Friday, November 25, 2011


Black Friday

Hội Phố

Nhớ lại mới ngày này năm ngoái tôi ngồi gõ những dòng chữ nói về Black Friday . Vậy mà, đã một năm trôi qua . Hôm nay lại là Black Friday của năm 2011 ! Thời gian nhanh vùn vụt . Đời người mấy ai thọ trăm tuổi để có được 100 lần dạo shop vào Black friday ? Tối hôm qua, trong nhà , mọi người rủ nhau sau buổi làm thì Shopping mua hàng giá rẻ ! Tôi ngần ngừ, lưỡng lự ! Đi hay không ? Không đi thì tiếc ! Đi thì lại vác về những thứ nhiều khi đã có sẳn nhưng tham giá rẻ ! Có khi mua về còn vứt xó vì chẳng bao giờ dùng đến nhưng cứ mua vì không lẽ, người ta mua ào ào mà mình lại về tay không ? Cứ như bị một lực vô hình gì xui khiến khi đã bước chân vào cửa tiệm ngước mắt nhìn tấm biển to tướng từ 30% Off trở lên thì như bị thôi miên cứ thế mà nhặt hết món này đến món khác vì giá cả thấp! Suy tính mãi rồi quyết định không đi ! Nhất định không ! Tuy vậy, trong lòng vẫn cảm thấy xốn xang liền dạo shop online coi thiên hạ mua sắm ra sao ! Vừa vào trang nhất đã thấy một “ tấm gương” sáng ngời về một anh chàng bên Mỹ đã đóng lều trước cửa tiệm Best Buy từ tối hôm trước trong 10 năm qua để mua hàng giá rẻ ! Năm nay, anh ta được 32 cái xuân xanh . Nghĩa là, anh đã cắm trại qua đêm từ lúc anh ta 22 tuổi . Nếu học đại học thì có lẽ, ngày này của 10 năm trước , anh vừa tốt nghiệp đại học . Nghe nói, ngày Thanksgiving nào, cha mẹ anh cũng mang gà tây ra nơi con trai cắm trại để anh thưởng thức mùi vị Thanksgiving ở đó ! Đã 10 năm, anh chưa được hưởng trọn vẹn ngày lễ này tại nhà cùng gia đình bên bàn ăn thịnh soạn dưới ánh nến cạnh lò sưỏi ấm áp ! Chắc anh ta cũng chưa có bạn gái hoặc vợ vì người mang đồ ăn cho anh là cha mẹ ! Cô gái nào muốn sóng bước cùng anh thêm vài chục năm nữa để cùng mua hàng giá rẻ , xin mời ! Trông ảnh, thấy anh ngồi trước cái trại của mình với chiếc túi ngủ cùng nụ cười tươi rói.
Thực ra, đâu chỉ có ngày Black Friday người ta mới bán hàng hạ giá ? Thiếu gì những ngày khác . Tôi thấy mua hàng sau ngày giáng sinh nhiều lúc giá giảm tới 70% ! Hình như ít người chú ý đến điều này vì tiền đổ vào dịp gần giáng sinh hết rồi . Vả lại, nơi đây có cái lệ là cứ gần ngày lễ là đồ thực phẩm hạ giá . Từ thịt bò, thịt lợn, thịt gà tây, rau , quả … Hình như người ta hạ giá để ai cũng đủ điều kiện mua nhiều hơn thức ăn cho những ngày lễ chăng ? Tôi thường nhân những ngày này để mua hàng đống thực phẩm bỏ vào tủ đá ăn dần . Ăn hết, lại tiếp một ngày lễ khác lặp lại. Tôi thích nấu ăn nên chỉ để ý đến thực phẩm còn áo quần , son phấn , túi LV... gì đó dành cho các bà , các cô ưa thích thời trang .

Sunday, November 20, 2011

Những Ngày Xưa Thân Ái

( Nhớ lại một khoảng khắc đã từng đứng trên bục giảng )

Kỷ Niệm Học Trò

Tôi sinh ra ỏ một vùng nửa nông thôn, nửa phố lẻ thành thị. Trừ con đường tráng nhựa duy nhất nằm dọc thị trấn lèo tèo vài hàng quán, bến xe… có những xe vận tải, xe buýt chở khách chạy qua mang một không khí văn minh phố phường còn lại bọc quanh phố là những cánh đồng lúa bát ngát với người nông dân quanh năm đi chân đất, quần sắn quá đầu gối ,vai vác cày dong theo trâu ra đồng.. Những ngôi nhà may mắn nằm sát đường nhựa có đèn điện được gọi “phố” , ngoài ra, là nhà quê tuốt. Dù phố hay quê, đều cùng chung nghe tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy. Cái ranh giới không có gì rõ rệt nhưng tính cách của bọn trẻ con chúng tôi lại khác biệt lạ kỳ. Đi học, dân phố được xếp vào các lớp A ,B , dân quê thường là C ,D… Lực học càng rõ hơn, dân phố láu lỉnh, lười học, thông minh bao nhiêu thì dân quê chất phác ,chịu khó, trầm lặng bấy nhiêu. Thường thì dân quê học hết lớp 4 đã rụng quá nửa ở nhà giúp bố mẹ làm ruộng. Cố lắm, một số học hết lớp 7 rồi đi học ở các trường dạy nghề bậc sơ, trung cấp. Leo tới cấp 3 (lớp 8 đến lớp 10 ) lèo tèo vài mống là những “ tinh hoa” chắt lọc của nhà quê
Dân phố lại khác. dốt, giỏi gì cũng phải cố được bằng lớp 10, vào đại học ( mà phải là Y, Dược, Thương nghiệp …) Lúc đó, chúng tôi tâm niệm :” Nhất Y nhì dược, tạm được bách khoa…” Nếu tôi không chủ quan thì hầu hết đều ghi nguyện vọng số 1 là đại học Y khoa dù học giỏi, học dở, nhát gan, không dám nhìn máu chảy…Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng trước khi được khoe khoang với gia đình, họ hàng để có tờ đơn xin vào đại học ,chúng tôi phải vượt qua nhiều cửa ải. Cửa ải đầu tiên là thi vào lớp 8. Tôi không rõ tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 8 thời gian đó là bao nhiêu mà chỉ nhớ khi đã đựơc học lớp 8, mỗi khi ra ngoài đường thấy bà con ai cũng chỉ trỏ, trầm trồ bàn tán như một tấm gương sáng cho con cái họ noi theo. Tuy cố ra vẻ tỉnh bơ nhưng cảm giác tự hào vẫn không giấu được ở những cô cậu nhóc chuẩn bị bước sang tuổi 14,15 với niềm tin mãnh liệt mình đang chinh phục cả thế giới
Đó là bề ngoài, bề nổi của 1 cô cậu học trò cấp 3 lúc đó. Còn các thầy cô, khỏi nói cái tư cách nghiêm trang đạo mạo của họ ra sao khi tiếp xúc với phụ huynh. Tại thời điểm này, chúng tôi rất sợ thầy, cô và phụ huynh thì kính trọng họ. Ngày tết, dù nghèo bao nhiêu, các bậc phụ huynh cũng chọn những món quà quý nhất để biếu thầy, cô. Riêng chúng tôi, những cô, cậu học trò nhỏ lại rất ngượng ngùng khi phải trực tiếp thực hiện điều đó ! Đứa bạo dạn thì vào thẳng phòng thầy, cô đưa quà biếu sau khi lí nhí câu chúc tết. Đứa nhát gan có khi đặt quà lên bậc cửa rồi bỏ chạy… Hình như, sau khi được tuyển vào lớp 8 chúng tôi tự cho mình lớn hẳn lên, quan hệ thầy trò bớt khoảng cách. Những đứa trẻ lớp 7 hôm qua đã thấy mình như con nhộng thoát kén biến thành con bướm chuẩn bị bay xa. Chính thời gian này tính cách giữa dân phố và quê bộc lộ mãnh liệt hơn hẳn. Dân quê chuyên cần, con gái dịu dàng hơn thì dân phố càng ngổ ngáo nghịch ngợm cả nam lẫn nữ. Lần nọ, giờ học đầu tiên sau đợt nghỉ tết nguyên đán rơi vào tiết văn. Cả lớp tôi không ai soạn bài, tôi có bài soạn được nguệch ngoạc mấy dòng lấy lệ vài phút trước tiết học. Thầy dạy văn đi một lượt soát bài và buộc tẩt cả những người không soạn bài đứng lên, trừ tôi. Tôi sung sướng ngước nhìn bạn bè để tội nghiệp cho họ. Dường như đợi cho niềm vui của tôi ngấm nghía đủ, thầy mới dõng dạc kể tội những đứa lưòi và xót xa cho công lao vất vả nuôi con ăn học của các bậc phụ huynh. Sau bài diễn thuyết hùng hồn đó, thầy “ khen” :
- Tuy nhiên, ít nhất còn một em để ý đến soạn bài nhưng bài soạn quá sơ sài và cẩu thả, đó là 1 BÔNG HOA TÀN TRONG VƯỜN HOA THỐI RỮA. Khi nói câu này, thầy nhấn mạnh từ bông hoa, dừng lại một chút, quét mắt một vòng quan sát bao quát cả lớp, dĩ nhiên có tôi rồi mới hạ từ TÀN một cách khắc nghiệt. Nỗi hả hê của tôi vụt như miếng sắt nung đỏ bị thầy quăng tọt vào chậu nước lạnh.
Lần khác, cũng vào giờ văn , cả lớp không ai giải nghĩa được câu thơ:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại thư
Thầy kiên nhẫn giải thích rất kỹ lưỡng, bọn học trò chúng tôi nghe hết sức lơ đãng vì thơ Hán, Nôm khó nuốt và gần giờ tan học. Một số còn nói chuyện riêng, cưòi khúch khích làm thầy càng buồn lòng. Sau khi cả lớp đồng thanh trả lời đã hiểu, thầy kiểm tra vài người vẫn giải thích ấp úng, không rõ nghĩa. Rồi lại có tiếng cười từ cuối lớp kèm tiếng xì xào mong tiếng trống tan trường sẽ kết thúc buổi học đang hồi căng thẳng. Thầy làm ngơ tiếp tục gọi anh bạn ngồi cạnh tôi. Anh đã giải thích còn mập mờ hơn mấy người trước đó. Thay vì đỏ mặt, lúng túng như thường tình của bọn học trò không thuộc bài , anh lại nhăn trán, nhíu mày như như một nhà thơ chính cống đang tìm từ. Đợi anh vật lộn tìm tòi ý tửởng một lát, thầy nhẹ nhàng:
- Thôi, mời anh ngồi xuống, đừng đứng ỳ đấy ra cái điều ta đây suy nghĩ, SUY NGHĨ TRÊN CƠ SỞ MÙ TỊT.
Đúng là học trò, cả lớp lại có dịp cười ngả nghiêng cùng tiếng trống tan trường nổi lên rộn rã
Sau này, khi tôi đã tốt nghiệp sư phạm, Kỳ nghỉ hè về nhà chờ phân công công tác, gặp lại thầy trên con đưòng nhỏ ngày xưa dưói tàn phượng vĩ. Thầy nheo mắt hóm hỉnh:
- Cô học trò của tôi trưởng thành , chững chạc lắm rồi. Đã thấy yêu nghề chưa? Thầy không bao giờ quên được lớp 10 A các em đâu
Tôi cười:
- Thưa thầy, em cũng vậy. Bây giờ em mới thấy ngày xưa thầy nói đúng nên em muốn thầy dạy em thêm 1 bài học mà thầy còn thiếu chúng em.
Thầy ngạc nhiên:
- Bài học gì tôi còn thiếu ? Ngày xưa tôi đã dạy đủ và đúng giáo án cho các em rồi kia mà. Không thiếu một dấu chấm , phẩy nào cả , cô còn muốn bài học gì nữa đây ?
Tôi cười nhẹ:
- Dạ thưa, đây là bài học ngoài giáo án. Bài học về những câu “khuyên nhủ “ học trò của thầy ngày xưa đó. Em có chép vào sổ tay nhưng chưa đủ và cũng không sáng tác được nhiều từ “ác liệt” như thầy. Thú thực với thầy, khi đi thực tập, em thấy bọn học trò ngày nay “gấu” hơn chúng em lắm. Thế mới biết ngày xưa chúng em thật hiền.
Thầy cười sảng khoái:
- Vẫn chưa lớn được ! Còn trẻ con lắm, còn phải học nhiều. Nhưng thực ra, nhiều khi quá nghiêm trang sẽ tạo khoảng cách với học trò. Cứ yêu thương và dạy dỗ chúng như ước mơ của mình là đủ. Chúc cô thành công.
Chia tay thầy, đạp xe dọc con phố nhỏ tôi vẫn như nghe tiếng thầy bên tai:
- Vâng, các cô cậu ngày xưa “hiền “ lắm Tôi cũng mong cô gặp được những học trò như vậy và lúc đó, tôi sẽ dạy cho cô bài học tôi còn thiếu.

Thursday, November 17, 2011


Những Ngày Xưa Thân Ái

Chat

Hội Phố

Chat ( Không có dấu sắc) nhưng vẫn đọc : Chát - Một vị trong các loại quả xanh như ổi xanh chẳng hạn . Ngày còn tuổi học trò, nhà cô bạn tôi có cây ổi mọc cạnh bờ ao . Cành ổi trĩu quả la đà mặt nước . Mỗi khi tới nhà bạn, chúng tôi lại trèo lên cây ổi, chọn cành vững ngồi vắt vẻo vừa đọc truyện vừa ăn ổi . Hái nhầm quả xanh có vị chát ơi là chát . Cũng vẫn cô bạn cũ này , chúng tôi lại trở thành bạn chat của nhau sau một thời gian bặt tin vì mỗi đứa ở một phương trời cách biệt.
Số là vài tháng trước, cô nhờ facebook để làm bạn với tôi . Tôi confirm cái rụp. Mừng hết nói còn chần chờ gì nữa . Bạn từ lâu rồi , từ cái thuở học trò “ Nhất quỷ nhì ma” kia. Rồi cùng nhau “chat”. Chuỵên cũ, chuyện mới. Chuyện hôm qua, hôm nay và ngày mai ! Bẵng một thời gian , lại quên chat ! Cũng tại ông trời cả ! Sinh ra cái quả dất lớn đến nỗi nơi này là ngày thì nơi kia ban đêm đảo ngược nhau . Khi tôi hết giờ làm việc được thảnh thơi ôm máy chat thì cô bắt đầu tám giờ vàng ngọc ! Ngại lắm , mình ở đây quen không làm việc riêng trong giờ làm việc dù chẳng ai nhòm ngó đến ai ! Ai cũng vùi đầu vào lo cho xong phần việc của mình. Thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức khó bỏ dù cô trấn an công việc cô đã xong… Cứ yên tâm nhưng thực sự tâm không thể yên . Nhưng may mắn cũng có lúc chẳng còn chuyện gì mới mẻ ! Chuyện gia đình, chồng con ư ? Nói rồi ! Bạn cũ ư ? Nói rồi ! Tất cả đều đã : “ Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ! Rồi dần dần quên mất thói quen bật đèn sáng online ! Cho đến một hôm tình cờ gặp lại cô trên mạng . Cô ngỡ tôi đã bỏ thói quen đọc tin tức! (Đọc là thói quen luôn đi cạnh tôi từ khi tôi biết viết những bài tập làm văn ! Không! tôi nói với cô tôi vẫn đọc hàng đêm tất cả những gì có thể đọc được . Vẫn viết những gì bất chợt đến…) Cô hỏi tôi đi đâu bặt tăm ? Cô nói tìm tôi khó quá ! Ơ hay , cô có địa chỉ tôi mà ! Hàn huyên vài dòng, cô thông báo : “ Lớp mình chuẩn bị họp mặt , liệu mà về , ai cũng mong đấy ” ! Rất cảm động , vì đâu dám nghĩ ai còn nhớ tên mình nói chi tới mong ? Về họp mặt hay không ?
Cô cho số điện thoại của anh bạn cũ . Cái anh bạn học cùng tôi từ tuổi chin, mười tới khi cả hai đứa vào cao đẳng học cùng phân ban. Trước ngày nhập học, U anh xuống nhà tôi nhắn nhủ một câu làm con bé nở phồng hết cả mũi : “ Cháu học cùng trường EM thì để ý chăm sóc em giùm bác nhé” . Một bước được nhảy lên làm chị ai mà không sướng khi còn đang ở tuổi teen ? Nghe đâu vì chuyện này mà anh bạn tôi cằn nhằn U anh mãi: “ Cái con bé ấy mà là chị con” ? Hôm anh xách va ly xuống nhà tôi để cùng đón xe buýt lại đến lượt mẹ tôi gửi gắm: “ Cháu nhớ giúp đỡ EM cho bác” ! Tôi đỏ mặt vì tức , còn anh hất hàm ra điều anh cả : “ Cái va ly có nặng không ? Đưa đây tao xách cho”!
Nhờ cô bạn cho số điện thoại , tôi mới gọi cho anh vào một buổi tối thứ bảy đẹp trời . Cẩn thận hỏi tên “ cúng cơm” để xác nhận đúng anh tôi liền nổ máy : “ Có nhận ra ai gọi không” ? “ Không ! Ai đấy” ? “ Bạn cũ” ! “ Ai đấy nhỉ” ? “ Bạn cũ từ lớp bốn đến hết sư phạm ! Đang ở cách VN nửa quả địa cầu” ! “ Ô , anh reo lên , thật vậy sao ? Đợi niềm vui lắng xuống, tôi hỏi : “Đang làm gì vậy” ? “Đang uống rượu” ! “ Thật hay đùa”! “Đùa gì mà đùa” ! “ Uống cùng bạn ở cơ quan phải không” ? “ Không , uống cùng mấy anh bạn trong xóm” . “ Tại sao uống sáng sớm” ? “ Không có việc gì làm ngày nghỉ nên uống cho vui” ! Trời đất , uống cho vui , uống rượu ban ngày ? Người bạn năng nổ đầy nhiệt huyết ham học ham làm luôn xả thân vì bạn bè thời niên thiếu của tôi ngày xưa là đây sao ? Tôi thấy mắt mình như cay cay và lòng đầy đắng chát ! Ngày tôi ra đi , anh xuống nhà tôi chăm sóc và dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ tôi . Lúc nào chúng tôi cũng coi nhau như người nhà . Ngày rằm, mồng một mẹ tôi nấu xôi, chè cúng Phật . Khi cúng xong , ngồi ăn xôi, chè bao giờ anh cũng kính cẩn : “ Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần” . Mẹ tôi quí anh vì đức tin vào trời Phật chứ không “ vô đạo” như tôi . Khi anh chớm yêu một người , tôi đă vinh hạnh được anh hỏi ý kiến ! Tôi xin anh địa chỉ Email để tiện gửi thư và chat với nhau ! Anh cho biết nơi anh ở hiện nay chưa có điện ! Anh vẫn dùng đèn dầu ! Tôi nói đùa có phải cây đèn thần của Alađin không ? Anh cười nói chắc là nó đó . Tôi nói vậy sao anh không ước gì đi ! Anh hỏi ước gì ? Anh không muốn ước gì nữa cả ! Nghe giọng anh hình như đầy sảng khoái ! Có vẻ như anh vui khi xa lánh nơi thị thành anh đã từng sống thời thơ ấu . Anh như đang muốn lẩn trốn một điều gì ! Tôi nhớ mang máng hình như có lần , lâu rồi , trong một lá thư tay gửi cho tôi , anh buột than : “ Hạnh phúc là gì ? Mình đi tìm hoài mà chẳng thấy” ! Nói chuyện qua điện thoại rất khó nghe vì lẫn tiếng sóng biển ! Anh nhận xét: “ Nghe cậu nói chuyện vẫn như xưa , cậu không bao giờ thay đổi , Chắc cuộc sống của cậu hạnh phúc lắm” .Tôi ngẩn ngơ ! Tôi nhớ một câu thơ đọc từ bài báo nào đó : “ Hạnh phúc không ở thiên đình / Ở ngay bên cạnh người mình đang yêu”.

Sunday, November 13, 2011


Vịnh Hạ Long

Hội Phố

Nhà chị tôi ở trên đồi bệnh viện tỉnh . Chỉ cần băng qua đường quốc lộ là chúng tôi có thể lội xuống nước biển vịnh Hạ long để đùa nghịch và bắt những con điềm điệp nhiều vô kể bị mắc kẹt trên bãi cát khi nước biển rút xuống . Tôi còn sưu tầm rất nhiều những vỏ ốc lạ mắt , óng ánh sà cừ cũng như những cây san hô trắng tinh khiết đặt trên bàn học . Khi tôi đã đi làm , từ cơ quan tôi công tác về nhà chị khoảng 30 Km nên những ngày nghỉ, ngày lễ, tôi thường đến bệnh viện tỉnh , thăm gia đình chị và đưa các cháu ra bãi biển chơi . Có những đêm trăng lại cùng những người bạn của chị cũng là những y, bác sỹ, dược sỹ… làm cùng bệnh viện sang bãi cháy uống cà phê ở một quán thơ mộng chìm trong vườn đào đặt rải rác những cái bàn với vài ngọn đèn không quá sáng . Khoảng cách giữa các bàn đủ rộng cho người ta có một cảm giác riêng tư để nhâm nhi tách cà phê nóng vào lúc tiết thu mát mẻ cộng thêm gió biển thổi từ vịnh Hạ long làm cho con người khó tính đến mấy cũng thấy sảng khoái , yêu đời sau một ngày làm việc căng thẳng ! Dĩ nhiên, nếu bên cạnh mình là người trong mộng thì còn tuyệt vời biết bao nhiêu .
Năm 1975 , cậu em họ tôi viết thư từ Sài gòn mô tả cho tôi về cái hoa lệ của Sài thành và mong muốn chúng tôi vào thăm . Khi đó, tôi còn đang kỳ thi cuối chuẩn bị ra trường , giã từ nghiên bút . Bận học cho thi cử mà tôi cũng viết một lá thư dài thòng giới thiệu nơi tôi ở cho cậu nghe và ngỏ ý muốn cậu ra thăm : “ Kỳ quan thứ 8 của thế giới là vịnh Hạ long” ! Tôi không kể công đâu , cậu em tôi vẫn ở Sài gòn . Nếu cậu còn giữ lá thư đó thì đây là một minh chứng hùng hồn cho tiên đoán của tôi . Lúc đó, chúng tôi yêu vịnh Hạ long đến nỗi đã tự xếp nó là kỳ quan thứ 8 của thế giới ! Cậu em tôi cũng là một học trò có hạng . Cũng rất tế nhị nên cậu nói cậu chỉ biết có 7 kỳ quan thế giới và cậu chưa cập nhật sách vở nên chưa rõ đã thêm một kỳ quan nữa ! Tôi lại phải vòng vo tam quốc thanh minh thanh nga cho cậu hiểu lý do !
Vậy mà, hơn 30 năm sau , người yêu trong mộng ( Vịnh Hạ long ) của tôi được một tổ chức chính thức công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên trên giấy trắng mực đen . Với tôi , Vịnh Hạ long bao giờ cũng đẹp và thơ mộng từ ngàn xưa cho đến ngàn sau.. Chỉ tiếc, tôi chưa tự tay mình chụp được một tấm ảnh nào về “ người yêu trong mộng” của mình dù tôi đã từng ở bên nó biết bao năm tháng.


***

GreenCAPP

http://greencapp.com/

http://www.greencapp.com/

infor@greencapp.com

Wednesday, November 9, 2011


GreenCAPP

The future is now...

116 Lisgar Street, Suite 200
Ottawa, Ontario
Phone : (613) 860-1810
Fax : (613) 235- 8317


Túi đựng lunch hoặc những vật dụng cần thiết cho học tập như bút chì, compa… thường hay bị học trò quên ! Công ty GreenCAPP đã tạo những mẫu túi với màu sắc hấp dẫn cho từng lứa tuổi và mẫu mã đẹp mắt như túi xách thời trang với chất liệu vải bông . Bạn có thể mua túi này online . Mời bạn vào thăm trang : http://greencapp.com/ hoặc Facebook : www.greencapp.com/ để biết thêm chi tiết .
Email: infor@greencapp.com . Tel : (613) 860-1810.

Tuesday, November 8, 2011



Những Ngày Xưa Thân ÁiNói NgọngHội Phố

Nói ngọng là tại nước uống ? Từ nhỏ tôi đã nghe mọi người nói như vậy ! Chẳng thế mà trong làng trong xã, một người nói ngọng thì hầu hết những người khác cũng “rứa” ! Tôi còn được nghe chuyện có anh phóng viên đi điều tra việc gì đó ở một làng ngọng líu ngọng lo . Đã ngọng lại còn nói lắp ! Đi từ đầu làng đến cuối thôn kể cả vào ủy ban nói với những người chức quyền mà anh nhà báo vẫn không hiểu người ta nói gì ! Chán nản quá, anh định quay về tòa soạn thì may mắn gặp một thiếu nữ xinh đẹp trông dáng vẻ học thức . Cô chào anh thân thiện . Thấy vậy, anh hỏi một vài câu ngắn gọn thì cô trả lời lưu loát . Mừng quá , trước khi phỏng vấn , anh khen cô gái và cô hãnh diện khoe : “ Vâng , ai cũng bảo em xế (thế) ! Cả nàng ( làng) lày ( này) chỉ có mình em lói ( nói) thõi ( sõi)” !
Tôi cũng sinh ra ở nàng ( làng) lói (nói) ngọng ! Khổ cho tôi và các bạn cùng nớp (lớp) ! Chúng tôi nào có muốn thế đâu ! Tại cái giếng nước làng tôi bị ngọng ! Dạo học cấp ba , thầy dạy văn sửa ngọng cho chúng tôi. Thầy bắt phát âm chữ L và N ! Cả lóp trẹo họng uốn lưỡi theo thầy lúc được lúc không . Rồi thầy gọi lần lượt từng học trò lên “ biểu diễn” . Đứa bị đứng trên bảng với bộ mặt nhăn nhó , ngượng nghịu, xấu hổ còn những đứa ngồi dưới thì cười chọc dù đứa nào cũng ngọng như nhau . Gọi gần chục đứa ngang tài ngang sức , thầy chán quá . Thầy gọi tiếp nhưng không bắt lên bảng đứng mà chỉ hỏi : “ Em quê ở đâu” ? Trò trả lời : “ Thưa thầy, em quê Đông triều” thì thầy nói ngồi xuống .Cả lớp 50 đứa học trò làm thầy mệt nên cuối cùng thầy vắn tắt hỏi , trò vắn tắt trả lời : “ Quê đâu” ? “ Đông triều” . “ Ngồi xuống” ! Điệp khúc ấy diễn cho hết cả lớp . Thầy chán chúng tôi và sợ nghe đến mức chỉ hỏi quê quán là biết ai ngọng ai không !
Thế nhưng trời xui đất khiến thế nào mà tôi được gọi vào học sư phạm . Học cách dạy người ! Lo lắm nhưng không có chọn lựa . May sao , ở sư phạm cũng nhiều người ngọng như tôi nên chúng tôi được các thầy bắt uống thuốc chữa ngọng . Xin chép lại nguyên văn bài thuốc ấy : “ Leo lên lưng núi làng Nam. Lăm le lấy lá về làm nước nôi. Nước nôi lại nấu năm nồi. Uống vào khỏi ngọng xin mời các anh” ! Lúc đó, tôi không nhớ đã uống bao nhiêu nồi nước thuốc chữa ngọng nhưng bây giờ tôi có thể hãnh diện khoe rằng : “ Cả nàng ( làng) lày (này) chỉ có mình tôi Lói Thõi” !!!

Sunday, November 6, 2011


Lời Trẻ Con

Minh Thành

Bà bạn tôi có cô cháu ngoại rất xinh xắn, thông minh . Bà tự hào về cháu bà lắm. Đi đâu, gặp ai nếu có cơ hội là bà khoe ! Có người thích nghe nhưng cũng có người nghe miễn cưỡng vì … Không phải con cháu mình ! Mỗi lần như vậy , tôi thường nhắc nhẹ bà : “ Con ai mà chẳng giống cha , Cháu ai mà chẳng giống bà, giống ông” ! Bà thích lắm, cười tít mắt ! Nhưng rồi bà nghĩ ra , bà đập mạnh vào tay tôi : “ Không, cháu tao xinh và giỏi chứ không ngu như tao đâu" ! À , thì ra bà cũng biết bà Ngu ! Nhưng tôi muốn trêu bạn tôi thôi ! Bà chẳng ngu , bà chỉ tồ tồ một chút ! Chịu khó làm và có lòng tốt hay giúp người nên ai cũng quí , ít người ghét bà mà chỉ thỉnh thoảng khó chịu vì cái tật khoe… Cháu.
Nhưng khi tôi gặp cháu bà thì quả thật, cô bé còn đẹp cũng như thông minh hơn bà tả . Nhìn nó, tôi chỉ muốn bế nó thôi . Con bé rất dễ thương . Và khôn ngoan một cách khéo léo . Cô bé thích chơi với chó, mèo . Cô mới đi học Junior Kindergarten . Cô thỏ thẻ xin mẹ mua cho cô một con chó nhỏ để cô chơi . Mẹ cô không đồng ý vì bận rộn công việc nên không có thời gian chăm sóc chó . Cô bé phụng phịu một hồi rồi cũng can đảm OK , con không đòi mua chó nữa ! Tưởng cô bé đã quên hẳn ý đinh ngây thơ này vì sau lần đó , cô không hề nhắc lại điều mình mong muốn . Bất chợt một hôm , trong lúc mẹ cô chải tóc cho cô . Cô đã thản nhiên nói : “ Mẹ biết không, sau này, nếu con có con gái , con sẽ mua cho con gái của con một con chó nhỏ ”! Bà mẹ trẻ ngẩn người ra một lúc nhưng sau đó khéo léo giải thích cho cô con gái mới bốn tuổi của mình hiểu lý do vì sao bà không thể chiều theo ý con được . Dĩ nhiên , cô bé tỏ ra rất chững chạc vẫn luôn miệng OK và cũng không nằn nì hoặc khóc lóc . Có điều , bà mẹ trẻ này vẫn nghi ngờ không biết chính xác bộ óc non trẻ của đứa con mới bốn tuổi đó đang nghĩ gì ?