Thursday, April 19, 2018

                      Gà Không Lối Thoát


Cô sinh viên du học nhớ nhà thả hồn vào trang mạng đọc tin. Cô reo lên khi nhìn thấy món ăn các bạn sinh viên  cùng phòng đãi cô vài tháng trước khi cô sang đây du học! Hương thơm, vị ngọt, độ giòn đầy hấp dẫn của " Gà không lối thoát" qua lời cô bình phẩm thật hấp dẫn. Tôi lập tức phác ngay kế hoạch nhốt gà kiểu này vào ngày nghỉ cuối tuần để thưởng thức! Tài nội trợ thế nào mà xôi ít gà nhiều! Lỡ rồi biết sao đây? Bọc đi nắn lại kiểu gì vẫn... còn nhiều lối thoát! Đành tặc lưỡi an ủi thôi thì để ít không khí cho nó... thở. Thả nó vào chảo mỡ nhiệt độ thấp nó chín vàng ươm trông ngon mắt nhưng thời gian quá lâu nên nó... không mềm mại! Đấy là nói nhẹ chứ thực tình thì gạo nếp hạt dài không mềm dẻo như gạo hạt tròn nên xôi  đã khó bọc lại khô gặp mỡ đun nhỏ lửa ngâm nó quá lâu nên nó... nhớ chồng! Nó "vọng Phu" nó ... hóa đá có khổ không hở trời? Tôi giải quyết bằng cách dùng chày đập nó vẫn trơ trơ! Xin mời cả nhà ngắm cho... vui mắt!

Monday, April 16, 2018

                                                             Bão Băng Mùa Xuân



Chuông báo thức reo! Nhìn khung cửa kính tối mờ mờ chưa có chút le lói bình minh! Giật mình nhớ lời cảnh báo hôm qua của ông thời tiết về mưa đá! Với chiếc cell phone  nhìn vào thấy anh FB nhanh nhảu báo tin thời tiết giờ phút này tại Ottawa! Anh không quên nhắc nhở cầm ô đi làm! Vào trong bếp mở tung cửa nhìn ra ngoài sân sau. Không gian mờ mịt với những hạt đá rơi lộp độp trên mái kính che vườn sau nhà. Gió giật cây ngả nghiêng trĩu nặng những hạt đá bám đông cứng vào cành. Nền đường  đi bộ trơn trượt.  Xe rải muối mới kịp rải trên những đường chính nơi người đi bộ đông đảo! Đường phụ ít người đi phải chịu thiệt thòi chờ xong đường lớn. Người đi bộ trên những con đường này thường   khắc phục bằng cách... Nhảy Tango! Ơi mùa xuân Ottawa!


Kính cửa sổ

Saturday, April 14, 2018


Dịu Dàng


Chứng  kiến màn  khẩu chiến bất phân thắng bại của đôi uyên ương... Già . Cô gái trẻ ngây thơ nhận xét : "  Nếu bà vợ cứ dịu dàng ngọt ngào thì làm gì có chuyện cãi cọ xảy ra"? Tôi hỏi lại : " Tại sao cháu biết bà vợ không muốn dịu dàng, ngọt ngào"? Cô trả lời : " Cháu chứng kiến từ đầu nên cháu biết! Bà toàn dùng những lời thô tục, nặng nề khiêu khích khiến ông chồng nổi cáu rồi cả hai cùng mất bình tĩnh , cùng ăn miếng trả miếng cho nhau không bên nào chịu bên nào! Cháu thấy nếu người phụ nữ  lúc nào cũng dịu dàng thị không khí gia đình sẽ đầm ấm, vui vẻ. Sau này có gia đình , cháu sẽ giữ gìn hạnh phúc của mình bằng cách đó"!
 Tôi nhìn vào đôi mắt trong veo của cô bé biết cô nói rất thật lòng! Thật lòng như hầu hết tất cả những cô gái trẻ mới bước chân vào đời! Thật lòng như tâm trạng của tôi khi tôi bằng tuổi cô! Cô đang vẽ một bức tranh gia đình đầy màu hồng giống như  tôi và những cô gái khác  đã từng vẽ với quyết tâm sẽ : Không- giống- người- đàn- bà- kia !
Ở lứa tuổi cô, tôi từng có cái nhìn như cô! Tôi luôn phê phán kịch liệt những người đàn bà thiếu dịu dàng! Tôi luôn cho rằng nét duyên dáng nhất của người phụ nữ là ngọt ngào, mềm mại ! Nó tạo lên sự khác biệt giữa Nam và Nữ! Nó là đặc tính " trời cho"  người phụ nữ! Không có nó, người phụ nữ chẳng khác gì nam giới! Thế nên, tôi rất hiểu cô! Tôi thầm mong cô đạt được giấc mơ màu hồng của mình.
Tôi không may mắn nên chỉ được chứng kiến một người phụ nữ như vậy! Độ dịu dàng, ngọt ngào của chị tăng dần theo năm tháng! Nhà chị không chỉ là túp lều... lý tưởng  như hầu hết chúng ta mà là một... mansion! Chị cho tôi xem ảnh vườn nhà chị và mời tôi ghé thăm khi có dịp! Tôi chẳng bao giờ " Có dịp"  vì tôi nhận thấy ranh giới khác biệt giữa chúng tôi dù tôi biết anh chị thật tình và họ không bao giờ để ý đến điều đó!Tuy nhiên, tôi rất tiếc mình đã bỏ lỡ cơ hội ngắm 1000 bông Tulips đủ màu sắc trong vườn nhà chị uốn lượn tuyệt mĩ theo cây cầu cong sơn trắng tô điểm bởi hàng trăm khóm hồng! Và liễu, và thông... Riêng thông vườn nhà chị sơ sơ có...100 cây ! Chị biết chính xác số lượng thông vì : " Chị không tự trồng được thông mà phải thuê  công ty nên chị nhớ"! Chị nói : " Những ngày ấm hết giờ làm anh  về nhà anh chị  ra vườn ngồi ngắm hoa nhiều hôm quên cả nấu ăn! Cứ ngồi mãi ngoài vườn  chẳng muốn vào nhà, em ạ"!
Nhìn chị và tôi say mê ngắm ảnh vườn hoa, ảnh chị chăm bón, thư giãn  trong vườn hoa do chồng chị chụp. Anh chồng ( lứa tuổi 70 hiện tại) cười hiền hậu và âu yếm nhìn vợ! Anh bảo tôi : " Em đến thăm vườn nhà anh chị đi! Tha hồ cho em chụp ảnh".
Anh là người có chỗ đứng tốt trong xã hội và rất bình dân nên hầu hết người Việt ở Ottawa đều biết anh chị và ai cũng nhận xét : " Bà ấy lúc nào cũng tươi như hoa vì được chồng yêu chiều như ngày mới cưới"!
Thực ra, những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn  anh chị không ít nhưng giữ đuợc hạnh phúc ngọt ngào như anh chị quả là có thể đếm trên đầu ngón tay!
Nếu cô gái với đôi mắt trong veo ngây thơ kia phê phán những người phụ nữ đã đánh mất nét dịu dàng, ngọt ngào thời con gái thì tôi lại lên án những người đàn ông đã lấy cắp và hủy diệt cái ngây thơ, duyên dáng ngọt ngào của người phụ nữ! Đáng buồn thay họ không hề biết điều này mà họ lại ngạc nhiên không hiểu tại sao người  bạn đời của họ lại thay đổi tính khác hẳn cô thiếu nữ duyên dáng, e lệ  năm xưa họ đã từng yêu?


Monday, April 2, 2018



Những nghi vấn về TTKH và Hai Sắc Hoa Tigon


Hai sắc hoa Tigon đi vào lòng người kể từ khi bài thơ được đăng trên Tiểu thuyết thứ bẩy vào giữa năm 1937 đến tận bây giờ! Rất nhiều giả thuyết phỏng đoán về tác giả bài thơ này nhưng nhìn chung, hầu như mọi ý kiến đều cho rằng tác giả là nữ và tên là Trần Thị Khánh! Xin nhắc lại những câu thơ đã làm cho chúng ta chắc chắn tác giả PHẢI LÀ NỮ:

" Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng" ( Hai sắc hoa Tigon)!

 " Biết đâu tôi một tâm hồn héo?
 Bên cạnh chồng Nghiêm luống tuổi rồi!" ( Bài thơ thứ nhất)!

 " Tháng ngày miễn cưỡng em đan
 Kéo dài một chiếc áo Lam cho chồng" (Bài thơ đan áo)!

 " Chỉ có ba người được đọc riêng
 Bài thơ đan áo của chồng em" ( Bài thơ cuối cùng)

Thì rõ ràng nội dung và cách xưng hô trong cả bốn bài thơ đều thể hiện tác giả là phụ nữ nhưng có ai cấm tác giả nam giới giả danh phụ nữ để làm thơ tình đâu?
Riêng tôi có một vài nghi vấn về vấn đề này! Thứ nhất, nếu TTKH là nữ đã từng yêu một thi sĩ ở cái thời " Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" thì cái chuyện yêu đương lén lút bà phải giấu không cho cha mẹ biết! Nhất là khi đã có chồng càng phải chôn kín vĩnh viễn điều này vì nếu lộ ra, vị thế của người vợ, người con dâu trong gia đình sẽ ra sao ? Đó là chưa kể , gia đình cha mẹ bà cũng như bị vết bùn nhơ làm vẩn đục nề nếp, gia phong của gia đình "lễ giáo" ! Mấy bài thơ của bà chứng tỏ bà có nền học vấn vững chắc và có lẽ bà thừa thông minh để không làm chuyện dại dột! Mà giả sử có dại dột đi nữa thì cũng chỉ một lần mà thôi! Đằng này, bà có tới 3 bài thơ do bà tự nguyện gửi đăng (chỉ riêng bài Đan áo do nhà thơ Thâm Tâm tự đăng) ! Không lẽ chồng bà không biết chữ? Lại nữa, nếu tên bà là Trần Thị Khánh như mọi người nói thì tuy bà không viết thẳng tên mà viết tắt nhưng những chữ viết tắt ấy chỉ khó đoán cho kẻ ngoại cuộc còn người trong cuộc không lẽ chẳng nghi ngờ? Vô lý, ngay bài thơ Hai sắc hoa Tigon bà đã cho chúng ta biết:
 " Chồng tôi cũng biết tôi thương nhớ
 người ấy, cho nên vẫn hững hờ"!
 Nghĩa là chồng bà biết bà đã có người yêu và tỏ thái độ lạnh nhạt mà bà vẫn công khai chuyện tình cũ giữa thanh thiên bạch nhật khác gì bà đổ thêm dầu vào lửa để thiêu đốt gia đình nhỏ của bà cho dù bà chẳng có tình yêu với chồng? Có người đàn ông nào có thể chịu đựng được vợ của mình lại công khai bày tỏ tình cảm với người xưa cũ ? Có người phụ nữ nào dám công khai phô bày tình yêu của mình với người yêu cũ cho thiên hạ mổ xẻ? Thời đại chúng ta đang sống bây giờ cởi mở hơn, nam nữ kết hôn phần lớn có tình yêu nhưng đã mấy người dám nói thật tình cảm nồng thắm về người cũ của mình cho vợ ( chồng) biết? Thế mà thập niên 1937 TTKH đã thổ lộ tình cảm sâu đậm nhớ nhung vẫn dành cho Người ấy trên mặt báo:
" Tôi biết làm sao được hỡi trời
Giận anh không nỡ nhớ không thôi" ( Bài thơ cuối cùng)
Có chồng vẫn nhớ người xưa cũ! Chuyện tình cảm ai cũng vậy nhưng nỗi nhớ ấy có ai dám phô bày! Lại còn cho chồng và thiên hạ biết trong tim mình chỉ dành chỗ cho người đàn ông không phải là chồng! Các đấng nam nhi thời nay làm ơn cho tôi biết là các ngài có chịu đựng được điều này không? Có những cặp đã chung sống gần nhau tới đầu bạc , con cháu đầy nhà mà thấy phe kia tự dưng thẫn thờ là đã cảm thấy bị tổn thuơng, bị xúc phạm. .. Quá khứ của người bạn đồng sàng dù dấu kỹ cách mấy cũng bị phanh phui! Chỉ cần một câu nói bóng gió hoặc một sự trùng lặp vô tình được nhắc lại cũng khiến cho phe này giật mình còn phe kia ... hậm hực cho " Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt"! Rồi thì đứa ngủ trên giường, đứa nằm... xó bếp chẳng muốn nhìn mặt nhau. Gay cấn thế nên phần lớn người ta tránh nhắc lại chuyện cũ để khỏi làm tổn thương lẫn nhau. Trong nhà đã vậy, ngoài ngõ lại càng phải né tránh tuyệt đối vì sự dị nghị của thiên hạ như một nỗi nhục không thể rửa được liên lụy đến cả cha mẹ, con cái... Thế nhưng, TTKH lại " loa" cho cả thiên hạ biết CHUYỆN CŨ CỦA MÌNH ! Công khai cho thiên hạ biết mình không có tình yêu với chồng mà trong tim chỉ dành chỗ cho Người ấy! Có người chồng nào chịu được nỗi nhục này và có người vợ nào dám bày tỏ nỗi lòng mình theo kiểu này trước bàn dân thiên hạ?

" Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người" ( Hai sắc hoa Ti gôn)

 " Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ
Người ấy ghi lòng : " Vẫn nhớ em!" ( Bài thơ thứ nhất )

 " Tuy thế, tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa, than ôi
Biết đâu tôi một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!" ( Bài thơ thứ nhất)

" Ai đem lễ giáo giam em?
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời..." ( Bài thơ cuối cùng)

Tôi biết luận bàn về đề tài này phải dành cho những bậc kiến thức thâm sâu với những tập tài liệu nghiên cứu khổng lồ may ra mới tìm được câu trả lời! Các nhà văn, thơ, trí thức... đã đào bới từ sau khi " Hai sắc hoa Ti gôn" được đăng năm 1937! Lúc đó, nhân chứng, vật chứng còn nóng hổi mà họ phải bó tay thì thế hệ chúng ta chỉ làm công việc " khảo cổ" xem xét, phỏng đoán tàn dư lại không có máy móc dò tìm thì kết quả sẽ như thế nào? !
 Vẫn biết TTKH là thật, chuyện tình là thật! Thật không phải riêng cho TTKH mà nó như là mẫu số chung cho rất nhiều người ! Là chuyện tình đẫm nước mắt của những cặp yêu nhau rồi phải xa nhau ! Kết cục có thể khác nhau nhưng cái màn thương nhớ tưởng có thể chết được khi xa nhau lại rất thực! Vì rất thực nên ai cũng nhìn thấy hình bóng mình trong " Hai sắc hoa Ti gon" để khóc thương cùng nó! Chỉ một điều duy nhất riêng TTKH viết về nó hay nhất, trung thực nhất, phản ánh đúng tâm trạng nhất nên những người cùng hoàn cảnh tìm thấy mình trong đó rồi khóc thương cho mình , cho người...
 Một người thông minh như TTKH ở bối cảnh này không thể tự tay giáng cho mình, cho chồng, cho thân nhân một cái tát! Không dám sỉ nhục dòng họ cả hai bên! Đã cam lòng theo sự sắp đặt của gia đình bà phải ép lòng chịu đựng cho hết cuộc đời! Bà đã không dám phản kháng! Không dám tháo tung dây buộc bằng cách ly dị! Cách giải phóng cuộc đời mình đơn giản nhất mà bà không dám thực hiện thì liệu bà có dám công khai cuộc tình để dồn mình và thân nhân vào đường cùng không? Hiểu nỗi lòng bà nhiều nhất là chồng bà, "Người ấy" và gia đình bà! Có thể một vài bạn thân thích của bà nữa! Bà không viết bài thơ này! Chồng bà dĩ nhiên không và gia đình lại càng tuyệt nhiên không thể " Bôi gio trát trấu" vào mặt mình và làm tan vỡ gia đình con gái! Và cũng chẳng ai cấm được " Người ấy" của bà viết vì uất hận cho cả hai hoặc viết vì " Không ăn được thì đạp đổ"!?...
Riêng tôi, tôi không tin, không bao giờ tin một người phụ nữ bình thường có thể thổ lộ tình yêu cũ vẫn "dấu trong tim" của mình trước công luận nói chi đến việc công khai tỏ cho thiên hạ biết mình không có chỗ nào trong tim dành cho chồng!!