Sunday, November 20, 2011

Những Ngày Xưa Thân Ái

( Nhớ lại một khoảng khắc đã từng đứng trên bục giảng )

Kỷ Niệm Học Trò

Tôi sinh ra ỏ một vùng nửa nông thôn, nửa phố lẻ thành thị. Trừ con đường tráng nhựa duy nhất nằm dọc thị trấn lèo tèo vài hàng quán, bến xe… có những xe vận tải, xe buýt chở khách chạy qua mang một không khí văn minh phố phường còn lại bọc quanh phố là những cánh đồng lúa bát ngát với người nông dân quanh năm đi chân đất, quần sắn quá đầu gối ,vai vác cày dong theo trâu ra đồng.. Những ngôi nhà may mắn nằm sát đường nhựa có đèn điện được gọi “phố” , ngoài ra, là nhà quê tuốt. Dù phố hay quê, đều cùng chung nghe tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy. Cái ranh giới không có gì rõ rệt nhưng tính cách của bọn trẻ con chúng tôi lại khác biệt lạ kỳ. Đi học, dân phố được xếp vào các lớp A ,B , dân quê thường là C ,D… Lực học càng rõ hơn, dân phố láu lỉnh, lười học, thông minh bao nhiêu thì dân quê chất phác ,chịu khó, trầm lặng bấy nhiêu. Thường thì dân quê học hết lớp 4 đã rụng quá nửa ở nhà giúp bố mẹ làm ruộng. Cố lắm, một số học hết lớp 7 rồi đi học ở các trường dạy nghề bậc sơ, trung cấp. Leo tới cấp 3 (lớp 8 đến lớp 10 ) lèo tèo vài mống là những “ tinh hoa” chắt lọc của nhà quê
Dân phố lại khác. dốt, giỏi gì cũng phải cố được bằng lớp 10, vào đại học ( mà phải là Y, Dược, Thương nghiệp …) Lúc đó, chúng tôi tâm niệm :” Nhất Y nhì dược, tạm được bách khoa…” Nếu tôi không chủ quan thì hầu hết đều ghi nguyện vọng số 1 là đại học Y khoa dù học giỏi, học dở, nhát gan, không dám nhìn máu chảy…Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng trước khi được khoe khoang với gia đình, họ hàng để có tờ đơn xin vào đại học ,chúng tôi phải vượt qua nhiều cửa ải. Cửa ải đầu tiên là thi vào lớp 8. Tôi không rõ tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 8 thời gian đó là bao nhiêu mà chỉ nhớ khi đã đựơc học lớp 8, mỗi khi ra ngoài đường thấy bà con ai cũng chỉ trỏ, trầm trồ bàn tán như một tấm gương sáng cho con cái họ noi theo. Tuy cố ra vẻ tỉnh bơ nhưng cảm giác tự hào vẫn không giấu được ở những cô cậu nhóc chuẩn bị bước sang tuổi 14,15 với niềm tin mãnh liệt mình đang chinh phục cả thế giới
Đó là bề ngoài, bề nổi của 1 cô cậu học trò cấp 3 lúc đó. Còn các thầy cô, khỏi nói cái tư cách nghiêm trang đạo mạo của họ ra sao khi tiếp xúc với phụ huynh. Tại thời điểm này, chúng tôi rất sợ thầy, cô và phụ huynh thì kính trọng họ. Ngày tết, dù nghèo bao nhiêu, các bậc phụ huynh cũng chọn những món quà quý nhất để biếu thầy, cô. Riêng chúng tôi, những cô, cậu học trò nhỏ lại rất ngượng ngùng khi phải trực tiếp thực hiện điều đó ! Đứa bạo dạn thì vào thẳng phòng thầy, cô đưa quà biếu sau khi lí nhí câu chúc tết. Đứa nhát gan có khi đặt quà lên bậc cửa rồi bỏ chạy… Hình như, sau khi được tuyển vào lớp 8 chúng tôi tự cho mình lớn hẳn lên, quan hệ thầy trò bớt khoảng cách. Những đứa trẻ lớp 7 hôm qua đã thấy mình như con nhộng thoát kén biến thành con bướm chuẩn bị bay xa. Chính thời gian này tính cách giữa dân phố và quê bộc lộ mãnh liệt hơn hẳn. Dân quê chuyên cần, con gái dịu dàng hơn thì dân phố càng ngổ ngáo nghịch ngợm cả nam lẫn nữ. Lần nọ, giờ học đầu tiên sau đợt nghỉ tết nguyên đán rơi vào tiết văn. Cả lớp tôi không ai soạn bài, tôi có bài soạn được nguệch ngoạc mấy dòng lấy lệ vài phút trước tiết học. Thầy dạy văn đi một lượt soát bài và buộc tẩt cả những người không soạn bài đứng lên, trừ tôi. Tôi sung sướng ngước nhìn bạn bè để tội nghiệp cho họ. Dường như đợi cho niềm vui của tôi ngấm nghía đủ, thầy mới dõng dạc kể tội những đứa lưòi và xót xa cho công lao vất vả nuôi con ăn học của các bậc phụ huynh. Sau bài diễn thuyết hùng hồn đó, thầy “ khen” :
- Tuy nhiên, ít nhất còn một em để ý đến soạn bài nhưng bài soạn quá sơ sài và cẩu thả, đó là 1 BÔNG HOA TÀN TRONG VƯỜN HOA THỐI RỮA. Khi nói câu này, thầy nhấn mạnh từ bông hoa, dừng lại một chút, quét mắt một vòng quan sát bao quát cả lớp, dĩ nhiên có tôi rồi mới hạ từ TÀN một cách khắc nghiệt. Nỗi hả hê của tôi vụt như miếng sắt nung đỏ bị thầy quăng tọt vào chậu nước lạnh.
Lần khác, cũng vào giờ văn , cả lớp không ai giải nghĩa được câu thơ:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại thư
Thầy kiên nhẫn giải thích rất kỹ lưỡng, bọn học trò chúng tôi nghe hết sức lơ đãng vì thơ Hán, Nôm khó nuốt và gần giờ tan học. Một số còn nói chuyện riêng, cưòi khúch khích làm thầy càng buồn lòng. Sau khi cả lớp đồng thanh trả lời đã hiểu, thầy kiểm tra vài người vẫn giải thích ấp úng, không rõ nghĩa. Rồi lại có tiếng cười từ cuối lớp kèm tiếng xì xào mong tiếng trống tan trường sẽ kết thúc buổi học đang hồi căng thẳng. Thầy làm ngơ tiếp tục gọi anh bạn ngồi cạnh tôi. Anh đã giải thích còn mập mờ hơn mấy người trước đó. Thay vì đỏ mặt, lúng túng như thường tình của bọn học trò không thuộc bài , anh lại nhăn trán, nhíu mày như như một nhà thơ chính cống đang tìm từ. Đợi anh vật lộn tìm tòi ý tửởng một lát, thầy nhẹ nhàng:
- Thôi, mời anh ngồi xuống, đừng đứng ỳ đấy ra cái điều ta đây suy nghĩ, SUY NGHĨ TRÊN CƠ SỞ MÙ TỊT.
Đúng là học trò, cả lớp lại có dịp cười ngả nghiêng cùng tiếng trống tan trường nổi lên rộn rã
Sau này, khi tôi đã tốt nghiệp sư phạm, Kỳ nghỉ hè về nhà chờ phân công công tác, gặp lại thầy trên con đưòng nhỏ ngày xưa dưói tàn phượng vĩ. Thầy nheo mắt hóm hỉnh:
- Cô học trò của tôi trưởng thành , chững chạc lắm rồi. Đã thấy yêu nghề chưa? Thầy không bao giờ quên được lớp 10 A các em đâu
Tôi cười:
- Thưa thầy, em cũng vậy. Bây giờ em mới thấy ngày xưa thầy nói đúng nên em muốn thầy dạy em thêm 1 bài học mà thầy còn thiếu chúng em.
Thầy ngạc nhiên:
- Bài học gì tôi còn thiếu ? Ngày xưa tôi đã dạy đủ và đúng giáo án cho các em rồi kia mà. Không thiếu một dấu chấm , phẩy nào cả , cô còn muốn bài học gì nữa đây ?
Tôi cười nhẹ:
- Dạ thưa, đây là bài học ngoài giáo án. Bài học về những câu “khuyên nhủ “ học trò của thầy ngày xưa đó. Em có chép vào sổ tay nhưng chưa đủ và cũng không sáng tác được nhiều từ “ác liệt” như thầy. Thú thực với thầy, khi đi thực tập, em thấy bọn học trò ngày nay “gấu” hơn chúng em lắm. Thế mới biết ngày xưa chúng em thật hiền.
Thầy cười sảng khoái:
- Vẫn chưa lớn được ! Còn trẻ con lắm, còn phải học nhiều. Nhưng thực ra, nhiều khi quá nghiêm trang sẽ tạo khoảng cách với học trò. Cứ yêu thương và dạy dỗ chúng như ước mơ của mình là đủ. Chúc cô thành công.
Chia tay thầy, đạp xe dọc con phố nhỏ tôi vẫn như nghe tiếng thầy bên tai:
- Vâng, các cô cậu ngày xưa “hiền “ lắm Tôi cũng mong cô gặp được những học trò như vậy và lúc đó, tôi sẽ dạy cho cô bài học tôi còn thiếu.

No comments:

Post a Comment