Sunday, January 17, 2016

Thất Tình Ta Lại Làm Thơ Thất Tình
Tôi biết thơ từ khi tôi mới chừng bảy , tám tuổi! Cái độ tuổi chưa biết chi chi! Số là bố tôi lúc đó kiêm nhiều nghề lắm. Ngòai nghề chính là trạm trưởng bệnh xá thị trấn lại thêm tiệm thuốc đông y, châm cứu gia truyền đã mấy đời mở tại nhà! Rồi phụ trách văn thể ở thị trấn. Sáng tinh sương đã khua cả nhà dậy ra đường tập thể dục cùng mọi người theo tiếng loa của ủy ban . Món thể dục buổi sáng này tôi và tất cả bọn trẻ con cùng lứa ghét lắm! Mắt còn cay xè đã bị thốc dậy… Thể dục! Cái “món” tôi ưa nhất trong mớ công việc bề bộn của bố tôi là món báo tường. Văn phòng ủy ban thị trấn đối diện nhà tôi có một bức tường dành cho thơ văn . Bố tôi là người phụ trách mục này nên các văn, thi sĩ thị trấn hay tụ tập ở nhà tôi sáng tác, lựa chọn bài… cho số mới. Mỗi khi họ bình thơ, tôi thường luẩn quẩn cạnh đó…nghe ngóng, chờ cơ hội! Không phải tôi nghe thơ, văn ( đã biết gì mà nghe) !Tôi chỉ chăm chú nhìn những cái bút tô màu họ dùng vẽ, viết cho báo tường rồi tranh thủ…mượn để vẽ tranh cho mình! Thấy tôi luôn “rình rập, nhìn trộm” các cụ họp bàn, bố tôi liền phân công cho tôi việc điếu đóm, pha trà, bưng nước, quét nhà ! Thế rồi, tôi chính thức được “nhập” vào làng văn của bố khi nào chẳng hay với chức vụ thằng mõ!
Trên trang FB bạn tôi bây giờ nở rộ hoa thơ. Nhìn vườn nhà người hoa khoe sắc thắm mà buồn cho cảnh đìu hiu vườn mình! Vắt tay lên trán suy nghĩ cách trồng  rồi oán trách nàng thơ bất công! Chẳng gì tôi cũng đã từng là thành viên làng văn thơ của bố từ thuở " Ăn chưa no, lo chưa tới"! Vậy mà! “ Không có việc gì khó”! Ồ nhỉ, tại sao mình quên mất điều này? Nhưng chẳng lẽ bây giờ lại cắp sách đến trường học … làm thơ? Lan man nhớ lại phong thái các nhà thơ nổi tiếng xưa nay đã trở thành giai thoại cho người đời nhắc nhở. Nào là chắp hai tay sau lưng ung dung đi bảy bước hoàn thành một bài thơ như Tào Thực! Nào là các “ Thơ sĩ” muốn sáng tác thơ phải có trăng thanh, gió mát, hoa thơm và bình rượu mới được nàng thơ yêu... Tôi liền ra ngồi cạnh mấy giò phong lan đang hé nụ để nghe ngóng ý thơ! Hoa đẹp nhưng thơ chẳng đến dù chỉ một từ! Đang chán nản thở dài sườn sượt thì chợt thoảng một hương thơm nhẹ nhàng cùng bóng hình yểu điệu như gió như sương mờ mờ ảo ảo nhẹ nhàng rót vào tai tôi: “ Thất tình ta lại làm thơ thất tình”! Rồi thôi! Nàng thơ đã vụt biến đi rồi! Tuy nhiên, nàng còn nhắn gửi: “Ai cũng có thể làm thơ nhưng chỉ những thi sĩ… thất tình mới tìm được áng thơ hay để đời”! Chân lý là đây, tôi reo lên mừng rỡ: “ Eureka, Eureka… Tìm ra rồi, tìm ra rồi”!
Hình như nàng thơ nói chẳng sai? Chúng ta cùng “điểm mặt” vài bài thơ đã đi cùng năm tháng.
Bài thơ đầu tiên tôi muốn đề cập đến của một nữ lưu! Nữ lưu này chưa bao giờ xuất hiện công khai dáng hình cũng như tên tuổi thật. Có giả thuyết còn cho tác giả là nam giới ẩn danh. Tôi ngả về phe khẳng định thi sĩ là nữ giới . Nếu không phải nữ thì sao có thể thốt lên: “ Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi người ấy có buồn không”? Tuy toàn bộ bài thơ không một lần tỏ rõ nhà thơ thất tình mà chỉ là nỗi buồn chán thất vọng khi phải sống cùng người mình chẳng yêu! Như vậy có thể gọi là thất tình hay không? Tuy nhiên ta cứ suy ra theo kiểu : “ Suy bụng ta” thì tôi xin khẳng định tác giả bài thơ đã thất tình lúc viết bài này! Không thất tình sao được khi đang ngóng dài cổ ra với hy vọng “ Tôi chờ người đến với yêu thương”! Lén lút trốn mẹ ra ngõ trông chờ bóng dáng “người ấy” thì bị mẹ chạy ra túm tóc lôi xềnh xệch về nhà ấn lên xe hoa cùng một người đàn ông lạ hoắc mà không có quyền phản đối! Không được nói “ No, No… Trăm lần không, vạn lần không” cũng không được quyền nài nỉ : “Xin mẹ thư thư để con đợi “ người ấy” ngỏ lời: “ I Love You” rồi con sẽ bỏ nhà, khăn gói theo người ta một cách tự nguyện, vui vẻ dù người ấy nghèo hèn… Xin mẹ đừng bắt con phải sống đời với người dưng”… Uất ức lắm chứ, nhất là nỗi riêng này thời trước phận má hồng cứ phải giấu kín trong tim! Vậy theo bạn, tác giả “ Hai sắc hoa tigon” có bị thất tình không?
Hầu như ai cũng nghĩ “ liễu yếu, đào thơ” ủy mị, dễ khóc, dễ cười còn nam nhi đường đường một đấng anh hùng khó rơi nước mắt! Không đâu, TTKH đâu có khóc dù bị ép lên xe hoa với người không phải chính “ người ấy”! Người đã ‘thút thít” trong thơ khi bị thất tình tôi biết là đấng nam nhi : “ Nghẹn ngào tôi khóc quả tôi thương nàng” ! Thương!? Không biết thương cỡ nào mà chỉ có dậu mồng tơi nhỏ xíu cũng không dám nhảy qua! Thua xa các cụ ngày xưa : “ Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ trăm sông cũng lội vạn đèo cũng qua”! Hay dậu mồng tơi nhà cô hàng xóm của thi sĩ Nguyễn Bính có gai ?
Bên Ta đã vậy, bên Tây thì sao? Tôi thấy cũng same, same! Chuyện xảy ra từ ngày xửa ngày xưa, người yêu có lẽ đã đi đầu thai từ bao giờ mà anh chàng tóc vàng mắt xanh vẫn còn thét lên : “ Lòng đau xé tưởng như điên như dại/ Mỗi lần tôi nhìn lại chiếc khăn san/ Ngày tôi còn trai trẻ sống lang thang/ Yêu say đắm một cô nàng Hy lạp” – Pushkin.
Tôi không còn nhớ thêm bài thơ hay nào được viết bởi thi sỹ thất tình nhưng các cụ nhà mình nói; “ Quá tam ba bận” ! Ba dẫn chứng trên đã đủ để chứng minh lời nói của nàng thơ nhắn gửi tôi : Thi sĩ thất tình mới có thơ hay!
Lâu đài Boldt (Boldt castle) do ông Boldt ở New York xây tặng vợ năm 1900 vì thấy vợ thích nơi này. Lâu đài chưa hoàn thành thì vợ ông qua đời. Ông buồn bỏ đi và không quay lại nơi này một lần nào nữa!

No comments:

Post a Comment