông vào phòng vệ sinh hơi lâu. Nghi ngờ có điều bất thường, bà gọi vọng vào thì thấy ông trả lời rất chậm: " Jannet,hãy bình tĩnh nghe tôi nói đây. Không có gì đáng lo ngại cả. Tôi cảm thấy hơi mệt. bà gọi xe cứu thương cho tôi. Xin bà thật bình tĩnh, không có gì đáng lo ngại đâu " .Bà run lên, ông vẫn đều đều trấn an và xin lỗi đã làm bà lo sợ. 
Xe cứu thương tới rất nhanh. Họ đưa ông vào bệnh viện. Nằm trên băng ca, ông vẫn tỉnh táo lạ thường. Bà nắm chặt tay ông . Ông thì thào xin lỗi đã làm bà sợ hãi! Vậy mà khi tới bệnh viện, ông hôn mê và ra đi sau 3 tiếng đồng hồ! 
Tôi nhìn bà ngạc nhiên. Điều gì đã biến đổi người phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh này có thể đứng vững sau một biến cố kinh hoàng và đột ngột như thế ? Bà cho biết đã báo tin buồn cho người con gái duy nhất của ông bà và cô cũng có mặt kịp thời ở bệnh viện lúc bố ra đi !" Thế bây giờ con gái bà ở đâu ?" Không nén nổi bực dọc, tôi hỏi bà. Hình như không để ý đến thái độ của tôi , bà thản nhiên cho biết cô đang ở nhà cô và cô nói với bà sẽ đi dự đám tang bố ! Hết chịu nổi, tôi chia sẻ nỗi buồn rồi dìu bà vào nhà. Hỏi bà nếu cần giúp điều gì xin cứ nói, chúng tôi rất vui lòng nếu có thể làm được. Bà cho biết, mọi việc đã được ông an bài từ khi còn sống. Từ mua phần mộ cho 2 người đến thể lệ an tang... Bà cám ơn sự quan tâm và tình cảm chúng tôi dành cho ông bà và nhấn mạnh hiện ông đang ở cạnh chúa mỉm cười cùng chúng tôi. Nhìn căn nhà đã rộng càng rộng thênh thang vì sự ra đi đột ngột của người trụ cột khỏe mạnh trong gia đình , tôi cảm thấy buồn vô hạn. Tôi chúc bà ngủ ngon rồi thờ thẫn về nhà. 
Buổi sáng nào cũng vậy. Khi tôi lái xe đi làm là lúc vợ chồng bà Jannet đi bách bộ trở về nhà. Bao giờ cũng giống nhau. Bà thong dong dắt con chó trắng nhỏ xíu đi phía trong. Chồng bà đi phía ngoài lề đường. Dáng người chắc nịch, to khoẻ của ông như một bảo vệ hoàn hảo cho bà vợ ẻo lả như một chiếc lá bởi chứng bệnh tim bẩm sinh. Bà cho biết với căn bệnh của bà mà sống đến hơn 60 tuổi chỉ có thể giải thích là phép lạ của chúa. Bà sống trong kiêng cữ tuyệt đối về tinh thần và thể chất . Phải kiềm chế tình cảm lúc nào cũng cân bằng. Không bao giờ được xúc động mạnh. Đã không được vui lại cũng không được buồn quá độ. Cả đồ ăn thức uống ... cũng phải tuân theo chỉ định của bác sỹ vì ngoài bệnh tim ra, bà còn dính vài thứ bệnh khác. Lúc nào bà cũng xác định có thể ra đi một cách đột ngột . Vậy mà bà nhất định phải sinh một đứa con cho Jim dù ông phản đối kịch liệt. Ông lo sợ cho bà. Ngay cả bác sỹ gia đình cũng lo ngại về việc bà muốn có con ! Thế nhưng, Chúa đã an bày. Bà sinh cho ông một đứa con gái đẹp như thiên thần nhỏ. Bao giờ nhắc đến Ann , cô con gái duy nhất, ông bà cũng dùng những từ ngữ đẹp và đầy thương yêu.
Tôi có biết Ann. Cô ngoài 30 và chưa lập gia đình. Cô thuê nhà trong phố để ở chứ không ở chung cùng bố mẹ từ khi cô ngoài 2o tuổi. Tuy ở gần nhà như vậy nhưng hình như cô chỉ về thăm bố mẹ những ngày giáng sinh , ngày sinh nhật,father day , mother day...Những ngày cô về thăm nhà , bố mẹ cô tíu tít chuẩn bị từ trang hoàng nhà cửa đến đồ ăn thức uống cứ như là đón thượng khách. Dường như cô cũng về thoang thoáng chứ không chịu ở lại chơi lâu. Cô về thăm bố mẹ gần như một thủ tục dù tôi thấy cô ôm hôn bố mẹ rất bịn rịn thắm thiết lúc họ chia tay. Khi cô đi rồi, tôi tưởng tượng căn nhà buồn tẻ làm sao ! Hình như bố mẹ cô phải cố gắng hàng tuần mới hồi sinh lại căn nhà vui vẻ như cũ.
Một lần,tôi hỏi Jannet tại sao nhà rộng thế ( 3 phòng ngủ). mà Ann không ở cùng lại phải thuê nhà cho tốn thì bà giải thích cô cần tự do của cô . Cả hai ông bà đều cho việc Ann ở riêng một mình là một việc hết sức bình thường và tự nhiên ! Chỉ riêng tôi băn khoăn nghĩ ngợi dù đó không phải việc của mình.


Tôi có đi dự đám tang ông Jim. Nhà thờ phủ đầy hoa. rất đông người dự tang lễ. Đến mục bạn bè và người thân nhắc lại những kỷ niệm về ông tôi mới biết ngày xưa ông là một người lính cứu hoả dũng cảm. Họ nhắc lại những thành tích ông đã đạt được khi còn làm việc như xông vào khói lửa để bồng một em nhỏ bị kẹt tưởng chừng không cứu đựoc vì lửa cháy rất mạnh…Rất nhiều người lên nói. Có người đề cập đến tính tình vui nhộn của ông…Không khí trong nhà thờ lúc này trang nghiêm nhưng không buồn thảm khi ngưòi ta ôn lại những kỷ niệm về người quá cố. Có những lúc người ta cười khi nhắc lại tính khôi hài của ông. Tựu chung, những người có mặt ở đây, hôm nay ít nhiều đều có kỷ niệm với người quá cố. Gia đình tôi cũng có nhiều kỷ niệm với ông. Lặt vặt thôi nhưng không quên đựơc. Còn nhớ hôm xe tôi bị kẹt trong tuyết, ông vác xẻng ra dọn sạch tuyết quanh bánh xe và đẩy lấy đà cho xe chạy. Ông không cho tôi xuống xe phụ ông gạt tuyết mà bảo tôi để ông làm. Buổi chiều đi làm về thấy sân nhà đã được ông dọn tuyết sạch sẽ. Mùa hè nếu chậm cắt cỏ thì ông cũng chiếu cố luôn. Các con tôi thỉnh thoảng cùng ông đi tới sân trường tiểu học gần nhà để chơi bóng. Ông có cái duyên thu hút cả người lớn lẫn trẻ con. Ngày Halloween nhà ống ngập đầy bánh kẹo và những trái bí . Bọn trẻ trong xóm đến lấy quà vui vẻ như ngày hội.
Sau tang lễ, bà Jannet vẫn duy trì những thói quen. Bà vẫn dắt chó thong dong đúng giờ. Có điêù tôi đọc được vẻ cô đơn bà đang chịu đựng. Vẫn ẻo lả, vẫn niềm nở nhưng hình như có một điêu gì chua xót. Việc lau nhà, cắt cỏ, dọn tuyết…Bà đã thuê người làm. Cô Ann cũng không thấy đến thăm mẹ nhiều hơn nhưng cô phone cho mẹ tất cả các buổi tối trước khi bà đi ngủ và các buổi sáng khi bà thức dậy. Bà nói cô muốn “sure” là bà vẫn còn sống! Tôi cảm thấy tim mình nhói đau còn bà rơm rớm nước mắt : “ Chắc là khi tôi mất đi, con gái tôi đau lòng lắm !”. Tôi nhắc lại ý tưởng của mình là gọi cô về ở chung nhà với bà phòng khi có việc bất trắc . Bà vẫn thản nhiên trả lời là cô cấn tự do của cô ! Dạo này, tôi thấy bà sút nhiều. Bà than thở bà không ngủ được và nhiều lúc không thể dậy để đi bách bộ buổi sáng. Tôi khuyên bà nói cho Ann nghe để bàn tính. Bà cho biết chủ nhật tới, Ann sẽ cùng bà đi ăn trưa và thảo luận . Ann nói sẽ giải quyết mọi việc tốt đẹp nhất cho Mom. Tự nhiên tôi thấy mình vui vô cớ như có thêm một người bạn tốt. 
Bây giờ, bà Jannet đã ở viện người già. Di chúc ông Jim khi mất có giành cho vợ và con gái mỗi người hưởng 50% tài sản. Cô Ann bàn với mẹ bán nhà, vào viện người già ở để phòng khi “ tắt lửa tối đèn” còn có người biết. Cũng tốt cho bà thôi. Vừa già vừa bệnh tim bẩm sinh mà ở một mình thật nguy hiểm ! Nhưng sao tôi lại cứ nao nao buồn ?


Gatineau Park













                                                  Kỷ niệm học trò                                                                         

Minh Thành

Tôi sinh ra ỏ một vùng nửa nông thôn, nửa phố lẻ thành thị. Trừ con đường tráng nhựa duy nhất nằm dọc thị trấn lèo tèo vài hàng quán, bến xe… có những xe vận tải, xe buýt chở khách chạy qua mang một không khí văn minh phố phường còn lại bọc quanh phố là những cánh đồng lúa bát ngát với người nông dân quanh năm đi chân đất, quần sắn quá đầu gối ,vai vác cày dong theo trâu ra đồng.. Những ngôi nhà may mắn nằm sát đường nhựa có đèn điện được gọi “phố” , ngoài ra, là nhà quê tuốt. Dù phố hay quê, đều cùng chung nghe tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy. Cái ranh giới không có gì rõ rệt nhưng tính cách của bọn trẻ con chúng tôi lại khác biệt lạ kỳ. Đi học, dân phố được xếp vào các lớp A ,B , dân quê thường là C ,D… Lực học càng rõ hơn, dân phố láu lỉnh, lười học, thông minh bao nhiêu thì dân quê chất phác ,chịu khó, trầm lặng bấy nhiêu. Thường thì dân quê học hết lớp 4 đã rụng quá nửa ở nhà giúp bố mẹ làm ruộng. Cố lắm, một số học hết lớp 7 rồi đi học ở các trường dạy nghề bậc sơ, trung cấp. Leo tới cấp 3 (lớp 8 đến lớp 10 ) lèo tèo vài mống là những “ tinh hoa” chắt lọc của nhà quê Dân phố lại khác. dốt, giỏi gì cũng phải cố được bằng lớp 10, vào đại học ( mà phải là Y, Dược, Thương nghiệp …) Lúc đó, chúng tôi tâm niệm :” Nhất Y nhì dược, tạm được bách khoa…” Nếu tôi không chủ quan thì hầu hết đều ghi nguyện vọng số 1 là đại học Y khoa dù học giỏi, học dở, nhát gan, không dám nhìn máu chảy…Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng trước khi được khoe khoang với gia đình, họ hàng để có tờ đơn xin vào đại học ,chúng tôi phải vượt qua nhiều cửa ải. Cửa ải đầu tiên là thi vào lớp 8. Tôi không rõ tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 8 thời gian đó là bao nhiêu mà chỉ nhớ khi đã đựơc học lớp 8, mỗi khi ra ngoài đường thấy bà con ai cũng chỉ trỏ, trầm trồ bàn tán như một tấm gương sáng cho con cái họ noi theo. Tuy cố ra vẻ tỉnh bơ nhưng cảm giác tự hào vẫn không giấu được ở những cô cậu nhóc chuẩn bị bước sang tuổi 14,15 với niêm tin mãnh liệt mình đang chinh phục cả thế giới Đó là bề ngoài, bề nổi của 1 cô cậu học trò cấp 3 lúc đó. Còn các thầy cô, khỏi nói cái tư cách nghiêm trang đạo mạo của họ ra sao khi tiếp xúc với phụ huynh. Tại thời điểm này, chúng tôi rất sợ thầy, cô và phụ huynh thì kính trọng họ. Ngày tết, dù nghèo bao nhiêu, các bậc phụ huynh cũng chọn những món quà quý nhất để biếu thầy, cô. Riêng chúng tôi, những cô, cậu học trò nhỏ lại rất ngượng ngùng khi phải trực tiếp thực hiện điều đó ! Đứa bạo dạn thì vào thẳng phòng thầy, cô đưa quà biếu sau khi lí nhí câu chúc tết. Đứa nhát gan có khi đặt quà lên bậc cửa rồi bỏ chạy… 
Hình như, sau khi được tuyển vào lớp 8 chúng tôi tự cho mình lớn hẳn lên, quan hệ thầy trò bớt khoảng cách. Những đứa trẻ lớp 7 hôm qua đã thấy mình như con nhộng thoát kén biến thành con bướm chuẩn bị bay xa. Chính thời gian này tính cách giữa dân phố và quê bộc lộ mãnh liệt hơn hẳn. Dân quê chuyên cần, con gái dịu dàng hơn thì dân phố càng ngổ ngáo nghịch ngợm cả nam lẫn nữ. Lần nọ, giờ học đầu tiên sau đợt nghỉ tết nguyên đán rơi vào tiết văn. Cả lớp tôi không ai soạn bài, tôi có bài soạn được nguệch ngoạc mấy dòng lấy lệ vài phút trước tiết học. Thầy dạy văn đi một lượt soát bài và buộc tẩt cả những người không soạn bài đứng lên, trừ tôi. Tôi sung sướng ngước nhìn bạn bè để tội nghiệp cho họ. Dường như đợi cho niềm vui của tôi ngấm nghía đủ, thầy mới dõng dạc kể tội những đứa lưòi và xót xa cho công lao vất vả nuôi con ăn học của các bậc phụ huynh. Sau bài diễn thuyết hùng hồn đó, thầy “ khen” : - Tuy nhiên, ít nhất còn một em để ý đến soạn bài nhưng bài soạn quá sơ sài và cẩu thả, đó là 1 BÔNG HOA TÀN TRONG VƯỜN HOA THỐI RỮA. Khi nói câu này, thầy nhấn mạnh từ bông hoa, dừng lại một chút, quét mắt một vòng quan sát bao quát cả lớp, dĩ nhiên có tôi rồi mới hạ từ TÀN một cách khắc nghiệt. Nỗi hả hê của tôi vụt như miếng sắt nung đỏ bị thầy quăng tọt vào chậu nước lạnh. 
Lần khác, cũng vào giờ văn , cả lớp không ai giải nghĩa được câu thơ: "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư /Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại thư" Thầy kiên nhẫn giải thích rất kỹ lưỡng, bọn học trò chúng tôi nghe hết sức lơ đãng vì thơ Hán, Nôm khó nuốt và gần giờ tan học. Một số còn nói chuyện riêng, cưòi khúch khích làm thầy càng buồn lòng. Sau khi cả lớp đồng thanh trả lời đã hiểu, thầy kiểm tra vài người vẫn giải thích ấp úng, không rõ nghĩa. Rồi lại có tiếng cười từ cuối lớp kèm tiếng xì xào mong tiếng trống tan trường sẽ kết thúc buổi học đang hồi căng thẳng. Thầy làm ngơ tiếp tục gọi anh bạn ngồi cạnh tôi. Anh đã giải thích còn mập mờ hơn mấy người trước đó. Thay vì đỏ mặt, lúng túng như thường tình của bọn học trò không thuộc bài , anh lại nhăn trán, nhíu mày như như một nhà thơ chính cống đang tìm từ. Đợi anh vật lộn tìm tòi ý tửởng một lát, thầy nhẹ nhàng: - Thôi, mời anh ngồi xuống, đừng đứng ỳ đấy ra cái điều ta đây suy nghĩ, SUY NGHĨ TRÊN CƠ SỞ MÙ TỊT. Đúng là học trò, cả lớp lại có dịp cười ngả nghiêng cùng tiếng trống tan trường nổi lên rộn rã. 
Sau này, khi tôi đã tốt nghiệp sư phạm, Kỳ nghỉ hè về nhà chờ phân công công tác, gặp lại thầy trên con đưòng nhỏ ngày xưa dưói tàn phượng vĩ. Thầy nheo mắt hóm hỉnh: - Cô học trò của tôi trưởng thành , chững chạc lắm rồi. Đã thấy yêu nghề chưa? Thầy không bao giờ quên được lớp 10 A các em đâu Tôi cười: - Thưa thầy, em cũng vậy. Bây giờ em mới thấy ngày xưa thầy nói đúng nên em muốn thầy dạy em thêm 1 bài học mà thầy còn thiếu chúng em. Thầy ngạc nhiên: - Bài học gì tôi còn thiếu ? Ngày xưa tôi đã dạy đủ và đúng giáo án cho các em rồi kia mà. Không thiếu một dấu chấm , phẩy nào cả , cô còn muốn bài học gì nữa đây ? Tôi cười nhẹ: - Dạ thưa, đây là bài học ngoài giáo án. Bài học về những câu “khuyên nhủ “ học trò của thầy ngày xưa đó. Em có chép vào sổ tay nhưng chưa đủ và cũng không sáng tác được nhiều từ “ác liệt” như thầy. Thú thực với thầy, khi đi thực tập, em thấy bọn học trò ngày nay “gấu” hơn chúng em lắm. Thế mới biết ngày xưa chúng em thật hiền. Thầy cười sảng khoái: - Vẫn chưa lớn được ! Còn trẻ con lắm, còn phải học nhiều. Nhưng thực ra, nhiều khi quá nghiêm trang sẽ tạo khoảng cách với học trò. Cứ yêu thương và dạy dỗ chúng như ước mơ của mình là đủ. Chúc cô thành công. Chia tay thầy, đạp xe dọc con phố nhỏ tôi vẫn như nghe tiếng thầy bên tai: - Vâng, các cô cậu ngày xưa “hiền “ lắm Tôi cũng mong cô gặp được những học trò như vậy và lúc đó, tôi sẽ dạy cho cô bài học tôi còn thiếu.



***

                                                  VIỆC NHÀ                                                          
                                                               
  Minh Thành                                                       


Bài đã đăng ở Thời Báo

Chị là người có chút ít học thức ở quê nhà. Anh thì lai lịch không rõ ràng lắm . Nhưng có hề gì ở nơi không đươc lựa chọn này khi tuổi xuân của chị đang ở giai đoạn tuột dốc ! Bề ngoài, trông hai người cũng cân xứng. Phận gái “ mười hai bến nước”, một mình ở trại tị nạn có nhiều cái phức tạp không ngờ thì trao thân gửi phận cho khỏi “bèo dạt mây trôi”. Trông anh cũng cao ráo, khoẻ mạnh, có phần chịu khó, tướng tá giống “cu li”. Chân yếu, tay mềm” nơi đất khách lại tìm dựa vào “thư sinh” có mà cả hai cùng đổ ! Một quyết định hết sức sáng suốt ít ra ở thời điểm đó. Chị cũng có ý định tìm hiểu nghế nghiệp của anh tại quê nhà nhưng anh chỉ úp mở : “ Không được làm đúng nghề”, hoặc “Không muốn nhắc lại”. Tuy nhiên cũng hé cho chị biết thời trước cụ kị anh làm Quan. Té ra anh cũng thuộc loại con dòng, cháu giống! Vậy mà bề ngoài có vẻ thuần tuý con nhà lao động. Thế mới biết không nên tin vào khoa tướng số ! Một buổi họp mặt đơn giản, nhanh chóng với sự tham gia của vài người cùng phòng bên trong hàng rào kín mít của trại tị nạn đã tạo ra cuộc hôn nhân cho cả một đời người ! Thế là xong ! “Ván đã đóng thuyền” ! Mọi việc đều suôn sẻ ngoại trừ những ưu tư kín đáo của chị về mối tình đầu trong trắng từ thuở học trò “Trời ơi người ấy có buồn không ?” 
Có gia đình, mọi việc đều “ xuôi chèo mát mái”, chỉ vài tháng sau hai người đã ung dung lên máy bay tới vùng tuyết trắng như bất cứ gia đình khác. Còn trẻ, đầy sức sống và niềm tin, chị lao ngay vào lớp học Anh ngữ. Anh có vẻ chần chừ. Chị lôi anh ào ào không để ý đến sự phản kháng âm thầm. Những buổi học đầu uốn lưỡi nói tiếng người khác sao mà khó khăn ! Rồi cũng quen đi. Chị hăm hở học với mục tiêu kiếm được mảnh bằng khiêm tốn nơi đất khách để mưu sinh và cũng để khỏi tủi phận với câu ca : “ Mười năm vác sách theo thầy Năm thứ mười một vác cày theo trâu” Hết khoá học ESL hai tháng, có tới hơn 90% học viên được chuyển lên lớp cao hơn. Những người “ Dậm chân tại chỗ” hầu hết là người già ( dĩ nhiên ), vậy mà lại có anh góp mặt! Chị không ngạc nhiên lắm nhưng chị không ngờ anh có thể học hành bết bát như vậy. Cũng phải thôi ! Khi chị nán lại sau giờ học nhờ giáo viên hoặc bạn cùng lớp giảng giải một từ khó hoặc những câu không hiểu thì anh tà tà ra đợi ngoài hành lang để phì phèo điếu thuốc. Thứ bảy, chủ nhật chị tranh thủ lội tuyết đến nhà người bạn cùng lớp có cuốn tự điển Anh- Việt quí báu để cùng đàm thoại Anh ngữ thì anh theo mấy ông bạn già tụ tập uống bia hoặc chui vào rạp coi phim “sex”! Mới đầu, chị cũng năn nỉ anh đi cùng để học thêm nhưng anh dứt khoát không đi và cũng chẳng cần nghe vợ phân tích lợi, hại của hội nhập ngôn ngữ . Được cái, anh cũng chiều chị. Sẵn sàng đưa chị đến nơi bằng xe bus nhưng không vào học mà lấy tiếp Bus tới nhà mấy ông bạn tri kỷ. Thấy anh vất vả như vậy, chị lẳng lặng dậy sớm, cơm nước sẵn sàng cho anh rồi đi học một mình! 
Trời không phụ lòng người , chỉ sau sáu tháng miệt mài, chị đã có một vốn tiếng Anh kha khá để có thể tự đi xin việc cho mình và còn xin được việc cho anh sau đó nữa. Chị muốn tự lập sớm hơn thời hạn được bảo lãnh một năm của nhà thờ. Thực ra, chị biết sau một năm, nếu chưa có khả năng tự lập vẫn có thể được trợ cấp của chính phủ. Chị không muốn như vậy, Còn trẻ, còn khoẻ thì sao phải sống như loài cây tầm gửi ? Anh chê chị “sỹ diện”. Cứ có nguồn cung cấp thì tiền nào cũng giống nhau . Chị ngạc nhiên đến đau lòng vì ý tưỏng kỳ quặc đó của chồng mình! Rồi cũng êm xuôi. Công việc của chị làm là Cashier cho một tiệm thực phẩm. Chị lại cần mẫn học hỏi. Chị thường tới cửa hàng trước giờ làm việc để học thuộc tên các loại rau quả và số “code”. Các loại đồ hộp hoặc bao bì đóng gói sẵn thì dễ, chúng có các mã số sẵn nên chỉ cần scan qua máy là giá tiền được tự động cộng vào. Rau quả phức tạp hơn. Phải đặt chúng lên bàn cân rồi bấm mã số cửa hàng qui định. Thực ra, có bảng mã số đặt trước máy tính tiền cho nhân viên tra nhưng tốc độ làm việc rất chậm. Chị cảm thấy áy náy khi vào những ngày cuối tuần hoặc sau giờ làm việc, người mua xếp hàng dài chờ đến lượt trả tiền mà nhân viên cứ loay hoay tra mã số ! Hầu như không phải tra mã số nên bao giờ chị cũng là Cashier nhanh nhất và được người quản lý tin cẩn. Luật lệ làm việc của cửa hàng rất chặt chẽ , nghiêm khắc. Mọi giao thiệp với khách phải niềm nở, lịch sự. Nụ cưòi trên môi, câu chào và câu cám ơn không thể thiếu trong một cuộc mua bán. Đã có nhiều Cashiers thiếu lịch sự hoặc tỏ ra khó chịu với khách bị thuyên chuyển qua việc khác hoặc cho nghỉ hẳn việc nếu tái phạm nhiều lần. Nguyên tắc của cửa hàng phải  lịch sự , vui vẻ với khách hàng và giảm thiểu tối đa sự nhầm lẫn. Chị là người rất mẫu mực trong những tiêu chuẩn này. Rồi chị được giao trách nhiệm phụ trách các Cashiers làm cùng ca, Trách nhiệm nặng nề hơn nhưng tiền lương được cải thiện khá. Chị thay mặt người quản lý phân phối giờ ăn trưa, giờ nghỉ 15 phút… cho Cashiers hợp lý để dảm bảo đúng như luật lao động qui định mà vẫn đủ cashiers làm việc. Công việc đòi hỏi có kinh nghiệm và linh hoạt. Cũng không thiếu những lần vừa cho vài Cashiers đi ăn trưa thì khách ào vào bất chợt lại phải năn nỉ họ dời giờ ăn , hoặc quay lai. sớm hơn… Được cái, chị luôn hoà nhã, vui vẻ, chịu khó nên công việc xuôi chảy thuận lợi dường như chị đã tìm đúng vị trí của mình. 
Ước mơ quay lại trường để lấy mảnh bằng khiêm tốn có phần không dễ . Chị có bầu, sinh đôi. Rồi mua nhà, sắm xe…Công việc gia đình bận rộn hơn. Lúc này chị chợt nhận ra gánh nặng gia đình đã từ lâu đổ xuống đôi vai chị. Anh thì miệt mài dành hết thì giờ vào TV, phim tập. Tập nọ nối tập kia liên miên không dứt . Công việc chị xin cho anh làm ở kho cửa hàng thực phẩm nơi chị làm việc đi theo bước giật lùi. Thoạt đầu, anh làm việc trong kho như nhận hàng vào , xếp và chuyển ra phía ngoài cửa hàng. Không hiểu sao mà nhầm lẫn lung tung. Hàng xếp không theo đúng trình tự mới trong, cũ ngoài để khỏi tồn đọng hàng cũ trong kho…Có những điều rất đơn giản mà anh cứ mơ màng như một nhà thơ ! Dĩ nhiên, người quản lý cửa hàng không cần thi sỹ. Ông ta chỉ cần người lao động có sức khoẻ và sự chính xác của công việc. Ông phàn nàn với chị. Chị dành nhiều thì giờ cùng anh sắp xếp lại gọn gàng. Được vài tuần, lại lộn xộn như cũ Ông quản lý lắc đầu, chán nản. Chị năn nỉ, nước mắt chị đã làm mềm lòng người quản lý già, tốt bụng. Ông chuyển anh xuống công việc người giúp việc lặt vặt bên ngoài như xếp gọn xe chở hàng , dọn dẹp những đổ vỡ, mang hàng ra xe cho khách… Anh hậm hực. Anh không muốn đẩy xe ra tận chỗ đậu xe của khách như một thằng hầu ! Chị còn phiền lòng nhiều hơn. Sao anh không chịu hiểu chị đang kẹt ở thế ” Trên đe dưới búa ” ? Anh thừa biết chị chẳng có chút quyền hạn gì trong việc xét chọn nhân viên. Chị may mắn được thăng tiến trong công việc và được người quản lý có chút nể nang vì cung cách làm việc chu đáo, chính xác và nhất là sự học hỏi liên tục. Vả lại, ở đây, Quan niệm về nghề nghiệp cởi mở hơn. Công việc là công việc. Đều là sức lao động bỏ ra để đổi lấy đồng lương cho nhu cầu sống của gia đình. Anh nhấn mạnh cho chị nhớ dòng giống nhà anh từng vinh hiển Anh sinh ra không phải làm những việc vô danh lặt vặt mà để làm “ Việc Lớn” !Anh phân tích cho chị biết mức chi tiêu của gia đình cũng ổn mà không phải vất vả cực nhọc thêm nếu cố gắng tiết kiệm hơn nữa. Anh kết luận chị là người chỉ biết tiền mà không nghĩa lý gì đến danh dự con người! Chị nhìn anh trân trối như để xác định mình không nghe lầm ? Chị gần như nghẹn thở ! Chị muốn khóc nhưng cố kìm giữ để anh khỏi nhìn thấy những giọt nước mắt. Chị muốn hét to cho hả hết uất ức dồn nén từ lâu. Chị muốn đập phá tất cả công trình đã dày công xây dựng. Chị ước mình có thể gào thét, la lối những câu thô tục vào mặt người đàn ông được coi là chồng ! Chị thấy sinh lực như bị rút cạn hết. Nề nếp gia đình và những gì chị được học dưới mái trường đã quên không dạy chị những điều đó. Hơn nữa, các con chị đang ở trên lầu. Chị không cho phép mình gây bất cứ xáo trộn cho nếp sống lành mạnh của chúng mà chị đã tạo ra từ khi chúng mới chào đời. Hai tay chị nắm chặt lại như đè nén những gì có thể bất chợt bùng lên. Chị lảo đảo ngồi xuống, cố bình tâm để chỉ nghĩ về hai đứa con sinh đôi đang tuổi ăn học. Chị nhận thức đã từ lâu, vợ chồng chị nhìn cuộc sống về hai hướng khác nhau. Chị coi việc gia đình là trách nhiệm thiêng liêng của người vợ, người mẹ để xây tổ ấm. Anh dửng dưng hưởng thụ như một người khách trọ chỉ biết lạc thú của riêng mình. Với bổn phận của người mẹ, chị phải hy sinh cho các con. Chúng cần được ăn hoc và thành danh bởi lòng yêu thương đầy đủ của cha mẹ, dù rằng !!! 
Anh thản nhiên mở tủ lạnh lấy chai bia và gói khô mực để chuẩn bị xem một tập phim mới như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chị ngồi bất động một lúc lâu cho cơn giận lắng xuống. Cố tạo vẻ mặt bình thường, chị bước lên phòng các con để nhắc chúng đã tới giờ đi ngủ.

***