Sunday, September 30, 2012

Sunday, September 23, 2012

Những Ngày Xưa Thân Ái

 Phân Công Công Tác

minhthanh-viet-ca.blogspot.com Viết bởi Vân và Minh Thành

 Sinh viên tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học… ngày xưa sau kỳ thi tốt nghiệp đầy căng thẳng nếu may mắn cầm được tấm bằng trong tay thì niềm vui chưa kịp ngấm, nỗi lo đã ở cạnh bên ! Ai cũng muốn được phân công về làm việc ở gần nhà , không ai muốn đi xa . Nếu phải đi xa , được ở nơi phố thị còn đỡ chứ bị “ đày” lên các vùng miền cao sống với đồng bào dân tộc nơi hoang vắng với tập tục “ Cà răng, căng tai” thì nam giới tôi không biết ra sao nhưng nữ giới coi như cầm chắc trong tay “ bản án” Ế chồng!!! Chẳng gì cũng là người có tí chữ trong đầu mà sánh đôi cùng một “ ông” lộc ngộc chưa biết đánh vần ? Ấy là chưa kể “ trang phục” của ông chỉ là một cái khố mặc quanh năm suốt tháng chưa bao giờ biết đến mùi xà phòng cũng như tiếng Kinh ông còn chưa nói "Thõi"? ?

Cái mùa hè tôi tốt nghiệp sư phạm , tôi tung tăng dạo chơi khắp chốn vì nợ sách đèn đã trả xong . Nào là đi Hải phòng uốn tóc, mua sắm quần áo, giày dép… đủ bộ cho ngày chính thức bước lên bục giảng với tư cách người thầy .Nào là đi thăm danh lam, thắng cảnh cùng bạn bè... Gần hết hè, tôi mới đi thăm chị tôi ở Hạ long Bay bởi chị tôi nhắn gọi mãi . Không đi không được mà đi thì ngại ! Tôi ngại vì nơi đó có một “ Cây Si” đã bén rễ cửa nhà tôi từ khi tôi còn học lớp 10 . Cây Si này có một sức hấp dẫn hầu như tất cả các cô gái vì dáng vẻ hào hoa , nghề nghiệp đáng mơ ước , giao thiệp rộng, có địa vị và … rất giàu .Hình như cây si  hơn tôi 3 , 4 tuổi ? Tôi không hỏi vì không muốn tạo bất cứ hiểu lầm nào ! Chính “ Cây Si” này gây hoang mang cho chị tôi làm chị hoảng hốt và nhắn tin gấp buộc tôi phải xuống thăm chị để được đưa vào ty giáo dục thăm dò tình hình phân công công tác xem tôi có phải đi miền đông không ? Tôi chủ quan nên trấn an chị tôi đừng lo ngay khi tôi mới bước chân vào nhà chị . Chị tôi mắng tới tấp và không biết bằng cách nhắn tin nào mà chỉ gần nửa tiếng sau, cây Si đã có mặt tại nhà chị rồi lấy tư cách người lớn , chỉ bảo cách thức tôi cần làm để được làm việc tại phố thị .( Theo chỉ dẫn đó thì tôi chẳng cần làm gì mà để cây si lo còn tôi chỉ cần gật đầu !) Chị tôi cũng hùa vào nhờ Cây Si lo giúp vì như đã nói ở trên , cây Si có sự giao thiệp rất rộng ! Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã “Vênh” mặt lên nói với chị và Cây Si rằng : “ Nếu ai cũng trốn không đi dạy nơi miền núi thì đến bao giờ trẻ em vùng dân tộc ít người mới biết chữ” ??? Ái chà, nghe anh hùng không ? Cao quý không ? Tôi còn nhớ vẻ mặt và thái độ của chị tôi và “ Cây Si” lúc đó ! Họ nhìn tôi cứ như tôi là người ở ngoài hành tinh ! Tôi sung sướng bỏ vào trong buồng nằm mặc cho họ ở bên ngoài bàn bạc phương kế.
Nhưng ! “ Nói vậy mà không phải vậy” ! Tôi chủ quan chứ không phải tôi muốn lên công tác nơi : “ Đỉnh gió hú” ! Nằm trong buồng tôi không ngủ được mà cũng hoang mang ngẫm nghĩ lời họ nói rồi âm thầm tìm kế hoạch cho mình . Mờ sáng hôm sau, tôi đánh thức chị tôi dậy sớm thì thào : “ Cho em mượn xe đạp để em vào ty giáo dục” . Chị tôi không muốn tôi vào một mình vì thân phận tôi : “ Thấp cổ bé miệng” mà muốn “cây si” đưa đi . Tôi khăng khăng không chịu rồi dọa nếu chị lộ chuyện này ra thì tôi sẽ bỏ cuộc . Chị đành chịu để tôi đi một mình!
Rất may , tôi đã gặp cô thư ký ty giáo dục là người cùng huyện . Cô mau mắn bố trí cho tôi gặp anh Nhữ cũng người cùng huyện làm ở ban tổ chức ty giáo dục . Anh xem danh sách thấy tôi bị điều đi Bình liêu ! Tôi toát mồ hôi khi biết mình phải đi miền đông !Tôi hỏi anh có cách gì giúp tôi về gần nhà ? Tôi trình bày với anh hoàn cảnh gia đình tôi chỉ còn mẹ và các em nhỏ đang đi học… Anh thừ người suy nghĩ rồi xem danh sách những người được điều về huyện tôi ! Phân môn tôi học chỉ có hai người về huyện này đều là hai cô bạn học của tôi ! Anh hỏi : “ Em muốn đổi chỗ với cô Hồng hay cô Hòa” ? Tôi lắc đầu : “ Cả hai đều không được anh ạ ! Hòa có anh trai mới hy sinh còn Hồng thì gia đình nó cũng có em nhỏ như nhà em ! Hơn nữa, em không muốn vì em mà bạn em phải xa gia đình ! Thôi , anh tìm chỗ cho em ở Hòn gai hay huyện Yên hưng, Cẩm phả... xem nơi nào còn chỗ trống cũng được” ! “ Anh nói : “ Hòn gai không còn chỗ ,Cẩm phả cũng không , huyện Yên hưng thì được” . Xong việc, tôi cảm ơn anh rồi nhảy chân sáo từ tầng hai xuống tầng một thì chạm trán trửơng phòng tổ chức của trường tôi đang thong dong đi lên . Tôi chưa kịp chào hỏi đã thấy anh ta cau mày nhìn tôi rồi nói ( Không biết nói tôi hay nói với cái cầu thang ?) : “ Người ta giỏi quá ! Không thèm xin ý kiến phòng tổ chức trường mà muốn qua mặt ! Đi thẳng vào phòng tổ chức ty giáo dục kia” ! Tôi phục trí nhớ của tay trưởng phòng tổ chức này vì trường có hàng ngàn giáo sinh mà tôi thuộc dạng “ Vô danh tiểu tốt” ! Tôi đớ người ra không biết trả lời sao nữa ! 

Nhưng dù sao, tôi cũng phải cảm ơn “ Cây Si” vì nhờ sự lo lắng đó nên tôi khỏi bị : “ Cà răng, căng tai” hoặc ít ra, cũng như trường hợp cô bạn nhỏ dạy môn văn của tôi mới kể lại chuyện cũ cho tôi nghe nhân dịp chúng tôi cùng “ Ôn nghèo kể khổ” : “Chị ơi nhớ lại cảnh ngày xưa nó mới khổ làm sao, chị may mắn ko phải đi miền đông còn em ra Ba chẽ khổ vô cùng chị ạ. Ngày đầu đặt chân tới phố huyện Ba chẽ,nằm chờ 1 tuần ở phòng GD để nhận công tác chị biết ko bọn em bị đói vàng mắt ra .Em và một cô bạn cùng lớp người Đông triều .Nằm ở phòng GD được 2 ngày bọn em định bỏ về nhưng nghĩ lại về thì ảnh hưởng tới Bố Mẹ em đành cắn răng ở lại. Em và cô bạn mò ra phố ,gọi là phố nhưng đi chưa đầy 15' là hết phố. Hai chúng em dừng chân ở căng tin phố huyện thấy mọi người xếp hàng dài mua phở ăn chúng em cũng xếp hàng mua. Vì bị đói mấy ngày 2 chúng em mua liền 6 bát, chẳng có người bê chúng em tự vào bê lấy. Chị biết ko mặc dù đói nhưng ko sao ăn nổi vì phở làm bằng tép khô khai mù. Buồn cười quá chị ạ đang ăn tự nhiên có một người cứ khúm núm đứng bên cạnh, bọn em nghĩ chắc chị ta ko mua được phở (vì phở chỉ bán 30' là hết) nên đến để bảo bọn em để lại. Bọn em hỏi : Chị cần gì? chị ta liền bảo: "Ăn nhanh để lấy bát". 2 chúng em nhìn nhau cười chảy nước mắt đứng dậy ra về. Nằm ở phòng GD 1tuần họ tống 2 chúng em lên 1 xã cách phố đi bộ một ngày toàn rừng và núi (lúc đó chưa có phương tiện nào đến đó được trừ đi bộ) -Xã Đạp Thanh. Em phải ở đó 1 năm may mà trời phú cho giọng hát nhân dịp trại hè họ phát hiện được tài năng của em thế là họ cho em xuống 1 trường ở phố(đúng nghĩa vụ là 3 năm ở xã 1 năm ở huyện mới được về) chị ạ.Giờ mà có bị "nhốt" lên đó thì chịu chết vì 32 năm đứng trên bục bệnh nghề nghiệp đã làm cho dây thanh hỏng hết rồi.” minhthanh-viet-ca.blogspot.com

Sunday, September 16, 2012


Gỏi Cuốn

minhthanh-viet-ca.blogspot.com
Đĩa gỏi để cuốn này gồm tôm , su hào , chả cá, bò viên, thịt bò và bún.
Không biết cái món ăn tôi học lỏm và chế biến thêm này có thể gọi là gỏi cuốn không ? Vì chưa xác định được danh tính chính xác cho nó nên tôi cứ gọi là món cuốn . Cả nhà tôi đều hiểu món cuốn là món gì . Có điều, mỗi lần là gồm các loại nhân khác nhau tùy theo lượng thức ăn dự trữ trong tủ lạnh còn lại món gì ! Món cuốn này rất dễ làm, cũng có thể gọi là món ăn dành cho người lười nấu . Thường tôi làm với vài loại thực phẩm như sau :
Để có được món ăn này cần phải có bánh đa nem và một ít seaweed để cuốn. Rau cần có lá cải non hoặc nếu ai không thích vị hăng của lá cái có thể dùng rau diếp  . Rau thơm, húng quế , diếp cá ( cho những người có thể ăn được)… tùy loại rau thơm nào bạn ưa thích . Thịt bò , thịt lườn gà , bò viên , chả cá , tôm, mực… Càng có nhiều loại khác nhau càng hấp dẫn còn nếu không chỉ cần một loại thịt và một loại rau vẫn ngon như thường . Rồi có thể bạn cần su hào cho tăng thêm lượng rau . Bạn thái tất cả các loại thịt ra thành những lát mỏng ( Nếu lười thái, bạn có thể mua thứ họ đã thái sẵn ở siêu thị ). Riêng tôm thì phải lột vỏ , bóc đường chỉ đen rồi cắt đôi theo chiều dọc .Miến hoặc bún ngâm mềm . Bày tất cả mọi thứ lên bàn rồi đặt chiính giữa nồi nấu lẩu . Ai thích ăn gì tự mình nấu rồi nhúng bánh đa nem vào bát nước ấm cho bánh dẻo ra rồi bỏ vào đó những thứ mình thích và cuộn lại . Chấm cuốn đó vào nước mắm pha hoặc tương pha.. tùy khẩu vị từng người . Tôi không thích chấm nước tương mà chỉ thích chấm nước mắm pha ( chanh hoặc dấm đều được ).
Cách ăn này có vẻ hơi lỉnh kỉnh . Tôi làm theo cách tiện hơn cho người ăn là nấu sẵn . Cũng nồi nước ninh xương đó nhưng tôi thả vào nấu sẵn các loại thịt , vớt ra đĩa rồi bày lên bàn . Chỉ cần vài bát nước sôi nhúng bánh đa nem . Riêng tôm, tôi không luộc mà xào với hành cho thêm đậm đà . Còn su hào thái sợi cũng xào hành ngon hơn .Bún hoặc miến cũng được luộc sẵn . Người ăn chỉ cần mỗi người một đĩa lớn , nhúng bánh đa vào bát nước sôi ở trên bàn, đặt vào đĩa của mình rồi đặt một lá cải non và các loại rau, thịt trên đó, cuốn lại và… Xin mời.
Đây là một bữa ăn ngon miệng, dễ làm cho các bà nội trợ vụng về nhưng muốn gia đình ăn ngon mà không vướng phải lỗi lầm sống, chín, khê, cháy, mặn nhạt…
Nhiều khi ngại nấu ăn, bạn có thể chỉ cần mua một cái giò hoặc chả ở chợ rồi thái sợi . Luộc bún, rửa rau, pha nước chấm… chưa đầy nửa tiếng bạn đã có món cuốn dễ ăn, ngon miệng cho cả nhà.


Tuesday, September 4, 2012


Vẫy Xe Đi Nhờ.


minhthanh-viet-ca.blogspot.com
Giữa  đường rừng thăm thẳm chiều tối , bạn có dám cho người lạ đi nhờ xe không ?
Có nhiều sự thật đau lòng đã xảy ra với những người lái xe tốt bụng vì chở khách quá giang nên ở đây người ta rất hạn chế ngừng xe lại cho người lạ đi nhờ . Nào là chuyện về cô lái xe trẻ tuổi xinh đẹp cho một” bác” trung niên đi nhờ bị bác dí dao vào cổ rồi cướp đời con gái của cô cùng với những vật dụng cá nhân lặt vặt như dây chuyền, nhẫn , laptop…ở trên xe. Có cặp vợ chồng trẻ sau khi ngừng xe cho khách đi nhờ vì thấy đêm hôm khuya khoắt lại ở khu vực đường vắng nguy hiểm ai ngờ gặp phải tên cướp kê nòng súng lạnh ngắt vào cổ bắt chở đến nơi hắn muốn… Thế nên , hầu như những người yếu bóng vía như tôi thường “ Nhắm mắt làm ngơ” khi thấy kẻ đứng dưới đường đưa tay lên vẫy ! Trong lòng cũng thấy bất nhẫn nhưng suy đi tính lại cũng đành phụ người hơn để người phụ ta !Nhưng nói vậy thôi chứ người nhát gan như tôi chẳng bao giờ đi vào nơi đồng không mông quạnh để có “ cơ may” gặp người vẫy xe đi nhờ mà từ chối ? Còn nơi phố thị đủ loại phương tiện giao thông trong tầm tay thì chỉ có người điên mới vẫy xe đi nhờ! Tuy nhiên , nếu gặp người vẫy xe ở nơi không có phương tiện giao thông hoặc trong tình trạng cần giúp đỡ mà người lái xe muốn đảm bảo an toàn cho mình cũng như không muốn bỏ rơi một người đang gặp nguy hiểm mà mình không chắc chắn đó là người hiền lương thì cứ làm theo lời khuyên của cảnh sát là báo cho họ biết vì đó là nhiệm vụ của họ . Chỉ cần một cú phone thì trong khoảng thời gian rất ngắn ta đã nghe thấy còi hụ đến tiếp cứu liền .
Ấy vậy mà cái thuở xa xưa ngày đó, tôi đã từng là một người hay phải vẫy xe đi nhờ ở lứa tuổi trăng tròn. Chỉ vì phương tiện vận chuyển thời đó chủ yếu là xe đạp . Đang là sinh viên, học sinh thì làm gì có tiền sắm nổi cái xe đạp cho riêng mình ? Còn đi xe hành khách lại không phải chuyện dễ ràng . Hơn nữa , tiền đâu ra ? Thế nên đành trơ mặt đứng đường vẫy xe đi nhờ ! Trường tôi học lúc đó cách nhà tôi chừng 20 Km . Cứ khoảng trưa thứ bảy là mấy đứa cùng trường ở cùng phố lại rủ nhau ra đường 18 đón xe đi nhờ về thăm nhà . Toàn là xe chở than chạy qua , sau khi đổ hết than họ lại chạy xe không về chỗ cũ chạy ngang qua phố tôi. Chúng tôi vẫy những xe đó để ngồi nhờ trên thùng xe rỗng nhưng phủ đầy bụi than đen kít . Mấy cô sư phạm đi guốc cao gót lênh khênh , đầu đội nón bài thơ yểu điệu . Áo phin nõn trắng tinh in chùm nho tím ,đỏ trước ngực , tay ôm cặp trông có vẻ tiểu thư đài các, gia giáo đứng đường lơ ngơ đợi đón xe . Mỗi khi có xe chạy tới, cô nọ đùn đẩy cô kia giơ tay vẫy vì cô nào cũng ngại và ngượng . Cuối cùng đành phân công nhau lần lượt vẫy . Đến lượt cô nào thì cô nấy kéo nón che kín mặt, nhắm tít mắt lại vì ngượng còn hai tay lại khua khua lên trời làm hiệu !!! Cơ cực thế mà ít xe chịu ngừng lại cho đi nhờ dù những thùng xe rỗng của họ đã hết than ! Có hốm chúng tôi phải cuốc bộ tới gần nửa đường mới vẫy được xe ! Như vậy vẫn còn may dù khi về tới nhà với bộ dạng nhem nhuốc thảm hại . Từ đầu tới chân than bám đen kịt còn thêm cổ kiêu ba ngấn…ghét đen thui đen thủi !
Một lần chúng tôi đi bộ còn cách nhà chừng 8 Km thì trời đã gần sập tối . Cả bọn gồm 5 nữ,một nam . Tất cả đều mệt nhọc lê từng bước không biết đến khi nào mới về tới nhà . Rồi một xe than trờ đến , tất cả chúng tôi quên hết ngượng ngùng mà đều giơ tay lên vẫy . Người lái xe dừng lại hất hàm ra hiệu : Leo lên thùng . Cả bọn mừng hết sức đun đẩy đỡ nhau leo lên . Ngồi yên chỗ, tưởng xe chạy luôn nhưng bất chợt người lái xe mở cửa nhảy xuống đường nhìn lên và ra lệnh : “ Cậu kia đi xuống” ! Chúng tôi tái mặt van vỉ : “ Anh thông cảm , thùng xe vẫn còn rộng mà ! Trời tối rồi nếu bạn em đi một mình rất nguy hiểm ! Anh làm phúc” ! “ Tôi bảo đi xuống” người lái vẫn cứng rắn nói vậy với bộ mặt lạnh tanh ! Tất cả chúng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi quyết định : “ Tất cả cùng xuống đi bộ với nhau” ! Nhưng Q, người bạn trai bị đuổi xuống nói với chúng tôi bằng giọng như nghẹn lại: “ Thôi, các cậu về và gọi anh tớ đi đón tớ ! Nếu tất cả cùng xuống ở đây thì chúng mình không đủ sức về nhà đâu” ! Thật đắng lòng nhưng đó là cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này khi tất cả đã kiệt sức ! ( Ồ, sao ở tuổi trăng tròn tràn đầy sức sống mà chúng tôi khi đó yếu thế nhỉ ) ? Rồi Q nhảy xuống xe , lủi thủi một mình đi tiếp . Mấy đứa chúng tôi ngồi nép vào một góc nhìn thùng xe trống rộng mênh mông thừa sức chứa được vài chục người mà không ai thốt nổi câu gì . Tất cả im lặng quay đầu nhìn lại màn trời chiều tối đang nuốt dần hình bóng cô đơn của Q rồi tất cả chúng tôi thầm lén đưa tay lên lau nước mắt !!!
Tôi còn nhớ một mẩu chuyện VUI ??? của ngày đó về hoạt cảnh vẫy xe đi nhờ . Xin thuật lại nguyên văn:
 “ Anh ơi ! Cho em đi nhờ xe với”?
“ E hèm, lên ca bin”
“ Còn bố em nữa” ?
“ Lên thùng”
“ Còn nhà em nữa”?
 “ Đi bộ” !!!
Với người ngoài cuộc thì có thể đây là mẩu chuyện vui nhưng với tôi, có thể tôi không cười nổi !

Sunday, September 2, 2012

Mùa Tựu Trường minhthanh-viet-ca.blogspot.com Tuần trước, nhận được mail của anh hiệu trưởng cũ , anh nhắc tới mùa khai trường . Thế là ba tháng hè đã trôi qua , hoa Phượng vẫn còn đỏ nhưng tiếng ve đã thưa thớt . Khí trời dịu hẳn đi và lá bớt xanh màu bóng bẩy để chuẩn bị chuyển sang màu vàng . Thu chớm đến báo hiệu mùa tựu trường.
Còn nhớ mùa hè cuối cùng của tôi ở cuối năm học cấp ba . Những ngày thi cử bận rộn thế mà chúng tôi vẫn trao đổi viết lưu niệm về tình bạn dưới mái trường . Nghĩ lại những trang lưu bút của tuổi bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học, cao đẳng , trường đời … sao mà thương vậy . Ai cũng cố vắt óc ra tìm những ưu điểm của người bạn mình để chau chuốt từng dòng, từng chữ đầy thương mến dành cho nhau mặc dù thường ngày cũng chẳng mấy thân nhau ! Hình như người ta chỉ tìm thấy ưu điểm của bạn khi chuẩn bị xa cách ? Tôi còn nhớ một vài câu thơ phổ biến thời gian đó khi viết lưu niệm mà ai ai cũng tìm cách “ nhét” vào “bài” của mình cho nồng nàn, thắm thiết : “ Lưu niệm để rồi xa cách nhau . Trên đường ly biệt biết về đâu ? Trái đất tròn xoay ta gặp lại . Nắm chặt tay nhau nhớ buổi đầu”.
Ô hay, hình như tôi lại lạc đề ? Đang nói về mùa tựu trường lại chuyển sang mùa hè cũ ? Vâng , tôi xin sửa lỗi ! Nhưng mùa tựu trường còn in đậm trong trí tôi không phải là những lần tôi cắp sách tới trường mà là lần tôi xách va ly đến nhận công tác ở phòng giáo dục . Mấy đứa bạn quen biết nhau ở sư phạm được phân cồng về cùng phòng giáo dục nên đỡ bỡ ngỡ . Chúng tôi đứng bên lề đường ngay ngoài cổng trường sư phạm để đón xe đi. Thời gian đó, đón được xe buýt chở khách rất khó khăn vì người đông nhưng xe ít . Lúc nào xe cũng đầy ắp khách , mong kiếm được chỗ đứng còn khó nói chi đến chỗ ngồi . Đợi từ sáng sớm đến hơn hai giờ vẫn không có xe . Mấy đứa đánh liều vẫy xe vận chuyển hàng hóa, than.. cũng bị chê lên chê xuống ! Không người lái xe nào rủ lòng thương hại các cô giáo sinh sư phạm vừa tốt nghiệp mảnh mai ,ẻo lả đang mệt mỏi vì khát nước chịu nắng đợi xe ! Đang thất vọng não nề chợt thấy một xe mang biển “ Tập lái” của trường lái xe chạy đến . Tốc độ chạy rất chậm vì là học sinh lái . Cả bọn hy vọng nó dừng nhưng nó cứ lừ đừ chạy thẳng . Niềm hy vọng đã tắt thì đột nhiên có tiếng kêu lớn trên xe : “ Dừng lại, dừng lại. Em tao” ! Rồi tiếng xe phanh gấp , rồi xe đó từ từ lùi lại chỗ chúng tôi đứng ! Tất cả chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu đầu cuối ra sao thì người giáo viên nhảy từ trên xe xuống và gọi những học sinh của anh : “ Chúng mày không nhanh tay đỡ va ly cho các cô giáo lên thùng xe à” ? Và anh đi nhanh về phía tôi hỏi : “ Sao em không lên trường bảo cho anh biết , may quá, anh nhìn thấy em” . Người thầy dạy lái hôm đó là thầy dạy của em trai tôi . Tình cảm giữa anh và gia đình tôi rất thân thiết vì tuyến đường anh dạy học sinh tập lái chạy qua nhà tôi nên anh và những học sinh ở xe đó thường ghé nhà tôi ăn trưa , uống nước…do mẹ tôi khoản đãi nên anh coi chúng tôi như những người em trong gia đình . Anh hỏi tôi : “ Em muốn ngồi trong ca bin với anh và một cậu học sinh khác hay em muốn ngồi sau thùng xe cùng các bạn” ? Dĩ nhiên tôi chọn cách thứ hai . Anh còn dặn với chúng tôi : “ Ngồi cẩn thận nhé , học sinh lái nên sợ lắm” ! Chúng tôi cười rồi mấy đứa nhìn nhau thì thầm: “ Chúng mình cũng đang run như mấy cậu học sinh đang tập lái này”!
Tôi cũng còn nhớ hôm tôi một mình xách va ly vào cổng trường nơi tôi được phân công đến dạy ở đó . Tôi lên văn phòng trình giấy giới thiệu của phòng giáo dục cho anh hiệu trửởng mà chỉ mong anh ấy không nhận rồi gửi tôi đi trường khác vì trường tôi đến dạy ở nơi : “ Buồn như chấu cắn” !!!
 Tôi nói đùa vơi cô bạn đồng nghiệp cũ : “ Nếu mình vẫn ở cái trường ấy thì có lẽ bây giờ cũng trở thành ni cô” ! minhthanh-viet-ca.blogspot.com

Tình bơ vơ - Chế Linh - Thanh Tuyền ( pre75)